Ứng xử khi con trẻ có chức tước!

 23:30 | Thứ năm, 12/05/2016  0

 

Giáo dục cho trẻ nhận thức đúng đắn về trách nhiệm nghĩa vụ của mình trẻ sẽ có thái độ đúng đắn và có những hành vi ứng xử phù hợp trong các quan hệ ứng xử giao tiếp học đường. Ảnh: internet

Có chức – Trăm phương nghìn kế

Có dịp ra Vũng Tàu thăm gia đình người chị, cô giáo H hoàn toàn bất ngờ với câu chuyện của cháu gái khi nghe dì hỏi thăm về việc học; Bé khổ sở tâm sự “Mẹ bắt con phải có một cái chức trong lớp; ngay từ lớp 1 bé phải xung phong làm lớp trưởng, năm học sau cô giáo chọn một người bạn phù hợp hơn làm lớp trưởng mẹ bé lại “nói nhỏ” với cô giáo để bé được làm lớp phó, cố gắng lắm năm nay bé cũng nắm giữ được chức lớp phó kỷ luật nhưng các bạn không tín nhiệm nhiều lần lên tiếng phản đối,...”

Khi chị em tâm sự, mẹ bé cho rằng phải tập cho con làm quen với phong cách lãnh đạo ngay từ nhỏ để giúp con nuôi dưỡng mục tiêu “làm ông này bà nọ”, sau này ra đời được “ăn trên ngồi trước” với thiên hạ!?

Có chức -  Lợi bất cập hại

Một phụ huynh lớp 5 tâm sự “Cô giáo chủ nhiệm mời vô sinh hoạt về việc con gái chị - cô lớp trưởng dễ thương, học giỏi đã làm cô giáo “sốc” khi là “đại bàng” trong lớp. Chị còn sốc hơn không ngờ con mình biết lợi dụng chức vụ để bắt nạt bạn bè những thứ thức ăn, đồ uống, cục kẹo, cái bánh,... mặc dù gia đình chị không hề khó khăn thiếu thốn. Vì nể và sợ lớp trưởng nên cô bé sai gì các bạn đều răm rắp nghe theo từ xách cặp, cống nạp đồ ăn,... nếu bạn không làm theo thì con bé sẽ “ghim” và cố tình ghi  tên, ghi tội  vào những buổi trực nhật để cô giáo phạt bạn hoặc căng hơn là con bé sẽ lôi kéo cả lớp tẩy chay bạn nào dám “chống đối”?

Làm cán bộ lớp là cơ hội để trẻ thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, thông qua việc giám sát, nhắc nhở các bạn tuân thủ nội quy của lớp, của trường học để cùng chung tay xây dựng môi trường học đường vào nề nếp kỷ luật.

Nhiều trẻ sẽ trưởng thành hơn và có kỹ năng ứng xử giao tiếp, có kỹ năng lắng nghe, kỹ năng phán đoán, ra quyết định,... khi thực thi trách nhiệm của mình. Thay vì bắt lỗi, ghi tên, “vạch là tìm sâu”, trẻ còn biết  gần gũi để tìm hiểu và quan tâm giúp đỡ bạn vi phạm nội quy, kỷ luật để giúp bạn tìm cách khắc phục.

Bên cạnh đó, cũng có trẻ biết “vụ lợi” từ chức vụ của mình; nhận thức được sức mạnh của mình có thể ảnh hưởng đến người khác, trẻ sẽ sử dụng uy quyền  để lên mặt và ra oai bắt nạt bạn bè, thậm chí cũng có trường hợp ứng xử tiêu cực tống tiền để bao che bạn vi phạm kỷ luật, cư xử không công bằng, thiên vị trong việc ghi nhận “bắt lỗi”các hành vi vi phạm của các bạn.

Có phụ huynh cũng rất ngại và chỉ muốn con mình là “học sinh bình thường” vì sợ có chức tước trong lớp trẻ sẽ  phải chịu đựng nhiều áp lực từ nhiều phía. Việc “bắt lỗi” các học sinh khác có thể là nguyên nhân để trẻ bị ghét, bị công kích; thầy cô lại trút trách nhiệm lên trẻ để chỉ trích, la mắng… khi bạn bè vi phạm, lớp ồn, các bạn học không nghiêm túc; bên cạnh áp lực học tập thì gánh nặng trách nhiệm của các vị trí đầu tàu cũng sẽ làm trẻ vất vả, căng thẳng, mệt mỏi,...

Biến bất lợi thành có lợi

Giáo dục cho trẻ nhận thức đúng đắn về trách nhiệm nghĩa vụ của mình trẻ sẽ có thái độ đúng đắn và có những hành vi ứng xử phù hợp trong các quan hệ ứng xử giao tiếp học đường; bên cạnh đó nắm giữ vị trí lãnh đạo sẽ rèn cho trẻ có ý thức tự giác cao trong học tập; Để được các bạn tin tưởng, quý mến, nể phục trẻ phải biết tạo uy tín bằng sự gương mẫu và tích cực của bản thân qua đó trẻ sẽ có được môi trường để tự rèn cho mình những phẩm chất đạo đức và năng lực học tập, năng lực điều hành lãnh đạo và làm việc nhóm,...

Nếu trẻ có năng lực và có nhiều tố chất lãnh đạo, cha mẹ cũng nên khích lệ và ủng hộ trẻ, thông qua công việc thực tế trẻ sẽ học được các phương thức xử lý và giải quyết các vấn đề, trẻ sẽ trở nên năng động, tự tin và trưởng thành lên rất nhiều trong vai trò của người thủ lĩnh.

ThS tâm lý học Nguyễn Thị Mỹ Linh

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.