Bí thư Hà Nội: 'Tránh tình trạng 'cục thịt' nhà đầu tư làm trước, 'cục xương' thì vứt lại

 15:54 | Thứ sáu, 05/05/2023  0
Về vấn đề thiếu trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng phải thay đổi, không để nhà đầu tư "nhởn nhơ", bỏ hoang đất xây trường, bãi đỗ xe trong khi "nhà cửa xây dựng xong thì bán sạch rồi". Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo: "Trong quy hoạch cũng phải tránh, vừa qua xử lý một số trường hợp quy hoạch trường học, quy hoạch bệnh viện toàn vào bãi tha ma. Thế là cục thịt nhà đầu tư làm trước, cục xương thì vứt lại."

Ngày 5.5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 4 TP Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Không để nhà đầu tư "nhởn nhơ"

Cử tri Nguyễn Văn Tần (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) nêu một loạt vấn đề dân sinh bức xúc kéo dài nhiều năm trên địa bàn nhưng chưa được giải quyết triệt để. Trong đó, có vấn đề thiếu trường lớp, thiếu bãi đỗ xe ở phường Hoàng Liệt, đặc biệt là trong khu đô thị Linh Đàm. Cử tri mong muốn Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị với Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) bàn giao 7 khu đất do đơn vị này quản lý về Hà Nội tự đầu tư xây dựng trường học và bãi đỗ xe.

Cử tri cũng đề nghị thành phố hỗ trợ quận nguồn lực đầu tư khi tiếp nhận các dự án xây dựng trường học, bãi đỗ xe từ HUD bởi nguồn lực đầu tư xây dựng trường học rất lớn, quận có lẽ chưa đáp ứng được ngay.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm.


Còn cử tri Mai Thanh Trung (phường Định Công, Hoàng Mai) cho biết trong những năm gần đây, quận này có tốc độ đô thị hóa cao, dân số tăng đột biến. Theo thống kê năm 2022, quận Hoàng Mai có tới 700 ngàn dân.

"Trường học là nhu cầu rất bức thiết của bà con quận Hoàng Mai hiện nay. Đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội kiến nghị với Bộ Xây dựng cho phép xây trường học cao 6 tầng, mật độ xây dựng trong trường lên 70%" - cử tri phường Định Công nêu.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đồng tình với các ý kiến của cử tri quận Hoàng Mai. Bởi Hoàng Mai là quận đông dân, nên nhu cầu xây dựng trường học, bãi đỗ xe rất cao. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đã chỉ đạo các cấp ngành của thành phố đề nghị Công ty HUD bàn giao các ô đất bỏ hoang gần 20 năm để quận Hoàng Mai đầu tư xây dựng trường học, bãi xe. Thành phố đã có kiến nghị và đang chờ ý kiến của Bộ Xây dựng về vấn đề này.

Theo ông Quyền, theo phân cấp, việc xây dựng trường lớp và bãi xe là các dự án thuộc quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, nếu quận gặp khó khăn về nguồn lực thì có thể kiến nghị thành phố bố trí nguồn vốn sớm xây dựng trường học, bãi xe.

Về kiến nghị điều chỉnh chiều cao, mật độ xây dựng trường ở quận Hoàng Mai, ông Quyền cho hay thành phố đã có nhiều ý kiến về vấn đề này. Trong đó, các trường trong nội thành được xây dựng 5 tầng, mật độ xây dựng là 50 đến 60%. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng việc điều chỉnh như vậy chỉ nên áp dụng với từng trường hợp cụ thể.

Về vấn đề thiếu trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng phải thay đổi, không để nhà đầu tư "nhởn nhơ", bỏ hoang đất xây trường, bãi đỗ xe trong khi "nhà cửa xây dựng xong thì bán sạch rồi".

"Chủ trương của thành phố hiện nay là đối với những dự án mới, dự án đang làm phải yêu cầu nhà đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện trước khi cho người dân vào ở. Không thể để tình trạng như vừa qua được. Trong quy hoạch cũng phải tránh, vừa qua xử lý một số trường hợp quy hoạch trường học, quy hoạch bệnh viện toàn vào bãi tha ma. Thế là cục thịt nhà đầu tư làm trước, cục xương thì vứt lại. Những việc này cần rút kinh nghiệm" - Bí thư Đinh Tiến Dũng nêu.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ Xây dựng đã ủng hộ việc bàn giao các lô đất trên địa bàn phường Hoàng Liệt về Hà Nội để xây dựng trường học. Thời gian tới, thành phố sẵn sàng chi trả lại Công ty HUD các khoản tiền đầu tư xây dựng hạ tầng tại các lô đất quy hoạch trường học.

Đề cập đến thực trạng thiếu bãi đỗ xe, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng để các khu đô thị xanh-sạch-đẹp thì phải quy hoạch lại thành các bãi đỗ nhiều tầng, không phải làm bãi đỗ mà ôtô chỉ dàn hàng ngang trên mặt đất.

"Làm bãi đỗ xe thông minh 5, 7 tầng, kết hợp kinh doanh dịch vụ giải khát. Xung quanh tòa nhà cao mười mấy tầng thì bãi đỗ xe cũng có thể làm 5, 7 tầng. Nếu làm ngăn nắp, quy củ thì có cơ sở giải quyết các vấn đề của lòng đường, vỉa hè. Hiện làm như bắt cóc bỏ đĩa, không có căn cơ" - Bí thư Đinh Tiến Dũng nói.

Rút kinh nghiệm để làm tốt hơn

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh về tiến độ, hiệu quả của dự án Vành đai 4-Vùng thủ đô. Theo đó, mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ là đến 30.6.2023 phải bàn giao cơ bản 70% mặt bằng và tổ chức khởi công được dự án Vành đai 4. Đến 31.12.2023 phải bàn giao 100% mặt bằng.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm.


Đến nay, Hà Nội đã bàn giao được khoảng 50% diện tích đất của dự án Vành đai 4. Gần 60% mồ mả được di chuyển, cụ thể có khoảng 11.000 ngôi mộ đến nay đã chuyển được khoảng 6.000 ngôi. Việc di dời mồ mả được các quận huyện tích cực vận động thực hiện trong 2 tháng cuối năm 2022.

"Dự án nhận được sự đồng thuận lớn của bà con, kể cả những ngôi mộ mới chôn cũng di chuyển toàn bộ. Cùng sự đồng thuận của nhân dân, khả năng đến 30.6 tới Hà Nội sẽ khởi công được dự án Vành đai 4" - Bí thư Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Dự án Vành đai 4 có tổng chiều dài 112 km đi qua ba tỉnh với tổng mức đầu tư 85 ngàn tỉ đồng. Dự án đi qua Hà Nội với chiều dài 58,6 km. Theo phương án được duyệt thì giải phóng mặt bằng (GPMB) cho toàn bộ đường Vành đai 4 bao gồm đường cao tốc, đường song hành hai bên mỗi bên hai làn xe, kể cả 30 m chiều ngang dự trữ cho đường sắt Quốc gia tổng kinh phí GPMB tái định cư trên 13.000 tỉ đồng. Chi phí làm đường song hành 2 bên, mỗi bên 2 làn xe là 5.400 tỉ đồng. Theo tính toán, cộng lại chia ra chi phí 328 tỉ đồng/km đường.

Như vậy, để quy lại so sánh với hai tuyến đường vành đai đang xây dựng, như đường Vành đai 2.5 nối từ Nguyễn Trãi sang Đầm Hồng có hơn 1 km chi phí đến 2.500 tỉ đồng bao gồm cả GPMB và làm đường 4, 5 làn xe. Thứ 2 là đường Vành đai 1 đoạn từ Hoàng Cầu-Voi Phục cũng trên 1 km chi phí tới 7.600 tỉ đồng.

"Nói để thấy chúng ta làm đường sớm ngày nào, đồng bộ ngày nào thì rẻ ngày đấy. Ngoài mặt kinh tế, điều quan trọng hơn nếu làm đồng bộ thì sớm ổn định đời sống nhân dân. Như đường Vành đai 1, Vành đai 2,5 nhân dân hàng chục năm nay có yên được không? Có làm ăn kinh doanh yên ổn không hay suốt ngày lo lắng về GPMB... Phải rút kinh nghiệm từ những bài học kể trên, làm gì phải ra tấm ra món, rốt ráo từ đầu. Tiền là một phần, còn ổn định đời sống nhân dân là vô cùng quan trọng" - Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ.

B.H.Thanh

Nguồn Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn) - Tựa bài được biên tập khi đăng lại trên Người Đô Thị Online
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.