Định vị quy hoạch:

Vân Phong Tiềm năng lận đận

 11:43 | Thứ năm, 08/12/2022  0
Vân Phong là vùng vịnh, vùng đất phía bắc của tỉnh Khánh Hòa. Trong hơn 30 năm qua, vịnh Vân Phong đã nhiều lần được “gọi tên”, “đánh thức” các tiềm năng phát triển vô giá về nhiều lĩnh vực: du lịch, hàng hải, cảng biển mang tầm quốc gia và quốc tế. Thế nhưng, hiện thực quy hoạch, xây dựng, khai thác tiềm năng Vân Phong đến nay vẫn còn quá nhiều lận đận, kể cả “đạp chân” nhau…

Theo quy hoạch (lần đầu tiên) khu kinh tế vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cách đây 17 năm (tháng 3.2005), khu kinh tế này có quy mô 150.000ha, gồm mặt nước (khoảng 80.000ha) và phần đất liền (khoảng 70.000ha).

Đó sẽ là “khu kinh tế tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác”.

Cảng trung chuyển quốc tế tại Bắc Vân Phong 

Về phân khu chức năng, có hai khu cảng chính được quy hoạch: ở khu vực phía bắc vịnh Vân Phong có khu cảng trung chuyển container quốc tế (750ha) và cảng tàu khách du lịch (0,5ha) đều bố trí xây dựng tại khu vực bờ phía đông vũng Đầm Môn. Khu dịch vụ hậu cần cảng phục vụ cảng trung chuyển container quốc tế (150ha) được quy hoạch tại bán đảo Hòn Gốm. 

Còn ở phía nam vịnh Vân Phong, theo quy hoạch sẽ có khu cảng trung chuyển dầu, cảng chuyên dùng tại đảo Mỹ Giang (bao gồm cảng, kho xăng dầu ngoại quan với diện tích 70 - 80ha, trong đó có cảng và nhà máy đóng tàu, hiện đã có nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin). Khu vực này còn có cảng Hòn Khói tại phía tây khu du lịch Dốc Lết, gồm cảng tổng hợp, cảng tàu khách du lịch (4 - 5ha).

Ngoài ra, tại cả hai khu vực Bắc và Nam Vân Phong đều được quy hoạch có các khu du lịch, khu đô thị, khu trung tâm thương mại - tài chính, các khu công nghiệp, khu nuôi trồng thủy sản.

Thế nhưng, trong quá trình thực hiện quy hoạch khu kinh tế vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 đã được phê duyệt đó, việc đầu tư, xây dựng nhằm khai thác các tiềm năng vùng vịnh Vân Phong đã nhiều lần khựng lại bởi nhiều tác động, nguyên nhân. Việc đề xuất lựa chọn xây dựng nhà máy lọc dầu tại vịnh Vân Phong sau nhiều góp ý, phản biện, xem xét, cân nhắc… Trung ương và Chính phủ (thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã quyết định không chọn ở Vân Phong và chuyển ra Dung Quất (Quảng Ngãi). 

Một góc khu vực Nam Vân Phong thuộc Khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: Khải An


Còn cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động) do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) làm chủ dự án, đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư (7.2007) sẽ xây dựng tại vùng Đầm Môn gồm hai bến cảng container (ban đầu) dài 690m và các công trình liên quan khác, có khả năng đón các tàu biển chở từ 6.000 - 9.000 TEU.

Chủ dự án đã chuẩn bị làm lễ khởi công xây dựng vào 25.1.2008. Thế nhưng, 10 ngày trước khi diễn ra lễ khởi công đó, Văn phòng Chính phủ có công văn (ngày 15.1.2008) thông báo ý kiến chỉ đạo: “Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu chưa khởi công để làm rõ một số vấn đề liên quan”. Thế là việc xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong “đứng bánh”. 

Tiếp theo, ngày 23.1.2008 Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “đồng ý về chủ trương cho lập dự án nhà máy thép liên hợp Vinashin-Posco tại vị trí tiềm năng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong thuộc khu vực Hòn Ông theo quy hoạch chi tiết đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt (tại Quyết định ngày 21.8.2006)”. 

Sau đó, tập đoàn Posco đã đề nghị dành toàn bộ khu vực trung tâm bán đảo Hòn Gốm của vịnh Vân Phong, với tổng diện tích hơn 956ha cho tập đoàn này đầu tư xây dựng nhà máy thép liên hợp Vinashin-Posco cùng hai tổ hợp nhà máy nhiệt điện than có tổng công suất 1.100 MW, có tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, đó là dự án không phù hợp với quy hoạch khu kinh tế Vân Phong của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt (3.2005) và sẽ chiếm diện tích rất lớn các khu chức năng quan trọng của khu kinh tế này. Trong đó, có “cắn mất” 3,5km của cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong. Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đều không đồng ý với đề xuất của Posco.

Cuối cùng, vào ngày 30.8.2008,Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận thực hiện dự án nhà máy thép liên hợp Posco tại khu vực Đầm Môn, vịnh Vân Phong. 

Năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị và đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến “đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Khánh Hòa tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong”. 

Thế nhưng, đến ngày 23.6.2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản (số 783/TTg-QHĐP, do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký thay) gởi UBND tỉnh Khánh Hòa có ý kiến “đồng ý tạm dừng triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cho đến khi Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua”. 

Điều chỉnh quy hoạch: Dời cảng trung chuyển về phía nam

Ngày 18.10.2022 UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình về việc thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, và đã được HĐND tỉnh thông qua.

Theo quy hoạch đã được điều chỉnh, khu kinh tế Vân Phong có diện tích 150.000ha (tương đương 1.500km2, gồm 74.309ha mặt nước biển, 70.822ha đất liền, mép nước và 4.869ha lấn lấp biển). 

Về cấu trúc không gian đô thị tại khu vực Bắc Vân Phong sẽ bao gồm các khu dịch vụ, du lịch cao cấp; trung tâm cảng biển quốc tế; các khu dịch vụ hậu cần cảng, đô thị du lịch và đô thị đan xen. Tại bán đảo Hòn Gốm và đảo Hòn Lớn được quy hoạch trung tâm thương mại - tài chính, casino…; khu đô thị đa năng cao cấp, thương mại dịch vụ, sân bay dân dụng, công nghiệp... tại khu vực Cổ Mã - Tu Bông. 

Ở khu vực Nam Vân Phong sẽ phát triển các tổ hợp công nghiệp; cảng trung chuyển container, cảng tổng hợp, cảng chuyên dụng, cảng du lịch, hậu cần cảng logistics; các đô thị ven biển và các khu du lịch, dịch vụ đan xen… tập trung ở khu vực phía đông và đông bắc thị xã Ninh Hòa.

Về giao thông đường hàng không, theo quy hoạch của Thủ tướng đã phê duyệt lần đầu (năm 2005) là “sử dụng sân bay Cam Ranh và sân bay Đông Tác (tức sân bay Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên); sử dụng đất để hình thành sân bay taxi tại bán đảo Hòn Gốm để phục vụ trực tiếp cho khu kinh tế vịnh Vân Phong”.   

Còn theo kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa, trong tờ trình về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong không đặt tên “khu đô thị sân bay cao cấp Cổ Mã - Tu Bông” như đề nghị của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP) và tư vấn của tập đoàn Sun Group. Nhưng tại phân khu đô thị Cổ Mã - Tu Bông (phân khu 8) vẫn được quy hoạch là đô thị đa chức năng cao cấp gắn với sân bay, thương mại dịch vụ, trung tâm nghiên cứu, bến thủy phi cơ, tổ chức hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch biển… 

Trong đó, sân bay dân dụng thứ hai tại tỉnh Khánh Hòa thuộc phân khu 8 được quy hoạch đầu tư xây dựng tại xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) với quy mô 500  - 550ha. Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng, sân bay dân dụng tại xã Vạn Thắng sẽ nằm giữa sân bay Đông Tác (Phú Yên, cách chừng 50km đường bộ, đường bay thì còn ngắn hơn nữa) và sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa, cách hơn 100km đường bộ). Đó là một trong những nội dung tư vấn quy hoạch đã có nhiều ý kiến không đồng tình, vì cho rằng “quy hoạch sân bay dân dụng đó tại khu vực Vân Phong chỉ “có tầm nhìn xa” chưa tới 50km đường chim bay”. 

Mới đây, vào ngày 10.11.2022 lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã họp với lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) để đề xuất bổ sung quy hoạch xây dựng sân bay dân dụng tại khu kinh tế Vân Phong vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Thế nhưng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết tại thời điểm này không thể bổ sung cảng hàng không vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Việc quy hoạch và khai thác tiềm năng vùng vịnh Vân Phong có lẽ vẫn còn chờ thêm nhiều sự đồng bộ nữa mới bớt đi lận đận như từng diễn ra. 

Phan Sông Ngân

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.