Trần Đại Nghĩa - “Ông Phật làm vũ khí”

 10:23 | Thứ hai, 04/09/2023  0
Đầu năm 1947, đáp lời hiệu triệu “Vì Tổ quốc cần”, tám học sinh tuổi mười sáu của trường Khải Định (Huế) đã rời bỏ gia đình lên chiến khu tham gia kháng chiến chống Pháp và đã đầu quân về Nha Nghiên cứu kỹ thuật chi nhánh liên khu 4 ở Yên Sơn (Đô Lương, Nghệ An) thuộc Nha Nghiên cứu kỹ thuật Bộ Quốc phòng Việt Bắc. Từ đấy, chúng tôi bắt đầu những buổi học đầu tiên về pha chế thuốc nổ và nghiên cứu chế tạo vũ khí dưới sự dẫn dắt tận tình chu đáo của anh Trần Đại Nghĩa, một người anh lớn.

Trong gian nhà tranh nằm bên bờ sông Lam, anh Thúy Liễu, cử nhân khoa học tham gia kháng chiến và là người phụ trách Nha Nghiên cứu kỹ thuật chi nhánh liên khu 4, đang cho chúng tôi xem cách pha chế thuốc nổ fulminate qua quyển sách Chimie et Explosife (Hóa chất và Chất nổ) của Berthollet và Howard. 

Giáo sư  - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (13.9.1913 - 9.8.1997) là người đã gieo mầm thuật phóng cho ngành quân giới Việt Nam. Ảnh: TLST

Bỗng có tiếng lao xao ngoài cửa. Anh Lê Đình Tạo tươi cười bước vào cùng một người dáng cao cao, mặc bộ quần áo nâu, đôi mắt sáng sau cặp kính cận rất dày. Anh Liễu đứng vụt dậy: “Các em ơi, anh Trần Đại Nghĩa đây rồi”. Buổi tiếp xúc đầu tiên cách đây đã bảy mươi sáu năm mà tưởng chừng mới chỉ hôm qua. 

Dù đã biết tin Bác Hồ sau năm 1945, khi trở về sau hội nghị Fontainbleau (Pháp), đã mời một số trí thức Việt Nam làm việc tại nước ngoài về phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó có kỹ sư Phạm Quang Lễ (mà sau này Bác đặt tên là Trần Đại Nghĩa) nhưng quả thật không ngờ là hôm ấy được quây quần bên anh.

Chỉ buổi chiều hôm sau, anh chị em chúng tôi được anh hướng dẫn cách nén ép thuốc phóng đạn tên lửa OF. Buổi sáng, anh lên lớp bằng tiếng Việt trộn tiếng Pháp, buổi chiều sau giờ làm việc, anh cùng chúng tôi chạy ùa xuống sông. Tiếng cười đùa trên khúc sông những năm ấy, nhắc lại tôi vẫn còn nghe vang vang đâu đây.

Cũng từ đấy, tôi đã có nhiều dịp được gần gũi vị cục trưởng Cục Quân giới, kiêm giám đốc Nha Nghiên cứu kỹ thuật Bộ Quốc phòng này. Anh đã cấp tốc mở các lớp đào tạo về xạ thuật, về lý thuyết nổ, các loại chất nổ và các loại chất phóng. 

Năm 1946, mặt trận Hà Nội đang thiếu súng bazooka phá xe tăng để giữ chặt vòng vây không cho quân Pháp chọc thủng phòng tuyến. Theo gương anh, hầu như tập thể anh chị em chúng tôi lao vào công việc không ngừng nghỉ. Tôi không nhắc lại về những lớp bồi dưỡng chuyên môn của anh cho các ngành xạ thuật, hóa chất, cơ khí, vẽ kỹ thuật hay tinh chế thuốc nổ cheddite, fulminate, mìn hẹn giờ, đại bác không giật SKZ60, SKZ81, SKZ120… Chỉ xin kể vài nét về con người phi thường này trong đời thường. 

Từ phải: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa xem triển lãm vũ khí, năm 1950. Ảnh: TLST


Ở chiến khu, mỗi người phải có một ống nứa hay ống bương khoét ở đoạn giữa làm bát ăn cơm (thường là ngô hay sắn cõng gạo), một ống to hơn thay đĩa đựng rau rừng, một đoạn nứa làm cốc uống nước, một đôi đũa tre. Ai ăn xong đều tự rửa và cất cẩn thận. Riêng anh Nghĩa có khi đang ăn bỗng gác đũa, bỏ bữa, đi về phòng thí nghiệm. Không ít lần nhìn thấy trên chiếc bàn nằm chỏng chơ vài ba ống nứa là biết ngay anh ấy ăn xong là đứng dậy đi ngay. Nên anh Sinh ở phòng cơ khí, vốn khéo tay và đặc biệt ngưỡng mộ vị kỹ sư tài danh nhưng đãng trí và rất giản dị này, đã chịu khó thức nhiều buổi trưa đẽo gọt vài bộ bát đĩa bằng tre vàng óng rất đẹp. Khi kẻng báo hiệu giờ ăn trưa, Sinh ta không bao giờ quên đem theo một bộ “sơ cua” dự phòng. Thấy anh Nghĩa ngơ ngác nhìn quanh là tiến lại gần, tay nhanh nhẹn đặt mấy ống tre lên bàn: “Chỗ của anh đây ạ”.

Những cơn mưa đầu mùa đến, đất bắt đầu cựa mình đón những giọt nước đầu tiên thì cũng là lúc ếch, nhái, cua đồng, ốc… bắt đầu bò ra tận hưởng không khí mát lành sau những tháng trời đồng khô cỏ cháy. 

Đêm đến, chúng tôi đốt đuốc đi bắt ếch. Thấy chúng tôi lao nhao chuẩn bị, anh Nghĩa đòi đi theo. Cũng bì bõm lội ruộng, cũng hồi hộp lắng nghe tiếng ộp oạp kêu, cũng tập cách rình vồ những chú ếch con con nằm ẩn trong ruộng lấp xấp nước, nhưng vì đôi mắt cận thị nặng, đêm lại tối, anh chưa hề chộp được chú ếch con nào. Khi về cơ quan, anh là người lấm bùn từ đầu đến chân, và cũng là người cười nói nhiều nhất.

Anh gọi đấy là những buổi xả stress; riêng chúng tôi, sau những giờ cực kỳ căng thẳng, một mình hoặc hai người ngồi trong một căn phòng nhỏ, phía trước là một hố sâu đã đào sẵn để đề phòng, nếu thấy một ánh lửa phụt lên là hất cả khay fulminate vào đấy tránh bị thương vong. Khi sấy chất nổ cực mạnh fulminate, chỉ cho phép dùng một cái lông ngỗng để nhẹ nhàng đảo thuốc cho khô, tuyệt đối tập trung tinh thần hằng mấy tiếng đồng hồ, nên những giờ đi bắt ếch trong đêm thật sự là liều thuốc giải tỏa mọi căng thẳng. 

Bút tích của Giám đốc Nha Nghiên cứu kỹ thuật Trần Đại Nghĩa (Cục Quân giới, Bộ Quốc phòng) chứng nhận học sinh Vũ Mão (10 tuổi) đã theo học lớp bình dân học vụ (thoát nạn mù chữ) tại Pia Khao năm 1948. Sau này ông Vũ Mão là Ủy viên Trung ương Đảng, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội... Ảnh: TLTG


Tôi chỉ dẫn cho anh cách đến các gốc tre để đào tìm măng tre măng vầu và cách muối măng vừa chua vừa giòn. Ớt rừng không thiếu nên mỗi ống tre vừa thơm mùi măng lên men vừa kích thích cái bụng đói với những lớp măng vàng óng điểm xuyết những quả ớt xanh đỏ nén chặt. Anh Nghĩa cúi thật sát vào bụi tre, chăm chú ngắm nghía nhưng ít khi tìm được những mầm măng vừa nhú lên bị cỏ và lá tre che lấp. Đôi lần, anh chạy vào xưởng, mồ hôi chảy ròng ròng trên trán và đưa ra trước mặt chúng tôi một búp măng bé tẹo. Rồi cười rạng rỡ trong tiếng hoan hô của bầy em.

Quanh năm, thực đơn trong chiến khu chỉ là rau tàu bay hay ngọn su su luộc, thỉnh thoảng có vài hạt lạc giã nhỏ nấu với dưa cải muối. Hôm nào bắt được ếch, trong cái ống tre đựng thức ăn của anh bao giờ ếch cũng nhiều hơn măng. 

Hòa bình lập lại, về Hà Nội, trong những buổi gặp gỡ của anh chị em Nha Nghiên cứu kỹ thuật, có lần anh Nghĩa hỏi tôi: “Sao em không làm một bữa măng nấu ếch đãi anh em? Anh ăn vài lần mà nhớ mãi. Rất thèm nhưng vẫn không dám đòi hỏi vì sợ các em không bắt được ếch mà vấp phải rắn độc”.

Dù đã cố gắng cải thiện nhưng bữa ăn thời ấy luôn là: sáng - sắn củ luộc, chiều - bánh sắn luộc. Cứ thế kéo dài hàng tháng nên có nhiều anh chị em đã phải bỏ bữa vì quá ngán cái thực đơn bất di bất dịch.

Tôi không nhớ là học được từ đâu, hình như là được một cậu học viên trong lớp Đào tạo pháo binh khóa 1 chỉ dẫn, tôi biết một cách nướng sắn ngon hơn, thơm hơn và vỏ nóng giòn như bánh mì của cái thời xa xưa. Anh Nghĩa sau khi nếm đã giục tôi: “Em bày cho anh với”.

“Đơn giản thôi nhé. Sau khi chọn một củ sắn mới đào, kích cỡ đừng quá to và gọt vỏ thật sạch. Lấy một tờ giấy thấm khô rồi quấn hai lớp giấy quanh củ sắn. Sẵn bếp luôn có nhiều tro nóng, hãy vùi ngay củ sắn vào. Khi thấy sắn bốc mùi thơm, lấy ra bóc tảng giấy đã cháy, vỏ ngoài của củ sắn đã vàng giòn và trong thì vừa thơm vừa bùi”. 

Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (đứng giữa, đeo kính) thời kỳ học ở Pháp. Ảnh: TLST


Anh Nghĩa rất thích nhưng không bao giờ làm được ngon như tôi. Anh không biết chọn loại sắn nào, cũng như cách vùi vào tro nóng đến độ nào là vừa phải. Vì vậy, thỉnh thoảng trước giờ đi ép thuốc đen, anh cười cười giơ ngón tay: “Một bánh mì sắn nhé”. Hôm nào có được tí mỡ lợn phi hành thơm phức rồi phết lên thì bánh mì sắn hết veo trong giây lát.

Sau này, trở về Hà Nội ăn đủ loại bánh mì to nhỏ, mùi vị khác nhau, anh Nghĩa vẫn nhắc “không quên được hương vị bánh mì sắn của em”.

Phòng làm việc của anh là một căn buồng nhỏ, một cái bàn, một chiếc giường tre và vô số thùng đựng thuốc nổ. Anh lại nghiện thuốc lá nặng, mùi thuốc lá ám cả vào những vách tre đan long đôi. Lắm lúc nghĩ dại: “Chỉ một tàn thuốc lá rơi xuống là tất cả đi đời”. Vậy mà chín năm ở rừng sâu, tất cả đều an toàn. Khi tôi nhắc lại, anh cười cười: “Chắc là thuốc nổ nó sợ mình”. 

Khi anh chưa lập gia đình, việc làm anh ngại nhất không phải là giảng dạy cho anh chị em chúng tôi những lý thuyết rất cơ bản về chất nổ, về vũ khí. Cũng không phải việc phải làm sao để có thể gieo mầm thuật phóng cho ngành quân giới Việt Nam. Mà là ngại phải giặt vài bộ quần áo bằng vải thô màu nâu đất mà anh có. Sau những giờ tiếp xúc với thuốc đen, acid hay vượt đèo vượt suối để về các khu quân giới, những bộ quần áo đều đầy vết bùn và đẫm mồ hôi. Mà anh thì không biết cách giặt quần áo ở suối ở giếng. Gặp lúc suối dâng cao sau mùa mưa lũ, anh đang loay hoay đặt chân xuống nước lạnh mười hai độ thì chiếc áo đặt trên tảng đá đã bị nước cuốn đi. Bốn anh chị em chúng tôi chạy theo mà không cách nào vớt lên được. Đành đứng ngóng theo chiếc áo nâu nâu chìm dần trong dòng nước đục. Tiếc ngẩn người vì ai cũng chỉ có hai đến ba bộ để thay đổi. 

Khi đi giặt quần áo ở giếng, anh Nghĩa cũng thả gầu xuống nhưng không biết cách giật dây để nước tràn vào đầy gầu. Nghe được tiếng đập mạnh vào thành giếng, nhưng khi kéo lên, nước không đến một phần tư gầu. Anh tập mãi mà không được. Cái người đàn ông dáng cao cao, lắc lắc mái tóc: “Khó quá”. Mà anh dứt khoát không cho chú cần vụ giặt quần áo của anh. 

Nên thường thường cách giặt quần áo của anh Nghĩa là nhúng sơ sơ quần áo vào nước, rũ rũ vài cái rồi treo trên các bụi cây. Có khi cũng không nhúng nước mà anh chỉ dùng một que tre đập đập cho bụi văng ra, phơi nắng một buổi sáng rồi gấp quần áo lại thay gối ngủ qua đêm. Hôm nào có dịp đến chỗ anh ở, chúng tôi tranh thủ giấu anh, lấy hai bộ quần áo còn lại của anh, giặt sạch sẽ, phơi nắng thơm tho, gấp lại cẩn thận để sau đó thấy người anh của mình tươi tắn hẳn, trẻ lại hẳn vài tuổi. Mãi đến khi anh lập gia đình với chị Khánh thì chuyện ngại giặt quần áo mới chấm dứt hoàn toàn.

Các thành viên Nha Nghiên cứu kỹ thuật từng hoạt động tại khu 4 và chiến khu Việt Bắc từ năm 1947. Sau hòa bình, hàng năm đều tổ chức họp mặt tại TP.HCM để tưởng nhớ anh hùng Trần Đại Nghĩa. Hàng đầu từ trái: tác giả - đạo diễn Xuân Phượng và bà Nguyễn Thị Khánh (phu nhân Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa). Ảnh: TLTG


Rất lâu sau này, anh chị và các cháu đều chuyển về sống tại TP.HCM. Chúng tôi lại có nhiều dịp được gặp gỡ trong các buổi tụ họp hằng năm vào dịp tết của anh chị em Nha Nghiên cứu kỹ thuật phía Nam.

Mặc cho chúng tôi cười cười nói nói ôn lại những kỷ niệm cũ, anh Nghĩa vẫn ngồi với nụ cười hiền hậu, với đôi mắt mà năm tháng đã xếp lên rất nhiều nếp nhăn. Một con người tuổi đã cao, đôi mắt trìu mến nhìn đàn em sau đôi kính cận thị, càng không sao quên được những buổi giảng bài sang sảng trong rừng sâu, hay những súng bazooka, súng không giật SKZ60, SKZ81, SKZ120 đã ra đời dưới sự chỉ đạo của anh.

Trần Đại Nghĩa là người đã gieo mầm thuật phóng cho ngành quân giới Việt Nam. Từ năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, anh là hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, viện sĩ của hai Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức cùng nhiều chức vụ khác. Danh vị Anh hùng lao động, nhưng anh vẫn luôn sống như một người bình thường, thanh bạch, giản dị và giữ được sự nồng cháy của một trái tim yêu nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi anh là: “Ông Phật làm vũ khí”.

Xuân Phượng

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.