ThS. luật Trương Trọng Nghĩa |
Thời sinh viên, tôi có hai thú say mê: Truyện Kiều và ca dao, tục ngữ. Mỗi lần có tâm trạng, tôi lại tìm đến kho báu tinh thần này của dân tộc, của nhân loại. Nói về tục ngữ, thành ngữ, người phương Đông và người phương Tây chắc sẽ cãi nhau nguồn nào sâu sắc và thâm thúy hơn, và cãi nhau suốt ngày! Là người Việt Nam, tôi chọn phương Đông, vì đó là nơi nền văn minh hình thành sớm nhất.
Viết điều này, tôi biết sẽ gây tranh cãi, như tôi đã nhiều lần cãi nhau với những bạn bè Tây học của mình. Thì cứ cãi, khi cãi nhau là vui và bổ ích, cãi để làm tốt hơn, và cãi là phụ, làm là chính! Một gia đình mà con cái lặng lẽ phục tùng ông bà, cha mẹ, có ý kiến khác cũng không được nói lại, gia đình đó đang có vấn đề. Một quốc gia không có cơ chế khuyến khích tự do ngôn luận của xã hội, những người lãnh đạo khó chịu khi bị phản biện, phê phán, tránh né công khai đối thoại và tranh luận, quốc gia đó đang có nguy cơ tiềm ẩn.
Có một sự thật khách quan trong lịch sử xã hội loài người: trí khôn, sáng kiến, phát minh, nói chung là sự phát triển, chỉ có được khi con người được tự do suy nghĩ, có quyền nghĩ khác nhau và có quyền nói lên sự khác biệt đó.
Trong Công ước Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Công ước Nhân quyền châu Âu và hiến pháp của nhiều quốc gia luôn có hai quyền bất di bất dịch: tự do ngôn luận (freedom of expression) và tự do tư tưởng (freedom of thought). Lịch sử nhiều nước cho thấy, sự bảo đảm hai quyền này tỷ lệ thuận với bước tiến của dân chủ, văn minh, thịnh vượng. Tất nhiên, sẽ có người bức xúc hỏi: tự do của ai, để làm gì, và tới đâu, vì lịch sử cũng cho thấy, tự do không kiểm soát có thể dẫn đến tai họa, thậm chí thảm họa. Câu hỏi này là khôn ngoan, và đúng là chỉ có con người mới biết đặt câu hỏi về giới hạn tự do của mình. Tự do tự phát, vô tổ chức thì dẫn đến vô chính phủ, đến bạo loạn, nhưng tự do dồn về càng cho ít người thì càng dẫn đến độc tài: hai xu hướng này, về ngắn hạn có thể dẫn đến thành công, nhưng lâu dài thì đều là sai lầm, và đều phải trả giá đắt, thậm chí không thể sửa chữa được!
Nhiều người hay trích dẫn Lý Quang Diệu và mô hình Singapore. Đúng là có thể học ở đó rất nhiều. Tuy nhiên, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hình như có lần bình luận, đại ý: quản lý một đảo quốc vài triệu dân, ba sắc tộc với lịch sử vài thập kỷ khác với quản lý một đất nước bảy, tám chục triệu dân với hơn năm mươi sắc tộc. Lại càng khác, khi đó là một quốc gia có mấy ngàn năm lịch sử, mà hơn một nửa thời gian đó là ách đô hộ của nước ngoài, chiến tranh giành độc lập và nội chiến, một dân tộc có Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, và có cả Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu!
Nhắc đến Nguyễn Du, là người mê Truyện Kiều, tôi có một thắc mắc. Nguyễn Du viết: “Ngẫm hay muôn sự tại trời….” Chỗ khác, ông lại viết:” Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Đọc kỹ Truyện Kiều, tìm thấy không ít “mâu thuẫn” kiểu như vậy. Là đại quan, đại quý tộc phong kiến, ông công nhận đạo đức Nho giáo về phụ nữ: "Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu". Rồi ông lại cho Kim Trọng, một nho sinh, bác bỏ quan niệm ấy: “Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”. Nguyễn Du tự mâu thuẫn, vậy với ông, đâu là chân lý?
Nhân nói về chân lý, xin kể một chuyện nhỏ. Tôi thuộc lớp người được đào tạo “hơi kỹ” về chủ nghĩa Mác Lê-Nin (CNMLN). Trong giáo trình cử nhân luật bốn năm của chúng tôi ở CHDC Đức vào những năm 70 thế kỷ trước, CNMLN được dạy đầu tiên và kéo dài hai năm, là một môn thi quốc gia bắt buộc, rớt nó là rớt hết, mà thi rớt là chắc bị đuổi về nước.
Ai cũng biết, chủ nghĩa Marx là gốc của CNMLN. Chúng tôi học chủ nghĩa Marx bằng sách của chính Marx viết ra, bằng tiếng mẹ đẻ của Marx, được dạy bởi những giáo sư là đồng bào và môn đệ của Marx. Chúng tôi thảo luận, phân tích từng cụm từ, dấu chấm phẩy, từng dòng viết thêm bên lề bản thảo, từng lời nói đầu cho mỗi lần tái bản, và đọc thêm nhiều thứ khác nữa, để hiểu cho đúng Marx viết như vậy nghĩa là gì và vì sao. Chúng tôi chỉ được học một ít triết học cổ đại và chính trị học phương Tây, chủ yếu để phê phán, nhằm chứng minh CNMLN là chân lý duy nhất.
Năm đó, vì được về nước nghỉ hè, tôi xin thi sớm, thi vấn đáp, môn triết học MLN. Tôi bắt thăm được câu hỏi “Có chân lý tuyệt đối không?”. Tôi trả lời là “Không”, nói được năm phút thì thầy giáo bức xúc và chất vấn lại, thế là nổ ra tranh luận. Thời gian thi là nửa giờ, nhưng chừng 15 phút thì thầy giáo cho tôi ra. Khi quay vào để nghe điểm, tôi được “điểm 1”, là… điểm cao nhất! Đến giờ, tôi vẫn còn cảm giác hạnh phúc, không phải vì được điểm cao nhất, mà vì tôi đã được nói lên ý kiến riêng của mình, thậm chí dám tranh luận với thầy trong khi thi, vậy mà lại được điểm cao; là được hưởng cái khoảnh khắc “tự do trong khoa học”.
Một điển hình của “tự do học thuật” là cách dạy luật ở Mỹ: người thi có thể trả lời khác với đáp án mà vẫn đậu, miễn là anh viết ra được những luận cứ thuyết phục vì sao anh ra đáp án đó. Trường luật Mỹ áp dụng triệt để phương pháp Socratic, lấy tên triết gia cổ Hy Lạp Socrates, khuyến khích phản bác, tranh luận tối đa. Tòa án Mỹ cho phép các thành viên thiểu số của hội đồng xét xử được viết và ghi nhận ý kiến phản biện của họ vào bản án, phía dưới ý kiến chính thức và có hiệu lực của bản án. Vì sao? Vì không ít lần, vài năm sau đó, ý kiến của thiểu số hóa ra lại đúng, trở thành án lệ mới.
Dòng sông chảy qua khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM. Ảnh: Thanh Nguyễn
Trở lại với Tố Như trong Truyện Kiều: ông công nhận hai điều trái ngược nhau, vậy đâu là chân lý? Theo tôi, chân lý có khi ở một bên, nhưng có lúc lại ở cả cực này và cực kia; chân lý tồn tại trong “sự thống nhất của các mặt đối lập”. Chân lý một chiều chỉ có trong hữu hạn, ngắn hạn; không có chân lý tuyệt đối, vĩnh cữu. Chỉ có chân lý tương đối, và chính điều đó mới là tuyệt đối, bởi vì thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy không ngừng biến đổi, và đó là quy luật khách quan bất di, bất dịch. Ngay một người đang gào thét “tôi kiên quyết không thay đổi” thì tiếng trước với tiếng sau đã khác; chính trong cơ thể người ấy đang thay đổi từng giây, thậm chí từng phần vạn của giây. Một cơ thể chết cũng còn liên tục biến đổi, huống chi là người sống.
Người biện chứng duy vật phải là người thấu hiểu chân lý “không thể bước xuống hai lần cùng một dòng sông”, như lời Heracles, triết gia cổ Hy Lạp (535 - 475 trước Công nguyên), một “sư tổ”của triết học duy vật cổ đại, cội nguồn xa của triết học Marxist. Triết niệm chủ đạo của Heracles là thế giới như một dòng sông, “mọi vật đều luôn chảy” (panta rhei, tiếng Hy Lạp cổ, hay everything flows, tiếng Anh). Ông nói: "Luôn luôn có dòng nước mới chảy qua khi anh bước xuống dòng sông", do đó “anh không thể bước xuống hai lần cùng một dòng sông”. Qua lời Platon, một triết gia cổ Hy Lạp nổi tiếng đời sau, với Heracles, “mọi vật đều chảy qua và không dừng lại, chỉ có sự hình thành và chuyển hóa là vĩnh cửu”. Bởi vậy, theo ông, “Chúng ta vừa bước và vừa không bước xuống cùng một dòng sông. Chúng ta vừa là, vừa không là” (“We both step and do not step in the same rivers. We are and are not”).
Triết thuyết của Heracles còn một ý niệm độc đáo khác: sự thống nhất của các mặt đối lập (unity of opposites). Nhận thức của Heracles về thế giới “luôn chảy’, “luôn biến đổi” trong “sự thống nhất của các mặt đối lập” chính là đặc trưng của quy luật mâu thuẫn, quy luật quan trọng nhất của phép biện chứng duy vật Marxist. Trong Chống Duhring, F. Engels đã viết:
“Nếu ngay cả sự di chuyển một cách máy móc và đơn giản đã chứa đựng mâu thuẫn, thì những hình thức vận động cao hơn của vật chất và đặc biệt là sự sống hữu cơ và sự phát triển của sự sống hữu cơ đó lại càng phải chứa đựng mâu thuẫn như vậy. Trên kia, chúng ta đã thấy rằng sự sống trước hết chính là ở chỗ một sinh vật trong mỗi lúc vừa là nó nhưng lại vừa là một cái khác. Như vậy, sự sống cũng là một mâu thuẫn tồn tại trong bản thân các sự vật và các quá trình, không ngừng tự nảy sinh ra và tự giải quyết; và khi mâu thuẫn ấy chấm dứt thì sự sống cũng không còn nữa và cái chết xảy đến.
Chúng ta cũng đã thấy rằng trong lĩnh vực tư duy cũng vậy, chúng ta không thể tránh khỏi mâu thuẫn; ví dụ như mối mâu thuẫn giữa năng lực nhận thức vô tận ở bên trong của con người với sự tồn tại thực tế của năng lực ấy trong những con người bị hạn chế bởi hoàn cảnh bên ngoài và đang nhận thức một cách hạn chế, - thì mâu thuẫn này được giải quyết trong sự nối tiếp nhau của các thế hệ, trên thực tiễn sự nối tiếp này ít ra cũng là vô tận, đối với chúng ta và được giải quyết trong sự tiến bộ vô tận".
Nhân nói về Heracles, tự dưng tôi cảm thấy có sự gần gũi kỳ lạ và đầy xúc động giữa những nỗ lực cảm nhận thế giới của triết gia cổ đại này với các nỗ lực giải cứu con người bằng phương thức duy tâm của đạo Phật. Panta rei và unity of opposites hình như có sự gần gũi kỳ lạ nào đó với Bát Nhã tâm kinh 260 chữ, với “sắc sắc, không không”, với “vô ngã”, “vô thường”, “bờ bên kia”, với “siêu giác ngộ” và “cõi Niết Bàn”. Trịnh Công Sơn, lúc sinh thời, kể cả lúc trên sân khấu, thường xúc động thốt lên: “gate, gate, paragate, parasamgate bodhi” (đi qua, đi qua, tất cả đi qua bờ bên kia, thức tỉnh), đó là lời cô đọng sâu xa nhất của kinh Bát Nhã.
Tôi cũng tự mâu thuẫn chăng khi liên kết Heracles, triết gia duy vật sinh năm 535 trước Công nguyên với Phật Thích Ca, nhà tu hành duy tâm, ra đời gần một trăm năm trước đó. Dù vậy, từ lâu, tôi không thể dứt bỏ cái ý nghĩ ngộ nghĩnh này: có một sự tương đồng lạ kỳ giữa luật nhân quả của nhà Phật và cặp phạm trù nguyên nhân - kết quả, một trong sáu cặp phạm trù cơ bản của triết học MLN. Với nhà Phật, tất cả hành động, lời nói, ý nghĩ của mỗi người đều tạo thành nghiệp (karma) của người đó, nghĩa là đều đem lại quả báo cho người đó cách này hay cách khác, khi này hay khi khác! Triết học MLN thì cho rằng: kết quả nào cũng có nguyên nhân của nó, mọi nguyên nhân đều dẫn đến kết quả của nó, dù chưa xảy ra hay chưa nhận biết, và đó là quy luật khách quan, tồn tại ngoài ý muốn của con người.
Có người sợ con bị bắt nạt nên dạy nó hung hăng từ bé. Khi lớn lên, đúng là nó không sợ ai, hiếp đáp nhiều người, nhưng một ngày kia, nó bị một người mạnh hơn hiếp đáp lại. Làm điều quấy, điều ác, thì sớm muộn gì sự trừng phạt cũng đến, không cho anh thì cho con cháu anh, không bởi con người thì bởi trời đất. Ai cũng phải chết. Sống tử tế vẫn có thể chết sớm, nhưng được người đời quý mến, còn phi nhân, phi nghĩa, hại dân, hại nước thì dù giàu sang, phú quý, sống lâu trăm tuổi cũng sẽ bị nhân dân căm giận và khinh bỉ từ đời này qua đời khác. Chưa bao giờ, trong xã hội ta, quả báo lại nhãn tiền đến thế!
Thôi thì bảo nhau một minh triết Việt: có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Câu này, tôi đoán phương Tây chắc cũng có, vì Đông hay Tây đều có chung thủy tổ là vài trăm con vượn Homo Sapiens, một loài vượn “láu cá” hơn những loài vượn còn lại, nên đã biết đứng thẳng, dùng hai tay để lao động, và trở thành Con Người. Tiếng là chung thủy tổ, thậm chí ra đời trước, nhưng vì sao những dân tộc có năm, bảy ngàn năm tuổi lại nghèo nàn và lạc hậu hơn những dân tộc sinh sau, đẻ muộn, dù không thiếu tài năng, dũng lược? Có người nói vui, đó là những dân tộc không muốn phát triển, nhưng tôi không tin có những dân tộc như vậy. Có những nguyên nhân khác, nhưng không thể nói hết trong một bài báo xuân có giới hạn...
ThS. luật Trương Trọng Nghĩa