Nguyên nhân được Ngân hàng Nhà nước thông báo là cho đến nay số tiền cam kết cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng đã vượt quá hạn mức của gói hỗ trợ này.
Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 10.3.2016, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay lên đến 30.122 tỉ đồng đối với 46.246 khách hàng, và hiện đã giải ngân 21.321 tỉ đồng.
“Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thực hiện dừng ký hợp đồng tín dụng mới kể từ ngày 31.3.2016 đồng thời tập trung giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng theo đúng quy định”, công văn yêu cầu.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thông báo bằng văn bản đến 19 ngân hàng tham gia chương trình về thời điểm dừng giải ngân tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và theo dõi tình hình giải ngân thực tế của chương trình.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các ngân hàng thường xuyên theo dõi tình hình giải ngân của chương trình được cập nhật trên mục Chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm tại cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước để chủ động trong việc cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.
Cách nay một tuần, hôm 22-3, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép giải ngân cho đến khi hết gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng, thay vì ngưng giải ngân theo lộ trình quy định vào ngày 1.6.2016. Thực tế sau thông báo này, có tình trạng ngân hàng tiếp tục ký mới các hợp đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng theo dõi tình hình giải ngân trên website của Ngân hàng Nhà nước để chủ động trong việc cho vay.
19 ngân hàng thương mại tham gia cho vay gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỉ đồng gồm: Ngân hàng Nông nghiệp Agribank, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Vietcombank, VietinBank, PVcomBank, Eximbank, Sài Gòn Hà Nội-SHB, Sài Gòn-SCB, TPBank, Nam Á, Đông Nam Á (SeaBank), VPBank, OCB, LienVietPostBank, VietBank, VIB, ngân hàng Quốc dân (NCB), BaoVietBank và ACB.
Tuyết Ân