Cầu thang ai rải giữa trời
Từ đường này - đầu dốc - nhìn xuống đường kia mà như nhìn vực sâu. Vực sâu thì có con đường “bắt” lên, nối với đồi. Cái con đường đi tắt với bảy mươi bâc tam cấp và đá cứ rêu phong bởi bóng đổ quanh năm của các toà nhà ấy, ở đây, thiên hạ đặt tên là “Dốc sông Lô”. Chịu thở một chút mà cái vèo là xuống ngày chỗ có rạp xinê Giải Phóng xưa.
“Dốc sông Lô” nổi tiếng vì từ một đồi cao xuống thấp nhanh, vì mệt nhừ bởi leo dốc và thở, chứ không phải vì cái khách sạn Sông Lô bình dân nhất phố núi một thời ở ngay cuối dốc. Nhưng ở vị trí khách sạn Cẩm Đô của con đường thấp nhất đó một cung đường đi tắt, với vô số bậc tam cấp phải bước ngược lên, người Đà Lạt gọi là “Dốc nhà làng”. Vào buổi Đà Lạt mới lập, người Việt vào theo mong muốn của người Pháp cần nhân công cho việc kiến tạo đô thị, rồi tiếp nữa theo nhu cầu của vua Bảo Đại lên để lập “Hoàng triều Cương thổ”, khiến sinh ra cái đình làng trên đồi để cúng kính đất mới. “Dốc nhà làng” là lối đi nhanh nhất để lên nhà (chung) của làng kia, vậy thôi. Này nữa, ngay sát hông khách sạn Mimosa, muốn lên con đường Nguyễn Văn Trỗi bên trên thay vì vòng qua con đường trước mặt chùa Linh Sơn, hay chạy hết con đường Phan Đình Phùng đến bùng binh Duy Tân để vòng lại đường Ba Tháng Hai để vào được trung tâm phố là khu Hoà Bình, thì chịu khó bước theo tam cấp mà lên cho nhanh. Ngay đường Nguyễn Văn Trỗi, muốn lên lữ quán Thanh Niên là ở ngọn đồi cao trên nữa ấy, thuộc đường Lý Tự Trọng, cứ bước bốn lần cầu thang tam cấp như thế sẽ đến nhà thờ Tin Lành. Rồi bước tiếp, em sẽ đi vào “con đường tình” lãng mạn nức tiếng một thời trước 1975 với cung đường rợp bóng thông dưới chân đồi “Dinh tỉnh trưởng”. Dân gian cứ gọi “Dốc Tin Lành” như một định vị dễ nhớ…
Nhưng tiêu biểu nhất cho sự đếm bước leo đồi mà người từ nơi khác đến nhìn đã thấy “mất hồn” ở Đà Lạt là cái “Dốc Nhà Bò” để lên trục đường nằm trên khu C5 kế Dinh III, nơi ở của vị hoàng đế cuối cùng của nền phong kiến Việt Nam – Bảo Đại. Từ trên vị trí cao nhất nhìn xuống đáy của thung lũng những tưởng không thể nào xuống đó được. Ấy vậy mà con người có thể xoay sở, quẫy đạp tạo ra cho được một lối đi xuống đấy nhanh nhất. Chịu leo dốc mất năm phút, so với vài giờ đi bộ hết đường Đào Duy Từ, vòng qua đường Lê Hồng Phong, vòng tiếp đường Triệu Việt Vương, vòng tiếp đường C5. Trại nuôi bò của ông Tây Lafairo thời thuộc địa xa xưa nay nổi tiếng với chiếc “cầu thang đô thị rải giữa trời” dài hiểm trở và nhiều bậc tam cấp nhất Đà Lạt thế đó… Có những con đường đi tắt xuống lên như thế có nhiều chiếu nghỉ. Dừng lại nghỉ cho đỡ mệt, thở chút, rồi leo bước tiếp.
Con đường nối đỉnh cao và vựa sâu
Vị trí nào, khu vực nào, hướng phố nào, trong lòng đô thị Đà Lạt, cũng xuất hiện những con đường tam cấp nối trên với dưới, vực sâu với đồi cao, đồi này với đồi kia như vậy đấy. “Cầu thang” ở đâu sẵn và nhiều mang ra lắp khắp phố phường thế. Trời ! Đó là những “cầu thang” của đô thị núi non. Đó là “đặc sản” đô thị bước ra từ núi đồi, rừng xanh. Mà đâu chỉ ở không gian phố, nhà chung chung kia, ngay chính trong khuôn viên các ngôi nhà cũng phải tạo ra những con đường đi tắt, những cầu thang đi lại như vậy. Và cũng phải rảo bước trên con đường Thánh Mẫu, từ lòng đường nhìn lên, mặt phố cứ như chiếc bao lơn trải dài nhìn xuống thung lũng, để bước lên nhà thờ Thánh Mẫu. Chùa Linh Sơn ra đời xa xưa cũng vậy, mà thiền viện Trúc Lâm gần đây cũng thế.
Dốc Sông Lô lên khu trung tâm thành phố
Đà Lạt ra đời trong rừng, toàn núi và đồi. Đường men theo đồi, nương theo núi, đường này chồng lên đường kia, lắp ghép như những đường đồng mức trong một khối thể địa chất. Nhưng lịch sử gần 120 năm vẫn chưa xuất hiện một chiếc cầu treo nào phải nối ngọn núi này sang ngọn núi kia, đồi này qua đồi nọ. Vậy thì những con đường đi tắt là một giải pháp kết nối, một sự sáng tạo thuận theo tự nhiên. Chả có qui hoạch nào mách bảo việc tạo ra những con đường với từng bậc đá thong thả như vậy cả. Cũng chả có kiến trúc sư nào vẽ ra nó cả. Những đường phố chính cứ lòng vòng vậy, nương theo đồi núi, tự nhiên dẫn dắt. Những “tiểu” mạch giao thông trong lòng đô thị cư dân tính, xoay sở. Trong cái khó ló cái tinh tuý: Làm cầu thang thả ra đồi núi. Thế thôi. Nên “cầu thang phố núi” thuộc về trí tuệ của t rời kết hợp trí khôn của dân gian. Bá tánh Đà Lạt tự xoay sở để thích ứng với sinh hoạt, cho tồn tại của mình. Bây giờ xe máy tràn lan, chạy đường vòng có tốn xăng cũng cứ chạy. Nhưng ai ưa cuốc bộ thì cứ tiếp. Độ 25 năm trước, dân Đà Lạt phổ biến đi bộ, mà đi bộ không chọn những con đường tắt như thế thì làm sao. Ngày đó, phương tiện di chuyển của cư dân trên phố nếu không cuốc bộ thì chỉ có xe lam của Ý và xe ngựa của các bác xà ích. Bao giờ cũng vậy, vào những buổi sớm giá lạnh, vừa lê bước trên từng bậc tam cấp, vừa nhả hơi khói ra nơi miệng, để thở, thì đúng là “hình ảnh” Đà Lạt rồi.
Đó là bản sắc thân thương của Đà Lạt. Đó là cái “gen” đô thị sinh ra từ núi đồi. Đó là giai điệu phố núi. Đó là hơi thở phố núi. Đó là ký ức nhắc nhớ về núi đồi, rừng xưa. Đó là những mạch máu lặng lẽ của Đà Lạt. Là cái duyên, cái hồn, cái thi vị, cái khổ ải, cái thách đố, sự khốn nạn, nhưng cũng là cái vui riêng của Đà Lạt. Ông nhạc sĩ Lam Phương tài hoa viết “Thành phố nào vừa đi đã mỏi” là vậy. Phụ nữ Đà Lạt một thời nổi tiếng với đôi má hồng cùng đôi mông “hơi thoáng” cũng bởi thế. Quá tuyệt khi người Đà Lạt bước thấp bước cao, vừa leo vừa thở, vừa cười vừa nhăn, vừa thong thả vừa thu ngắn đường đi… Cứ thế, chầm chậm mà bước. Dân dã mà phong lưu. Thuận tiện mà… sinh thái. Vừa được việc vừa… tập thể dục. Vừa tới nơi nhanh mà không tốn xăng. Thành phố này vì thế được gọi “Thành phố thong thả”, sống chậm. Sống chậm đang là ao ước của bất cứ ý tưởng đô thị chất lượng cao nào ngày nay trên thế giới. Nhiều lý lẽ để Đà Lạt bây giờ vẫn là thành phố duy nhất ở Việt Nam không xài đến đèn xanh đèn đỏ.
Chính yếu tố núi non, đồi dốc, cao thấp, ẩn hiện, lượn lờ, “ địa đô thị” và “địa thị dân” đưa đến những nét riêng tự nhiên đó. Cứ như thế nhưng mà “là mình”. Còn hơn làm cho Đà Lạt ngay càng “phẳng” giống Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ. Đô thị bế tắc là một đô thị sinh ra theo kiểu
“nhân bản vô tính”...
Nguyễn Hàng Tình