BMVN - đội chữa trị tâm hồn

 22:10 | Thứ năm, 28/04/2016  0

Bên cạnh dịch vụ tư vấn tâm lý ban đầu miễn phí, “Beautiful Mind Vietnam” (viết tắt: BMVN - http://beautifulmindvn.com) tập trung cung cấp kiến thức về tâm lý học lâm sàng (clinical psychology), sức khỏe tâm lý (mental health), và các rối loạn về tâm thần (mental disorder).

Sơ cứu tâm lý

Nguyễn Khánh Linh, người sáng lập và trưởng nhóm BMVN, 24 tuổi, thạc sĩ ngành knowledge engineering (một phân nhánh của khoa học máy tính) Đại học Quốc gia Singapore, đang công tác tại Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Singapore cho biết: sơ cứu tâm lý là một ngành riêng và nghiên cứu cho thấy có tác dụng rất lớn. Lĩnh vực sơ cứu tâm lý được phát triển bởi Trung tâm Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý quốc gia tại Hoa Kỳ (National Center for Post Traumatic Stress Disorder), và hiện đã được áp dụng tại Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ, Đội Phản ứng nhanh (Community Emergency Response Team), Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (American Psychological Association)... Tuy mảng chính của sơ cứu tâm lý là để áp dụng sau các thảm họa (tự nhiên và nhân tạo), nhưng hiện ở Việt Nam có rất nhiều người không biết tìm đến ai lúc gặp vấn đề tâm lý. Vì vậy, BMVN mong muốn dự án có thể là bước đầu dẫn các bạn đến đúng địa chỉ cần tìm.

Giao lưu họp mặt và hướng dẫn một số bài tập cơ bản về tỉnh thức và quản lý cảm xúc tiêu cực tại TP.HCM  (workshop đầu tiên của Beautiful Mind Việt Nam), tháng 2.2016. Ảnh BMVN

Vậy là cái tên BMVN ra đời, lấy cảm hứng từ bộ phim A Beautiful Mind, nói về nhà toán học thiên tài John Nash, người mắc chứng tâm thần phân liệt nhưng vẫn đóng góp cho thế giới những công trình khoa học vĩ đại và mang trong mình một tâm hồn đẹp. Đội ngũ BMVN đa số là các bạn trẻ Việt Nam đang học tập và làm việc ở nước ngoài, tham gia qua tuyển chọn. Tuy độ tuổi còn khá trẻ, kinh nghiệm còn ít nhưng phần lớn đã và đang được huấn luyện về kiến thức, các phương pháp điều trị tâm lý ở các trường đại học có tiếng như trường Brown, trường nữ sinh Mount Holyoke (Mỹ), trường Simon Fraser (Canada), King’s College London (Anh)... Nhiều bạn có kinh nghiệm tham gia tình nguyện ở các cộng đồng về những người mắc rối loạn tâm lý, hoặc các tổ chức liên hiệp nhân đạo đa quốc gia ở Anh. Không chỉ vậy, nhóm còn được cố vấn bởi các thạc sĩ, tiến sĩ tâm lý học có kinh nghiệm.

Nguyên tắc quan trọng nhất của BMVN: lắng nghe, thấu cảm và không phán xét. Tất cả các câu trả lời đều phải thông qua quá trình xét duyệt từ những bạn khác (peer review) trước khi gửi đến cho người hỏi, với hình thức tư vấn chủ yếu qua email để đảm bảo tính riêng tư và tránh việc bỏ sót thông tin. Sức khỏe tâm lý là một vấn đề phức tạp, nên độ uy tín và minh bạch của thông tin luôn được nhóm chú trọng. Đa số bài viết của BMVN đều được dịch từ các sách chuyên ngành chính thống, được cập nhật mới nhất và theo chuẩn của DSM V guideline (The Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth edition - tạm dịch “Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần”).

Một số bài khác được dịch từ trang web của các tổ chức như Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ APA, cộng đồng những người mắc rối loạn tâm lý tại Anh, tổ chức Depression Alliance về trầm cảm (depressionalliance.org). Số khác được lấy trực tiếp từ những ghi chú, ghi chép của các bác sĩ tâm lý, tâm thần trên thế giới đã và đang chữa trị cho hàng nghìn bệnh nhân. Cuối cùng là những bài viết được tổng hợp từ kinh nghiệm, hiểu biết cá nhân của các bạn trong nhóm. Tất cả các bài viết đều được kiểm tra chéo (cross-check) và xem xét kỹ lưỡng trước khi đăng.

Tạo sức lan tỏa

Sẽ rất dễ nhận ra chất trẻ, không khí chân thành, cởi mở và khoa học khi dạo thăm facebook của BMVN. Nguyễn Đỗ Khả Tú, thành viên BMVN cho biết, phần lớn các bạn tìm đến nhóm thường gặp bất ổn trong các mối quan hệ gia đình hay bạn bè, không biết cách xử lý các tình huống tiêu cực, hoặc áp lực và cảm thấy thiếu tự tin. Nhiều bạn cảm thấy hoang mang trước tình trạng của bản thân nhưng không có đủ thông tin và gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ về chuyên môn. Không tìm được một chỗ dựa vững chắc từ người thân, bạn bè để tâm sự do các rào cản về định kiến và sự kỳ thị cũng là một vấn đề. Nhiều bạn nhận thức được mình không ổn nhưng không dám đi khám vì những định kiến về bệnh tâm lý, hoặc không thể đi khám do cha mẹ ngăn cản. “Trước khi tìm đến bọn mình, nhiều bạn đã có cách “xử lý” tình huống khá tiêu cực. Các bạn giải tỏa trầm uất áp lực bằng việc tự cắn, tự cấu xé, bứt tóc mình, hoặc lạm dụng thuốc giảm đau, hay nhốt mình trong phòng tự dằn vặt. Độ tuổi các bạn thường từ 16 đến 25, cũng chính là độ tuổi sinh lý và tâm lý có sự thay đổi lớn”, Khả Tú nói.

     

BMVN ra đời, được lấy cảm hứng từ bộ phim A Beautiful Mind, nói về nhà toán học thiên tài John Nash, người mắc chứng tâm thần phân liệt nhưng vẫn đóng góp cho thế giới những công trình khoa học vĩ đại và mang trong mình một tâm hồn đẹp.

 Sau hơn 10 tháng hoạt động, Khánh Linh chia sẻ, BMVN vẫn chọn sơ cứu tâm lý là một mục tiêu rất lớn và lâu dài. Ngoài việc sơ cứu tâm lý, mục tiêu khác của BMVN là nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm lý trong cộng đồng. Sắp tới, BMVN ra mắt ứng dụng dành cho hệ điều hành Android, tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc quản lý bệnh lý hay giải quyết các vấn đề khó khăn. “Về lâu dài, bọn mình hy vọng được kết nối với các bệnh viện, trung tâm tư vấn điều trị có uy tín để có thể giúp đỡ các bạn tìm được nơi tư vấn chữa trị phù hợp mà các bạn có thể chi trả được”, Linh nói.

Vừa đi làm toàn thời gian, vừa tư vấn, dịch, duyệt, viết bài và lo các công việc khác của nhóm (mở chương trình quà tặng, tổ chức workshop, hội thảo...), rồi nỗi lo cơm áo gạo tiền, áp lực từ gia đình... nhưng mỗi thành viên BMVN đều biết cách tự cân bằng bằng tinh thần làm việc nhóm, chia sẻ và chủ động hỗ trợ nhau. Tạo được sự đồng cảm, được tin cậy đồng nghĩa với lượng ca tư vấn đổ về càng nhiều hơn, lại chứng kiến nhiều trường hợp đau đớn hơn, điều này phần nào tác động không nhỏ đến nhiều thành viên nhóm.

Cũng có lúc đuối, nhưng những thành viên của BMVN bảo, những lúc ấy các bạn còn thường đọc những lời cảm ơn, tri ân từ những bạn khác gửi về cho nhóm, như là một nguồn động lực để tiếp tục. Bởi một người bị vết xước chảy máu trên da thôi cũng cần băng bó, huống gì khi một tâm hồn bị tổn thương mà không được chăm sóc...


 

Lâm Vị Quân, 24 tuổi, tốt nghiệp University of Texas at Arlington (Mỹ) ngành quan hệ công chúng, sáng lập Vừng Ơi - một tổ chức phi lợi nhuận, với mục đích giúp kiến tạo một không gian văn hóa - nghệ thuật tại Đà Nẵng. Là đồng tác giả của cuốn sách du ký 3594 Miles | Get Lost. Be Found đã được gây quỹ thành công trên indiegogo, đồng thời là dịch giả của cuốn sách Nhật ký cho Jordan do NXB Phụ Nữ phát hành. Cô đến với BMVN vì yêu thích sự nhân văn của nhóm và muốn giúp đỡ nhóm.

_________________________________

Nguyễn Đỗ Khả Tú có bút danh dùng cho các bài viết là Tĩnh Nguyệt. Năm nay 24 tuổi, Tú tốt nghiệp ngành khoa học sinh học (biological sciences) và đang làm công việc nghiên cứu và phát triển thiết bị y tế ở Mỹ. Tú từng trải qua một khoảng thời gian bị stress nặng và dài, từng nghĩ đến việc tự tử. Tú cùng với Linh mong muốn chia sẻ những gì học được từ trường, từ trải nghiệm của bản thân, từ bác sĩ điều trị với hy vọng giúp được cho những bạn có hoàn cảnh tương tự.

_________________________________

Nguyễn Khánh Linh (sáng lập và trưởng nhóm BMVN). Linh bị rối loạn hoảng sợ (panic disorder) từ nhỏ. Trong một lần lang thang trên mạng, Linh phát hiện Nomorepanic, cộng đồng những người bị bệnh tâm lý ở Anh. Linh vào đó, trao đổi và học hỏi được rất nhiều. Sau đó, Linh đọc thêm, tự áp dụng lên bản thân theo một số đầu sách chuyên ngành điều trị tâm lý, kết hợp với uống thuốc. Linh khỏi hẳn bệnh sau 13 năm. Linh nhen nhóm ý tưởng viết một loạt bài mô tả những kinh nghiệm về căn bệnh này. Thế nhưng đọc được khá nhiều ý kiến trên mạng thể hiện sự coi nhẹ bệnh, gán những định kiến như “thích làm màu, thích gây chú ý” về những người bệnh tâm lý, Linh quyết tâm làm những gì có sức lan tỏa rộng hơn.

_________________________________

Nguyễn Thanh Hà đang theo học chương trình thạc sĩ ngành nghiên cứu sức khỏe tâm lý toàn cầu liên kết giữa trường King’s College London và London School of Hygiene and Tropical Medicine. Trên thế giới, trầm cảm là căn bệnh thầm lặng có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, chỉ đứng sau các bệnh ung thư và tim mạch. Thế nhưng ở Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm lý chưa được nhìn nhận đúng, dẫn đến tình trạng rối loạn tâm lý trở nên tồi tệ hơn cho từng cá nhân mắc bệnh, ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn xã hội. Trong khi đó, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, ở Việt Nam cứ 100.000 người dân thì chỉ có 1 bác sĩ chuyên khoa tâm thần và 0,03 nhà trị liệu tâm lý (năm 2010), còn số bệnh nhân thì gấp gần 400 lần số bác sĩ! Vì vậy, Hà mong muốn được đóng góp, dù nhỏ nhoi, cho việc phổ biến kiến thức sức khỏe tâm lý cho mọi người, cũng như giúp đỡ những người mắc bệnh.


 Lê Quỳnh

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.