» Khủng hoảng thừa thịt heo: Khoảng trống trách nhiệm từ cơ quan chức năng
Sáng 13.6, Quốc hội bắt đầu bước vào 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3.
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát tiển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận được nhiều câu hỏi liên quan việc “giải cứu” lợn thời gian qua.
Lý giải vì sao chưa đạt được số lượng theo quy hoạch đàn lợn, lượng thịt dư thừa đã lớn như vậy, Bộ trưởng Cường cho biết, tất cả các nhu cầu thực phẩm trước đây được lấy theo tốc độ tăng trưởng, nhưng chưa tính đến cơ cấu các loại thực phẩm khác.
“Thêm vào đó, chúng ta hội nhập nên có những dòng thực phẩm khác được xuất khẩu vào chúng ta, chúng ta chưa tính kỹ hết được”, ông Cường nói.
Không thoả mãn với câu trả lời của Bộ trưởng về căn cứ lập quy hoạch phát triển đàn lợn, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) bấm nút xin tranh luận.
Đại biểu Hồng cho rằng, trả lời của Bộ trưởng về căn cứ lập quy hoạch phát triển đàn lợn chưa thuyết phục. Xuyên suốt câu trả lời vắng bóng vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
“Quy hoạch đặt ra, sản xuất vượt quá quy hoạch và nhu cầu thì vai trò của Nhà nước phải điều tiết sản xuất, thị trường nhưng không thấy Bộ trưởng nói tới”, đại biểu nói.
Đáng lưu ý, theo đại biểu Hồng, lâu nay chúng ta có khẩu hiệu người tiêu dùng thông minh. Bộ trưởng nói nhà sản xuất phải thông minh nhưng người dân nói nhà quản lý phải thông minh.
“Cao su, cam quýt bưởi sắp tới phải giải cứu đấy. Hiện đang có tình trạng phá cao su trồng cam, bưởi, quýt”, ông Hồng nói.
Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp chứ không phải trách nhiệm của ai cả. Đoàn tàu nông nghiệp có 3 khoang (sản xuất, chế biến, tiêu thụ) mà có hai khoang sau còn yếu”.
Giải trình thêm về việc “giải cứu” thịt lợn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đã tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức đàm phán, xúc tiến xuất khẩu sang Trung Quốc và các quốc gia khác.
Theo Bộ trưởng, việc hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật vẫn đang triển khai. Tuy nhiên, việc khơi thông một ngành hàng phải mất 3-5 năm.
“Việt Nam phải tính toán lại chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh. Không phải mặt hàng nào của ta cũng có năng lực cạnh tranh tốt. Với 10,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ thì giá thành cao hơn các nước khác. Nên tôi tính vai trò của cơ quan nhà nước là phải thể hiện qua quy hoạch, quản lý sản xuất, xây dựng rào cản kỹ thuật và chúng tôi sẽ làm tốt vai trò của mình”, Bộ trưởng nói.
Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã có văn bản dài hơn 20 trang gửi các đại biểu Quốc hội, chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến 3 nhóm vấn đề được chất vấn, trong đó phần lớn nội dung mới nêu ra các số liệu chung, giải pháp tổng thể...
N.Mạnh
Theo BizLive