Ảnh minh họa. ảnh: Dinh Pham
Nhìn từ không gian cư trú, không gian công có vai trò quan trọng trong làng Việt Nam truyền thống. Gần như chỉ có ngôi nhà là không gian tư. Con người gắn với không gian công rộng mở nên là con người cộng đồng. Đô thị hóa lại tạo dựng các không gian tư. Ngôi nhà ngày càng trở thành không gian tư hóa triệt để, khép kín.
Theo đó, cô đơn là ám ảnh lớn nhất, hệ quả của quá trình đô thị hóa. Xung đột lối sống xưa và nay, những đổ vỡ trong cấu trúc gia đình, quan hệ xã hội ở nước nông nghiệp truyền thống bị chuyển đổi đột ngột thành phố (đô thị hóa cưỡng bức) trên nền tảng vẫn là nông dân dẫn đến những đổ vỡ không thể tránh khỏi. Sức ép của cuộc sống thị trường đô thị, mất công ăn việc làm, ám ảnh mưu sinh chật vật đẩy con người nông dân ra phố mưu sinh xuống đáy xã hội là một hệ lụy to lớn tiếp theo.
Và gắn với cuộc sống đô thị là ám ảnh về môi trường ô nhiễm trầm trọng, thực phẩm bẩn, nguồn nước mất vệ sinh... khiến nhiều làng lên phố trở thành các làng ung thư. Ám ảnh về sự xâm hại sức khỏe, bệnh tật là một vấn đề trầm trọng ở các đô thị Việt Nam.
Văn chương hiện đại không thể tách rời đời sống đô thị
Đặc trưng của đô thị thể hiện ở hai yếu tố quan trọng nhất là tính chất nghề nghiệp và thương mại. Cho nên có một điều thú vị là văn chương hiện đại không thể tách rời đời sống đô thị. Bởi bản chất của văn chương hiện đại là thương mại; và văn chương là nghề. Kết quả của hoạt động văn chương hiện đại phải là một sản phẩm của thị trường.
Còn trước thời kỳ hiện đại, văn chương nghĩa là văn hóa. Hãy lấy văn chương Pháp thế kỷ XIX như một ví dụ cho quan điểm này, khi mà thành thị đích thực bắt đầu phát triển. Tâm trạng bải hoải (như cách dùng từ của nhà văn Nguyễn Việt Hà) là một trong những đặc trưng của con người đô thị Pháp, thể hiện rõ rệt trong Bauderlaire chứ không phải Hugo hay Balzac. Con người đô thị ấy là kẻ cô độc, ở giữa đám đông nhưng không hòa được vào đám đông. Chúng ta thấy điều này ở sáng tác của Nguyễn Việt Hà ở thời đương đại.
Tương tự thế có thể thấy trong văn chương của Thuận những phức cảm đô thị với chiều kích đa văn hóa. Một thế hệ trẻ hơn như Hạnh Nguyên thể hiện rõ rệt tâm trạng đô thị này trong Những thiếu thời lơ lửng mà người ta không dễ chia sẻ hay không thể tìm thấy khi ở ngoài không gian đô thị đó” - TS. Phùng Ngọc Kiên
TS. Nguyễn Mạnh Tiến