[Ảnh] Phát hiện hang động núi lửa đẹp nhất Đông Nam Á tại Tây Nguyên

 16:50 | Thứ tư, 24/12/2014  0

Thông tin từ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sau hơn 5 năm nghiên cứu, các nhà khoa học của Hội hang động Nhật Bản đã khám phá ra hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á tại khu vực Tây Nguyên. Đây được coi là di sản thiên nhiên độc đáo của quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ sáng nay (23.12), ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, Việt Nam có hệ thống hang động rất phong phú trải dài từ khu vực Tây Bắc đến Quảng Bình, tạo nên nhiều kỳ quan thiên nhiên được thế giới biết đến như Phong Nha-Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long, Tam Cốc-Bích Động.

Tuy nhiên, các hang động phát hiện trong thời gian qua là hang động đá vôi. Riêng hang động núi lửa trong đá bazan vừa được phát hiện ở Tây Nguyên là một hệ thống hang động hiếm gặp, gồm hàng chục hang động và miệng núi lửa hình thành từ quá trình phun trào dung nham cách đây hàng triệu năm.

Hệ thống hang động núi lửa này phát hiện ở tỉnh Đắk Nông, chủ yếu ở huyện Krông Nô. Hệ thống hang động núi lửa có chiều dài hệ thống hang động khoảng 25km, kéo dài từ miệng núi lửa tại buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpốc đến khu vực thác Dray Sáp với hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau.

Trong đó, hang động lớn nhất có chiều dài 1.066m, bên trong rộng hàng nghìn mét, có cấu trúc rất độc đáo và đặc trưng của hang động núi lửa với dòng dung nham phun ngược, tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ. Hang động này nằm trong rừng sâu, chưa ghi nhận dấu vết của con người nhưng có nhiều loài vật sinh sống.

Bên cạnh các hang động, các nhà nghiên cứu của Tổng cục Địa chất-Khoáng sản và Hội hang động Nhật Bản còn phát hiện nhiều miệng núi lửa rất đẹp. Hiện, các nhà khoa học đã đo chi tiết được ba hang động. Ngoài ra còn hàng chục hang động khác chưa được nghiên cứu kỹ.

“So với một số hang động đá vôi và hang động núi lửa ở một số nước trên thế giới như hang động núi lửa Manjanggul Lava trên đảo Jeju-biểu tượng của du lịch Hàn Quốc, thì hệ thống hang động núi lửa ở khu vực Tây Nguyên còn rộng lớn và hấp dẫn hơn nhiều. Hang động này cũng đã được Hội hang động Nhật Bản đánh giá là đẹp nhất của khu vực và rất có giá trị về mặt khoa học, du lịch," ông Thuấn nói.

Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản nhận định, hệ thống hang động núi lửa trên thế giới không nhiều và rất có giá trị về du lịch. Với những gì đã khám phá, Tây Nguyên có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà khoa học, khách du lịch, những người muốn khám phá di sản của hoạt động phun trào núi lửa hiếm thấy nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Dự kiến, ngày 26.12 tới, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản sẽ công bố việc phát hiện ra hệ thống hang động núi lửa này. Trên cơ sở đó, sẽ huy động thêm các nhà đầu tư, tài trợ cho việc nghiên cứu tiếp tục. Sau khi hoạt động nghiên cứu kết thúc, sẽ tiến hành công bố với thế giới, xúc tiến thành lập công viên địa chất toàn cầu. 

Hùng Võ 

Theo: VietNam+

Chùm ảnh về hang động núi lửa vừa phát hiện

Suốt chiều dài 25 km của hang động vừa phát hiện ở tỉnh Đăk Nông có nhiều hốc sụt, cấu tạo đặc trưng quá trình phun trào dung nham, các di tích thực vật cách đây hàng triệu năm...
 
 

Sau 7 năm nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Bảo tàng địa chất Việt Nam (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản) cùng các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy hệ thống hàng chục hang động núi lửa trong đá bazan ở huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. Hang dài 25 km từ miệng núi lửa buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpôk đến khu vực thác Dray Sáp. 

 

Đây là hệ thống hang động hiếm gặp bao gồm hàng chục hang động và miệng núi lửa hình thành từ quá trình phun trào dung nham, được cho là cách đây hàng triệu năm. Hang động nằm trong rừng sâu, chưa ghi nhận dấu vết của con người nhưng có nhiều loài vật sinh sống. 

 

Hang lớn nhất có chiều dài gần 1.100 m, bên trong rộng hàng nghìn mét, có cấu trúc độc đáo và đặc trưng của hang động núi lửa với dòng dung nham phun ngược.  

 

Một số cửa hang nhìn từ phía trong ra ngoài, với khung cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ. 

 

Nhiều cửa hang rộng hàng trăm mét, sâu vào lòng đất hàng nghìn mét, có những cấu trúc có giá trị về mặt khoa học.  

 

Hang động tạm gọi là C7 được giới chuyên gia khảo sát xác định dài hơn một km. Theo đánh giá của các nhà khoa học Nhật Bản, đây là hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á. 

Phía trong đường hầm có những tảng đá vuông vắn được sắp đặt ngay ngắn. 

 

Trong hang động có nhiều cấu tạo đặc trưng cho quá trình phun trào như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hốc sụt; cùng các di tích thực vật và quá trình đông cứng dung nham bazan xảy ra cách đây hàng triệu năm. 

 

Thạch nhũ trên nền hang động tạo thành những hình thù sinh động. 

Hang này nối liền với hang khác qua ngách ngăn chỉ một người chui lọt. 

 

Nhiều hang động có cửa hang cao hàng chục mét. Để xuống phải dùng đến thang dây chuyên dụng. UBND tỉnh Đăk Nông đang phối hợp với Bảo tàng Địa chất Việt Nam xây dựng đề cương quy hoạch hệ thống hang động dọc sông Sêrêpốk thành công viên địa chất toàn cầu.

Kh. Uyên (Theo: vnexpress)

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.