Cần có quy chuẩn về trồng, bảo vệ cây xanh đô thị

 22:15 | Thứ ba, 10/09/2024  0
Cơn bão Yagi (bão số 3) quét qua Thủ đô để lại hậu quả rất nặng nề. Trong đó, nặng nề nhất là rất nhiều cây xanh bị gãy, đổ. Bão với sức gió giật cấp 11 khi tràn vào Hà Nội, các cây xanh bị, gãy đổ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, quan sát sự gãy, đổ của hệ thống cây xanh đô thị đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt công tác chăm sóc, bảo vệ, trồng mới cây.

Những hàng cây cổ thụ vốn tuổi đời cả mấy chục năm tuổi, cành lá sum suê, chưa kịp cắt tỉa, bão vào gãy, đổ đã đành; song có những hàng cây tuổi đời chưa lâu, hoặc mới trồng cũng bị bật gốc. Điểm giống nhau, người dân quan sát thấy, nhiều cây bị bật gốc được trồng hai bên các tuyến phố đều rất ít rễ (đúng ra đã bị xén, cắt rễ) và có những cây gốc còn nguyên cả túi nilon bọc.

Qua tìm hiểu, một số người dân cho hay, khi trồng mới, đa số cây đều có rễ, song trong quá trình triển khai làm vỉa hè, hạ ngầm các công trình, những người thi công “tự ý” đào, cắt các rễ cây để thuận tiện cho việc thi công. Nếu không cắt thì bề mặt vỉa hè sẽ không phẳng. Trong khi đó, chẳng cơ quan quản lý Nhà nước nào về cây xanh kiểm tra, “can thiệp”. Còn với những cây mà người dân phản ánh, đưa lên mạng về việc còn nguyên cả túi nilon, thì có lẽ chủ đầu tư “khoán trắng” cho các đối tác trồng.

Lực lượng chức năng khắc phục tình trạng cây gãy đổ, đảm bảo an toàn cho nhân dân.


Từ câu chuyện về cây xanh bị gãy, đổ do cơn bão số 3 gây ra, cũng như thực trạng phản ánh ở trên, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải ban hành các văn bản pháp quy cụ thể, rõ ràng hơn về quy trình quản lý, trồng mới, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

Cụ thể, khi Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện với tư cách là chủ đầu tư khi thi công vỉa hè; các đơn vị đào ngầm vỉa hè (để thi công công trình, nếu có) thì phải có chế tài để cơ quản lý Nhà nước về cây xanh là Sở Xây dựng giám sát về việc thi công. Kiên quyết không để chủ đầu tư “khoán trắng” cho bên thi công rồi các công nhân, người lao động triển khai tự ý chặt, chém hệ thống rễ cây. Tham khảo một số nước, ví dụ ở Ba Lan họ ban hành cả đạo luật về cây xanh và quy định “phá hoại, bức tử cây xanh là tội ác”.

Còn về việc trồng cây xanh, cũng cần đưa ra quy chuẩn rõ ràng. Chẳng hạn, khi trồng cây có được phép cắt hết rễ, gói vào nilon trồng xuống đất hay không. Vì cây cũng như con người. Khi đứa trẻ sinh ra cần có sữa mẹ, tiếp đó là các chất dinh dưỡng. Nếu chúng ta chặt hết rễ, thậm chí buộc kín vào bao nilon, thì lấy đâu có rễ để dung hòa các chất dinh dưỡng nuôi cây. Cạnh đó, vì không có rễ bám vào đất, mỗi khi bão gió nổi lên là gãy, đổ.

Cây xanh là những lá phổi cho đô thị, không chỉ giúp tạo bóng râm, chống ô nhiễm môi trường qua việc hút lượng khí C02 từ các phương tiện giao thông thải ra, mà còn cung cấp lượng ô xy rất lớn để cân bằng môi trường sống.

Nhân việc cây xanh bị gãy, đổ bởi bão số 3, trong đó có không ít cây xanh ít rễ, bọc túi nilon khi trồng… đã đến lúc các cơ quan chuyên môn cần đề ra quy chuẩn trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

Lê Hà

Nguồn laodongthudo.vn
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.