Tưởng niệm người chết và Tâm niệm người sống

 14:21 | Thứ sáu, 19/11/2021  0
Cúng tế, tưởng niệm không chỉ là dịp chính thức bày tỏ sự chia sẻ của toàn xã hội trước nỗi mất mát lớn của nhiều gia đình. Đó còn là dịp thể hiện tâm niệm của những người còn sống - chính quyền và dân, sẽ cố gắng hơn nữa bằng nhiều cách vượt qua đại dịch chưa từng có.

Lời toà soạn,

20 giờ hôm nay (19.11), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND TP.HCM sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.

Cho đến nay, đại dịch đã cướp đi sinh mệnh của hơn 23.400 người dân Việt Nam.

Nhân sự kiện này, tòa soạn dẫn lại bài viết của tác giả Phúc Tiến đã đăng trên Người Đô Thị online trong dịp Đại lễ Vu Lan năm nay, đề xuất "tưởng niệm những bệnh nhân tử vong và những người hy sinh khi tham gia tuyến đầu chống đại dịch", để bạn đọc có thêm sử liệu về các cách thức tưởng niệm của người xưa, từ đó thấu hiểu “kính lễ vong hồn người chết vì chiến tranh, thiên tai và bệnh dịch là một truyền thống hay đẹp của Việt Nam”. 

Người Đô Thị

Lễ tưởng niệm tại TP.HCM sẽ diễn ra tại hội trường Thống Nhất; thành phố Thủ Đức và các quận huyện. Các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) tại TP.HCM sẽ cùng đánh chuông tưởng niệm vào lúc 20h30 ngày 19.11. Ngoài nghi thức thắp nến tưởng niệm, tại các quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình... sẽ tổ chức thả đèn hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé vào lúc 20 giờ 35. Ảnh: Vietnam+


Kính lễ vong hồn nạn nhân chiến tranh, thiên tai, bệnh dịch...

Ở hẻm 27 đường Trần Minh Quyền (quận 10, TP.HCM), có một ngôi chùa mang tên rất lạ: “Cô Hồn”. Hồi nhỏ, mỗi lần đi từ rạp hát Long Vân ở xóm Bàn Cờ qua đây để đến tiệm hớt tóc Hoàn Kiếm đối diện Việt Nam Quốc Tự, tôi không khỏi rùng mình. Cái chữ “cô hồn” làm thằng bé ngày ấy nghĩ đến những câu chuyện “ma” quanh ngày rằm tháng Bảy, nghĩ đến lời răn đe của bà dì “đừng học đòi ra cướp đồ cúng cô hồn mà ma nó theo, con nhé”. Lớn lên, tôi mới hay nơi đây nguyên là miếu để thờ những người chết “bất đắc kỳ tử”!

Cô hồn tự tọa lạc ở số 27 Trần Minh Quyền, quận 10, TP.HCM. Ảnh: Lê Phong

Hương khói cô hồn Đồng Mả Ngụy

Học giả Trương Vĩnh Ký kể rằng trước khi Pháp vào, Sài Gòn có một khu vực lớn mang nhiều tên là Đồng Tập Trận, Mô Súng và rồi Đồng Mả Ngụy. Đầu tháng Giêng ta, Tổng trấn Lê Văn Duyệt cỡi voi ra đây vừa duyệt binh, vừa xem quân đội diễn tập. Khu vực diễn tập trải dài từ vòng xoay Ngã sáu Dân Chủ ngày nay lên đến địa điểm “cột dây thép” (cột điện tín) gần nhà máy xe lửa Hòa Hưng. Đồng thời, đó còn là bưng biền hoang vắng từ đấy kéo sang khu vực Chợ Rẫy - Phú Lâm, nơi có gò Cây Mai - dấu tích của cung điện vương quốc Thủy Chân Lạp.

Cả một vùng mênh mông như thế thật ra không chỉ là nơi tập trận mà còn là nơi đánh trận. Khi người Việt mới đến Sài Gòn vào thế kỷ XVII, hẳn đã có giao chiến giữa quân chúa Nguyễn với quân Thủy Chân Lạp ở vị trí quan trọng này. Sang đầu thế kỷ XIX, không ngẫu nhiên, con đường Thiên Lý (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám) được xây dựng, bởi đó chính là đường tiến quân của nhà Nguyễn lên Trấn Tây (Campuchia), đồng thời là tuyến bảo vệ mặt Tây của thành Gia Định.

Qua nhiều thời kỳ, người chết trận, kể cả thường dân bỏ thây vương vãi nơi đây. Thêm nữa do đất bưng biền lau sậy không dễ canh tác cho nên cả vùng đất lớn vẫn còn hoang vắng, chỉ dành làm “bãi tha ma” của Gia Định. Có lẽ vì thế, trên bản đồ Sài Gòn của thuyền trưởng Mỹ John White - người đến thành phố năm 1819, ghi rõ vùng đất này là Cemetery - nghĩa trang. Bốn mươi năm sau, người Pháp đến, vẫn trông thấy cái nghĩa trang hoang vu và bao la đó nên đã gọi nó là Plaine des Tombeaux - Cánh đồng Mồ mả!

“Loạn” Lê Văn Khôi diễn ra từ 1833 đến 1835 với kết thúc chết chóc kinh hoàng. Những người “phản nghịch” bị xử tử hàng loạt trên cánh đồng ma. Sử nhà Nguyễn ghi hơn 1.800 trẻ già bị chém và chôn chung, thây đắp thành gò, gọi là “Mả Ngụy”.  Có nhà nghiên cứu định vị “Mả Ngụy” nằm ở khoảng vòng xoay Dân Chủ. Người khác cho rằng đó là khu đất trống nơi xây Bệnh viện Bình Dân sau này. Có người còn suy đoán “Mả Ngụy” ở xa hơn, vào khoảng khu trường đua Phú Thọ. Có thể Mả Ngụy không chỉ có một điểm mà phân tán nhiều nơi nhưng đều nằm trong Đồng Tập Trận.

Một góc Plaine des Tombeaux - Cánh đồng Mồ mả. Ảnh: TL


Sau năm 1859, cánh đồng ma trở thành nơi Nguyễn Tri Phương xây dựng đại đồn - chiến lũy Chí Hòa để giao chiến với quân Pháp. Và rồi, Nam Bộ kháng chiến 1945, nhiều trận đánh ác liệt giữa quân ta với quân địch đã diễn ra trên chiến trường xưa. Không phải ngẫu nhiên, ở phần đất ngày nay là công viên Lê Thị Riêng, trước năm 1983 từng tồn tại Nghĩa trang Đô Thành, rộng 25 ha. Nghĩa trang công cộng này là nơi chôn người chết thuộc giới bình dân. Đó cũng là nơi tiếp nhận các xác chết vô thừa nhận trong các trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968. Có lẽ, khắp Sài Gòn duy nhất chỉ có Đồng Tập Trận và Đồng Mả Ngụy là nơi tích tụ rất lớn các người chết vì binh đao liên tục nhiều thế kỷ!

Hiện tại, cánh đồng ma đau thương ấy thuộc đất quận 10 và quận 3. Tôi lớn lên ở xóm Bàn Cờ, ngày nhỏ vẫn trông thấy nhiều mồ mả là nấm đất trắng hếu, nằm lẩn khuất trong các con hẻm. Người nghèo cất nhà quanh các mồ mả hoang, không quên thắp nhang hàng ngày cho người dưới cõi âm. Thật bất ngờ, gần xóm Bàn Cờ, “có một nơi đặt hẳn bàn thờ cô hồn Mả Ngụy”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi nói với tôi. Đấy là Miếu Thành Hoàng Bổn Cảnh (528/17 Điện Biên Phủ, phường 11 quận 10).

Ngôi miếu quy mô vừa phải đặt trong một con hẻm nhỏ, nơi ngày xưa gọi là Xóm Chùa, giáp với đường Cao Thắng và Điện Biên Phủ. Hóa ra, người xưa vẫn không ngại ngần hương khói cho các nạn nhân bị xử tử bởi triều đình. Trong khi ấy, tương truyền Miếu Cô hồn ở gần đấy, được dựng sau năm 1945 để thờ cúng cô hồn là những người đánh xe ngựa sinh sống trong vùng này. Rất lạ lùng, đó là những người khỏe mạnh nhưng bỗng dưng chết vì tai nạn hay “trúng gió” một cách bí ẩn. Những năm sau, có vị sư đến đây khuyên người dân chuyển miếu thành chùa, đưa Phật vào thờ cúng để độ trì cho các vong linh.

Không chỉ chùa hay miếu, từ lâu rải rác khắp các quận, đã có  nhiều điểm thờ cúng những người qua đời vì trăm nỗi rủi ro. Trên vỉa hè nhiều phố phường vẫn còn đấy những chiếc bàn thờ nhỏ nhắn bằng gỗ hay bằng xi măng đúc sẵn, là nơi người dân tại chỗ đặt bát nhang, ngọn đèn cúng bái những người chết vì tai nạn xe cộ. Trong nhiều bệnh viện, nhất là các bệnh viện ở quận 5, thường có các miếu là nơi hương khói người chết. Tại công viên trước chợ Bến Thành, từ năm 1965 có tượng và bàn thờ cô nữ sinh Quách Thị Trang -15 tuổi bị bắn chết trong một cuộc biểu tình chống chế độ hà khắc Ngô Đình Diệm. Phải chăng, tập tục không quên kính lễ những người chết bi ai, là một phần không thể thiếu trong tâm hồn nhân văn của người dân Sài Gòn từ nhiều thế kỷ!

Vua quan cúng tế âm hồn

Thế nhưng, không chỉ người dân mới có việc tự nguyện tưởng niệm người quá cố nói trên. Bộ sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của nhà Nguyễn biên soạn vào giữa thế kỷ XIX, ghi chép nhiều quy định về lễ nghi và sinh hoạt của chính quyền. Trong đó, có các “điển pháp” về cúng tế người chết vô danh vì chiến tranh, thiên tai, bệnh dịch. Sách cho biết năm Gia Long thứ 2 (1803), ở kinh đô Huế và các tỉnh đều có một “đàn tế âm hồn” vào ngày thứ ba của tháng Chạp. Vào ngày đó, các quan phải cúng lễ với “3 con dê, 3 con lợn, 2 phương nếp nấu thành xôi, 3 phương gạo nấu thành cơm cháo”. Năm 1820, đáng chú ý, riêng Gia Định được đặt thêm một “đàn tế âm hồn”, có thể vì số người chết oan uổng nhiều quá (?).

Di tích Đàn Âm hồn ở Hoàng thành Huế. Ảnh: Kiến Thức


Năm 1840, ở Huế, vua Minh Mạng, nhân mừng thọ 50 tuổi, đã cho cúng tế các âm hồn chết vì bệnh dịch và những người chết không nơi thờ tự, suốt một tuần. Năm 1844, vua Thiệu Trị chỉ thị các quan ở kinh đô và các tỉnh phải tìm hiểu nơi nào có “nhân dân chết ở sa trường, chiến đoạn và bị thiên tai, bệnh dịch” để tổ chức cúng tế thêm một lần nữa, ngoài lần cúng tế vào mùa Xuân và mùa Đông. Không chỉ cúng tế âm hồn, chính quyền nhà Nguyễn còn đặt ra quy định sửa sang các “mộ hoang”. Năm 1825, vua Minh Mạng giao cho quan phủ Thừa Thiên việc đắp lại các mộ không người trông nom và làm hàng rào để ngăn không cho gia súc đi qua bừa bãi. Hàng năm, quan phủ phải chọn ngày tốt để cúng tế các mộ này để vong linh người chết “ổn thỏa nơi âm u lạnh lẽo”…

Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi rằng việc cúng tế âm hồn nhằm làm “khí dương hòa lan khắp, khí âm uất tiêu tan” và thể hiện “thương nhớ khôn nguôi đối với những người trong cõi u minh”. Xem ra chính quyền thời xưa, không chỉ dựa trên các quan niệm dịch lý hay phong thủy cổ truyền để làm công việc thiêng liêng này. Qua đấy, chính quyền đã nêu gương kế thừa và tiếp nối văn hóa dân tộc - “nghĩa tử là nghĩa tận”, “thương người như thể thương thân”. Chính quyền coi đó là “điển pháp” văn minh chứ không phải tập tục mê tín. Quan niệm và lễ nghi của chính quyền về cúng tế âm hồn hẳn nhiên tác động rất lớn đến các tầng lớp người dân!

 

Lễ tế tưởng nhớ những nghĩa sĩ và đồng bào tử vong trong sự kiện thất thủ kinh đô Huế 135 năm trước, tổ chức tại miếu Âm hồn ngày 13.7.2020. Ảnh: Võ Thạnh


Quả thật, kính lễ vong hồn người chết vì chiến tranh, thiên tai và bệnh dịch là một truyền thống hay đẹp của Việt Nam. Những ngày đau buồn này, đã có ý kiến Nhà nước nên có lễ quốc tang cho hàng ngàn người đã chết vì đại dịch Covid-19. Thiết nghĩ, ngoài quốc tang, vẫn còn có nhiều cách thức tưởng niệm những bệnh nhân tử vong và những người hy sinh khi tham gia tuyến đầu chống đại dịch. Trong đó, các cách thức tưởng niệm của người xưa nói trên rất đáng tham khảo và khả thi.

Trong công việc tưởng niệm thiêng liêng này, chúng ta không chỉ có các nghi thức hương khói, cầu siêu, cúng tế người đã mất. Ngay trong lễ khai giảng năm học vào tháng 9 này, cho dù chỉ có thể làm online, các trường học rất nên có phút mặc niệm người chết vì Covid-19. Đồng thời, trong bài học đầu tiên hay lá thư chào mừng năm học mới, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và nhà trường các cấp hãy dành thời gian nói về lòng nhân ái và tinh thần tương trợ của toàn xã hội trong cuộc chiến đầy cam go với Covid-19 cho các thế hệ học sinh. Tại các công sở từ trung ương đến địa phương, cũng cần có những phút mặc niệm và nghi thức tưởng niệm vào các thời điểm thích hợp.

Thực sự, việc cúng tế, tưởng niệm không chỉ là dịp chính thức bày tỏ sự chia sẻ của toàn xã hội trước nỗi mất mát lớn của nhiều gia đình. Đó còn là dịp thể hiện tâm niệm của những người còn sống - chính quyền và dân, sẽ cố gắng hơn nữa bằng nhiều cách vượt qua đại dịch chưa từng có!

Phúc Tiến 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.