Thông tin này được ông Trần Quang Lâm, quyền Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, chia sẻ tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM diễn ra ngày 3.6.
Ông Lâm cho biết với tuyến metro từ TP.HCM đi Cần Giờ, Tập đoàn Vingroup đã đề xuất làm chủ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và đã được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án. TP.HCM yêu cầu Vingroup bảo đảm chất lượng và đầy đủ nội dung hồ sơ theo đúng quy định pháp luật.
Dự án sẽ được triển khai bằng nguồn vốn tự có của nhà đầu tư và huy động thêm từ các nguồn hợp pháp khác, không sử dụng ngân sách thành phố.
Quyền Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết Tập đoàn Vingroup đang đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ đề xuất đầu tư và nếu hoàn thành sớm thì có thể đầu năm sau (năm 2026) khởi công tuyến đường sắt đi Cần Giờ.
Tại buổi lễ khởi công dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise ngày 19.4, Tập đoàn Vingroup thông tin khu đô thị lấn biển sẽ được kết nối với trung tâm TP.HCM bằng tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao. Với tốc độ tối đa lên tới 250km/giờ, người dân, khách du lịch đi từ khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) đến Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chỉ mất khoảng 16 phút. Ảnh: Nguyên Trang
Ngày 17.3.2025, Tập đoàn VinGroup có văn bản số 134/2025/CVVINGROUP gửi UBND TP.HCM về đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ. Theo đề xuất của Vingroup, dự án đường sắt đặc biệt này được thiết kế loại đường đôi, khổ 1.435 mm/đường, chạy trên cao với chiều dài khoảng 48,5 km, hạ tầng thiết kế với tốc độ 250 km/giờ, tải trọng trục 17 tấn/trục.
Tuyến metro được bố trí 2 ga, trong đó 1 depot dự kiến đặt ở quận 7 tại khu đất 20 ha, 1 depot dự kiến đặt tại khu đất 39 ha (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ). Metro đáp ứng năng lực chuyên chở 30.000 - 40.000 người/hướng/giờ.
Theo nghiên cứu sơ bộ, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 102.370 tỷ đồng (4,09 tỷ USD). Công trình dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Vingroup sẽ đầu tư bằng nguồn vốn của mình và huy động từ các nguồn khác theo quy định, sở hữu và khai thác, vận hành dự án sau khi hoàn thành.
Ngày 21.4, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về đầu tư tuyến đường sắt kết nối trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ (tuyến đường sắt đô thị số 12, tuyến tiềm năng kết nối Cần Giờ).
Tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP.HCM đi huyện Cần Giờ có chiều dài khoảng 48,7km. Về sơ bộ hướng tuyến, điểm đầu đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao với đường Nguyễn Thị Thập và đường Lý Phục Man), phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM) - Nguyễn Lương Bằng - Rừng Sác. Điểm cuối khu đất 39ha tiếp giáp dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP.HCM).
UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương bổ sung tuyến đường sắt đô thị kết nối Trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ vào danh mục dự án kèm theo Nghị quyết 188 ngày 19.2.2025 của Quốc hội. Đồng thời giao UBND TP.HCM khẩn trương phối hợp với Bộ Xây dựng báo cáo đề xuất Chính phủ chấp thuận bổ sung tuyến đường sắt đô thị kết nối Trung tâm TPHCM đến huyện Cần Giờ vào danh mục dự án kèm theo Nghị quyết 188 ngày 19.2.2025 của Quốc hội...
Rừng ngập mặn và đường Rừng Sác nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Quân
Trước đó, ngày 4.1.2025, tại hội nghị công bố quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã đề nghị ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, tham gia xây dựng tuyến đường sắt này. “Tôi có trao đổi anh Vượng về việc xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM cho đến huyện Cần Giờ. Anh Vượng đã đồng tình và rất say sưa với đề nghị này”, Thủ tướng nói tại hội nghị.
Ngày 21.3, Sở Giao thông Công chánh TP.HCM đã có công văn khẩn gửi Sở Xây dựng TP.HCM liên quan đến rà soát, cập nhật và bổ sung tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060...
Nhiều tập đoàn lớn đăng ký đầu tư tuyến metro tại TP.HCM
Cũng tại phiên họp thường kỳ do UBND TP.HCM tổ chức nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho biết nhiều tập đoàn trong và ngoài nước đang bày tỏ quan tâm và đăng ký tham gia đầu tư các tuyến metro tại TP.HCM, bên cạnh sự tiên phong của Tập đoàn Vingroup.
Theo ông Được, TP.HCM luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển hệ thống đường sắt đô thị, một lĩnh vực có tính chất kỹ thuật cao và yêu cầu nguồn lực tài chính lớn. Trong số các đơn vị bày tỏ quan tâm, có thể kể đến Tập đoàn Gamuda và doanh nghiệp do bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT Vietjet điều hành, với các đề xuất liên quan đến tuyến metro số 2 cũng như tuyến kết nối trung tâm thành phố với sân bay...
Về định hướng phát triển hệ thống metro, ông Được cho biết TP.HCM sẽ đa dạng hóa nguồn lực tài chính, chuyển từ đầu tư công sang đầu tư tư nhằm giảm áp lực ngân sách. Ban Quản lý Đường sắt đô thị cũng sẽ được tái cơ cấu theo mô hình công ty.
“Chúng tôi đang ấp ủ ý tưởng hình thành những tập đoàn lớn mang tầm vóc ‘chaebol Việt Nam’ ngay tại TP.HCM, các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt các dự án chiến lược quốc gia, trong đó có metro”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho biết.
T.H
Trà My