Bài toán an ninh lương thực từ mô hình nông nghiệp đô thị bền vững

 00:12 | Thứ tư, 13/03/2024  0
Tiên phong trong việc cải tiến công nghệ, hệ thống canh tác theo chiều đứng, tự động hóa không chỉ tăng cường an ninh lương thực và thể hiện tiềm năng đáng kể của nông nghiệp đô thị bền vững mà còn làm rõ tác động của mô hình này đối với môi trường và kinh tế...

Ngày 12.3, Trường Đại học Văn Lang tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tăng cường khả năng chống chịu cho xã hội bằng công nghệ số: Nghiên cứu điển hình về nông nghiệp đô thị và chăm sóc sức khỏe”, tổng kết hai dự án thuộc chương trình hợp tác đối tác toàn cầu của Hội đồng Anh, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo giữa Vương quốc Anh, Việt Nam và Indonesia.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Hội đồng Anh tại Việt Nam và tại Indonesia - đơn vị chủ trì dự án; GS-TS. Nguyễn Xuân Huấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ bản sao tại London, Trưởng nhóm nghiên cứu 5G/6G và IoT, Đại học Middlesex (Vương Quốc Anh); PGS-TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang. Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành TP.HCM; đại diện các viện, trung tâm, hiệp hội và các nhóm thực hiện dự án; các trường đại học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp...

Thành viên nhóm nghiên cứu trình bày kết quả dự án “Khả năng chống chịu trong nông nghiệp đô thị thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương quốc Anh”. Ảnh: Trà My


Tại Hội thảo, các nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo kết quả đầu ra của hai dự án do Hội đồng Anh tài trợ. Đây là cơ hội để các đơn vị liên quan cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các vấn đề về nông nghiệp và y tế để tìm phương hướng giải quyết tăng cường khả năng chống chịu của các đô thị trong mục tiêu phát triển đô thị bền vững.

Trong đó, dự án “Khả năng chống chịu trong nông nghiệp đô thị thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương quốc Anh” do Đại học Middlesex và Trường Đại học Văn Lang phối hợp thực hiện. Xuất phát từ thực trạng người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận thực phẩm giai đoạn giãn cách vì đại dịch Covid-19, đây là dự án tiên phong trong việc cải tiến công nghệ cho nông nghiệp đô thị, không chỉ tăng cường an ninh lương thực và thể hiện tiềm năng đáng kể của nông nghiệp đô thị bền vững mà còn làm rõ tác động của mô hình này đối với môi trường và kinh tế, trong bối cảnh của Việt Nam và Vương quốc Anh.

Hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động tại nhà kính đặt trong khuôn viên Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: Trà My


Cụ thể, với thời gian triển khai 2 năm, thực hiện nghiên cứu trong nhà kính đặt tại TP.HCM và London, các nhà nghiên cứu đã thu được nhiều kết quả quan trọng từ hệ thống canh tác theo chiều đứng, tự động hóa. Theo đó, nếu so sánh với mô hình canh tác truyền thống, trồng trên đất thì mô hình canh tác này đạt năng suất cao hơn trong khi các chi phí (phân bón, nước...) lại tiết kiệm hơn. Nhờ áp dụng các công nghệ mới, hiện đại vì vậy có thể theo dõi được quá trình sinh trưởng, can thiệp kịp thời bằng hệ thống tưới tiêu tự động.

Kết quả quan trọng của dự án, ngoài những số liệu về năng suất và chất lượng sản phẩm mà các tác giả công bố trong báo cáo thì đây có thể coi là một hướng đi của nông nghiệp bền vững khi dự án đã đưa ra được các con số cụ thể khi áp dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng nước, tận dụng được nước sau khi trồng thủy canh, hạn chế sâu bệnh, giảm phát thải khí nhà kính...

Các tác giả cũng đã tính đến các bước đi tham vọng hơn cho viễn cảnh tương lai, đó là việc ứng dụng sâu IoT, trí tuệ nhân tạo giúp phát hiện sớm bệnh trên cây trái, kịp thời can tiệp để khu trú khu vực bị sâu bệnh và xử lý, hạn chế tối đa việc dùng thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình cây trồng này cũng được thử nghiệm để có thể triển khai ngay trong căn hộ, tại gian bếp, văn phòng, sân thượng... không chỉ cung cấp thực phẩm mà còn có tác dụng thanh lọc không khí, gia tăng mảng xanh, thẩm mỹ cho không gian sống, nơi làm việc...

Theo các tác giả, mô hình canh tác này có tính khả thi cao khi triển khai đại trà tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội. Trong quá trình thực hiện dự án, nhiều nhóm chuyên gia, doanh nghiệp, sinh viên và học sinh cũng đã được đến tham quan mô hình này. Ngoài sách hướng dẫn cộng đồng về làm vườn đô thị, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về kết quả nghiên cứu của dự án cũng đã được tổ chức nhằm phổ biến rộng rãi mô hình nông nghiệp bền vững này, đặc biệt là tại các đô thị.

Nhóm thực hiện dự án cũng cho biết sẵn sàng chuyển giao, hỗ trợ xây dựng mô hình này cho các trường Trung học Phổ thông nhằm phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu khoa học của học sinh, nâng cao nhận thức cộng đồng. Nhóm cũng sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các đơn vị sở, ban ngành hữu quan, các đơn vị có nhu cầu tư vấn về nông nghiệp công nghệ cao...

Đại diện nhóm nghiên cứu dự án “Khả năng chống chịu trong nông nghiệp đô thị thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương quốc Anh”, cho biết sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho những đơn vị có nhu cầu.


Trong khi đó, dự án “Phát triển chương trình giảng dạy kết nối về bản sao kỹ thuật số (Digital Twin) cho mạng lưới nâng cao năng lực chống chịu của hệ thống y tế” do Đại học Middlesex phối hợp với Đại học Gadjah Mada thực hiện. Dự án đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao hệ thống chăm sóc sức khỏe thông qua công nghệ bản sao kỹ thuật số.

Cách tiếp cận sáng tạo này cung cấp một khuôn khổ cho các mạng lưới nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống y tế để thích ứng với những thách thức mới trong việc chăm sóc sức khỏe thời hiện đại.

PGS-TS. Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trà My


PGS-TS Trần Thị Mỹ Diệu cho biết Hội đồng Anh, Trường Đại học Văn Lang và các đơn vị liên quan kỳ vọng các dự án sẽ mở ra những cơ hội mới, tạo ra những giải pháp sáng tạo để nâng cao năng lực chống chịu của cộng đồng và xã hội dựa trên nền tảng của công nghệ số, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc với trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp và y tế. Qua đó, Trường Đại học Văn Lang tiếp tục khẳng định sứ mệnh của một đại học truyền cảm hứng và tác động tích cực đối với xã hội.

Bà Diệu cho biết thêm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, trong những năm trở lại đây, Trường Đại học Văn Lang thường xuyên đẩy mạnh các dự án góp phần thúc đẩy sự thay đổi tích cực của xã hội, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững, tiêu biểu như Dự án Phát triển công nghiệp bền vững tại các đồng bằng của Việt Nam: Tái sử dụng, tái chế và đa dạng hóa nguồn nước công nghiệp phối hợp cùng Đại học Wageningen (Hà Lan); Dự án khả năng chống chịu đô thị trong nông nghiệp thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương quốc Anh...

Cũng trong năm 2023, Trường Đại học Văn Lang cũng đã hoàn thành báo cáo phát triển bền vững nhằm tổng hợp các hoạt động liên quan đến xây dựng trường học bền vững cũng như các hoạt động nghiên cứu, phục vụ cộng đồng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

Trà My

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.