Bổ nhiệm: 5 bước, 7 bằng liệu có chọn đúng người?

 08:23 | Thứ sáu, 08/11/2019  0
Quy trình bổ nhiệm cán bộ phức tạp, nhiêu khê theo quy định cách đây… 20 năm mà không sửa.

Hôm qua (7.11), Quốc hội (QH) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ hiện nay là một trong những nội dung được các đại biểu (ĐB) QH đặt ra vì hiện tượng cán bộ biến chất, vi phạm phải xử lý xảy ra nhiều.

Quy trình bổ nhiệm cần tới bảy bằng cấp

Về bằng cấp trong tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng chưa rõ ràng, còn tồn tại nhiều bất cập. Yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức. Nhiều cán bộ, viên chức đã đăng ký các lớp học ngoại ngữ, tin học nhưng thời gian thực học rất ngắn, các chứng chỉ được cấp không thực chất. Điều này vừa mang tính đối phó, vừa tốn kém cho cán bộ, công chức.

“Xin hỏi bộ trưởng tình trạng này có hay không? Nếu có thì bộ trưởng làm thế nào mới khắc phục được tính hình thức này? Có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ khi tiến hành thi xét nâng ngạch công chức, viên chức hay không?” - ĐB Phúc nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Quy trình bổ nhiệm hiện nay rất phiền hà về chuyện văn bằng, chứng chỉ. “Quy trình bổ nhiệm của mình cần tới bảy bằng cấp. Tôi thấy nhiều quá. Cái này không phải Bộ Nội vụ tự đặt mà có từ năm 1993 tới giờ mà chưa sửa. Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này, một quyết định để hơn 20 năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết với QH năm 2020, sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay” - Bộ trưởng Tân nói.

Bộ trưởng Nội vụ cũng cam kết sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm, xét nâng ngạch cán bộ, công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ hồ sơ, thủ tục nào.

Về việc văn bằng, chứng chỉ, Bộ trưởng Tân cũng cho rằng cần có quy định thực chất hơn, chỉ yêu cầu theo từng vị trí, việc làm và không trở thành gánh nặng cho cán bộ, công chức. Ví dụ, chứng chỉ ngoại ngữ sẽ “kiến nghị từ cấp vụ trở lên” để làm việc trong môi trường quốc tế.

Còn ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) dẫn số liệu: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trung ương đã phải xử lý đến 70 cán bộ cao cấp, nhiều địa phương cũng xảy ra tình trạng cán bộ vi phạm kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự, cùng hiện tượng cán bộ vô cảm khi thực thi nhiệm vụ. “Chúng ta có quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá quy hoạch bổ nhiệm cán bộ khá chặt chẽ nhưng vì sao vẫn xảy ra hiện tượng vi phạm đạo đức công vụ như vậy?” - ông Thắng chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn. Ảnh: Tr.Phú

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay: Quy trình tuyển dụng cán bộ rất chặt, theo năm bước nhưng không nắm được cán bộ mà chỉ nắm qua hồ sơ lý lịch, qua nhận xét, đánh giá, tuyển chọn của cấp dưới với rất nhiều tiêu chuẩn. Tuy nhiên, không chọn được đúng người, không hiểu được cán bộ.

“Có thực trạng là nhiều hồ sơ cán bộ chuyển đến được cơ quan, tổ chức cất vào tủ mà không xác minh lại để làm cơ sở đề bạt, bổ nhiệm. Nhiều trường hợp cán bộ, công chức khai man hồ sơ không phát hiện được” - ông Tân nói.

Ông cũng cho hay có nhiều trường hợp cán bộ sai phạm trước đó, chưa bị phát hiện đã được bổ nhiệm, luân chuyển đến vị trí khác. Từ đó ông cho rằng cần phải quản lý, đánh giá cán bộ một cách xuyên suốt cả một quá trình mới khắc phục tình trạng ĐB nêu.

“Cái quan trọng để khắc phục vấn đề này là chúng ta phải quản lý chặt và nắm chắc hồ sơ cán bộ, như trưởng Ban Tổ chức nói là chúng ta đi tìm cán bộ chứ đừng để cán bộ tìm mình, phải tìm người tốt. Người làm công tác cán bộ phải thực sự công tâm, khách quan mới mong kiếm được cán bộ giỏi” - ông chốt lại.

Nể nang, tình cảm khi đánh giá cán bộ

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) dẫn số liệu báo cáo của Bộ Nội vụ: Cả nước chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ và bà đặt vấn đề là liệu có phản ánh đúng tình hình thực tế thực thi công vụ của công chức hay không? “Nếu không đúng thì nguyên nhân do quy định về đánh giá, phân loại công chức không phù hợp hay có sự nể nang, dĩ hòa vi quý trong quá trình đánh giá, phân loại công chức?” - bà Thủy hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Tân nói: “Với tư cách là bộ trưởng Nội vụ, tôi cho rằng nhận xét, đánh giá này chưa chính xác”.

Theo ông, hiện nay các địa phương chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn, điều kiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ công việc cụ thể. Việc đánh giá chỉ dựa trên tình cảm, chung chung với nhau, thậm chí có tình trạng nể nang chứ không có tiêu chí cụ thể.

"Tôi sẽ làm bản kiểm điểm gửi Thủ tướng trong tháng 12 này để nhận trách nhiệm về việc chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 402 ngày 14.3.2016 của Thủ tướng về đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân tộc thiểu số theo tỉ lệ dân số."

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

“Nói thật với các ĐB, các lãnh đạo ít khi nào được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hơn 10 năm tôi làm lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên, chưa có bản tự kiểm điểm nào tôi đánh giá mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả. Nhưng anh em nói nếu chủ tịch, bí thư, bộ trưởng mà không hoàn thành nhiệm vụ thì chúng em làm gì có hoàn thành xuất sắc được” - ông chia sẻ.

Theo ông Tân, việc đánh giá cán bộ, công chức đang thực hiện theo quy định tại Nghị định 56 và Nghị định 88 nhưng cũng không yên tâm. Vừa qua trung ương đã ban hành Quy định 89, 90 về tiêu chí đánh giá nhưng sắp tới cần ban hành một nghị định mới thay thế hai nghị định nói trên. “Cần có đánh giá ngang, đánh giá dọc, đánh giá đa chiều, trên đánh giá dưới, dưới đánh giá trên bằng những sản phẩm cụ thể” - ông nêu quan điểm.

Ông cũng băn khoăn khi bên Đảng quy định hoàn thành xuất sắc không quá 20%, trong khi công chức tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 27%-30%.

“Tới đây chúng ta phải làm việc này cho nghiêm túc. Đánh giá cán bộ gì mà đến mức không tìm ra được người để tinh giản biên chế. Tinh giản biên chế theo Nghị định 108 khó quá, không có đối tượng nào lọt vô. Trong khi đó, dư luận xã hội nói chỉ có 30% làm việc được thôi” - ông Tân nói.

Bộ trưởng Nội vụ nói và cho rằng vấn đề này cần phải thống nhất về quan điểm, chủ trương để làm một cách nghiêm túc, công khai trong việc đánh giá.

Theo báo cáo, đến ngày 30.10.2019, Bộ Nội vụ đã nhận số liệu báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2018 của 32 bộ, ngành ở trung ương và 63 địa phương.

• Đối với công chức: Gần 478.000 người. Trong đó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gần 133.000 người (27,77%); hoàn thành tốt là hơn 326.000 người (68,25%); số hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực là gần 11.000 người (2,27%); không hoàn thành nhiệm vụ là 3.013 người (0,63%).

• Đối với viên chức: Hơn 1,7 triệu người. Trong đó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hơn 485.000 người (27,88%); hoàn thành tốt là trên 1,1 triệu người (65,79%); hoàn thành là trên 102.000 người (5,89%) và số không hoàn thành nhiệm vụ là trên 6.500 người (0,38%). 

Nhóm PV

 

Nguồn Theo Plo.vn (https://plo.vn/thoi-su/bo-nhiem-5-buoc-7-bang-lieu-co-chon-dung-nguoi-868897.html)
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.