Đây là lần thứ 4 Forbes Việt Nam công bố danh sách này. Các công ty được đánh giá xếp hạng dựa vào hiệu quả kinh doanh tốt nhất thị trường, bao gồm cả những công ty lớn và công ty vừa và nhỏ thuộc 13 lĩnh vực, kể cả đa ngành.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường của 50 công ty này đạt 829.010 tỉ đồng, chiếm 62,14% giá trị vốn hóa của hai sàn HOSE và HNX cộng lại (tính đến 16.5.2016).
Tổng doanh thu của 50 công ty đạt 475.546 tỉ đồng, chiếm 37,77% tổng doanh thu toàn thị trường; và tổng lợi nhuận sau thuế đạt 53.482 tỉ đồng, chiếm 53,08% tổng lợi nhuận của cả thị trường.
Đa số công ty lọt vào danh sách đang đang niêm yết ở sàn giao dịch TP.HCM (HOSE), chỉ có năm doanh nghiệp niêm yết ở sàn Hà Nội (HNX).
So với năm ngoái, danh sách năm nay có 10 gương mặt mới như địa ốc Đất Xanh, nhà Khang Điền, mía đường Thành Thành Công – Tây Ninh, ngân hàng Á Châu, bảo hiểm PVI, gỗ Đức Thành, bột giặt Lix…
Theo Forbes Việt Nam, danh sách lần này phản ánh những thay đổi của nền kinh tế như các công ty hàng tiêu dùng tiếp tục phát triển mạnh; hoặc ngành xây dựng, bất động sản tăng trưởng nhờ sự phục hồi của thị trường.
Chu kỳ hang hóa thấp đã ảnh hưởng đến nhiều nhóm danh nghiệp. Ví dụ lĩnh vực dầu khí không có công ty lọt vào danh sách do giá dầu thấp đã cản trở tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của khối doanh nghiệp này. Tương tự, ngành cao su cũng không có đại diện nào.
Danh sách được Forbes Việt Nam sử dụng phương pháp xếp hạng theo công ty mẹ, của Forbes, có cân nhắc đến đặc thù các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Dữ liệu đánh giá dựa theo báo cáo tài chính đã kiểm toán của 5 năm liên tiếp, năm tài chính gần nhất kết thúc 31.12.2015.
Các công ty có giá trị vốn hóa dưới 300 tỉ đồng và doanh thu dưới 150 tỉ đồng đều không đủ tiêu chuẩn lọt vào danh sách sơ bộ. Các công ty con có hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào công ty mẹ (đã có tên trong danh sách), các công ty nhiều lần vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của hai sở giao dịch chứng khoán cũng bị loại trong danh sách này.
Tuyết Ân