Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, có nguy cơ gây mưa lớn kéo dài, ngập lụt cục bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản hỏa tốc, yêu cầu các đơn vị vận hành xe buýt, tàu điện triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách, người lao động và phương tiện.
Theo đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng được yêu cầu theo dõi sát sao diễn biến của bão và thời tiết cực đoan để chủ động điều chỉnh hoạt động vận hành phù hợp với thực tế. Trong trường hợp thời tiết chuyển biến xấu, các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt cần linh hoạt đề xuất phương án điều chỉnh thời gian hoạt động, lộ trình hoặc tạm dừng khai thác một số tuyến nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách.
Các đơn vị cũng được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng lái xe, phương tiện dự phòng để phục vụ công tác giải tỏa hành khách tại những khu vực có nguy cơ xảy ra ùn tắc, ngập úng hoặc sự cố bất ngờ. Đồng thời, cần bố trí phương tiện hỗ trợ trung chuyển người dân qua các điểm ngập sâu, bảo đảm an toàn giao thông và hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận hành.
|
Đội ngũ cán bộ, công nhân viên Hà Nội Metro che chắn bảng thông tin hành khách PIS, đồng hồ điện tử trong cabin lái tàu… nhằm phòng bão số 3. |
Trên tuyến đường sắt đô thị, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) cũng đã chủ động triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho hành khách, nhân viên, phương tiện và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Các giải pháp cụ thể đã được triển khai trên hai tuyến đường sắt đô thị đang khai thác, gồm tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến số 3.1 (Nhổn - Ga Hà Nội). Theo đó, các thiết bị kỹ thuật quan trọng như hệ thống loa phát thanh, bảng thông tin hành khách PIS, đồng hồ điện tử trong cabin lái tàu… được che chắn cẩn thận để phòng ngừa nguy cơ hư hỏng do ảnh hưởng của mưa lớn, gió mạnh. Hệ thống thiết bị hiển thị tại sân ga được ngắt điện tạm thời trong thời điểm bão đổ bộ để bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Các thang máy và thang cuốn ngoài trời cũng được tạm dừng hoạt động khi thời tiết có diễn biến nguy hiểm, và chỉ được vận hành trở lại sau khi bộ phận kỹ thuật kiểm tra, đánh giá đầy đủ các điều kiện an toàn.
Lực lượng ứng trực tại hiện trường được trang bị đầy đủ áo mưa, ủng, đèn pin, vật tư y tế và các nhu yếu phẩm cần thiết để bảo đảm sức khỏe và duy trì khả năng làm việc trong điều kiện mưa bão. Các khu vực trũng thấp, dễ ngập úng đã được gia cố, rào chắn và lắp đặt bảng cảnh báo. Đồng thời, công tác kiểm tra, rà soát toàn bộ khu vực Depot và hệ thống các nhà ga cũng được tăng cường để phát hiện sớm các nguy cơ như cây đổ, vật rơi, mái tôn tốc, từ đó xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.
|
Mưa bão gây ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách công cộng. |
Đáng chú ý, Hà Nội Metro đã huy động tối đa lực lượng nhân sự, bố trí các tổ ứng trực tại các vị trí xung yếu như đoạn đi trên cao, nhà ga ngoài trời, khu vực Depot… nhằm bảo đảm sẵn sàng xử lý nhanh mọi tình huống phát sinh. Lực lượng kiểm tra hiện trường, vệ sinh, bảo vệ được tăng cường để phối hợp thực hiện công tác phòng, chống bão tại chỗ, bảo đảm an toàn cho hành khách và toàn hệ thống.
Song song với đó, kế hoạch ứng phó được xây dựng và triển khai theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (sẵn sàng phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó, sẵn sàng khắc phục hậu quả), bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Việc chuẩn bị chu đáo, hành động kịp thời và nghiêm túc thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đơn vị vận tải công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và duy trì hoạt động giao thông an toàn, thông suốt trong điều kiện thời tiết bất thường.
Đinh Luyện