Thưa ông, có nhận định “khi TPP được ký kết, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 26,2 tỉ USD”…
Đây là nhận định được đưa ra từ nghiên cứu dự báo của giáo sư Peter Petri của Đại học Brandeis (Hoa Kỳ). Nghiên cứu này được thực hiện nhiều năm nay. Một ý khác của nghiên cứu mà báo chí trong nước không dẫn, là nếu “đi” với RCEP (Trung Quốc và 15 quốc gia khác) thì GDP của Việt Nam chỉ tăng thêm 17 tỉ USD. Tức là ông ấy đại ý cho rằng hợp tác với Mỹ (trong TPP-PV) thì kinh tế Việt Nam sẽ tăng cao hơn. Có thể tham khảo diễn giải chi tiết dự báo tại asiapacifictrade.org. Chủ yếu là do khi đó thuế xuất được giảm so với hiện nay, hàng hóa của mình (giày dép, dệt may và sản phẩm lắp ráp) vào 12 nước tham gia sẽ bán được.
Theo đó thì tương lai TPP với Việt Nam một màu hồng?
Dự báo này dựa trên những điều kiện rất lạc quan! Chẳng có nước nào mở toang thị trường của họ cho mình bán hàng thoải mái, như người phương Tây thường bảo “chẳng có bữa trưa nào miễn phí”. Giáo sư Petri giả định rằng khi thuế suất nhập khẩu sẽ giảm ngay về 0%, Việt Nam sẽ tăng vọt về xuất khẩu may mặc, da dày, thủy hải sản, hàng gia công và lắp ráp. Đó là một giả định mang tính viễn tưởng mà tôi không tin. Bộ mặt của toàn cầu hóa luôn là một đồng xu hai mặt, có những phần lấp lánh mời chào tự do thương mại nhưng mặt còn lại sần sùi khó chịu biểu hiện của chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa bảo hộ.
Các chính trị gia Việt Nam thực tế đã mở toang thị trường quốc nội cho củ hành, củ tỏi Trung Quốc tràn vào, trong khi thiếu chuẩn bị các tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe cộng đồng của 90 triệu đồng bào, mở cửa dễ dãi đã thả cửa thị trường cho những hành vi kinh doanh không có tiêu chuẩn. Đó là một điều đáng trách. Các quốc gia khác đều ngay lập tức xiết chặt các hàng rào tiêu chuẩn- kỹ thuật nhằm bảo vệ y tế công cộng và tiêu chuẩn của nước họ.
Xét ở khía cạnh này, trong toàn cầu hóa, chủ quyền kinh tế không hẳn mất đi?
Trong các buổi giới thiệu về WTO tôi thường mang theo một cái ổ cắm điện. Ổ cắm thể hiện bộ mặt của thế giới tư bản. Người nước mình đã làm ra cái ổ cắm điện mà hàng điện với chấu cắm của nước nào (ba chấu vuông, chấu tròn, chấu dẹt lớn bé) đều vừa cả. Song các vị thử mang đồ điện với chấu cắm của Việt Nam sang Mỹ mà xem, có cắm được đâu. Những hàng rào kỹ thuật sẽ được dựng lên ngay lập tức làm khó dễ cho hàng xuất khẩu của các quốc gia khác. Cái ổ cắm sáng tạo của Việt Nam ai cắm vào cũng được hóa ra là hành vi kém trách nhiệm của Chính phủ - đã không đặt ra chuẩn khắt khe quốc nội. Tệ hơn, các vị cứ vào những khu nghỉ dưỡng do nước ngoài thiết kế ở nước ta mà xem, ví dụ các resort ở Đà Nẵng, cái chấu cắm của hàng điện nước mình còn không vừa, vì họ đã dùng tiêu chuẩn ngoại quốc (ổ cắm vuông, ba chấu theo kiểu Anh, Singapore) ngay tại nước mình! Ai lại cho phép một nhà đầu tư nước ngoài làm ổ cắm vuông ba chấu ở một quốc gia sử dụng chấu cắm tròn? Chẳng lẽ một nhà đầu tư muốn vào đây xài điện 110 ta cũng phải chiều làm điện 110 cho họ chăng? Luật quốc gia chúng ta có, hoàn toàn có chủ quyền và chủ quyền lớn nhất là tạo ra những hàng rào tiêu chuẩn để bảo vệ những giá trị quốc nội thì đáng tiếc đôi khi còn bị buông lỏng dễ dãi, không thực thi ráo riết.
Ngoài lĩnh vực thương mại, TPP còn có tác động tích cực nào nữa với Việt Nam?
Đầu tư nước ngoài sẽ tăng, nhất là từ Mỹ. Rút kinh nghiệm, hãy sử dụng đầu tư nước ngoài như những cái cọc, quấn theo nó những công nghiệp phụ trợ và làm cho đầu tư nước ngoài không dễ rút ra khỏi Việt Nam.
Theo ông, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam trong quá trình đàm phán TPP là gì?
Là xuất xứ hàng hóa! Ví dụ, theo lời văn lấy lại từ bản TPP của bốn nước tham gia ban đầu trong năm 2005 cũng như từ các thông tin do phía Hoa Kỳ tiết lộ, đối với mặt hàng may mặc, người ta đang cố gắng thúc ép áp dụng nguyên tắc ‘từ sợi trở đi”. Theo đó, một cái áo được tính là nội khối (để hưởng thuế suất 0%) nếu từ khâu kéo sợi trở đi nó được sản xuất trong nội khối TPP12. Nếu Việt Nam vẫn nhập sợi từ Trung Quốc và Hàn Quốc như bấy lâu nay thì chắc chắn không được giảm thuế.
Việt Nam cần đòi hỏi tính từ giai đoạn cắt may trở đi, mua vải ở đâu cũng được miễn là cắt ở Việt Nam thì tính sản phẩm từ Việt Nam. Vấn đề là Mỹ có linh hoạt lùi bước trong nguyên tắc này hay không. Hiện nay nguyên tắc, ngôn ngữ đàm phán là định khoản để tạo ra co kéo, thương lượng. Hy vọng các nhà đàm phán đầy trí tuệ, thương lượng được một công thức linh hoạt. Nếu Mỹ và Việt Nam nhất trí được về quy tắc xuất xứ nội khối, thì lợi ích của dệt may sẽ rất lớn. Việt Nam hiện xuất khẩu dệt may đứng thứ 2 vào thị trường Mỹ sau Trung Quốc. Có điều, mình có được giá trị gia tăng đáng kể gì từ doanh thu lớn đó không hay là mình chỉ là nơi giúp tiêu thụ vải cho người thứ ba.
Còn hậu TPP, đâu là điểm có thể gây rắc rối?
Lao động và các tiêu chuẩn kỹ thuật! TPP dẫn Tuyên bố ILO 2008 về quyền của người lao động, trong đó có quyền tự do thành lập nghiệp đoàn. Đoàn đàm phán Việt Nam khẳng định trong khi đàm phán là ở Việt Nam, công đoàn đại diện tốt cho người lao động. Trong khi 100% các cuộc biểu tình ở Việt Nam vừa qua là bất hợp pháp vì không do công đoàn tổ chức!
Bất kỳ một sự chênh lệch nào giữa điều mà nước ta đã cam kết trong TPP với những quy định trong nước, sau này nếu nhà đầu tư phát hiện được, họ sẽ tố ra một thứ trung tâm có tính chất trọng tài ở nước ngoài (cơ chế giải quyết tranh chấp này cũng là một trong những nội dung của TPP, Việt Nam cần phải rất cân nhắc khi đàm phán - PV). Phán quyết của trọng tài là bắt buộc, nó ảnh hưởng ngay lập tức đến chính sách điều tiết về thuế. Nếu trung tâm đó phán quyết chính sách nước ta đã không tuân thủ đúng với cam kết thì ngay lập tức các nước trong khối sẽ rút lại chính sách thuế quan 0% .
Doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động chính của TPP. Liệu họ có thể chủ động đến mức nào trong việc chuẩn bị cho cuộc chơi này?
Họ có thể nhận thông tin và có tiếng nói mạnh mẽ với chính phủ thông qua Trung tâm hội nhập quốc tế của VCCI.
Ngành lúa gạo hưởng lợi nhiều nhất
Nếu Hiệp định TPP được ký kết, ngành có cơ hội hưởng lợi lớn nhất là ngành lúa gạo. Thứ nhất, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, trong khi các đối thủ cạnh tranh khác như Thái Lan và Ấn Độ không tham gia đàm phán TPP. Do đó Việt Nam sẽ có lợi thế hơn hai quốc gia này trong xuất khẩu gạo nội khối.
Thứ hai, ngoại trừ Malaysia và Singapore là hai thị trường xuất khẩu gạo tương đối lớn của Việt Nam (chiếm khoảng 38% nhu cầu nhập khẩu của hai nước này), lượng gạo xuất khẩu sang chín nước còn lại chỉ chiếm 1.6% nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia này. Như vậy, dung lượng thị trường còn dư địa lớn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Thứ ba, trong bốn nước chưa ký kết FTA với Việt Nam, lượng gạo xuất khẩu sang Hoa Kỳ rất thấp (chỉ chiếm 4% nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ); ba quốc gia còn lại chưa nhập khẩu gạo của Việt Nam. TPP là cơ hội cho Việt Nam thâm nhập các thị trường này.
Thứ tư, khi tham gia TPP, Nhật Bản hy vọng sẽ phải giảm dần bảo hộ nông nghiệp, trong đó có ngành lúa gạo, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này đứng thứ ba trong khối TPP. Đây là cơ hội cho gạo Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Thứ năm, trong 12 nước TPP, ba quốc gia có thu nhập trung bình cao (Malaysia, Mexico, Peru), tám quốc gia còn lại có thu nhập cao (ngoại trừ Việt Nam). Đây là những thị trường tiềm năng cho sản phẩm gạo chất lượng cao. Như vậy, để khai thác được các lợi ích này, lúa gạo Việt Nam phải nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường giàu có và khó tính trong khối TPP. Do đó việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành lúa gạo là yêu cầu cấp thiết, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo: “TPP: Cơ hội nào cho Việt Nam”
Thiên Tường
(*) người chủ trì nghiên cứu vừa được xuất bản thành sách có tựa đề: “TPP: Cơ hội nào cho Việt Nam”, hiện là trưởng khoa Luật, đại học Kinh tế TP.HCM, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.