Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp báo về vụ cháy chung cư Carina ở quận 8. Ảnh: Infonet
Tại cuộc họp báo khẩn sau vụ cháy kinh hoàng làm 13 người chết, 28 người bị thương tại chung cư Carina (phường 16, quận 8, TP.HCM), Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, thông tin: Nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ cháy là từ một chiếc xe máy đậu dưới tầng hầm, chưa xác định được do sự cố điện trong chiếc xe này hay bị cài đặt để gây nổ.
Tuy nhiên, theo ông Minh, nguyên nhân dẫn đến hậu quả lớn đến như vậy là do hệ thống cửa ngăn cháy đã bị kê lại. Việc này dẫn tới lối thoát hiểm là cầu thang bộ bị hiệu ứng "lò cao", khí độc, khói bốc lên tới tầng 14 của chung cư.
Ông Minh nói ngoài những vi phạm về cửa ngăn cháy, lối thoát hiểm, thì các tầng không có tín hiệu báo cháy, hướng dẫn thoát hiểm. Hiện cơ quan điều tra đã thu hệ thống camera, dữ liệu quản lý báo cháy, báo khói, kích hoạt hệ thống tự động... của tòa nhà. Lúc cứu hộ đến hiện trường điện đã tắt, không có đèn tín hiệu dẫn đường thoát hiểm cho nạn nhân.
Hậu quả xảy ra đặc biệt nghiêm trọng. Trong số 13 người tử vong, có hai nạn nhân tuột tay từ tầng 12 khi cố thoát khỏi đám cháy. "Nguyên nhân phát cháy tại tầng hầm không loại trừ khả năng do có tác động cài đặt gây nổ. Bởi xe máy phát nổ rất lớn. Tuy nhiên cũng có thể do nổ bình nguyên liệu khi đã cháy", ông Minh phân tích.
Ông Minh cũng cho rằng phải điều tra việc cửa ngăn khói bị chèn gạch là do cố ý hay vô tình, và ai là người làm? Lực lượng pháp y, kiểm sát viên, điều tra viên đang chia nhau giải quyết. "Chậm nhất hai tiếng nữa sẽ kết thúc", ông Minh nói.
Ông Minh cho biết Công an TP.HCM đã lấy được một số dữ liệu và đang tiến hành điều tra.
Theo ông Minh, rút kinh nghiệm ở vụ cháy ITC năm 2002, lực lượng chức năng cố gắng giải quyết nhanh khâu pháp y để trao trả thi thể nạn nhân cho gia đình. Thứ tự giải quyết ưu tiên địa điểm phát hiện, ghi nhận tư trang, hệ thống răng…, tránh việc xác định bằng giám định ADN. Riêng các công tác khám nghiệm tại hiện trường vẫn đang được triển khai.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM tại cuộc họp báo. Ảnh: Infornet
Ông Ngô Thành Tuấn, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận 8 cho biết, trong số 13 nạn nhân tử vong hiện mới có 5 người đã có thân nhân đến nhận, 8 người còn lại vẫn chưa có.
Trước mắt, theo ông Tuấn, sau khi chờ công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân, lốc C của chung cư Carina sẽ cho người dân vào ở đầu tiên bởi bị ảnh hưởng ít nhất. Hai lốc còn lại là A và B, sau khi khám nghiệm xong, chủ đầu tư sẽ khôi phục lại hệ thống điện, nước để người dân vào ở.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, quyền Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết qua kiểm tra, tại chung cư Carina không có hệ thống báo cháy và cũng không có lực lượng chữa cháy tại chỗ lúc lửa bùng phát.
Các tầng hầm của chung cư này thông với nhau, với tổng diện tích khoảng 22.000 m2. Trong khi đó, cửa ngăn cháy từ tầng hầm lên tầng 1 để hở do bị chèn đá, khiến khói từ tầng hầm bốc lên, bao trùm toàn bộ tòa nhà.
Ông Hưởng cho biết diện tích cháy ở hầm xe vào khoảng 300 m2/22.000 m2. Thời điểm đám cháy xảy ra, bên trong có nhiều tiếng nổ cùng khí độc.
Lực lượng PCCC huy động 34 xe, 205 cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường và cứu trực tiếp được 20 người và gián tiếp hướng dẫn cho hơn 1.000 người thoát hiểm.
Sau khi đi kiểm tra hiện trường, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lập tức đến buổi họp báo và cho biết việc đầu tiên là phải quan tâm đến các gia đình có người tử nạn, người bị thương.
Ông Phong nói phần lớn người người chết trong vụ cháy đều do ngạt khói, ngoài ra còn có 2 trường hợp đu ra ngoài rồi rơi xuống, vậy vấn đề đặt ra là các thông tin hướng dẫn người dân thoát hiểm khi sự cố xảy ra đến đâu?
"Mỗi năm đều kiểm tra việc PCCC ở các tòa nhà, chung cư nhưng khi xảy ra cháy, hệ thống báo cháy không hoạt động và người dân thì phải tự bảo nhau thoát thân, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vậy thì phải nghiêm túc nhìn nhận lại" – ông Phong nói.
Trước những vấn đề này, ông NguyễnThiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đặt câu hỏi: Tại sao cháy ở tầng hầm mà người dân ở trên lại chết, rút kinh nghiệm gì qua sự việc đau lòng này?
Ông Nhân giả sử nếu chuông báo cháy tại chung cư hoạt động thì ai là người có trách nhiệm có mặt để giám sát và xử lý? Nếu khi chuông báo cháy reo thì người dân sẽ thoát thân như thế nào, khi lúc đó là vào giữa đêm qua rạng sáng. Qua sự cố nghiêm trọng này, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhìn nhận vẫn có nguy cơ cháy rất lớn.
Ông Nhân đề nghị lực lượng Cảnh sát PCCC phải làm rõ thêm việc có người chèn đá vào cửa ngăn cháy hay không, tìm kiểu kỹ chuông báo cháy hoạt động như thế nào.
Theo ông Nhân, sự việc đau lòng đã xảy ra rồi nhưng việc làm cấp bách là phải rút ra bài học kinh nghiệm. Dẫn ví dụ ở nước ngoài thường xuyên diễn tập chữa cháy, giả cháy, tập động tác thoát hiểm…. Chúng ta cần phải rút ra bài học, cháy ban đêm xử lý sao…?
Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng. Ảnh: Vnexpress
Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng,trước đây, việc kiểm tra PCCC tại các tòa nhà, chung cư tổ chức 1 năm 4 lần nhưng sau đó theo quy định mới thì năm chỉ kiểm tra 2 lần. Ông Hưởng thừa nhận việc này sẽ khó chặt chẽ trong công tác đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ.
Ông Hưởng đánh giá ở nhiều khu chung cư, nhất là những nơi giá thấp, các trang thiết bị PCCC bị nhiều hạn chế, nhiều trường hợp hệ thống báo cháy kém chất lượng thường báo giả. Vì vậy,có nhiều lần người dân ở chung cư đã phá hỏng hệ thống này để tránh bị báo giả.
Mặt khác, ông Hưởng cũng cho biết tại các chung cư, nhà cao tầng đều có quy định về hệ thống PCCC cùng những hướng dẫn cụ thể nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp, người dân không làm theo.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thưThành ủy TP.HCM, quy trình PCCC chưa ổn. Qua trường hợp này phải rà soát lại quy trình PCCC, tự đánh giá lại. Nếu chung cư nào chưa đảm bảo thì phải lập tức yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục.
>> Cháy chung cư Carina ở TP.HCM: ít nhất 13 người chết
Gia Minh - BTV (Theo: Người Lao Động, Vnexpresss)