Bậc xưa kỷ niệm...

 17:20 | Thứ ba, 18/11/2014  0

Có những thứ xưa cũ mà người ta thường hoài niệm bằng một cái tên cũng rất… cũ xưa - kỷ niệm. Lạ một điều, mỗi khi ngoảnh lại, tôi thường thấy bóng dáng mình chấp chới bên những bậc cầu thang, mà lại là những nấc thang rất cũ kỹ…
Kỷ niệm là ở đó …

Nhà ở trong một khu cư xá xưa lắm, căn hộ nằm trên lầu, lẽ dĩ nhiên phải đi qua một cầu thang chung mới đến nhà được. Và vì mang tiếng là “chung” nên chẳng ai chăm sóc, có khi bụi, có khi điện tắt ngóm không ai thèm sửa sang. Đến khi một vài nhà bắt đầu cảm thấy hơi e ngại với khách khứa của mình, thì một cuộc họp tổ dân phố được lập nên. Mỗi người một ý,… góp quỹ sửa cầu thang, phân người dọn dẹp. Cầu thang sáng sủa trở lại, đôi tối lại trở thành nơi gặp gỡ, hay bịn rịn chia tay của một cặp đôi nào đấy… Ngày còn nhỏ, mỗi lần đi học về mà chẳng may bị điểm kém hay cô giáo phạt, đến chân cầu thang, hít một hơi thật sâu, nghĩ đủ cách để giải thích với ba mẹ, rồi lấy can đảm bước từng bước một lên, cố hết sức thật chậm để… lâu đến nhà! Nếu bước chân trái lên trước, bậc cuối cùng sẽ là chân phải, và cứ thắc mắc như thế, để kiếm cớ… quay xuống, bắt đầu lại với bước chân phải, để điểm đến cuối cùng là chân trái! Một hồi lâu, rồi cũng phải đi hết các bậc cầu thang, dù lòng muốn hay không!

Nhờ những ngày như thế, mới khám phá ra những bậc cầu thang luôn là số lẻ. Sau này nghe người lớn giải thích đó là quy luật theo vòng tuần hoàn sinh, lão, bệnh, tử trong tổng số bậc cầu thang. Bậc thang theo người xưa phải là bội số của 4 + 1, tương đương với số lẻ. Theo phong thuỷ học thì việc tổng số bậc rơi vào cung “sinh” sẽ đảm bảo những thuận tiện về sinh hoạt, đồng thời cũng mang lại cảm giác yên lành, thoải mái. Những quy luật này vẫn còn tồn tại trong những thiết kế cầu thang hiện đại, dù là nhà ở hay những nơi công cộng.

Cầu thang cư xá xây bằng xi măng, tay vịn tựa vào tường, mỗi bậc cao khoảng một viên gạch bông. Theo thiết kế ngày xưa, bên phải có một đường dốc trơn không bậc để nhà nào có xe đạp hay xe gắn máy (hiếm hoi lắm) có thể đẩy lên. Rồi theo thời gian, người ta bắt đầu dư dả, quyết định lập một chỗ giữ xe chung trong cư xá, và nhà nào có xe cũng gởi ở đó, kể cả xe đạp (bây giờ đã trở thành hiếm hoi!). Nên đường dốc đã được đập bỏ, mở thêm chiều rộng cho cầu thang. Những trò nghịch dại như tuột cầu thang, trượt dép từ trên cao xuống đã bị quên lãng, nhưng những ký ức tuổi thơ ấy vẫn mãi nằm yên nơi những bậc thang kỷ niệm…

Lên đến trung học, ở một ngôi trường thuộc hàng “top” cổ kính của Sài Gòn, ký ức tôi lại gắn liền với những bậc thang ngay từ ngày đầu tiên chạm ngõ.

Cấp ba, lần đầu tiên mặc áo dài, lần đầu tiên đứng giữa một ngôi trường bề thế, cảm giác lóng ngóng mãi đến giờ vẫn còn nhớ như in. Bước lên cái cầu thang bằng gỗ, tay vịn ẩm rêu lạnh buốt, giày va vào gỗ lộp cộp. Trên những bậc thang kiểu xưa thấp thấp, gót giày vướng ống quần rộng thùng thình, vẫn còn chưa kịp quen, nên ngã dúi dụi. Đau, nhưng chẳng dám khóc. Chỉ cắn răng xuýt xoa, nhìn quanh quất, sợ “quê” với bạn. Cũng may là ngã ngay trên chiếu nghỉ - một khoảng không vuông vức giữa hai đoạn cầu thang. Ở đó có một ô thông gió cũng vuông vức và nhỏ xíu. Từ ô cửa, xuyên qua mấy tàng cây, có thể nhìn xuống mảnh vườn hoang phía sau trường, đầy hoa, dây leo và gai, chằng chịt. Một thế giới hoang sơ và riêng biệt.

Thế là vào những ngày học thêm cuối tuần, tranh thủ lúc vắng bạn, vắng thầy lại một mình lên cầu thang có ô cửa nhỏ, nhìn sang khu vườn hoang mà tưởng tượng như Alice lạc vào xứ thần tiên, đầy chim muông và hoa lá. Mùi của thiên nhiên bên ngoài len lỏi vào không gian bên trong, quyện với mùi gỗ ẩm từ những bậc tam cấp, khơi gợi một thứ hương thơm vừa ngọt ngào, vừa hăng hăng ngai ngái. Ngồi một mình, như chìm đắm trong thế giới chỉ riêng mình biết, vừa thích, vừa sợ cầu thang gỗ bậc thấp cũng là một nét kiến trúc xưa thường bắt gặp trong các thiết kế nhà kiểu Pháp cũ. Ở Sài Gòn, có lẽ không còn thấy được bao nhiêu, kể cả trường xưa giờ cũng đã thay bằng cầu thang xi măng sơn phết sáng sủa. Những bậc gỗ lâu năm lên nước đen bóng, dàn tay vịn run rẩy theo thời gian, với những đường nét chạm khắc tỉ mỉ là nơi sinh sôi nảy nở của đám rêu um tùm, nay được dẹp bỏ hết để đảm bảo an toàn cho học sinh và thuận tiện hơn khi quét dọn, lau chùi. Thế giới nhỏ qua ô cửa thôi không còn nữa, nhưng thế giới riêng trong ba năm tuổi trẻ đẹp nhất vẫn vẹn nguyên trong ký ức của cô học trò ngày xưa.

Ra trường đã 10 năm hơn, một ngày nghe tin cô giáo cũ bệnh nặng, đứa trò nhỏ quay lại thăm cô. Nhà cô ở quận 1, trong một chung cư từ thời Pháp cũ. Dưới trệt người ta mở một phòng tranh, mấy chàng Tây đứng ngắm nhìn say sưa, ông hoạ sĩ già như chẳng màng thế sự, cứ màu, cứ bút, đắm chìm trong bức tranh dang dở. Tầng hai là một quán cà phê gallery, tầng ba cũng là một quán cà phê, kiêm cơm trưa văn phòng. Dạo này người ta đang thích kiểu cà phê chung cư cũ kỹ, có khoảng không là lạ thế này!

Cô ở căn cuối cùng của tầng bốn. Cô của ngày xưa giờ đã thành người phụ nữ đầu bạc trắng, tay run lên khi cầm tách trà. Vậy mà cô vẫn còn nhớ rõ mồn một những kỷ niệm của đứa học trò nhát nhất lớp ngày xưa. Trong vùng sáng của hoài niệm, mọi lo toan thường ngày, cả căn bệnh hiểm nghèo của cô cũng như trôi xa… Đến tận lúc ra về, tôi thấy mình mãi vẫn không nói được gì, lòng nghẹn lại khi nghĩ đến quãng thời gian trước mắt cô chỉ còn đếm từng ngày…

Cánh cửa nhà cô khép lại mà tôi vẫn bần thần. Tiếng kèn kẹt của cái thang máy cũ đánh tan khoảng không im lặng. Chung cư này vẫn còn dùng thang máy hoạt động bằng nguyên lý ròng rọc cũ kỹ với lớp lưới sắt quây bọc xung quanh. Khi thang máy được kéo lên, thì đầu kia, một quả tạ nặng nề lao xuống. E dè trước “kỹ thuật cổ”, tôi chỉ dám đứng nhìn nó chạy lên chạy xuống thay vì bấm nút cửa bước vào. Rồi thay vì đi xuống, tôi lại lững thững bước lên những bậc thang cao hơn. Như thói quen ngày nhỏ, tôi lần đếm từng bậc thang một, nhiều nấc thang đã sứt mẻ nhiều. Cuộc đời con người ai cũng lẩn quẩn trong vòng luân hồi của tạo hoá, sinh, lão rồi bệnh, tử. Có mong trường thọ cũng là viển vông. Xưa nay, mấy ai cãi được quy luật của đất trời…

Bước cuối cùng chạm đến một hành lang tối om, tôi giật mình, chẳng hiểu sao những bước chân lại lạc đến nơi đây. Cuối đường một ánh sáng le lói. Lần đến nơi, đẩy cánh cửa gỗ ọp ẹp. Một khoảng trời rộng lớn và mênh mông…

Phía trên dãy cầu thang chung cư là một thế giới khác. Bầu trời như thật gần, là đà trên những mái nhà ngói xưa, xen lẫn với những công trình kiến trúc hiện đại cao vút. Phía dưới là những mảnh sân rêu phong đan xen với sân chơi quần vợt, sân tennis của các biệt thự mới. Một cầu thang sơn vàng tróc gần hết vôi, uốn cong, dẫn lối xuống một khu chung cư khác. Ngẫm ra, cuộc sống mỗi người cũng như những bậc tam cấp vậy, sau những cố gắng để đạt đến đỉnh cao mong muốn, rồi cũng đến lúc buông bỏ tất cả để bước xuống con dốc cuộc đời. Có ai sống mãi với những thành công bao giờ. Dù biết, mọi thứ trong cuộc sống này đều mang tính tương đối, nhưng vẫn không sao tránh được những hỉ nộ ái ố thường ngày, chỉ biết càng sống sẽ càng nghiệm ra những điều rất sách vở, rằng hãy cứ bước thật vững vàng trên từng bậc tam cấp, với một trái tim chân thành nhất, để đến khi bước xuống phía bên kia con dốc đời người, không còn gì để nuối tiếc nữa…

Trong kiến trúc xây dựng, dù cổ xưa hay hiện đại, không đơn thuần là lối dẫn lên các tầng cao, cầu thang là một trong những điểm nhấn tạo nên nét thẩm mỹ cho toàn bộ công trình. Nhưng cầu thang bộ có lẽ sẽ ngày càng ít được chú trọng khi những tòa cao ốc chọc trời mọc lên, những dự án chung cư cao cấp kín cổng cao tường đang xếp hàng chờ ngày phủ kín diện tích Sài Gòn. Với thang máy, người ta chỉ cần bấm nút thật khẽ, êm như ru và trong chớp mắt, đã đến nơi, dù đó là tầng một hay tầng thứ mười một. Thang bộ chỉ hữu dụng khi toà nhà đột nhiên cúp điện, và người ta vừa leo lên vừa thở hổn hển, vì cuộc sống hiện đại ngày nay giàu tiện nghi nhưng ít hoạt động lắm. Cầu thang bộ có dần đi vào lãng quên?…

Nhưng trước khi đi vào quên lãng, cầu thang đã kịp trở thành một “đặc sản” của Sài Gòn, khi gắn liền với những quán cà phê, mà người ta thường gọi là “cà phê chung cư”. Người ta thích thú lần tìm trong khung cảnh tối om của mấy bậc cầu thang ọp ẹp để lên đến không gian quán bên trên, tận hưởng khoảng trời mở ra thật khác biệt và rộng lớn. Đặc biệt là những quán này thường nằm ở các quận trung tâm, nơi đan xen giữa hiện đại và cổ kính, giữa những gìn giữ truyền thống và cách tân mang tính toàn cầu. Và vì thế, giá cả ở những nơi này cũng không hề bình dân như cái tên “cà phê chung cư” của nó. Khách đến đây, một phần chuộng phong cách “vintage”, một phần muốn tìm lại chút xưa, phần lại vì tò mò… Cứ thế, Casbah Nguyễn Du, L’usine Lê Lợi, Bông Cải Xanh Lý Tự Trọng, Mockingbird Tôn Thất Đạm, She Pasteur… ra đời và lúc nào cũng thấy chật kín người…

Công ty tôi cũng nằm trong một biệt thự cổ ngay tại con đường trung tâm Sài Gòn, khá gần với khu “cà phê chung cư sang” này. Công ty có ba tầng lầu và dĩ nhiên, nối với nhau bằng một cầu thang. Nghe mọi người bảo, sếp sẽ cho lắp thêm một thang máy hiện đại, xứng tầm hơn với một công sở bề thế thế này. Hư thực ra sao, chỉ thấy mọi người tỏ ra tiếc nuối lối đi bao năm qua. Cầu thang bằng sắt xanh đã cũ, những tấm sắt chữ nhật nhỏ in nổi hình con sâu ghép lại với nhau thành bậc, khiến cho người sợ độ cao như tôi rất ngại nhìn xuống vì đứng phía trên sẽ thấy hết phần thăm thẳm bên dưới, dù độ cao không lớn. Tay vịn cũng bằng sắt, sơn tuy đã tróc nhưng sắt không gỉ, sờ vào mát lạnh. Nhưng lạ là tôi lại thích đứng ở đây, ngay chiếu nghỉ tầng trên, có một ô cửa song lớn, nhìn xuống lòng đường đầy người qua lại. Đôi lần, thấy như tuổi thơ trở về…

Cầu thang đóng một nhiệm vụ rất quan trọng trong thiết kế, có thể ví như “xương sống” hay “trái tim” của con người. Một vị trí “trái tim” không hợp lý sẽ ảnh hưởng lớn đến công năng sử dụng và có thể quyết định đến giá trị của cả công trình. Ở khía cạnh thẩm mỹ, cầu thang chính là nơi tốt nhất để các kiến trúc sư, kỹ sư thể hiện tài năng vẽ nên một tác phẩm đẹp. Một công trình nghệ thuật kết hợp giữa kỹ thuật và mỹ thuật như thế cần được gìn giữ và trân trọng, dù qua bao tháng năm… Tựa hồ những nốt thăng trầm trong cuộc sống, có lúc bước lên thật cao, cũng có lúc bước xuống thật sâu, nhưng tất cả rồi sẽ thành kỷ niệm, mà kỷ niệm thì luôn cần được nâng niu, mỗi khi nghĩ về…

Thanh Nhàn

___________

Trang này thực hiện với sự phối hợp của công ty TTT Corporation

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.