Ông cho rằng, một nền kinh tế nằm sát quốc gia có nền kinh tế lớn hơn thì chỉ có thể tận dụng cơ hội bằng cách tạo một sự khác biệt, nâng cao nội lực của mình thì mới có thể vươn lên.
Việt Nam cứ thấy dễ là làm
PV: - Một nghiên cứu của VCCI chỉ rõ, hàng lậu Trung Quốc “làm đổ vỡ sản xuất trong nước”. Theo các chuyên gia, ngoài ra còn có việc hàng Việt làm ra không có sức cạnh tranh về chất lượng và giá thành, đặc biệt với hàng hóa từ Trung Quốc. Trong nông nghiệp, hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng chiến lược của Việt Nam phụ thuộc vào sự chi phối của thị trường Trung Quốc.
Nhìn lại một năm qua, nỗ lực giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã đạt được kết quả ra sao? Khi vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, theo ông, Việt Nam cần phải xác định động lực và mục tiêu cụ thể về việc này như thế nào?
TS Trần Đình Thiên: - Tôi thực sự không nhìn thấy sự nỗ lực giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc của chúng ta trong thời gian qua.
Trong tương quan thị trường thì chúng ta vẫn phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc. Nhập khẩu đầu vào vẫn nặng nhất ở thị trường này. Số liệu xuất siêu với cả thế giới là 2 tỉ đô la Mỹ nhưng nhập siêu riêng với Trung Quốc là hơn 30 tỉ đô la Mỹ.
Con số này cho thấy bao nhiêu cố gắng xuất siêu với thế giới lại đổ sang bù vào nhập siêu ở thị trường Trung Quốc.
Điều này cho thấy một sự thiên lệch rất ghê gớm. Đó là chưa kể con số buôn lậu, nhập khẩu tiểu ngạch là chưa tính hết được.
Có thể nói tỉ trọng hàng với Trung Quốc đang rất có vấn đề. Điều này phản ánh hai chuyện. Một là cơ cấu kinh tế của mình yếu, không có công nghiệp hỗ trợ mà chỉ thích nhập khẩu đầu vào.
Nông nghiệp thì đẳng cấp thấp, mới dựa vào sản lượng, chưa chú trọng chất lượng, giờ chuyển sang công nghệ cao thì bảo đảm hiệu quả cao hơn. Nhiều cái chỉ thích ăn sẵn nên mới có chuyện ngay cả chiếc tăm tre cũng nhập khẩu.
Thứ hai là chính sách của chúng ta có vẻ chưa có định hướng rõ để tách khỏi thị trường này. Ví dụ cách đặt vấn đề về biên mậu chẳng hạn. Hiện chính sách này đang quá dễ dãi.
Vốn chính sách biên mậu đã không cần đặt ra các yêu cầu ràng buộc chặt chẽ để giao dịch thuận lợi cho các bên. Thế nhưng trong câu chuyện này mình sẽ chịu thiệt hại vì mình đang yếu hơn họ rất nhiều. Bên hưởng lợi nhiều hơn rõ ràng phải là bên mạnh.
Điều này là từ phía nhận thức của mình chứ không phải từ phía họ. Đưa ra chính sách dễ nhưng mình lại nhận thiệt hại về.
![]() |
Chính sự dễ dãi trong cách làm sẽ khiến Việt Nam không thể bứt phá, cạnh tranh |
PV: - Nhìn ra thế giới, Việt Nam có thể học tập bài học của quốc gia nào, về việc tồn tại bên cạnh một thị trường khổng lồ với một nền kinh tế vượt trội hơn mà vẫn tránh được áp lực phụ thuộc, tận dụng được những cơ hội từ nền kinh tế đó? Xin ông phân tích cụ thể?
TS Trần Đình Thiên: - Có lẽ là cách thức thị trường dễ thấy là nước nào họ cũng nỗ lực để độc lập. Tức là ở đây phải nâng cao năng lực của mình chứ không phải là cứ chọn cái dễ để làm.
Thế nhưng Việt Nam là một trường hợp cứ thấy dễ là làm, sự nỗ lực vươn lên ít hơn so với các nước khác cho nên trong việc phân tích cạnh tranh yếu. Mỗi khi mình tiến được một bước thì các nước đã tiến nhiều hơn nên chúng ta mãi tụt hậu.
Trong khi đó chúng ta cũng có điều kiện thuận lợi. Còn đa số các nước họ luôn tạo một sự khác biệt, riêng Việt Nam thì chưa thể hiện điều đó rõ rệt.
Nếu để nhìn theo mẫu một quốc gia nào đó thì Hàn Quốc là nước chúng ta nên học hỏi theo. Họ giữa Nhật Bản và Trung Quốc và đi sau cũng rất lâu nhưng lại bứt lên rất nhanh là vì ý chí tự cường vươn lên của họ rất rõ ràng.
Hay như nước nhỏ như Singapore, dù họ yếu nhưng họ chọn cách đi rất độc đáo phù hợp với điều kiện của họ.
Cho nên bài toán của một nước đi sau cần đặt ra là sau nhưng không phải đi theo theo nghĩa bắt chước. Nhất là với những nước đi trước nhưng lại sát ngay cạnh, là đối thủ cạnh tranh nên nếu đi theo họ là thể nào cũng bị lép vế.
Còn nếu đi sau nhưng chọn cách đi khác và độc đáo để vượt lên mới là bước đi đúng.
PV: - Nếu Việt Nam giành được thế chủ động, cơ hội của Việt Nam ở thị trường Trung Quốc như thế nào, những mặt hàng nào sẽ là những mặt hàng chiến lược để thu lợi từ thị trường này, thưa ông?
TS Trần Đình Thiên: - Tôi nghĩ về điều này mỗi doanh nghiệp sẽ có những nghiên cứu của mình cho phù hợp và quan trọng là sản phẩm đủ sức cạnh tranh.
PV: - Thưa ông, Việt Nam đã nhiều lần đề cập tới vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, vấn đề này cần được nhìn nhận như thế nào? Chúng ta cần có những điều chỉnh như thế nào về chính sách kinh tế để nâng cao nội lực của nền kinh tế, đồng thời nâng cao nội lực của Việt Nam?
TS Trần Đình Thiên: - Như tôi đã phân tích, khi chúng ta nằm ngay cạnh một quốc gia có nền kinh tế lớn như Trung Quốc thì vẫn có thể tạo cơ hội cho mình bằng cách đi riêng.
Điều quan trọng là phải nâng cao được nội lực của nền kinh tế. Hiện nay mô hình của chúng ta là dựa vào khai thác tài nguyên, hướng tới sản lượng, chưa hướng tới năng suất, hiệu quả. Nên năng suất tổng hợp yếu, định hướng công nghệ không mạnh.
Cho nên việc thay đổi mô hình tăng trưởng là nhằm giải quyết một phần cơ bản là năng suất năng động. Năng suất lao động của Việt Nam còn cách xa các nước như vậy, nên dư địa để tăng năng suất lao động còn rất cao. Nếu tận dụng được điều này thì Việt Nam có thể có bứt phá rất mạnh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bích Ngọc (Thực hiện)
Theo: Đất Việt