Việt Nam cần sớm mở cửa, tận dụng 'thời gian vàng' để phục hồi kinh tế - xã hội

 07:29 | Thứ sáu, 22/10/2021  0
Sau hơn 11 ngày nới lỏng giãn cách, tần suất tiếp xúc người với người tăng lên, trong khi số ca nhiễm và số ca tử vong hằng ngày đều giảm. Vậy TP.HCM và các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng cao nên mở cửa từng bước như đang thực hiện hay có thể mở cửa ở mức gần như bình thường?

Việt Nam vừa trải qua đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, kéo dài từ tháng 5.2021 đến nay đã gây ra rất nhiều mất mát về sinh mạng và tổn thất to lớn đến nền kinh tế- xã hội, đặc biệt là tại các tỉnh thuộc trung tâm kinh tế phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Đại dịch lần thứ 4 lan rộng sau kì nghỉ lễ 30.4 - 1.5, với nguyên nhân được cho rằng là do sự di chuyển đông đúc của người dân trên khắp ba miền đất nước. Số ca nhiễm tăng cao trong bối cảnh tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại thời điểm đó còn thấp đã đặt hệ thống Y tế nước nhà vào tình trạng quá tải, số ca tử vong tăng nhanh, chúng ta phải đối mặt với một tình huống cực kỳ khó khăn.

Toàn bộ hệ thống chính quyền, nhân dân trong cả nước đã cùng đồng lòng, chung sức đóng góp sức người, sức của nhằm nâng cao năng lực chăm sóc và điều trị của hệ thống y tế, chăm lo cho đời sống của người dân vùng dịch bị ảnh hưởng. Điều này đã giúp Việt Nam đến thời điểm hiện tại cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên toàn quốc, cuộc sống của người dân trở về trạng thái bình thường mới sau khoảng 4 tháng giãn cách ở nhiều mức độ.

Hiện tại tính từ ngày 1.10 đến nay (sau khi nới lỏng từng bước các biện pháp giãn cách xã hội), theo dữ liệu của Bộ Y tế,  số ca nhiễm, số ca nhập viện và số ca tử vong liên tục giảm trên cả nước (ngày 1.10 tại TP.HCM có 3670 ca nhiễm mới, 96 ca tử vong, tới ngày 20.10 TP.HCM có 1.347 ca nhiễm mới và 43 ca tử vong) và dự đoán xu thế giảm này sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới.

Tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi đạt tỉ lê cao, tính đến ngày 20.10. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% là Long An (100%), Đồng Nai (100%), Khánh Hòa (100%), TP.HCM (99,5%), Bình Dương (99,8%), Bà Rịa - Vũng Tàu (97,5%), Hà Nội (96,5%), Đà Nẵng (95,5%) và Quảng Ninh (95%). Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An (79,5 %), TP.HCM (75,7%), Quảng Ninh (62,4%), Hà Nội (52,3%) và  Bình Dương (52,8%).

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại TP.HCM. Ảnh: Zing


Từ số liệu trên ta nhận thấy rằng sau hơn 11 ngày nới lỏng giãn cách, tần suất tiếp xúc người với người tăng lên, trong khi số ca nhiễm và số ca tử vong hằng ngày đều giảm. Điều này phản ánh rằng, tỉ lệ tiêm vaccine cao hiện tại có hiệu quả tốt trong việc giảm tỉ lệ nhiễm, giảm trở nặng và giảm tử vong, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi linh hoạt các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ sang trạng thái bình thường mới.

Từ đó đặt ra một câu hỏi rất cấp bách, TP.HCM và các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng cao nên: Mở cửa từng bước như đang thực hiện (điều này sẽ cần “một khoảng thời gian” để các hoạt động kinh tế - xã hội được phục hồi); Hay có thể mở cửa ở mức gần như bình thường (điều này giúp các hoạt động kinh tế - xã hội sớm phục hồi hơn, giải quyết nhiều nhu cầu cấp thiết của người dân và các vấn đề khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt)?

Để cân nhắc lựa chọn một trong hai hướng mở cửa trên, chúng ta phải xét tới rất nhiều yếu tố về y tế, kinh tế, đời sống an sinh của người dân,… để quyết định hướng đi phù hợp nhất cho chặng đường dài phía trước. Ở đây nhóm chúng tôi xin nêu ra ví dụ có thể giúp các nhà chính sách tham khảo khi đưa ra chiến lược:

Đất nước Israel đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 sau khi đạt tỉ lệ tiêm chủng cao. Israel có dân số khoảng 9,3 triệu người, sống chủ yếu tại các thành phố nên về kích thước dân số cũng như mật độ dân số có nhiều điểm tương đồng với TP.HCM và Hà Nội. Nước này đã tiêm vaccine phòng COVID-19 sớm cho người dân bằng vaccine Pfizer, tính đến ngày 12.3.2021 có 58% người được tiêm mũi 1 và 47% người được tiêm đủ 2 mũi vaccine (so với dân số chung, nếu tính riêng người thuộc độ tuổi tiêm chủng thì tỉ lệ này cao hơn) và tỉ lệ tiêm tăng dần qua các tháng.

Nhờ tỉ lệ tiêm vaccine cao, Israel đã có một giai đoạn số ca hằng ngày giảm liên tục và ở mức thấp (từ đầu tháng 3.2021 đến giữa tháng 7.2021).

Từ giữa tháng 7.2021, mặc dù tỉ lệ tiêm vaccine cho dân số ở mức cao với 65% dân số chung được tiêm 1 mũi và 59% được tiêm đủ 2 mũi, số ca nhiễm mới tăng dần và đạt mức khoảng 10.000 người vào đầu tháng 9.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc số ca nhiễm tại Israel tăng nhanh chóng và ở mức cao vào tháng 8, tháng 9.2021 như việc không còn duy trì các biện pháp giãn cách xã hội, trẻ em chưa được tiêm vaccine… nhưng có một nguyên nhân quan trọng cần lưu ý tới đó là khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch sinh ra sau khi tiêm đủ 2 liều vaccine giảm dần theo thời gian.

Điều này phù hợp với những dẫn chứng khoa học gần đây cho thấy rằng sau 6 tháng tính từ thời điểm tiêm mũi 2 vaccine Pfizer, lượng kháng thể trung hòa chống virus gây ra COVID-19 giảm đi khoảng 10 lần, dẫn đến nhu cầu cần tiêm mũi 3 bổ sung. Tính đến ngày 1.10.2021 đã có 3,1 triệu người Israel từ 12 tuổi trở lên được tiêm mũi 3 (những người này đã được tiêm 2 mũi vaccine ít nhất 5 tháng trước đó), nhờ đó số ca nhiễm mới tại Israel giảm liên tục từ giữa tháng 9 đến nay.

Chiến lược giãn cách cần dựa vào "tỉ lệ số ca COVID-19 nằm viện trong tổng số giường hiện có cho COVID-19" của mỗi tỉnh thành. Các biện pháp chống dịch cần phải đơn giản và đã thực hiện thành công tại một quốc gia nào đó. Dựa vào chứng cứ khoa học và logic, "ngưỡng mở giãn cách" hay bắt đầu giãn cách cho các tỉnh thành dựa vào "tỉ lệ số ca COVID-19 nằm viện trong tổng số giường hiện có cho COVID-19" của mỗi tỉnh thành. Việc dựa vào các chỉ số như mức độ phủ vaccine không thích hợp vì hiệu quả vaccine khác nhau cho từng loại.

Các tỉnh chống dịch tốt nhờ vào các biện pháp không dùng thuốc và vaccine được phân số lượng thấp hơn, nếu dựa vào chỉ số vaccine lại phải giãn cách theo chỉ thị 16, ngay cả rất ít ca mắc COVID-19. Hơn nữa, các tỉnh thành hầu như rất ít ca mỗi ngày và còn rất nhiều giường trống như Hà Nội, thì việc phải theo chỉ thị 16 là không hợp lý và làm lãng phí nguồn vaccine ưu tiên cho tỉnh thành đó.

6 kiến nghị để thích ứng an toàn với COVID-19

Thứ nhất, hiện tại các thành phố, tỉnh thành có tỉ lệ tiêm vaccine cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An,… cần nhanh chóng tận dụng thời gian 3-4 tháng sau khi mới tiêm mũi 2 vaccine cho người dân (giai đoạn này khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch sinh ra bởi vaccine còn tốt) tập trung vào việc mở cửa khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội, để củng cố lại nguồn lực cho toàn dân vốn đã bị hao tổn nghiêm trọng trong đợt giãn cách xã hội vừa rồi.

Việc này cũng là sự chuẩn bị nguồn lực cần thiết cho những đợt dịch bệnh kế tiếp có thể quay lại khi hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm đi (đặc biệt là khi nguồn vaccine của Việt Nam còn chưa đủ để tiêm 2 mũi cho dân số đủ điều kiện). Nếu mở cửa nền kinh tế chậm có thể khiến chúng ta mất đi “thời gian vàng” cho quá trình phục hồi.

Các cấp chống dịch cần tuyên truyền đến tận từng khu phố và người dân về chiến lược phát hiện sớm người mắc COVID-19, phát hiện sớm và phá ổ dịch, cách ly sớm. Ảnh minh hoạ: TTXVN


Thứ hai, đặt ra một số ngưỡng để giãn cách để áp dụng trở lại tại các địa phương vừa nhằm phòng, chống dịch bệnh; vừa giúp phục hồi kinh tế - xã hội và giảm các gánh nặng do giãn cách.

Theo đó, chỉ cần có ba mức độ chống dịch với mức độ 1 là nới lỏng nhất để bắt đầu bình thường mới (khá tương đồng với chỉ thị 19), mức độ 3 là siết chặt nhất tương ứng với trạng thái cách ly toàn xã hội (chỉ thị 16), mức độ 2 nằm ở giữa hai mức độ này, tương ứng với chỉ thị 15.

Ngưỡng giãn cách nên được thiết lập dựa vào số ca nhiễm cần nhập viện điều trị, linh hoạt điều chỉnh mức độ giãn cách để tạo những khoảng nghỉ ngơi phục hồi. Không nên ra nhiều mức độ giãn cách nữa làm khó khăn cho cán bộ địa phương trong việc thi hành. Các quốc gia khác cũng chỉ thường có tối đa 3 mức độ giãn cách để áp dụng.

Dựa vào các bằng chứng khoa học, y văn và chiến lược chống dịch của các quốc gia, đối với từng tỉnh thành, chúng tôi đề xuất giảm dần giãn cách khi số ca mới mắc hằng ngày có khuynh hướng giảm trong 10-14 ngày và thấp hơn số ca xuất viện mỗi ngày KÈM THEO:

(1) Số ca nằm viện chiếm < 90% tổng số giường hiện có: chuyển từ chỉ thị 16 xuống chỉ thị 15

(2) Số ca nằm viện chiếm < 70% tổng số giường hiện có: chuyển từ chỉ thị 15 xuống chỉ thị 19

(3) Số ca nằm viện chiếm < 50% tổng số giường hiện có: gỡ bỏ chỉ thị 16

Ngược lại chúng tôi đề xuất tăng dần giãn cách khi số ca mới mắc hằng ngày có khuynh hướng tăng và cao hơn số ca xuất viện mỗi ngày KÈM THEO:

(1) Số ca nằm viện chiếm > 20% tổng số giường hiện có: bắt đầu áp dụng chỉ thị 19

(2) Số ca nằm viện chiếm > 40% tổng số giường hiện có: chuyển từ chỉ thị 19 tăng lên chỉ thị 15

(3) Số ca nằm viện chiếm > 60% tổng số giường hiện có: chuyển từ chỉ thị 15 tăng lên chỉ thị 16

Thứ ba, lên kế hoạch và tìm kiếm nguồn vaccine để ưu tiên tiêm mũi 3 trước cho nhóm người có nguy cơ cao (người già trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền) hoặc nhóm người có hiệu quả bảo vệ thấp sau khi tiêm 2 mũi vaccine, như vaccine vero cells.

Thứ tư, trong thời gian nới lỏng giãn cách, các địa phương cần nhanh chóng tăng cường các biện pháp khác phòng chống COVID-19 như hướng dẫn trong sách Chiến lược và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam trong tình hình mới.

Thứ năm, các cấp chống dịch cần tuyên truyền đến tận từng khu phố và người dân về chiến lược phát hiện sớm người mắc COVID-19, phát hiện sớm và phá ổ dịch, cách ly sớm.

Trong đó, tất cả người dân trong nước phải tự đánh giá mỗi ngày về nguy cơ bị nhiễm bệnh khi có một trong các các dấu hiệu: 

Có một trong các triệu chứng: mất vị giác, mất khứu giác, khó thở; Có hai trong các triệu chứng: sốt > 37.5 độ, ho, đau họng, tiêu chảy; Sống chung hay làm việc chung phòng với người có các triệu chứng vừa nêu; Tiếp xúc với người nhiễm hay nghi mắc COVID-19 (F0, F1)  trong vòng 14 ngày; Báo ngay cho quản lý (cấp trên) qua điện thoại và tự cách ly tại nhà, đồng thời gọi điện thoại đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.

Thứ sáu, 11 ngày là thời gian từ lúc tiếp xúc nguồn lây cho tới khi nhận diện được các ca lây bệnh này. Vì vậy sau 10 ngày, các địa phương cần nắm rõ số người có triệu chứng và số người nhập viện mỗi ngày. Khi số ca nằm viện tăng lên 20% tổng số giường hiện có giành cho COVID-19 thì cần bắt đầu áp dụng chỉ thị 19 ngay.

Lê Hữu Hiếu (Khoa Y, Đại Học Y dược TP.HCM)

BS. Nguyễn Khởi Quân (Viện Khoa học Sức khỏe, Đại học VinUni, Hà Nội)

PGS-TS-BS. Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y, Trường Bệnh Nhiệt Đới và Sức Khỏe Toàn Cầu, Đại học Nagasaki, Nhật Bản)

___________________

Tài liệu tham khảo:

1. https://nld.com.vn/suc-khoe/ngay-1-10-them-27250-nguoi-khoi-benh-tp-hcm-giam-so-mac-va-tu-vong-do-covid-19-20211001172418122.htm

2. https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/chieu-20-10-a-phan-bo-hon-95-2-trieu-lieu-vaccine-phong-covid-19-a-nang-tim-nguoi-lien-quan-en-ca-f0

3. https://www.thelancet.com/journals/laninf/article/PIIS1473-3099(20)30553-3/fulltext?fbclid=IwAR0trtzwOcUU9h8grvi0SuGDF5c6pJveeh8wWbNWruM_1SoZ0Z21NjSNYr0

4. https://www.medscape.com/viewarticle/960214?src=soc_fb_211005_mscpedt_news_mdscp_antibody&faf=1

5. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8418937/?fbclid=IwAR1ukDn_G0pxBTwAByYAOE2VvzEC3n26VKTBa2_cPNDe7kOB6qxsjNZ6Zno

6. https://www.timesofisrael.com/3rd-dose-has-lowest-rate-of-side-effects-israels-health-ministry-data-shows/

7. https://ourworldindata.org/covid-vaccinations?country=ISR

8. https://ourworldindata.org/covid-cases

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
bài viết cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

#ô nhiễm khói bụi
*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.