Xã An Khánh và huyện Hoài Đức (thuộc Hà Tây cũ) đã hai lần được sáp nhập vào Hà Nội trong hai thời kỳ 1828 - 1832 và 1978 - 1991. Từ 1991 cho đến 2008 An Khánh thuộc về tỉnh Hà Tây, rồi từ sau năm 2008 đến nay An Khánh lại thuộc Hà Nội.
Bắt đầu thu hồi từ những năm 2001, đến nay, hàng trăm ngôi biệt thự, biệt thự liền kề ở khu đô thị Nam An Khánh đã xuống cấp, nhếch nhách, cỏ mọc um tùm, gây nên tình trạng mất an toàn, an ninh khu vực. Trong khi đó, giá bán vẫn được rao lên đến hàng chục tỷ/căn. Ảnh: B.Loan
An Khánh trong sự sắp đặt
An Khánh là một xã ngoại thành phía Tây Hà Nội, được xem là đang ở trong quá trình đô thị hóa với dự án xây dựng một khu công nghệ cao ước tinh khoảng một triệu dân vào năm 2020. Kế hoạch này muốn tạo ra 49 điểm đô thị hoá có những quy mô khác nhau, bao gồm cả hai dự án được quy hoạch ở phía bắc và phía nam An Khánh nhằm chuyển đổi khu vực này thành một đô thị vệ tinh của Hà Nội.
An Khánh nằm trên đường quốc lộ số 32 nối liền thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây; cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km, địa bàn có 3 tuyến đường giao thông quan trọng là Đại lộ Thăng Long, tỉnh lộ 423 và đường Lê Trọng Tấn. Sự định vị không gian của An Khánh trong không gian đô thị hóa của thành phố Hà Nội vì thế giả định quá trình đô thị hóa của An Khánh là hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa của thành phố Hà Nội.
Mặt khác ý tưởng xây dựng An Khánh thành khu đô thị vệ tinh của Hà Nội cũng nằm trong quy hoạch sự phát triển không gian của thành phố Hà Nội trong hiện tại và tương lai theo mô hình của một đô thị đa trung tâm để tránh những tắc nghẽn về giao thông và sự rối loạn chức năng của các không gian đô thị của mô hình thành phố một trung tâm của thời kỳ tiền công nghiệp và tiền hiện đại.
An Khánh là một xã ngoại thành phía Tây Hà Nội, được xem là đang ở trong quá trình đô thị hóa.
Một tính toán thiếu cơ sở
Trước năm 2008, An Khánh là một trong 22 xã ở huyện Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Tây (nay sáp nhập với Hà Nội) với dân số khoảng 16.600 người, bao gồm 4.800 hộ tập hợp thành năm làng (Yên Lũng, Phú Vinh, Văn Lũng, An Thọ và Ngãi Cầu). Năm 2016 xã An Khánh có diện tích 846 ha, dân số hiện tại là 23.098 người, sinh sống ở 5 thôn cũ và 2 thôn mới thành lập.
Cho đến năm 2008, An Khánh vẫn là một xã thuần nông. Nông nghiệp là hoạt động kinh tế chính của toàn bộ dân cư trong xã. Những nghề phụ ở đây không chỉ ít mà còn có rất ít giá trị kinh tế. Đó chủ yếu là các nghề, thủ công, dịch vụ và buôn bán nhỏ ngay tại địa phương hay trên các đường phố thủ đô Hà Nội. Nghề thủ công chủ yếu là nghề làm mành trúc và dệt các tấm thảm chùi chân mà các gia đình ở đô thị thường dùng.
Xã An Khánh, xét từ quan điểm bên trong hay bên ngoài, đều không có nhu cầu đô thị hóa, nên nó chỉ có thể tham gia vào quá trình đô thị hóa từ một quyết định bên ngoài mà thôi.
Cho đến năm 2008, An Khánh vẫn là một xã thuần nông.
Rõ ràng An Khánh là một xã nông nghiệp nông thôn thuần túy, tức là chỉ tồn tại dựa vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp là chính, các hoạt động thủ công hay dịch vụ chỉ có tính phụ trợ, nên không thể là cơ sở kinh tế cho một đô thị, cho dù chỉ là một đô thị vệ tinh. Vì kinh tế đô thị hiện đại phải dựa trên nền tảng của công nghiệp và dịch vụ nên khi An Khánh muốn trở thành một khu đô thị hiện đại, nó phải trở thành một khu công nghiệp và dịch vụ ở một quy mô nhất định.
Hơn nữa là một đô thị vệ tinh nó còn có chức năng thu hút các nguồn lực trong vùng phục vụ cho các hoạt động sản xuất và dịch vụ tại chỗ, hay chuyển tiếp về khu đô thị trung tâm là cực tăng trưởng của cả vùng hay cả nước. Đồng thời nó có chức năng chuyển tiếp các nguồn lực phát triển từ các khu đô thị trung tâm ra các vùng xung quanh như những trung tâm của quá trình đô thị hóa. Vì thế quy mô công nghiệp hóa và đô thị hóa của An Khánh cũng phải tương xứng với vai trò trung tâm trung chuyển của nó trong mạng lưới đô thị hóa toàn vùng.
Xã An Khánh, xét từ quan điểm bên trong hay bên ngoài, đều không có nhu cầu đô thị hóa.
Tuy nhiên giữa nhu cầu đô thì hóa nhanh chóng ở quy mô vùng và khả năng chuyển đổi của một xã nông thôn thuần nông thành một đô thị hiện đại nảy sinh một mâu thuẫn lớn, không chỉ từ phía những điều kiện khách quan về nguồn lực tài chính công nghệ và kỹ thuật mà cả về những điều kiện chủ quan là khả năng dự báo và quản lý sự phát triển của một mô hình định cư có sự chuyển đổi đột biến từ mô hình định cư nông thôn truyền thống sang mô hình định cư đô thị hiện đại.
An Khánh là một xã nông nghiệp nông thôn thuần túy, tức là chỉ tồn tại dựa vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp là chính, các hoạt động thủ công hay dịch vụ chỉ có tính phụ trợ, nên không thể là cơ sở kinh tế cho một đô thị, cho dù chỉ là một đô thị vệ tinh.
Điều này cho thấy, là một xã thuần nông, nên cho dù nó được sát nhập vào Hà Nội, hay vẫn thuộc tỉnh Hà Tây cũ, An Khánh vẫn chỉ là một vùng nông thôn nông nghiệp thuần túy như nó đã tồn tại từ xa xưa trong lịch sử của nó. Bởi vì các làng nghề truyền thống của Việt Nam, cho dù có những hoạt động thủ công nghiệp và dịch vụ ở cấp vùng hay cả nước như Bát Tràng, Ninh Hiệp (Hà nội) Đình Bảng, Thổ Hà (Bắc Ninh) Hữu Bằng hay Thổ Tang (Vĩnh Phúc)..., trong những điều kiện của nền kinh tế chung là nông nghiệp tự cung tự cấp, cũng vẫn chỉ là các làng nông thôn, cho dù chúng không còn hay còn rất ít các hoạt động sản xuất nông nghiệp.
An Khánh muốn trở thành một khu đô thị hiện đại, nó phải trở thành một khu công nghiệp và dịch vụ ở một quy mô nhất định.
Những tác động của đô thị hóa cưỡng bức
Xã An Khánh có tổng diện tích là 830, 27 ha. Ngay từ năm 2000, Nhà nước đã có kế hoạch chuyển vùng An Khánh thành một khu công nghiệp - đô thị và giao cho chính quyền tỉnh Hà Tây thực hiện chương trình này.
Các dự án công nghiệp hoá và đô thị hoá đã lấy 700 ha trên tổng diện tích 830 ha (84%) của xã để triển khai các dự án đầu tư của mình. Diện tích đất nông nghiệp của xã chỉ còn khoảng 80 ha (khoảng 10% tổng diện tích), chủ yếu dành cho 1000 hộ nông nghiệp với khoảng 4.500 người, tức mỗi hộ chỉ còn 2 sào hay 800m² .
Điều đáng nói là quá trình thu hồi đất và sự chờ đợi đền bù cho phần đất bị thu hồi kéo dài hơn 10 năm. Tức là trong khoảng thời gian đó người dân An Khánh chỉ trông vào đồng ruộng phải tự xoay sở để kiếm sống. Số tiền đền bù chỉ đủ để họ sửa sang căn nhà cũ và mua sắm phương tiện sinh hoạt, phần đất đền bù cho hoạt động sản xuất được tính trên đất dịch vụ chỉ giới hạn ở chỉ tiêu 10% đất thu hồi nhưng không quá 150m2. Lý do là vì khi thu hồi đất người ta không tính đến sự đền bù, nên khi thu hồi xong thì không còn nguồn đất đền bù trong khi đất thu hồi vẫn chưa triển khai dự án hàng chục năm.
Quá trình thu hồi đất và sự chờ đợi đền bù cho phần đất bị thu hồi bị kéo dài hơn 10 năm.
Khi các dự án đã đi vào hoạt động và toàn bộ dân cư nơi đây cũng bắt đầu tham gia vào quá trình đô thị hoá như một quá trình thay đổi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội của họ. Từ điều kiện sống của người nông dân quanh năm gắn bó với đồng ruộng, chăn nuôi và một chút nghề phụ, giờ đây họ không còn là nông dân và kinh tế hộ gia đình truyền thống của họ cũng không còn cơ sở để tồn tại. Để có được những nguồn thu nhập thay thế, mỗi người trong gia đình phải tìm đến các công việc không chỉ có thu nhập, mà còn phải phù hợp với năng lực của họ nên hết sức khó khăn.
Trong lĩnh vực chuyển đổi các hoạt động nghề nghiệp ở địa phương, việc hơn 3.000 nông dân đột nhiên không còn đất canh tác đã gây ra một sự hụt hẫng lớn trong tâm thức của cộng đồng dân cư. Trong khi đó, các xí nghiệp thuộc các dự án ở đây chỉ tuyển mộ những công nhân có tay nghề đã được đào tạo hay có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên để đáp ứng những nhu cầu công việc của họ.
Hơn 3.000 nông dân đột nhiên không còn đất canh tác đã gây ra một sự hụt hẫng lớn trong tâm thức của cộng đồng dân cư.
Khi các dự án đã hoàn tất thu hồi đất, xây dựng cơ sở hạ tầng và đi vào hoạt động cũng là lúc người dân và chính quyền địa phương bắt đầu phải đối diện với những băn khoăn, lo lắng về cuộc sống.
Tại đây, đã có trên 20.000 công nhân được tuyển mộ vào làm việc trong các xí nghiệp công nghiệp trên địa bàn xã. Con số này lớn hơn cả số dân trong xã, nhưng họ chủ yếu là những người được tuyển mộ từ nơi khác đến. Một số đã mua đất rồi làm nhà và ở lại đây, còn phần lớn là thuê nhà trọ hay đi về trong ngày. Cho dù chưa có thống kê chính thức nhưng các cán bộ địa phương đều khẳng định là có rất ít người dân địa phương được tuyển vào làm trong các xí nghiệp này.
Theo thông tin của Bí thư Đoàn xã năm 2016, mới có 200/309 đoàn viên và thanh niên trong xã làm việc tại các công ty bao bì, đồ điện và giải trí trên địa bàn xã. Có tới 80% số hộ được đền bù đã đầu tư vào việc xây sửa nhà cửa thay vì tìm cách đầu tư phát triển kinh tế.
Nghĩa là những người nông dân đó đã mất gần hết đất đai, là phương tiện kiếm sống duy nhất của họ, rồi rút cục lại đứng ngoài công cuộc đô thị hóa?
Có tới 80% số hộ được đền bù đã đầu tư vào việc xây sửa nhà cửa thay vì tìm cách đầu tư phát triển kinh tế.
Tự xoay sở “ quy hoạch”
Khu đô thị An Khánh, theo quy hoạch của nó chỉ gồm các khu đất dành cho khu công nghiệp và khu đô thị mới. Phần đất còn lại bao gồm khu dân cư và khu đất nông nghiệp không bị thu hồi do không thuộc quy hoạch của khu đô thị An Khánh. Điều này có nghĩa có nghĩa là làng An Khánh cũ sẽ vẫn tồn tại bên trong khu vực An Khánh nhưng ở cạnh khu đô thị An Khánh.
Trong khu vực không được quy hoạch này, người dân địa phương phải tự “quy hoạch” không gian sống cho mình theo kiểu “tự biên tự diễn”. Họ đang xây lại một làng An Khánh mới trên nền của cái làng nông thôn, vốn đã tồn tại từ xa xưa với những hệ thống đường giao thông, cống rãnh trong làng vấn giữ nguyên như cũ, chỉ có hình dáng bên ngoài của các ngôi nhà là thay đổi và mang dáng dấp của một đô thị kiểu phố huyện hơn là một đô thị công nghiệp và hiện đại. Tuy nhiên toàn bộ hệ thống thoát nước dựa trên hệ thống thủy lợi cũ đã bị san lấp nên tình hình thoát nước hiện nay không còn được như cũ.
Hình dáng bên ngoài của các ngôi nhà thay đổi và mang dáng dấp của một đô thị kiểu phố huyện hơn là một đô thị công nghiệp và hiện đại.
Tự xoay sở chuyển đổi nghề và đất
Tác động của đô thị hóa ở An Khánh, điều mà người ta thấy rõ nhất là sự chuyển đổi hoàn toàn từ nông nghiệp sang các nghề thủ công truyền thống như làm chổi, mành trúc, thảm đay..., nhưng chủ yếu là dành cho những người trung và cao tuổi. Những người trẻ tuổi thường đi học nghề và đi làm ở bên ngoài để có thu nhập cao hơn.
Những người trẻ này dẫu sao cũng đã có những đóng góp tích cực trong chuyển đổi nghề nghiệp ở địa phương khi chuyển sang kinh doanh dịch vụ hay thu gom sản phẩm thủ công hay nông nghiệp của địa phương (cành và cây đào cảnh) đi bán ở các chợ nội thành và ven đô.
Những người đi làm ngoài địa phương, thường được gọi là “đi làm công ty”, dù chỉ là làm bảo vệ, xây dựng, cơ khí và công việc không ổn định, nhưng thu nhập của họ cũng đạt khoảng 4-6 triệu đồng/tháng, tức gấp đôi thu nhập từ nghề thủ công. Những người đi học trung cấp nếu may mắn được làm trong các khu công nghệ cao còn có thu nhập cao và ổn định hơn (5-7 triệu đồng/ tháng).
Tác động của đô thị hóa ở An Khánh, điều mà người ta thấy rõ nhất là sự chuyển đổi hoàn toàn từ nông nghiệp sang các nghề thủ công truyền thống.
Trong quá trình chuyển đổi đất dẫn đến chuyển đổi cơ cấu thu nhập gia đình này, người dân thay vì tập trung sản xuất trên đồng ruộng lại tập trung vào sản xuất kinh doanh trên đất thổ cư, cũng đang bị thu hẹp vì sự thay đổi cơ cấu nhân khẩu gia đình (sự chia và tách hộ trong gia đình).
Năm 2009, khảo sát cho thấy số hộ trồng vườn ở An Khánh tăng lên trong giai đoạn 2004 - 2009, từ 11,8 đến 12,1%, số hộ phải xây sửa nhà cửa tăng từ 6,8 lên 68,5%, trong khi hoạt động sản xuất giảm từ 22,4 xuống 16,4%. Vì sản xuất ở An Khánh chủ yếu là nghề thủ công và chăn nuôi cần nhiều diện tích nên bị ảnh hưởng nặng nề.
Buôn bán và dịch vụ được coi là giải pháp thu nhập chính cho người dân An Khánh mới chỉ xuất hiện ở mức 2,7% số hộ được điều tra trong giai đoạn này. Hơn nữa kinh tế vườn như chỉ số vừa nêu cũng chưa cho thấy có khả năng đáng kể cho thu nhập gia đình vì đất ở đã bị thu hẹp đáng kể.
Điều đáng chú ý là chỉ số trồng trọt trên đất thổ cư gia đình ở An Khánh năm 2004 là 100% trong mẫu điều tra thì năm 2009, chỉ còn 26%. Chúng ta biết rằng mô hình nhà ở nông thôn truyền thống gắn với sản xuất gia đình nên luôn có kết cấu vườn – ao - chuồng, thì nay cấu trúc không gian này không còn nữa.
Khảo sát cho thấy số hộ trồng vườn ở An Khánh tăng lên trong giai đoạn 2004 - 2009, từ 11,8 đến 12,1%, số hộ phải xây sửa nhà cửa tăng từ 6,8 lên 68,5%, trong khi hoạt động sản xuất giảm từ 22,4 xuống 16,4%.
Ngay với những hộ còn đất nông nghiệp ở An Khánh, nền nông nghiệp ven đô cũng đã phải chuyển hướng sang sản xuất hàng hóa thay vì chỉ tự cung tự cấp như trước. Trước đây (năm 2004) ở An Khánh có tới 71,3% số hộ trồng lúa và hoa màu (ngô, khoai, sắn) và chỉ có 19,8% hộ trồng rau, 5% số hộ trồng cây ăn quả và 4% trồng cây khác thì trong năm 2009, tỷ lệ hộ trồng lúa chỉ còn 11,1% và không còn ai trồng hoa màu, tỷ lệ trồng rau (27,8%), cây ăn quả (27,8%), cây khác là 33,3%.tức là lên tới 88,2%.
Với một tình trạng quá độ kinh tế như vậy, các hộ dân An Khánh không chỉ bắt đầu khai thác các giải pháp kinh tế đô thị cho dù còn khiêm tốn đồng thời tận dụng các giải pháp kinh tế nông thôn vốn có để khắc phục những khó khăn của họ. Chẳng hạn, năm 2004 ở An Khánh có 92% số hộ chăn nuôi gia đình, thì năm 2009 vẫn còn có tới 18% số hộ duy trì cho dù khó khăn về diện tích.
Khi các dự án đã hoàn tất thu hồi đất, xây dựng cơ sở hạ tầng và đi vào hoạt động cũng là lúc người dân và chính quyền địa phương bắt đầu phải đối diện với những băn khoăn, lo lắng về cuộc sống.
Vẫn nghèo, thêm môi trường ô nhiễm và văn hóa sa sút
Theo thông tin chính thức của UBND xã An Khánh, năm 2018, cơ cấu kinh tế của xã đã chuyển sang cơ cấu kinh tế đô thị. “Hiện tại, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 10,1%, công nghiệp chiếm 42,6%, thương nghiệp và dịch vụ chiếm 47,3%” (lưu ý số người tham gia vào lao động công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn xã chủ yếu từ nơi khác đến).
Thu nhập chính thức của người dân ở đây vẫn rất thấp so với mức sống chung của người dân trên cả nước: “Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.021.000 đồng”. Vì theo quy định của thành phố Hà Nội hiện nay, thu nhập bình quân dưới 1.100.000 đồng/người/tháng được coi là nghèo, từ 1.100.000 đến 1.500.000 đồng/người tháng cùng với những khó khăn về nhà ở, giáo dục và y tế bổ sung, được coi là cận nghèo.
An Khánh cho đến nay vẫn là một xã nông nghiệp với một cộng đồng dân cư không hề thay đổi về không gian và các quan hệ xã hội. Mặc dù số người mới đến trên địa bàn còn lớn hơn cả dân cư trong làng nhưng họ là một khối dân cư riêng biệt, bao gồm chủ yếu là các công nhân ở các doanh nghiệp trong khu dự án bao quanh làng.
An Khánh cho đến nay vẫn là một xã nông nghiệp với một cộng đồng dân cư không hề thay đổi về không gian và các quan hệ xã hội.
Mặt khác, do các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tuyển rất ít nhân công trong xã nên sự trao đổi quan hệ giữa khu công nghiệp với cộng đồng làng xã rất ít. Sự thay đổi chủ yếu là các quan hệ kinh tế thông qua các hoạt động dịch vụ hàng ăn hay giải trí do người địa phương bắt đầu phát triển.
Với những người trung và cao tuổi ở địa phương, do không gian xã hội không bị xáo trộn nên họ vẫn giữa được các quan hệ cộng đồng trước đây. Người dân vẫn thường xuyên trao đổi công việc và thăm hỏi lẫn nhau. Các sinh hoạt truyền thống như cưới xin vẫn theo nếp cũ là tổ chức trong gia đình và cộng đồng mà không ra nhà văn hóa xã, cho dù xã khuyến khích bằng hỗ trợ phông màn và dịch vụ.
Với những người trẻ tuổi, sự đi ra ngoài tìm kiếm việc làm và có quan hệ rộng và thu nhập khá hơn, có xu hướng thay đổi quan niệm về các quan hệ trong gia đình và cộng đồng. Ý thức về tôn ti trật tự gia đình không còn được tôn trọng trong nói năng, cư xử với cha mẹ và người lớn tuổi: “học vấn cao, nhưng kỷ cương không còn, ăn nói không lịch sự, không tôn kính cha mẹ”- (PV người dân, thôn Vân Lũng An Khánh, tháng 6.2016)”. Cho dù những biến đổi kinh tế chưa nhiều song do được đền bù đất ruộng, một số thanh niên cũng bắt đầu ăn chơi và có biểu hiện lệch lạc trong cách sống như cờ bạc, nghiện hút...
Mặt khác khi đất nông nghiệp là cơ sở cho hoạt động kinh tế gia đình và sự cố kết gia đình và cộng đồng không còn thì tinh thần gia đình và cộng đồng của họ cũng trở nên lỏng lẻo hơn nếu không nói là có nhiều rạn nứt và xáo trộn. Nếp sống nông thôn truyền thống chủ yếu dựa trên các giá trị tinh thần và cộng đồng bị đe dọa bởi các giá trị vật chất kinh tế và cá nhân cũng làm cho đời sống tinh thần của người dân có nhiều lo lắng hơn.
Sự giải quyết vấn đề không gian đô thị hóa ở đây đã không duy trì được sự thống nhất của cộng đồng người dân, cả về kinh tế lẫn xã hội, chắc chắn sẽ còn gây ra nhiều vấn đề xã hội không chỉ trong cộng đồng dân cư gốc mà cả những vấn đề giữa hai cộng đồng dân cư cũ và mới.
Tình trạng các công ty nhận ruộng đất rồi để dự án treo hàng chục năm khi người dân địa phương không còn đất để làm sinh kế và lo cuộc sống hàng ngày. Các công ty hóa chất đổ chất thải ngay khu vực sinh sống của cộng đồng dân cư địa phương nay trở thành khu vực phụ cận của họ đã từng gây ngộ độc cho các học sinh mẫu giáo ở đó, phải chăng vì không cùng thuộc về một cộng đồng dân cư cùng sở hữu một môi trường sống?
Nếp sống nông thôn truyền thống chủ yếu dựa trên các giá trị tinh thần và cộng đồng bị đe dọa bởi các giá trị vật chất kinh tế...
Một mô hình định cư bất ổn
Nếu như quá trình đô thị hóa ở An Khánh đã bắt đầu thì cho đến nay những thay đổi về kinh tế của họ vẫn chưa thực sự đảm bảo cho những nhu cầu cuộc sống của họ. Những nguồn lực từ đô thị hóa và công nghiệp hóa dường như chỉ dành cho một cộng đồng An Khánh của những người mới nhập cư trên mảnh đất này hơn là cho cộng đồng dân cư gốc.
Chỉ một số ít người dân trong xã có khả năng và cơ hội tham gia vào các hoạt động kinh doanh và dịch vụ phục vụ cho các hoạt động kinh tế xã hội ở đây là có thể có các nguồn thu nhập khá và ổn định, còn đa số vẫn trong những điều kiện không chỉ khó khăn mà còn bấp bênh hơn trước.
Các nhà xã hội và đô thị học gần đây cho rằng mô hình định cư nông thôn truyền thống luôn là mô hình định cư bền vững trong các quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của nó, cho dù nó luôn có những đặc trưng tự cung tự cấp, khép kín và trì trệ.
Còn mô hình định cư thành phố khi bước vào thời kỳ công nghiệp và hiện đại hóa, nó không còn là thành phố theo nghĩa ban đầu của nó mà trở thành mô hình định cư đô thị với những đặc trưng ngày càng cơ động và và mở rộng không ngừng trong không gian, dẫn tới những trạng thái khó kiểm soát của các quan hệ xã hội và các quan hệ giữa con người và tự nhiên.
Những nguồn lực từ đô thị hóa và công nghiệp hóa dường như chỉ dành cho một cộng đồng An Khánh của những người mới nhập cư trên mảnh đất này hơn là cho cộng đồng dân cư gốc.
Tính không đồng nhất của không gian xã hội An Khánh, ngay từ đầu đã tạo ra những khác biệt kinh tế xã hội trong sự hình thành của nó hiện đang báo hiệu những đặc trưng bất ổn của mô hình định cư đô thị, thay vì phát huy ưu điểm của các mô hình định cư nông thôn truyền thống hay tính cân bằng trong sự phát triển của mô hình thành phố tiền công nghiệp.
Mô hình định cư đô thị là cần thiết để phát triển nhưng không nhất thiết phải hy sinh những lợi thế có thể phát huy của các mô hình định cư truyền thống mà chúng ta đã trải nghiệm.
Với An Khánh có thể thấy rằng, sự đóng góp về đất đai của họ đã tạo ra toàn bộ cơ sở hạ tầng công nghiệp và dịch vụ ở đây nhưng nguồn lợi mà họ thu được chỉ là 10% của phần thu nhập từ nông nghiệp và một phần của các hoạt động dịch vụ.
Thật khó để nói rằng cộng đồng dân cư An Khánh là đối tượng hưởng lợi của quá trình đô thị hóa An khánh hiện nay.
Bài và ảnh: TS. Nguyễn Đức Truyến