Ngày 9.9, phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khác với các phiên họp khác, ngoài việc thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9 và đến cuối năm 2023, Chính phủ còn cho ý kiến về các tờ trình, báo cáo quan trọng trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. Ảnh: Nhật Bắc
Trong đó, có các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, đầu tư công, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024; các báo cáo giữa kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đến bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp trong 8 tháng qua. Theo Thủ tướng, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Ở trong nước, nền kinh tế chịu tác động kép từ các yếu tố bất lợi bên ngoài, nhất là thị trường xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng, đầu tư, tiền tệ, tài chính…và các hạn chế, tồn tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn.
Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi được kiểm soát tốt.
"Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, hội nhập, đối ngoại được thúc đẩy và mở rộng với nhiều sự kiện ngoại giao sôi động, nhiều nước muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam; vai trò, vị thế, uy tín của đất nước ngày càng được nâng lên"- Thủ tướng nêu rõ.
Lãnh đạo Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh các điểm sáng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Lĩnh vực da giày, dệt may đã có đơn hàng nhiều hơn nhưng tăng trưởng công nghiệp vẫn có khó khăn; tiếp cận tín dụng khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp...
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tại phiên họp thảo luận, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chỉ đạo, điều hành tốt hơn trong tháng 9, những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mặc dù vẫn còn phải đối mặt với khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tạo đà cho quý III và cả năm 2023.
Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 2,96% so với cùng kỳ, bình quân 8 tháng tăng 3,1%, tốc độ tăng CPI tiếp tục xu hướng giảm; sản xuất nông nghiệp duy trì đà tăng khá. Khu vực dịch vụ tăng nhanh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 8 đạt trên 14.000 doanh nghiệp, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 8 tháng đạt khoảng 103.700 doanh nghiệp, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Minh Chiến