UBND TP.HCM vừa có quyết định chấp thuận bổ sung địa danh Thủ Thiêm và Ba Son vào ngân hàng tên đường và công trình công cộng, làm cơ sở đặt tên cho 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn.
Hai địa danh này đang được Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM (cơ quan thường trực Hội đồng đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP.HCM), đề xuất đặt tên cho cầu Thủ Thiêm 1 (Thủ Thiêm ) và Thủ Thiêm 2 (Ba Son).
Trước đó, như Người Đô Thị đã đưa tin, trong công văn ngày 14.11, Sở Văn hoá và Thể thao cho biết đề xuất này xuất phát từ căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11.7.2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đối tên đường, phố và công trình công cộng, ngày 8.11.2022, Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP.HCM đã triệu tập các thành viên họp về việc cho ý kiến bổ sung hai địa danh Thủ Thiêm và Ba Son vào Ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố (gọi tắt là Ngân hàng tên). 16/18 thành viên tham dự và tất cả đều đồng ý về việc bổ sung hai địa danh nêu trên vào Ngân hàng tên.
Cầu Thủ Thiêm 2 được đề xuất đổi tên thành cầu Ba Son. Ảnh: Trung Dũng
Về thông tin hai địa danh này, tên gọi Ba Son có bốn giả thiết: Trong cuốn Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển đã lý giải nguồn gốc phỏng định của tên gọi Ba Son: Tên Việt là tên một đốc công (thợ nguội) tên “Son” con thứ ba, làm tại đây và được đặt tên cho sở là Ba Son. Tên định chừng từ tiếng Pháp: Một là gọi tắt từ “poissons” trong “Mare aux poissons” (nhiều cá); Hai là gọi trại từ “Bassin” trong “Bassin de radoub” (ụ tàu); Nhà nghiên cứu An Chi, tin cách giải thích của Vương Hồng Sển, nhưng ông cho rằng từ tiếng Pháp Bastion (pháo đài) cũng có thể đọc trại thành Ba Son.
Tất cả các tên gọi ấy đều cùng chỉ một nơi Chúa Nguyễn Ánh đặt “Xưởng Chu sư” dân gọi là “Xưởng Thủy” bên bờ sông Sài Gòn vào năm 1790 phục vụ cho sở trường thủy chiến của mình trong cuộc chiến với nhà Tây Son.
Năm 1792, xưởng hạ thủy năm chiếc thuyền (Hoàng Long, Xích Nhạn, Thanh Tước, Bạch Yến, Huyền Hạc). Năm 1793, Chúa Nguyễn Ánh mua một chiến hạm cũ của châu Âu về tháo ra từng mảnh để lấy mẫu, đích thân chỉ đạo thợ theo đó mà chế tác ra các loại chiến hạm mới gọi là Tây dương dạng thuyền.
Thủy xưởng đã đóng được 9 chiến hạm kiểu châu Âu (mang tên Loan Phi, Ưng Phi, Long Ngư, Long Phượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phụng Phi và Hùng Phi), về sau Gia Long thiết lập triều Nguyễn, Xưởng chu sư còn đóng được tàu đồng, phỏng theo thiết kế những tàu đồng thuê của Bồ Đào Nha. Đặc biệt là xưởng còn đóng và hạ thủy thành công tàu chạy bằng hơi nước không thua kém gì tàu nước ngoài.
Đội hải thuyền trang bị cho các đội dân binh Hoàng Sa, Bắc Hải đi khai thác sản vật tại Hoàng Sa. Khi thực dân Pháp xâm lược, tháng 4.1863, Chính phủ Pháp chính thức tổ chức, xây dựng và điều hành Nhà máy đóng tàu và Cảng mang tên Arsenal de Saigon đồng thời mang tên Việt thủy xưởng Ba Son.
Các ụ nổi được xây dựng vào năm 1886. Ảnh tư liệu
Theo các giả thuyết trên đây, Ba Son được ghi nhận là cái nôi của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu Việt Nam; đồng thời là cái nôi của giai cấp và phong trào công nhân Việt Nam, tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Ba Son đã trở thành một phần quan trọng của lịch sử đấu tranh giành tự do độc lập của Sài Gòn — TP.HCM. Ba Son gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Từ 1863 đến 1975, phong trào công nhân tại Ba Son được duy trì và phát triển, công nhân tại đây luôn tỏ rõ tinh thần đấu tranh cách mạng. Nhiều hành động và các cuộc đình công diễn ra mang tính chính trị và ý nghĩa quốc tế. Hàng trăm công nhân Ba Son đã trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau năm 1975, Hải Quân công xưởng Ba Son không chỉ sửa chữa, mà còn đóng mới tàu và các phương tiện nổi cho Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển và đáp ứng nhiều nhu cầu của thị trường hàng hải nước ngoài. Ngày 1.1.1978, đổi là Xí nghiệp Ba Son, trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Tháng 9.2009 đổi thành Xí nghiệp liên hiệp Ba Son và từ ngày 14.6.2014 đổi thành Tổng Công ty Ba Son. Ngày 18.11.2015, quy hoạch thành Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son.
Trong khi đó, về địa danh Thủ Thiêm, Nam bộ có nhiều địa danh được cấu tạo theo công thức "thủ + tên người" (Thủ Thừa: ông thủ ngự tên Mai Tự Thừa; Thủ Đức: ông thủ ngự tên Đức; Thủ Thiêm: ông thủ ngự tên Thiêm...). Chuyện kể dân gian về ông thủ ngự: Ông tên Thiêm (không biết họ) làm Thủ ngự - trưởng trạm thu thuế trên đoạn sông Sài Gòn. Ông là người nhân hậu, có khi thấy người bán buôn thua lỗ hay không lời, ông đã giảm hay miễn thuế cho họ. Bà con rất cảm kích nên sau khi ông mất, họ gọi vùng đất quanh trạm thuế sông này là bến Thủ Thiêm. Về sau cả chợ trên bờ và phà ở đoạn sông này đều mang tên Thủ Thiêm.
Cây me cổ thụ trên 175 tuổi trong khuôn viên Hội dòng Mến thánh giá Thủ Thiêm. Ảnh: Trung Dũng |
Từ điển địa danh Sài Gòn — TP.HCM (TS. Lê Trung Hoa chủ biên) cho biết Thủ Thiêm là địa danh có từ cuối thế kỷ XVIII. Sách Đại Nam nhất thống chí (bộ dư địa chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn 1863-1865) có đoạn viết: "Ở thôn Giai Quý, huyện Nghĩa An có chợ tục gọi là Thủ Thiêm; trước chợ có sông Bình Giang, đối diện tỉnh Gia Định. Tàu biển, thuyền sông tấp nập, dân sở tại làm nghề chở đò ngang, đò dọc và theo dòng nước đem bán thực phẩm như cá, thịt, rau, quả" (Nghĩa An nay thuộc thành phố Thủ Đức, sông Bình Giang nay là sông Sài Gòn).
Triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX cho lập đồn binh Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn, phòng thủ cho khu vực trung tâm. Về sau, cả vùng đất này được gọi là Thủ Thiêm với bến đò Thủ Thiêm, chợ Thủ Thiêm... Tu viện Dòng Mến Thánh giá có từ năm 1840 ở đây mang tên Tu viện Thủ Thiêm; nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở đây vào năm 1859 mang tên Nhà thờ Thủ Thiêm...
Đầu thế kỷ XX, từ “Bến đò Thủ Thiêm” được nhắc đến nhiều nhất trong ca dao với những chuyến đò. Nhà văn Sơn Nam trong biên khảo Bến Nghé - Sài Gòn xưa từng chép câu ca: "Bắp non mà nướng lửa lò/ Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm". Từ thập niên 60 thế kỷ XX nơi đây có phà Thủ Thiêm hoạt động cho đến năm 2011 thì chấm dứt khi có hầm vượt sông Sài Gòn.
Các công trình tôn giáo gồm Nhà thờ Thủ Thiêm, Tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Minh Tú
Về hành chính, năm 1966 chính quyền Sài Gòn cắt xã An Khánh sáp nhập vào đô thành Sài Gòn, tách thành hai phường: phường An Khánh và phường Thủ Thiêm, thuộc quận 1. Từ ngày 1.4.1997 khi các quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 đi vào hoạt động, Thủ Thiêm trở thành một phường thuộc quận 2.
Năm 1996, Quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm được phê duyệt, Thành phố thực hiện quy hoạch này từ năm 2005 hình thành bán đảo Thủ Thiêm và khu Đông thành phố thành một đô thị mới hiện đại với các khu chung cư mang tên Thủ Thiêm: Thủ Thiêm Xanh, Thủ Thiêm Star...
Dự chi gần 230 tỷ tu bổ di tích lịch sử xí nghiệp Ba Son
UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thẩm định dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (tại Xí nghiệp liên hợp Ba Son, quận 1).
Về hiện trạng, công trình đang là phần còn lại của khối nhà xưởng, cơ khí, khối nhà làm việc, ụ tàu nhỏ, triền nề, hạ tầng sân đường, cây xanh. Tất cả hạng mục đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng cũng như không đảm bảo đủ điều kiện hoạt động so với tiêu chí công trình di tích cấp quốc gia.
Ụ tàu khi ngập nước
... và khi cạn nước.
Theo phương án của TP.HCM, quỹ đất xây dựng dự án thực hiện trên diện tích khoảng 6.000m2, không phải đền bù giải phóng mặt bằng. Dự toán kinh phí thực hiện gần 230 tỷ đồng.
Quy mô dự án chia làm nhiều hạng mục tu bổ, tôn tạo gồm tu bổ, bảo tồn theo nguyên trạng Triền nề 1918; Tu bổ bảo tồn theo nguyên trạng ụ tàu nhỏ 1863; Tôn tạo nhà xưởng (xưởng cát); Tu bổ, gia cố khối nhà xưởng vũ khí và xưởng điện tử; Tôn tạo sân vườn cảnh quan tổng thể di tích; Xây dựng cổng và hàng rào; Đầu tư hoàn chỉnh trang thiết bị làm việc và trưng bày.
T.H
Trọng Dân