Việt Nam còn thiếu tiếng nói của các tổ chức dân sự có chuyên môn

 17:14 | Thứ năm, 23/10/2014  0

Thôi thúc nào khiến ông quyết định soạn thảo kiến nghị bảo tồn thương xá Tax?

Thông tin SATRA bỏ thương xá Tax cũ, xây dựng một trung tâm thương mại mới đã được đưa ra mấy tháng nay. Tôi theo dõi trên báo chí và trên các diễn đàn của nhiều nhóm, thấy rằng rất nhiều người yêu mến và muốn giữ lại thương xá Tax vì đây là một di sản kiến trúc, văn hoá, lịch sử giá trị của thành phố này. Tuy nhiên, không ai có hành động gì cụ thể.

Ông Phùng Anh Tuấn

Trong nhóm chúng tôi, gồm nhiều người ở nhiều ngành nghề, từ các nhà ngoại giao đến các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử, giới luật sư và cả các sinh viên cũng  đưa ra các ý kiến muốn bảo tồn toà nhà, và đồng ý phải hành động cụ thể. Vì vậy, tôi, với tư cách cá nhân là một người Việt Nam, một cư dân của TP.HCM, và đang kiêm nhiệm vị trí Tổng lãnh sự danh dự của Cộng hoà Phần Lan tại TP.HCM đứng ra viết thư đề xuất các kế hoạch bảo tồn và phục dựng một phần của thương xá.

Có phải vì ông thấy những vấn đề khác không còn cơ hội xoay chuyển nên chỉ kiến nghị bảo tồn một phần thương xá Tax?

Việc xây dựng các trung tâm thương mại hiện đại, hay chỉnh trang đô thị để xây dựng lại hệ thống kết cấu cho phù hợp với công trình ga điện ngầm nằm trong dự án, kế hoạch tổng thể của thành phố là việc cần làm. Nhìn vào thương xá Tax, công bằng mà nói thì công trình này đã được sửa đổi và khác nhiều so với kiến trúc nguyên thuỷ. Tuy nhiên, giới nghiên cứu về kiến trúc, văn hoá, lịch sử đều đồng ý rằng, sau nhiều lần trùng tu thay đổi thì phần sảnh chính, sàn lót gạch mosaic và cầu thang chính của thương xá Tax chính là phần nguyên bản nhất còn sót lại, đặc biệt hệ thống gạch mosaic làm bằng tay rất độc đáo.

Trong thư kiến nghị, chúng tôi đã đưa ra hai giải pháp bảo tồn. Sau khi đưa kiến nghị, các nhóm ủng hộ ý kiến tiếp tục bàn thảo và đưa ra giải pháp thứ ba là ngoài việc giữ nguyên sảnh, sàn lót gạch mosaic và cầu thang, nên trùng tu lại mặt tiền, phần mái và tháp đồng hồ phía trên để tạo dựng lại mặt tiền nguyên bản của toà nhà GMC, có mái vòm trên chóp, còn phần lõi công trình 40 tầng thì giật lùi vào bên trong. Như vậy, xây trung tâm thương mại cao 40 tầng phía sau vẫn không ảnh hưởng gì. Thực ra, nếu có thể thực hiện giải pháp thứ ba, thì SATRA còn có lợi hơn khi sở hữu một toà trung tâm thương mại có mặt tiền là kiến trúc xưa, một sự kết hợp độc đáo, hài hoà giữa kiến trúc cổ với kiến trúc hiện đại. Thiết nghĩ, có một trung tâm thương mại hiện đại nhưng vẫn có phần kiến trúc cả trăm năm tuổi, mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hoá thành phố thì người hưởng lợi chính là SATRA và thành phố. Việt Nam và thế giới đã có rất nhiều trung tâm thương mại hiện đại, nhưng một trung tâm hiện đại kết hợp hài hoà với kiến trúc cổ thì không mấy nơi có được.

Nhiều người nghĩ rằng, kiến trúc thuộc địa hay kiến trúc kiểu của Pháp nào cũng giống nhau và thành phố thì còn rất nhiều kiến trúc giá trị khác. Tuy nhiên, suy nghĩ đánh đồng như vậy là sai lạc. Vì các kiến trúc sư Pháp, khi thiết kế các toà nhà ở ngoài Pháp đã dựa trên chính địa lý, môi trường tự nhiên, thời tiết và cả văn hoá bản địa để tạo ra một công trình kiến trúc đặc thù trong môi trường bản xứ, như thương xá Tax tại trung tâm Sài Gòn.

Ở Phần Lan từng có câu chuyện nào tương tự như sự việc thương xá Tax không, và kinh nghiệm thiết lập cơ chế quản trị đô thị như thế nào để cộng đồng, giới chuyên môn có thể mạnh dạn kiến nghị, phản biện? Chính quyền nên có cách truyền thông với cộng đồng ra sao để những quyết định khi ban hành không làm bức xúc người dân?

Việc xây dựng trung tâm thương mại hiện đại nhưng vẫn giữ được di tích cổ, tạo ra những “di tích sống” là rất phổ biến và khôn ngoan, được nhiều nơi thực hiện như tôi đã đưa ra trong thư kiến nghị, thí dụ trung tâm thương mại Siam Center ở Thái Lan, thương xá Whiteleys ở London (Anh), Marshall Field’s Wholesale Store và Sullivan Center ở Chicago (Mỹ), hay như khu phố mua sắm Chinatown ở Singapore. Thông thường thì các dự án xây dựng chỉnh sửa đối với các công trình thuộc diện di tích tại các nước phát triển như ở châu Âu đều có sự đóng góp ý kiến của người dân và chính phủ châu Âu cũng ý thức và thực hiện triệt để việc bảo tồn các di tích cổ. Nên các dự án công hay tư đều phải tuân thủ nghiêm túc điều này.

Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng còn thiếu các tổ chức dân sự có chuyên môn để có thể lên tiếng một cách chính thức, mạnh mẽ và có hành động cụ thể khi đưa ra các kiến nghị về những việc như vậy. Đôi khi, có nhiều người đã mạnh dạn lên tiếng phản đối nhưng lại không chủ động đưa ra được giải pháp, hay không thuyết phục được mọi người tham gia ủng hộ, trao đổi ý kiến. May mắn lần này, sau khi thư kiến nghị được gửi, đã có hàng ngàn người ký tên ủng hộ, coi như đã tìm được những giải pháp đầu tiên trong việc cùng góp ý kiến trong quản trị đô thị.

Khi gửi kiến nghị, ông có e ngại mang tiếng can thiệp vào công việc nội bộ của nước sở tại?

Như đã nói ngay từ đầu, đây là thư kiến nghị mang tính cá nhân. Và là một người dân sống tại TP.HCM, tôi nghĩ mình có trách nhiệm lên tiếng và hành động để gìn giữ một di sản quý giá của thành phố trước nguy cơ bị phá huỷ.

Về mặt cá nhân, khi tôi trao đổi về bản kiến nghị với một số đồng nhiệm là đại diện ngoại giao các nước, họ đều đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh, đây là quan điểm cá nhân, vì về mặt ngoại giao, để có được sự phê chuẩn chính thức, sẽ phải trải qua rất nhiều khâu và thời gian. Nên tôi thực hiện với tư cách là một người Việt yêu di sản đất nước, của nơi mình sống. Về cơ bản, chính quyền Phần Lan rất chú trọng đến các hoạt động bảo tồn di sản, nên kiến nghị của tôi không đi ngược lại chính sách của chính phủ Phần Lan. Tôi tin là Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội cũng ủng hộ quan điểm của tôi.

Sau khi gửi thư, ông đã nhận được phản hồi gì từ các phía?

Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch đã có công văn hồi đáp. Phía SATRA cũng có hẹn làm việc với chúng tôi. Tình hình tiến triển có vẻ khả quan, ít nhất là đã có người nói lên được ý kiến và đưa ra được các giải pháp khả thi. Bước tiếp theo là các bên có thể chọn được giải pháp tối ưu để bảo tồn được phần nào đó của thương xá.

Ông đã dự tính khoản tiền phải chi để bảo tồn cho các giải pháp đặt ra?

Chúng tôi phải chờ xem giải pháp nào được lựa chọn và sẽ thực hiện như thế nào. Trong thời gian chờ đợi, còn phải gặp các nhà thầu liên quan như nhà thầu xây dựng toà nhà cho đến nhà thầu phía thi công tàu điện ngầm để tìm ra giải pháp phù hợp nhất rồi mới tính đến chi phí cần thiết và cách thức kêu gọi đóng góp cho quỹ bảo tồn hay khôi phục công trình quý giá này.

>>> Kiến nghị bảo tồn một phần thương xá Tax

>>> Tháng bảy còn mãi

>>> Làm sao bia đá không đau? 

Kim Dung thực hiện

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.