Dịch COVID-19 lắng dịu ở Đài Loan trong một thời gian dài từ đầu năm 2020 nhờ chiến lược kiểm soát thành công và hòn đảo được ca ngợi như một hình mẫu chống COVID-19 trong những đợt bùng phát đầu. Nhưng Đài Loan đã không tận dụng thời cơ này để thúc đẩy tiêm vắc xin cho người dân. Cho tới nay chỉ khoảng 1% dân số đã được chích ngừa.
Đài Loan hiện đang phải đương đầu một đợt bùng phát dịch mới. Chỉ trong ba tuần qua, Đài Loan, nơi từng được coi là hình mẫu chống dịch, đã báo cáo hơn 5.500 ca nhiễm và 45 người chết.
Đến ngày 28.5, Trung tâm Chỉ huy Dịch tễ Đài Loan thông báo tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại hòn đảo lần lượt là 7.315 và 78, sau khi ghi nhận 557 ca nhiễm và 19 ca tử vong mới trong một ngày. Đến hôm nay 30.5, con số đã tăng lên 7.806 ca nhiễm, 99 ca tử vong. Đài Loan đang cấp tốc đặt mua vắc xin BioNTech của Đức (và bị Trung Quốc gây khó dễ).
Trường hợp Đài Loan cho ta thấy những biện pháp kiểm soát từng tỏ ra hữu hiệu trong đợt dịch đầu tiên nay đang tỏ ra kém hiệu quả hơn khi vi rút SARS-CoV-2 đã sinh ra những biến chủng mới với tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần và độc lực cũng mạnh hơn. Và để ngăn chặn những biến chủng mới nguy hiểm hơn gấp nhiều lần này (và có thể còn những biến chủng mới khác nữa), thì tiêm vắc xin cho dân chúng để đạt miễn dịch cộng đồng là biện pháp không thể bỏ qua và hiệu quả hơn cả.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Vneconomy
Ở Việt Nam, sau thời gian đầu chống dịch khá tốt, nay đối mặt với việc dịch COVID-19 bùng phát đợt 4 với tốc độ lây lan nhanh, nhất là ở các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang và khá bất ngờ trong Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng ở TP.HCM; với việc phát hiện cả hai biến chủng Ấn Độ và Anh, và cả một biến chủng mới là sự lai tạo giữa biến chủng Anh và biến chủng Ấn Độ; với số bệnh nhân tử vong trong thời gian ngắn sau khi mắc bệnh cũng tăng nhanh, kể cả nơi người trẻ… có thể nói việc kiềm chế dịch bằng những biện pháp như lâu nay (5K + xét nghiệm, truy vết, cách ly, khoanh vùng), dù vẫn rất quan trọng và không thể bỏ qua, là một cuộc chạy đua, một sự đuổi bắt chưa thấy điểm dừng. Trong tình hình đó, làm sao có vắc xin chích ngừa cho dân để đạt miễn dịch cộng đồng là một yêu cầu tất yếu.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã phát biểu: “Chỉ có vắc xin phòng COVID-19 mới đưa được cuộc sống trở lại bình thường". Chính phủ cũng đã có những nghị quyết, văn bản chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất và sử dụng vắc xin trên tinh thần để người dân tiếp cận nhanh nhất, rộng nhất, đảm bảo miễn dịch cho từng người dân và cộng đồng.
Ông thông tin thêm: “Chúng tôi đã tích cực tiếp cận, trao đổi, đàm phán để có vắc xin phòng COVID-19. Đến nay số liều vắc xin đã có thông qua đàm phán là 110 triệu liều, dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021. Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán để đảm bảo mua đủ 150 triệu liều vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân Việt Nam”.
Ngày 26.5 Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19. Ngay sau đó Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã ký ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19. Quyết định nêu rõ thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Quỹ cũng tiếp nhận các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin; nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
Rõ là vắc xin chính là vũ khí tối hậu để cuộc sống trở lại bình thường. Chính phủ đã nhìn ra và đã có sự chuyển hướng trong cách tiếp cận về giải pháp, cho phép và khuyến khích nhiều thành phần cùng tìm kiếm nguồn cung ứng vắc xin phục vụ rộng rãi người dân. Vấn đề là trên thế giới vắc xin sản xuất không kịp để cung ứng, nhất là cho các nước nghèo. Do vậy, đòi hỏi những người chịu trách nhiệm về sức khỏe người dân, về tìm kiếm nguồn vắc xin phải rất nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, tất nhiên đồng thời phải đảm bảo chất lượng.
Nhìn qua các nước, bỏ lại sau lưng những sai lầm trong ứng phó đã khiến hơn 400.000 người thiệt mạng, với hơn 50% dân số nay đã được chích ngừa, người dân ở Mỹ đã có thể cởi bỏ khẩu trang, dần trở lại cuộc sống bình thường. Báo chí Mỹ đưa tin đại dịch “đang bắt đầu kết thúc”. Ở châu Âu, Anh và những nước khác đã tổ chức chích ngừa cho dân chúng trên diện rộng thành công, cuộc sống cũng đang dần trở lại bình thường, dù là “bình thường mới”.
Đó là ở các nước phát triển, nơi họ làm chủ về công nghệ và nguyên liệu sản xuất vắc xin. Ở ta, con đường chắc sẽ gian nan hơn, nhưng không phải không có hy vọng khi đã có cách tiếp cận mới.
Có chiến lược vắc xin tốt chính là cách tốt nhất để hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ thật hiệu quả.
Đoàn Khắc Xuyên