Ám ảnh đô thị qua văn học đương đại Việt Nam

Bơ vơ tìm lại thiên đường

 22:22 | Thứ hai, 14/11/2016  0

» Căn nguyên những ám ảnh tập thể

» Đô thị chính là đời sống nhà văn

» Ám ảnh đô thị qua văn học đương đại Việt Nam: Ba làn sóng

Không thể phủ nhận văn học Việt Nam (sau Đổi mới) đã có được một độ bén nhạy nhất định, cũng như có được một số điểm nhấn đáng chú ý trong phản ứng trước thực trạng môi truờng - xã hội nói trên. Một trong số các hiện tượng sớm nhất và đáng ghi nhận nhất của văn học đương đại là ngòi bút Nguyễn Minh Châu.

Vấn đề sinh thái - đô thị xuất hiện trên những trang văn của ông ngay từ những năm 80-90 của thế kỷ trước với các truyện ngắn như: Một lần đối chứng (1982), Sống mãi với cây xanh (1983), Khách ở quê ra (1984)... Sau Nguyễn Minh Châu, người ta thấy xuất hiện các tác giả khác như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Phấn... đã thực hành tiếp những cuộc đối thoại với thế giới tự nhiên phi nhân, trong một bối cảnh đô thị hóa chóng mặt, gây áp lực càng lúc càng nặng nề lên môi trường sinh thái.

Trong tương quan này, đô thị được nhìn như một “điểm nóng” có sức hút dân cư rất lớn; nhưng lại không phải là nơi đem lại cho chúng ta cuộc sống hài hòa, cân bằng. Đó là nơi gây chấn thương hơn là xoa dịu chấn thương. Cảm thức đó đẩy người ta đến sự rời xa và chối bỏ đô thị để tìm về những hình thái không gian khác phóng khoáng hơn và giao hòa hơn với tự nhiên. Chính điều này lại tạo nên những motif ra đi và trở về trong văn học.

Người ta bắt gặp trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư những câu chuyện về sự ra đi, rời bỏ cái “sàn diễn thành phố” đầy phản trắc để về với thiên nhiên. Trong những câu chuyện của Đỗ Phấn cũng trở đi trở lại motif giã từ thành thị. Còn có thể kể đến Có một kẻ rời bỏ thành phố của Nguyễn Quang Thiều. Chối bỏ hoàn toàn cái không gian đô thị xô bồ, nhà văn mở một cánh cửa khác, đưa ta đến với những “miền đất hứa”.

Nhưng nơi chốn đó thật khó lòng mà tìm lại được. Một làng quê thuần Việt đã thuộc về quá vãng. Tạ Duy Anh cũng viết Làng quê đang biến mất? trong nỗi niềm nhớ tiếc như thế. Cùng với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, những không gian làng quê Việt đã bị hủy hoại. Con người bơ vơ trong nỗi mặc cảm “mất thiên đường”. Từ nỗi sợ hãi, chạy trốn đến bi kịch không thể trở về là hệ lụy tất yếu.

Văn học, trong một bối cảnh mà đô thị hóa đã trở thành vấn đề trọng yếu như Việt Nam, đã thể hiện những dự cảm, ám ảnh và nỗi hoang mang đó theo cách của riêng mình trước thực trạng xã hội và sự hủy diệt môi trường sống.

ThS. Đặng Thị Thái Hà

» Căn nguyên những ám ảnh tập thể

» Đô thị chính là đời sống nhà văn

» Ám ảnh đô thị qua văn học đương đại Việt Nam: Ba làn sóng

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.