Ý kiến dưới đây của kiến trúc sư Chế Quang Thọ, một người đang sống ở Đà Lạt, cho thấy rõ hơn sự "lạc đường" trong định hướng quy hoạch của đồ án đang gây tranh cãi.
Chợ Đà Lạt 1952. Ảnh Đặng Văn Thông
Rạp Hòa Bình ngày nay. Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên
Kiến trúc hay quy hoạch phản ánh rõ nét về tầm nhìn, văn hóa, tư tưởng hay ý chí của chính quyền và xã hội. Nhưng có lẽ, ngay cả những thứ chúng ta đập đi cũng phản ánh được điều đó, nó biểu hiện thái độ ứng xử của chúng ta đối với những giá trị của lịch sử. Một thành phố sẽ vô hồn, trống rỗng, nếu như không biết giữ gìn những giá trị riêng.
Trải qua bao cuộc đổi thay, Đà Lạt đã đi từ kiến trúc thanh lịch, sang trọng của các biệt thự Pháp ẩn dưới tán thông, đến những kiến trúc hiện đại, khúc chiết, tân kỳ, đánh dấu thời kỳ người Việt làm chủ (thập niên 1950-1975), nhưng vẫn hài hòa trong tổng thể xây dựng và cảnh quan chung. Để có được điều đó, có lẽ đã sự nhất quán trong tầm nhìn, triết lý, một sự trân trọng, cũng như tình cảm quý mến xuyên suốt dành cho thành phố này.
Đà Lạt đang quá tải trước áp lực dân số, của du lịch giải pháp chung cho tình trạng này là giãn dân số ở lõi trung tâm, xây dựng các vùng vệ tinh, đồng thời có thể bảo tồn, chỉnh trang các công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử là cần tính toán khoa học và có giải pháp hợp lý. Việc quy hoạch khu phố mới, cao tầng phải tính toán ở khu vực phù hợp.
Liệu việc đập đi xây lại mới đó chúng ta có đủ sức và đủ tâm hay thậm chí là hy sinh để làm hay không, hay chúng ta lại tạo nên một thứ rác cao cấp và để lại những di chứng nặng nề cho thế hệ mai sau: rác quy hoạch, rác kiến trúc rối như tơ vò, không biết phải gỡ nút thắt từ đâu.
KTS. Chế Quang Thọ (Đà Lạt)
Đà Lạt nên dừng quyết định quy hoạch, nghe thêm ý kiến giới chuyên gia
Đó là mong muốn của phần lớn các ý kiến bạn đọc tiếp tục phản hồi về hai bài báo đã đăng trên Người Đô Thị: "Đà Lạt công bố quyết định “khai tử” khu Hòa Bình" và “Đà Lạt quy hoạch khu Hòa Bình: Lời cảnh báo về một thành phố vô hồn”. Chúng tôi lược trích một số ý kiến.
Một bản quy hoạch gây tranh cãi được công bố vội vàng. Ảnh: Nguyễn Vinh
Tôi từng nghe tin quy hoạch Đà Lạt loáng thoáng trước đó vài năm, còn chính thức thì vừa nghe cách đây mấy ngày. Thực chất mà nói ngay trong Đà Lạt hôm nay cũng đã bát nháo. Với nhiều người yêu mến Đà Lạt thì cụm từ thành phố buồn, thành phố mộng mơ, thành phố hoa, mù sương... đã chết từ lâu rồi. Bây giờ ở Đà Lạt có cảm tưởng như sống ở TP.HCM hay Hà Nội với nhiều cao ốc, đường phố ồn ào kẹt xe...
Cần hiểu rằng mở mang Đà Lạt rộng lớn ra thì đơn giản, nhưng việc quản lý và xây dựng một Đà Lạt như thế nào mới là vấn đề đáng đặt ra cho các nhà lãnh đạo xứ sở này.
Với thông tin báo chí đăng về việc chính quyền Đà Lạt công bố quy hoạch khu Hòa Bình rất bất ngờ, vội vàng, dư luận càng thấy bất an, nghi ngờ về sự chính nghĩa, khách quan, công tâm của một quyết định. Đà Lạt nên dừng lại quyết định đó và tổ chức các cuộc hội thảo để lắng nghe thêm ý kiến của giới chuyên môn và người dân Đà Lạt.
Lịch sử há chẳng có bài học: thu phục được lòng dân, thì làm gì cũng được. Không thu phục được lòng dân, thì mọi sự phát triển đều không vững chắc, đều ẩn chứa những nguy cơ không lường trước được...
Võ Triết (Lâm Đồng)
Gia đình cha mẹ tôi đã lập nghiệp ở Đà Lạt từ năm 1939, nên Đà Lạt thay đổi chúng tôi rất tiếc nuối. Đà Lạt chỉ cần quy hoạch lại như ngày xưa, nhiều nhà sân vườn, trồng nhiều cây thông, nhiều khu vực trồng cây Mai Đà Lạt, du khách sẽ lưu luyến Đà Lạt và du lịch sẽ phát triển. Đà Lạt không cần nhà cao tầng lô nhô như bây giờ, nhìn không đồng bộ và không đẹp. Đà Lạt bây giờ nóng dần lên, dần mất đi cái bình yên thơ mộng…
Xin đừng phá vỡ cảnh quang Đà Lạt. Cầu mong Đà Lạt có nhiều ngôi nhà ngói đỏ, nhiều hàng cây trong phố, và bớt đi những khu nhà kính. Nhà kính của Đà Lạt đã lên đến đỉnh núi. Nếu quy hoạch Đà Lạt mà có nhiệt độ buổi trưa khoảng 16 độ thì Đà Lạt sẽ giàu có nhờ du lịch chứ không phải nhờ những thương xá to lớn.
Nguyễn Thị Huệ (lochuebana1960@...)
Tôi là một người dân Đà Lạt. Theo tôi, Đà Lạt hiện tại trở nên xấu xí vì bị chặt phá quá nhiều cây xanh. Dinh Tỉnh trưởng nếu bị phá đi thì là một điều đáng tiếc. Nhưng rạp Hòa Bình hiện tại thì quá xấu và nhếch nhác. Tôi ủng hộ cải tạo rạp Hòa Bình nhưng không thể đập bỏ… Lãnh đạo Đà Lạt nên trưng cầu thêm ý kiến phản biện đồ án này của các chuyên gia trước khi "bút sa, Đà Lạt chết"...
Thanh Thảo (TP.HCM)
Đà Lạt mang trong mình những đặc trưng riêng về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan rừng, di sản kiến trúc Pháp độc đáo, thành phố giàu tính nhân văn, thành phố du lịch và dã ngoại. Do vậy, với Đà Lạt, vấn đề đặt ra là phải giữ gìn nguyên tắc “bảo tồn để phát triển”. Muốn vậy, Đà Lạt phải tìm ra “một ngưỡng/một giới hạn” cần bảo tồn để giữ lấy nét đẹp của Đà Lạt xưa. Nếu không, Đà Lạt sẽ không còn là Đà Lạt.
Hiện nay các kiến trúc xây dựng mới hiện đại đang có xu hướng lấn át các công trình cũ của Đà Lạt. Đã đến lúc phải xem đô thị di sản – cảnh quan Đà Lạt như một cơ thể sống với sức chịu tải có hạn. Nếu bài toán giới hạn được đặt ra thật khoa học và hợp lý thì việc ứng xử với các nhà cao tầng đô thị mới được giải quyết thấu đáo.
Hữu Sơn (Lâm Đồng)
Đà Lạt bây giờ không còn gì cả, chỉ còn lại một chút ít người còn muốn giữ lại hình ảnh Đà Lạt mến khách thân thương nhưng tất cả chỉ là vô vọng bởi số người muốn làm điều đó quá ít. Ai bảo Đà Lạt còn không khí thì xin thưa đã mất luôn rồi, bởi Đà Lạt mà lắp máy lạnh, máy điều hòa thì du khách đến đó sẽ nghĩ gì? Thà ở nhà mở máy điều hòa mua ít hoa trang trí tí là có không khí rồi nên sẽ không bao giờ đến Đà Lạt nữa. Rất đau lòng khi thấy mất đi Đà Lạt xưa! Tự hỏi vì sao nên nỗi.
Phạm Quốc Thịnh (thinhpham@...)
Một đô thị nhỏ như Đà Lạt không thể gánh quá nhiều chức năng du lịch, thương mại, nông nghiệp. Việc điều chỉnh quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận phải theo hướng mở rộng là để bảo vệ chính Đà Lạt hiện hữu đang mang trong mình rất nhiều giá trị văn hóa và lịch sử. Mở rộng Đà Lạt trong tương lai về hướng vùng phụ cận sẽ mở rộng môi trường đầu tư phát triển kinh tế, giảm áp lực gia tăng dân số, đảm bảo cho Đà Lạt phát triển hài hòa…
KTS Phan Giang (ktsgiangphan@...)
Thành phố Venice của Ý, chính phủ bắt phải đi bộ hoặc đi thuyền công cộng. Ngay cả xe đạp cũng cấm. Nhà cửa vẫn cổ kính, đường phố vẫn chật hẹp như cả ngàn năm trước. Mỗi năm Venice đón 30 triệu lượt khách. Mỗi năm cả nước Việt Nam đón 2 triệu lượt khách du lịch. Ai nói gìn giữ bảo tồn không phù hợp với thời đại kinh tế thị trường? Càng quy hoạch càng tan tành...
Bê tông hoá, chặt chém, các loại Cò nhan nhản, đó là đặc trưng của Đà Lạt bây giờ... Ôi Đà Lạt êm đềm thơ mộng, trữ tình của ngày xưa nay còn đâu? Buồn...
Võ Thị Khánh (California, Mỹ)
Chính con người đã đánh mất đi Đà Lạt, con người không còn qúy trọng thiên nhiên, làm hỏng những cái quý giá nhất mà trời cho. Thấy thật tiếc người ta đánh mất đi nhiều cái đẹp mà sẽ không bao giờ có trở lại được nữa. Tôi khẩn thiết mong cầu chính quyền Đà Lạt xem lại bản quy hoạch khu Hòa Bình vừa công bố. Rất nên nghe thêm các ý kiến của giới chuyên gia có hiểu biết chuẩn mực như trong bài báo của KTS. Ngô Viết Nam Sơn…
Kieu Trang Le (lekieutrang@...)