Chẳng lẽ trí nhớ của tôi hỏng rồi? Đầu 1975, từ chiến khu Quảng Ngãi, tôi vượt đường Một xuống Phổ Hiệp, ở với du kích trong vùng “da báo” (địch, ta xen kẽ nhau) cho đến ngày giải phóng căn cứ quân sự núi Dâu. Núi Dâu đây, tôi nhìn con đường nhỏ thấp thoáng bóng nắng... Dẫu có cái chợ đã mọc lên, nhưng đúng là nó. Con đường này 30 năm trước, cũng vào những ngày này, khi hay tin địch rời núi Dâu, tôi cùng anh em du kích từ mé biển xông ra chiếm thị tứ Phổ Hiệp. Súng nổ chát chúa, trên đường ngổn ngang quân trang, vũ khí của lính Việt Nam Cộng Hòa, lính chạy, dân chạy... Vậy mà dân chợ ở đây lại nói nó thuộc Phổ Cường. “Thế quanh đây có ai tên Tròn, Kiệt, Lụa...?”. “Có chớ, có hết” - một chú em mau mắn dẫn tôi đi.
Theo con đường nhỏ tới một xóm thưa cây, một nếp nhà nằm bìa xóm, chú em kiễng chân dòm qua hàng rào xương rồng, kêu: “Có khách nè”. Nghe tiếng gọi, người đàn ông đang trang lúa giữa sân nắng, ngoái lại. Mắt chúng tôi chạm nhau, sững vài giây, anh kêu lớn: “Thằng Hai hả, sao giờ mới về?” - Anh Tròn, xã đội trưởng du kích năm xưa, túm chặt tay tôi dắt vào nhà, luýnh quýnh gọi vợ, gọi hàng xóm... lại còn tìm cái áo mới, thay. Tôi vội vàng: “Anh Kiệt, Lụa... các anh em đâu?”. “Để tôi kêu tất cả” - anh Tròn lại luýnh quýnh chạy ra sân...
Phi trường Đức Phổ năm 1975. Ảnh TL
Một đỗi mọi người tề tựu, anh Kiệt (bí thư xã), bác Tam (người nuôi tôi trong nhà), các anh chị du kích Ngãi, Nam, Lụa... Vợ anh Tròn lập tức gầy nồi cháo lớn, cá biển, mực tươi dọn ra. Cười rần rần, kêu thương cũng rần rần. Ai cũng trách tôi sao ngần ấy năm biệt tích! “Giờ thì em về rồi”. Tôi bàng hoàng, có điều gì như hạnh phúc, xót xa dâng lên làm tôi ngợp. Anh Kiệt vỗ đùi: “Hồi đó chú có chữ hơn chúng ta, anh giao chú viết lời kêu gọi địch đầu hàng, kêu dân đừng chạy, ngày ấy 23 tháng 3 nhớ không?”. Người nhắc chuyện này, người hỏi chuyện kia... Tôi dạ, dạ mà vẫn đang trôi trong màn sương thời gian, không sao trấn tĩnh nổi.
Nhớ gì nói đấy, tôi buột miệng: “Tay Mừng xã trưởng xưa còn sống không, đâu rồi?”. “Ra chưa quên thằng Mừng! - Lụa reo - Bữa đó nó bỏ chạy đến Sa Kỳ thì bị ta bắt. Anh em du kích giải hắn về nhà, có người căm quá chĩa súng bắn. Em đẩy nòng súng lên kịp, đạn nổ lủng ngói, bảo: Giờ hòa bình rồi, tha đi”. Nam, Ngãi góp chuyện: “Xong cải tạo, hắn đi Mỹ, mấy năm rồi về chơi luôn. Giờ hắn khá, xây nhà lớn ngoài lộ, con cái học hành đàng hoàng”. “Thế Lụa sống ra sao?” - Tôi hỏi. “Em được trợ cấp mỗi tháng 130 nghìn, làm ruộng mà cũng nuôi được ba đứa con ăn học đó”. Cô Lụa mảnh mai, gan dạ năm nào, giờ bao nhiêu vất vả hiện lên cả khuôn mặt, khổ người. Tôi than: “Hỏi khắp vùng, chẳng ai biết Phổ Hiệp”. Anh Tròn cười: “Không còn Phổ Hiệp vì sau giải phóng, ba thôn (của Phổ Hiệp) nhập sang Phổ Quang, thôn mình (Thủy Thạch) nhập vào Phổ Cường”.
Dù ai cũng nài để mưa (mai) hãy đi, nhưng khi biết tôi phải lên đường, mọi người chạy túa về nhà. Một loáng quay lại, bác Tam, anh Kiệt, Ngãi, Nam... mỗi người trao cho tôi một món quà của nhà mình. Chị vợ anh Tròn dặn đừng chê bọc củ nén, nấu với cháo ăn lành, là thuốc đó.
Lụa chạy lúp xúp tới sau, đưa chai hạt tiêu Quảng. Tiêu nhà trồng. Tiêu của người cơ cực trong chiến tranh, sau mấy mươi năm hòa bình vẫn nghèo khổ. Tiêu của người cứu Mừng - kẻ từng ráo riết săn lùng, treo giải to lấy đầu cô Lụa, để hôm nay con cái ông ấy được ăn học, làm lụng đàng hoàng hơn những đứa con của cô đang kiếm sống trên các nẻo đường Sài Gòn.
Trần Trung Chính
(*) Lời nhạc Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao
» Tàu Việt Nam Thương Tín - cuộc hồi hương sóng gió
____________________
(Bài viết đăng trên Người Đô Thị số 48, phát hành ngày 29.4)