Chủ đề đại học không vì nhuận, trường hợp ĐH Hoa Sen, đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi và góp ý tại buổi Gặp gỡ Hoa Sen 2016, đặc biệt là trong bối cảnh những chồng chéo của các văn bản, thủ tục pháp lý phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của những trường như Hoa Sen.
![]() |
Sinh viên chương trình Vatel - ĐH Hoa Sen tham gia hoạt động ngoại khóa, song song với quá trình học trên lớp. Ảnh: T.Dũng |
GS Phan Văn Trường là một Việt kiều Pháp, hiện đang giảng dạy tại Trung tâm Xuất sắc John von Neumann (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ông chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến việc định hướng cho sinh viên về giáo dục khai phóng, phát huy tính sáng tạo, đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu mà điểm mấu chốt là việc đầu tư cho giáo dục thì mục tiêu giáo dục phải là yếu tố tiên quyết. Ông kể, thời điểm mới về nước, tình nguyện giảng dạy cho một trường đại học nhưng lại “không có cơ chế giáo sư dạy miễn phí”. Nhưng coi đó là “sự thân chứ không phải để kiếm tiền” nên vị giáo sư Việt kiều quả quyết: “Nếu dạy miễn phí tôi không dạy”. Ông Trường đưa ra quan điểm, chỉ có hai cách nhìn đồng tiền, đó là đồng tiền phải phục vụ việc lớn hơn, là giáo dục thì đồng tiền đó có ý nghĩa. Ông kể về một ước mơ, chúng ta chưa đoạt giải Nobel vì chưa đầu tư được trong những công cuộc nghiên cứu to lớn, vì chúng ta chưa có được những thiết bị, phòng thí nghiệm… “Sao trường Hoa Sen không mơ, một ngày có một đội nghiên cứu lấy được giải Nobel. Còn nếu chúng ta làm việc để phục vụ đồng tiền, thì không bao giờ chúng ta có giải Nobel”.
Ông Trường nói: “Chúng ta chỉ làm được khi những cá nhân, nhóm nghiên cứu mốn đóng góp, muốn đem gì ra cho xã hội, đóng góp cho loài người mà các bằng cấp không là gì hết. Cái quan trọng là tinh thần phục vụ xã hội, phục vụ giáo dục. Đồng tiền phục vụ giáo dục là hướng đúng phải đi, nếu giáo dục phục vụ đồng tiền thì có rất nhiều cách kiếm tiền. Nếu coi trường đại học là nơi sản xuất ra đồng tiền, kiếm lời thì thật đáng buồn cười. Chẳng lẽ chúng ta khai thác sinh viên để kiếm đồng tiền mọn. Trong một trường đại học, đồng tiền phải phục vụ giáo dục”.
Đồng ý với quan điểm của ông Trường, PGS. Nguyễn Thiện Tống, cho rằng ĐH Hoa Sen hoạt động không vì lợi nhuận như từ khi thành lập đến nay là điều rất tốt rồi và cần phổ biến rộng để xã hội hiểu thêm. Ngoài ra, ông cũng mong các cơ quan hữu trách cần tạo điều kiện trong các thủ tục pháp lý để các trường không còn gặp những trở ngại, khó khăn trong quá trình hoạt động. Theo ông Tống, mô hình đại học không vì lợi nhuận sẽ tạo ra những tích cực trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực bởi tiền sẽ tập trung đầu tư chỉ phục vụ cho giáo dục, như: phòng ốc, trang thiết bị, các chương trình học bổng cho sinh viên... Như vậy, đối tượng thụ hưởng là người học, chất lượng đào tạo sẽ nâng lên, tạo ra uy tín của trường với cộng đồng, xã hội. “Với diễn tiến đó, các mạnh thường quân, tổ chức cá nhân sẽ mạnh dạn đóng góp, chung tay xây dựng sự nghiệp giáo dục”. Ngay sau ý kiến của ông Tống, đã có các cựu sinh viên, chủ doanh nghiệp hưởng ứng bằng việc sẵn sàng đóng góp ủng hộ hoạt động giáo dục không vì lợi nhuận của trường; hoặc chia sẻ quan điểm sẵn sàng tạo điều kiện để sinh viên được thực tập, trang bị những kiến thức thực tế song song với quá trình học tập.
TS Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng ĐH Hoa Sen dịp này cũng công bố, Quỹ Hoa Sen không vì lợi nhuận chính thức được thành lập. Mục đích của Quỹ Hoa Sen khá đặc biệt bởi mang sứ mạng là một trong những giải pháp giúp trường Đại học Hoa Sen thực hiện mục tiêu trở thành trường đại học hoạt động không vì lợi nhuận. Bà Phượng cũng lý giải những khó khăn của trường trong thời gian vừa qua, minh định trường Hoa Sen có phải là trường không vì lợi nhuận hay không. Bởi bà thừa nhận, có những luồng thông tin không thực sự ủng hộ cho việc phát triển phi lợi nhuận, hay hoài nghi về khả năng thực sự có thể làm đại học phi lợi nhuận (không vì lợi nhuận) là có hay không có ở Việt Nam? Bà Phượng khẳng định: “Trường đã cung cấp tương đối rộng rãi và hiện nay đang có trên trang web Không vì lợi nhuận - http://kvln.hoasen.edu.vn/, những minh chứng, tài liệu gốc về quá trình phát triển nhà trường từ năm 1991 đến nay. Từ khi mới thành lập trường Hoa Sen đã xác định là trường vô vị lợi và đã trình UBND thành phố. Điều lệ trường lúc bấy giờ là Trường Nghiệp vụ tin học và quản lý Hoa sen, do UBND cho phép thành lập.
![]() |
"Khi chưa giải quyết dứt điểm (hồ sơ để xin Thủ tướng công nhận tính chính danh của Đh không vì lợi nhuận - PV) thì còn tranh luận, nhất là khi trong đó có sự tranh chấp vì quyền lợi nhóm của một số cổ đông không muốn tiếp tục đi con đường không vì lợi nhuận; khi mà luật pháp rõ ràng hơn đã làm cho họ không còn một số đặc quyền như trước đây vốn có. Cho nên quan điểm của trường Hoa Sen là chúng tôi kiên trì thuyết phục và tiếp trục trình giải trình về thực tế của mình, với hi vọng thực tế đó cuối cùng rồi sẽ được nhìn nhận." - TS Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng ĐH Hoa Sen cho biết. |
Sau đó, theo quyết định của UBND thành phố, Hoa Sen trở thành trường bán công, và được cấp đất đai tại Nguyễn Văn Tráng, Quang Trung. Đến nay khi Hoa Sen trở thành trường tư thục không vì lợi nhuận (lúc đó gọi là phi lợi nhuận) theo văn bản pháp lý lúc ấy giờ, Nhà nước cũng cho phép trường sử dụng tài sản Nhà nước đã cho từ hồi còn là bán công. Hiện nay toàn bộ đất đai của trường Hoa Sen là đất Nhà nước, trường chưa có một mảnh đất tự mua nào. Như vậy, với những lý do rõ ràng như vậy nên trường đã hoạt động không vì lợi nhuận từ trước đến nay”.
Bà Phượng lý giải, khó khăn của ĐH Hoa Sen là cơ sở pháp lý mà nhà trường dựa vào là Nghị quyết 05 của Chính phủ năm 2005 về Nghị quyết về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao. Nhưng theo thời gian, cơ sở pháp lý đó chưa đủ tính cụ thể để hướng dẫn các hoạt động thường ngày của nhà trường: “Cùng với bản nghị quyết đó, nhà trường cũng được giao một tài liệu pháp lý khác, của bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), là trường CĐ bán công xin nâng cấp lên thành ĐH bán công, bộ đã chỉ đạo nhà trường là Chính phủ không muốn có trường đại học bán công nữa, chỉ cấp phép khi trường làm lại đề án thành trường tư thục. Do đó, trong đề án chuyển đổi mô hình giáo dục ĐH, CĐ từ bán công sang tư thục trường cũng đã ghi rõ: trường tư thục phi lợi nhuận theo Nghị quyết 05. Đề án đã được thẩm định qua sở GD&ĐT TP.HCM, UBND TP.HCM, bộ GD&ĐT mới trình lên Chính phủ. Thủ tướng đã ký quyết định thành lập trường Hoa Sen”.
Theo bà Phượng, cuộc tranh luận về việc không đủ pháp lý để làm “không vì lợi nhuận” do bất cập của Điều lệ các trường đại học, ban hành theo Quyết định 70: “Từ Luật Giáo dục đại học, Nghị định 141 trường Hoa Sen đã làm đủ các bước mà Nhà nước yêu cầu. Chỉ đến khi Quyết định 70 mới ra vào năm 2014, có thêm một bước nữa mà luật pháp mới yêu cầu là có được quyết định cho phép của Thủ tướng Chính phủ. Bởi điều lệ đó giả định rằng, ở Việt Nam chỉ có hai loại trường không vì lợi nhuận: trường không vì lợi nhuận mới thành lập sau khi có điều lệ; Từ trường vì lợi nhuận chuyển đổi sang trường không vì lợi nhuận. Như vậy là không tính đến thực tế có những trường đã xác định không vì lợi nhuận và đã hoạt động không vì lợi nhuận từ trước, với đầy đủ cơ sở pháp lý của nó. Cho nên chúng tôi mới làm hồ sơ để xin Thủ tướng công nhận thực tế đó”.
Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng rằng trường Hoa Sen đã hoạt động không vì lợi nhuận, cho nên công ty Scitec (công ty liên doanh đầu tiên trên thị thường kinh doanh về tin học) là công ty sáng lập trường Hoa Sen với tinh thần vô vị lợi đã chấp nhận chịu lỗ trong nhiều năm dài, vào thời kỳ đầu, để nhà trường có điều kiện phát triển trang thiết bị hiện đại… Nếu không có sự đóng góp hi sinh của Scitec thì không có những tiền đề ban đầu đó. Và sao này, nếu không có sự đóng góp của Nhà nước, đất đai, nhà cửa, sự bảo trợ của UBND thành phố thì cũng có những bước phát triển tiếp theo. Và đặc biệt là nếu không có sự đóng góp của đội ngũ giảng viên, nhân viên nhà trường, sự tin cậy của xã hội thì cũng không có sự phát triển của Hoa Sen như bây giờ.
Chỉ trừ năm 2014, khi Luật Giáo dục đã có hiệu lực nên lợi ích nhóm “giãy lên” thì trường đã có những thỏa hiệp nhất định. Nhưng điều đó chỉ duy nhất trong năm cuối cùng của giai đoạn trường còn tư thục mà thôi. Năm ngoái chúng tôi đã thực hiện đúng luật, tức đưa cổ tức trở về bằng với mức trái phiếu Nhà nước theo đúng quyết định pháp luật. Như vậy, quyền lợi của sinh viên là trong chênh lệch thu chi của nhà trường, ngoài một phần rất nhỏ để trả cổ tức bằng tiền mặt thì toàn bộ được để lại để tái đầu tư phát triển nhà trường (luôn lớn hơn 50% của chênh lệch thu chi). Cũng nhờ đó mà trong thời gian tương đối ngắn trường đã có cơ sở khang trang, hiện đại như hôm nay và cũng đã cấp được nhiều học bổng cho sinh viên, cho giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài…”.
Gặp gỡ Hoa Sen 2016 là sự kiện thường niên được ĐH Hoa Sen tổ chức vào dịp đầu năm mới, là dịp trường báo cáo lại với các vị thân hữu, giảng viên, đối tác sư phạm, phụ huynh, cựu sinh viên, đại diện doanh nghiệp, tổ chức xã hội… về hoạt động của trường trong năm qua; đồng thời ghi nhận những góp ý cho hoạt động của nhà trường. Đến tháng 4.2016, ĐH Hoa Sen có tổng cộng 371 giảng viên cơ hữu, trong đó có 13 giảng viên là người nước ngoài, 134 giảng viên (chiếm 36%) được đào tạo tại nước ngoài. Năm 2015, Hoa Sen trở thành trường đại học Việt Nam đầu tiên được Hội đồng kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh (Accreditation Council for Business Schools and Programs) của Hoa kỳ kiểm định. Đầu năm 2016, Hoa Sen chính thức được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép đào thạo bậc Thạc sỹ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh.
Trọng Văn
» Đại biểu kêu gọi đừng vì tiền mà gây thêm ‘tội ác’ với đại học Hoa Sen
» Nội tình đại học Hoa Sen qua “đại hội bất thường”
» Lãnh đạo đương nhiệm đại học Hoa Sen phản bác vụ “đại hội bất thường”
» Bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng đại học Hoa Sen: “Họ muốn biến tôi thành tội đồ…”
» Thành phố chưa công nhận kết quả đại hội cổ đông bất thường đại học Hoa Sen
» Vì sao cổ đông đại học Hoa Sen “sợ” cụm từ “phi lợi nhuận”?
» Quyền lợi của cổ đông ra sao khi ĐH Hoa Sen chính thức ‘không vì lợi nhuận’?
» Đại học Hoa Sen công bố 5 chương trình đào tạo được kiểm định bởi ACBSP - Hoa Kỳ
» Hội đồng cố vấn trường đại học Hoa Sen chính thức đi vào hoạt động
» Nhiều ngành học trường ĐH Hoa Sen 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay