Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với ThS-BS. Lê Bích Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), là cơ sở y tế điều trị cho 9/73 bệnh nhi từng nhập viện cấp cứu tại huyện Tân Phú (Đồng Nai) ngày 2.3.2018 sau khi uống sữa tươi tiệt trùng theo chương trình Sữa học đường, do Nutifood cung cấp.
Một số trẻ trong vụ "73 học sinh ở Đồng Nai phải nhập viện cấp cứu sau khi uống sữa Nutifood" , hơn một tháng sau vẫn phải điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1, ngày 10.4.2018. Ảnh: Trọng Văn
"Khám và xét nghiệm không thấy gì..."
Bác sĩ Liên cho biết “sự việc xảy ra tương đối lâu nên chỉ thông tin những gì còn nhớ”. Theo đó, ngày 21.3.2018, có 3 bệnh nhi được đưa đến khám và nhập viện. Tại thời điểm này, Nhi Đồng 1 không nắm được thông tin 3 trường hợp này nằm trong số 73 bệnh nhi trong biến cố đã nêu.
Sau một tuần điều trị cho 3 bệnh nhi, bệnh viện tiếp nhận thêm 6 trường hợp nữa. “Trong khoảng thời gian này, chúng tôi nghe được thông tin các cháu xuất hiện triệu chứng ói, đau bụng sau khi uống sữa hôm 2.3.2018” - bác sĩ Liên cho biết dù tình trạng các bệnh nhi không cần thiết phải điều trị nội trú nhưng bệnh viện vẫn đồng ý cho nhập viện.
Nhi Đồng 1 đã làm các xét nghiệm, theo dõi và tìm nguyên nhân. Nhìn chung, 9 bệnh nhi có tình trạng đau bụng, ói... Một số cháu bị tiêu chảy. Một số cháu bị táo bón. Bệnh viện đã thực hiện một số xét nghiệm máu, phân, nước tiểu, siêu âm nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường.
Ngày 11.4.2018, bệnh viện thành lập Hội đồng chuyên môn, trong đó có mời thêm chuyên gia về tiêu hóa, dinh dưỡng… từ một số cơ sở y tế khác, kể cả Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai từng khám và điều trị cho 9 bệnh nhi.
Hội đồng đánh giá thể trạng các bệnh nhi tương đối ổn. Ngoài những triệu chứng như vừa mô tả, kết quả thăm khám của bác sĩ cũng như xét nghiệm “không có gì bất thường đáng kể” và bệnh viện tiếp tục điều trị cho các bệnh nhi theo hướng rối loạn tiêu hóa. Sau một thời gian điều trị, “tình trạng của các cháu tiến triển và có xu hướng ổn định dần”, bác sĩ Liên cho biết.
Về thông tin một số bệnh nhi sau khi xuất viện vẫn bị ói, đau đầu, đau bụng… trong đó có những trường hợp phải nhập viện điều trị lần hai, tiếp tục được bác sĩ hẹn tái khám..., bác sĩ Lê Bích Liên cho rằng “việc đó bình thường thôi”. Một số trường hợp ra viện mà chưa hết hẳn 100%, người nhà của bệnh nhi được dặn tiếp tục theo dõi, điều trị ngoại trú theo hướng dẫn của bác sĩ…
Triệu chứng sốt, tiêu chảy, ói… của 9 bệnh nhi nêu trên theo bác sĩ Lê Bích Liên là khá phổ biến, và bệnh viện đã điều trị rất nhiều trường hợp. "Chúng tôi khám không thấy gì hết, xét nghiệm cũng không thấy gì. Có nghĩa là cơ thể các cháu đang trong điều kiện ổn định bình thường, còn giả sử như có những vấn đề gì mà nó biểu hiện khi thăm khám hoặc biểu hiện bất thường trên xét nghiệm mà mình tìm nguyên nhân không có thì lúc đó chúng ta phải tìm tiếp", bác sĩ Liên nói.
Tuy nhiên, thông tin từ phía phụ huynh phản ánh đến Người Đô Thị lại không hoàn toàn lạc quan như ý kiến của đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết.
Sau khoảng 10 ngày xuất viện, một số bé vẫn còn đau. Trường hợp thứ nhất chưa dứt tình trạng đau ngày hai cữ. Lần một là lúc hơn 8g sáng. Lần hai trước khi đi ngủ (gần 9g tối), đau nặng hơn, kèm ói. Về tiêu hóa, khoảng 3-4 ngày bé mới đi cầu một lần. Gia đình cho biết bé vẫn đang tiếp tục uống thuốc theo toa của bác sĩ.
Trường hợp thứ hai đi cầu hai ngày một lần, phân rắn, đau bụng, khóc. Trường hợp thứ ba thì đại diện gia đình cho biết đã quyết định lựa chọn một cơ sở y tế khác để khám và điều trị cho con mình. Kết quả chẩn đoán cũng đã có nhưng phía gia đình chưa đồng ý công bố…
Một số nguồn tin của Người Đô Thị cho biết sáng 27.4.2018, có 5/9 bệnh nhi lên cơn đau khi đang ở trường. Gia đình các em được thông báo lên đón các bé về. Trao đổi với phóng viên qua điện thoại cuối chiều cùng ngày, bà Nguyễn Thị Hằng, hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Văn Đồng cho biết do sáng nay bà đi họp nên chưa cập nhật tình hình, có gì sẽ cập nhật thông tin và trao đổi với phóng viên sau.
Với biểu hiện sức khỏe bất thường của bé M. (một bệnh nhi trong vụ việc 73 học sinh ở Đồng Nai nhập viện cấp cứu sau khi uống sữa Nutifood), Trường tiểu học Phạm Văn Đồng buộc phải thông báo cho gia đình đến rước bé về sáng ngày 27.4.2018. Ảnh đã xử lý che mờ. Ảnh: TL
Không có chuyện tạm dừng “sữa học đường”?
Ngày 2.3.2018, 73 học sinh tiểu học và mầm non ở huyện Tân Phú phải nhập viện cấp cứu sau khi uống sữa tươi theo chương trình Sữa học đường mà Nutifood là doanh nghiệp trúng thầu cung cấp.
Ngày 3.3.2018, nhiều tờ báo trong nước đồng loạt thông tin việc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai ra văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo tại 11 quận, huyện trên địa bàn tỉnh yêu cầu tạm dừng, không cho trẻ tiếp tục uống sữa thuộc đề án Sữa học đường. Vậy mà, ngày 6.3.2018, lại tiếp tục có thêm 7 trường hợp học sinh trường tiểu học Trần Quốc Tuấn (xã Gia Canh, huyện Định Quán) nhập viện sau khi uống sữa học đường.
Theo diễn tiến này, phóng viên Người Đô Thị đã gửi một số câu hỏi đặt ra với bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, như sau: Phải chăng lãnh đạo Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn chống lệnh của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, hay là yêu cầu tạm dừng uống sữa học đường từ sở hết hiệu lực? Nếu yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai về việc tạm dừng cho trẻ uống sữa học đường từ ngày 3.3.2018 trên địa bàn 11 quận, huyện hết hiệu lực thì cơ sở nào để sở cho phép chương trình Sữa học đường tiếp tục triển khai? Từ thời điểm nào? Bằng văn bản nào?...
Chúng tôi đã nhận được nội dung trả lời như sau:
Ngày 2.3.2018 sau khi xảy ra sự việc 73 học sinh tiểu học và mầm non huyện Tân Phú bị hội chứng kích thích dạ dày ruột với sữa tươi sau khi uống sữa.
Ngày 5.3.2018, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Phú có báo cáo số 54/BC-UBND gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, trong đó có kiến nghị “đề nghị UBND tỉnh cho phép UBND huyện Tân Phú chỉ đạo các trường học tạm dừng uống sữa để chờ kết luận về nguyên nhân vụ việc”.
Ngày 15.3.2018, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Phú đã có Tờ trình số 15/TTr-PGD&ĐT về việc tiếp tục tổ chức cho học sinh uống Sữa học đường năm 2018, trong đó có nội dung đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai đồng ý cho các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn huyện tiếp tục được tổ chức cho học sinh uống sữa học đường từ ngày 19.3.2018.
Ngày 16.3.2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai có văn bản số 567/SGDĐT-KHTC chấp thuận đề nghị của Phòng Giáo dục và Đào tạo Tân Phú tại tờ trình 15/TTr-PGD&ĐT và yêu cầu “việc triển khai cho học sinh uống sữa thực hiện theo đúng hướng dẫn tại văn bản số 396/SGDĐT-KHTC ngày 27.2.2018, văn bản số 424/SGDĐT-GDMN ngày 1.3.2018, văn bản số 549/ SGDĐT-KHTC ngày 14.3.2018”.
Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai không có văn bản nào tạm dừng, không cho trẻ uống sữa học đường từ ngày 3.3.2018.
Đối chiếu câu trả lời trên của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai với những gì báo chí đăng tải ở thời điểm xảy ra sự việc, có thể thấy câu trả lời mới này hoàn toàn trái ngược với những nội dung mà cũng chính cơ quan này trả lời báo chí sau khi sự cố xảy ra.
Cũng theo trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, tính đến thời điểm hiện nay, số lượng trẻ uống sữa theo đề án Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai: có 150.278 học sinh tiểu học, 172.650 học sinh mầm non.
Riêng địa bàn huyện Tân Phú có 8.107 học sinh tiểu học, 8.470 học sinh mầm non.
Sữa tươi đạt chuẩn: không phải ai uống cũng an toàn
Liên quan đến sự việc 73 học sinh ở Đồng Nai nhập viện cấp cứu sau khi uống sữa Nutifood, trong khi chờ kết luận chính thức của hội đồng chuyên môn, một số phụ huynh có trẻ đang tham gia chương trình Sữa học đường đã phản ánh đến Người Đô Thị mong muốn được chuyên gia độc lập giải thích rõ hơn mức độ an toàn của sữa với sức khỏe và cách nào để nhận biết trẻ bị ngộ độc thực phẩm do sữa gây ra. Để có thông tin đa chiều, chúng tôi trao đổi với PGS-TS-DS. Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP.HCM).
PGS-TS-DS. Nguyễn Hữu Đức cho biết y khoa đã ghi nhận đa số người có thể uống sữa không có triệu chứng gì, nhưng với số ít người chỉ cần uống một ly nhỏ cũng đủ sinh ra triệu chứng rối loạn.
PGS-TS-DS. Nguyễn Hữu Đức |
Trong nội dung trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai với Người Đô Thị có cho biết “73 học sinh tiểu học và mầm non huyện Tân Phú bị hội chứng kích thích dạ dày ruột với sữa tươi sau khi uống sữa”. Ở góc độ bệnh lý học, hội chứng này có thể xảy ra trong những trường hợp nào, thưa ông?
Khi uống sữa, đặc biệt là sữa tươi có thể bị “rối loạn tiêu hóa” thể hiện bằng các triệu chứng: tiêu chảy, nôn ói, đau bụng… Các triệu chứng vừa kể là do dạ dày ruột phản ứng co thắt dữ dội nên có người gọi “hội chứng kích thích dạ dày - ruột” và có thể do hai trường hợp:
Thứ nhất, sữa bị nhiễm trùng do sữa, đặc biệt là sữa tươi, là môi trường nếu bảo quản không tốt dễ bị xâm nhiễm bởi vi khuẩn như vi khuẩn E. coli, Shigella, Clostridium botulinum… gây ngộ độc người uống sữa.
Thứ hai là do cơ thể không dung nạp (tức không chịu, không hạp) với đường lactose. Lactose là dạng đường chủ yếu có trong sữa và các sản phẩm từ sữa và được tiêu hóa trong ruột nhờ sự trợ giúp của men lactase. Nếu không có hoặc thiếu hụt men này cơ thể sẽ không dung nạp được lactose.
Không dung nạp lactose là trẻ không có khả năng tiêu hóa và hấp thu đường lactose, đường lactose dư thừa được chuyển thành axit lactic nên khi ăn sữa hoặc các thực phẩm có chứa lactose với các dấu hiệu rối loạn như kể ở trên. Trường hợp thứ hai thường ít xảy ra hơn.
Ngộ độc thực phẩm nói chung và ngộ độc sữa nói riêng, liệu có gây ra những triệu chứng nôn, đau bụng, tiêu chảy, đi cầu ra máu… kéo dài gần hai tháng như trường hợp của 9 học sinh trong vụ việc ở Đồng Nai không?
Ngộ độc thực phẩm, trong đó có ngộ độc sữa bị nhiễm trùng, nếu được xử trí đúng đắn để chất độc đào thải (nôn ói và tiêu chảy là phản ứng của cơ thể tìm cách loại trừ nhanh chất độc) nên chỉ trong thời gian vài ngày là hết triệu chứng ngộ độc.
Nếu triệu chứng nôn, đau bụng, tiêu chảy, đi cầu ra máu kéo dài gần 2 tháng là do nguyên nhân khác chứ không chỉ do ngộ độc thực phẩm (nhất là đi tiêu ra máu thì ít khi do ngộ độc sữa mà có thể do bị bệnh kiết lỵ do vi khuẩn hay ký sinh trùng amip).
Theo tôi được biết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 có tiếp nhận 9 trẻ học sinh bị nghi vấn ngộ độc sữa và đã đánh giá, các bệnh nhi khi nhập viện đều trong tình trạng không nặng, đều nằm theo dõi và điều trị ở phòng thường, không cần nhập vào cấp cứu; điều trị đến ngày thứ 8 thì xuất viện 7 em (báo Sức Khỏe và Đời Sống số 1007, tháng 4.2018).
Với sự việc 73 học sinh ở Đồng Nai phải cấp cứu nghi vấn ngộ độc thực phẩm, theo ông, cơ quan chức năng cần làm gì để sớm tìm được đúng nguyên nhân?
Khi nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là sữa, toàn bộ lô sữa nghi gây ngộ độc phải được cơ quan chức năng niêm phong và gửi đến phòng thí nghiệm thuộc cơ quan chức năng để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc.
Cơ quan về An toàn vệ sinh thực phẩm có ban hành Quy trình nhằm điều tra, xác định nguyên nhân của vụ ngộ độc thực phẩm và kiến nghị các biện pháp xử lý, khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra cứ theo quy trình đó để làm những xét nghiệm.
Với những trường hợp thực phẩm nghi nhiễm khuẩn hay có độc tố thì sau khoảng bao lâu những mẫu thực phẩm đem đi xét nghiệm đó sẽ không còn giá trị vật chứng hoặc sẽ khó làm xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây bệnh?
Cần lấy mẫu thực phẩm gây ngộ độc đúng quy trình, tức chú ý làm đúng về bảo quản và vận chuyển mẫu. Mẫu kiểm tra sau khi lấy được phải cho vào hộp có đá làm lạnh, đậy nắp chặt rồi mới vận chuyển để đề phòng mẫu bị ô nhiễm, tăng sinh vi khuẩn và bị biến đổi theo thời gian. Mẫu kiểm tra phải được gửi đến phòng xét nghiệm thuộc cơ quan chức năng ngay trong ngày lấy mẫu.
Khi uống sữa không đảm bảo an toàn thực phẩm, cơ thể sẽ có những phản ứng gì?
Khi bị ngộ độc nói chung, trong đó uống sữa gây ngộ độc thì cơ thể sẽ phản ứng tự nhiên là co thắt cơ trơn đường tiêu hóa dữ dội gây đau bụng, nôn ói để tống chất độc ra theo đường miệng, tiêu chảy để tống chất độc ra theo đường hậu môn. Sau đó, chất độc thấm vào cơ thể sẽ gây rối loạn cơ quan mà nó thâm nhiễm.
Còn với sữa đạt chuẩn, như ông đã cho biết, có những người không uống được sữa tươi do cơ địa không thích ứng. Y khoa lý giải những trường hợp này như thế nào, thưa ông?
Y khoa đã ghi nhận đa số người có thể uống sữa không có triệu chứng gì, nhưng với số ít người chỉ cần uống một ly nhỏ cũng đủ sinh ra triệu chứng rối loạn. Nguyên nhân với số ít người này là do họ bị dị ứng sữa hoặc bị chứng bất dung nạp lactose – một chất đường chính có trong sữa.
Dị ứng sữa làm phát sinh các triệu chứng rối loạn điển hình: khi dùng sữa xong là bị phát ban, sưng mặt, môi và lưỡi, dị ứng da. Còn người bất (tức không) dung nạp lactose thường có các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, nôn và chướng bụng khi uống sữa hoặc ăn sản phẩm từ sữa như pho mát, sữa chua hoặc bơ.
Riêng “không dung nạp lactose” có nghĩa là cơ thể không thể tiêu hóa được lactose, chất đường chính trong sữa. Để hấp thụ vào máu, cơ thể phải tách lactose thành chất glucose và galactose. Để thực hiện điều này cần phải có một enzyme (men) gọi là lactase. Nhưng có một số người vì thiếu men lactase nên không dung nạp được lactose.
Thượng Tùng-Trọng Văn