Chuyện sinh quyển

 16:27 | Thứ năm, 12/01/2023  0
Chúng tôi chưa một lần đặt chân vào Cúc Phương. Xin lỗi các bạn, nhà văn Nguyễn Quang Thân chồng tôi thuộc loại cực đoan.

Vườn quốc gia Cúc Phương là Khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: CTV


Ví như anh ấy nhất định không đi Tràng An vì ở đó có chùa Bái Đính ngạo nghễ (chùa mà ngạo nghễ thì sâu kín có lắm vấn đề); ví như không trở lại Hạ Long vì nơi ấy đã bị biến dạng và nhiều màu đỏ của nước láng giềng; ví như không lên đỉnh Yên Tử vì cáp treo làm cho thiền viện cổ mất thiêng khi con người không còn được cuốc bộ một cách thành tâm; ví như không tìm về chùa Hương vì thịt thú rừng ngang nhiên nhan nhãn…

Cúc Phương thì sao? Chúng tôi sợ cảnh cây rừng bị lâm tặc xâm hại, sợ bước chân du khách rần rần làm cho muông thú sợ hãi, sợ nhìn thấy cảnh người ta xả rác vô tội vạ.

U Minh cũng đã lâu chúng tôi không trở lại. U Minh chứ không phải Cà Mau Đất Mũi. U Minh Thượng trong ký ức tôi, miệt Thứ phồn thực rất U Minh, cây tràm cho sinh thái, lũ khỉ, lũ dớn, lũ cá đìa, lũ ong mật. Con người tựa vào rừng nhưng con người sinh sôi và cuộc sống công nghiệp chắc chắn có làm cho hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

U Minh Hạ nhiều cây cây đước cây mấm, lũ cua lũ còng lũ ba khía, hai tiểu vùng Thượng và Hạ mà đã đặc sắc như là hai thế giới, hai vương quốc cho muôn loài. Tôi như người sợ thất tình, có thể gặp lại nhau nhưng không còn như ta hình dung, tiếc công và tiếc cho cả người ấy.

Cát Tiên là nước nguồn cho Đồng Nai và mấy tỉnh dưới, cho cả Sài Gòn. Cát Tiên trọn vẹn nước không bắt nguồn từ láng giềng nào, Cát Tiên nguồn nước của riêng chúng ta và cho chúng ta. Nó là sinh mệnh cho toàn bộ cư dân, muông thú và cá tôm áng chừng có khoảng mấy chục triệu người phụ thuộc.

Cát Tiên có đường rừng giáp với nước bạn Tây Nam, rừng với rừng chứ không liên quan nước nguồn. Ấy là ân sủng của thiên nhiên cho riêng một phần Đông Nam bộ, nhất là cho Sài Gòn. Tôi gọi ấy là sinh quyển, bầu trời, bầu khí, bầu sữa của chúng ta.

Trong vòng chưa đầy một năm tôi đến Cát Tiên 3 lần. Là nơi muốn trở lại, muốn bạn bè và con cháu hãy đến để chịu ân một vùng sinh quyển. Mừng khi lũ khỉ dạn người hơn, dám tìm ăn ở những thùng rác. Mừng vì hươu nai sinh sản đông vui, những chuyến xe đêm của du khách không làm chúng sợ hãi gì. Mừng vì các bạn người Anh cố vấn cho bảo tồn vẫn bên cạnh chúng ta, vì vậy nhiều du khách ngoại quốc đã đưa Cát Tiên vào lịch trình của họ. Có vui không khi người Việt nội địa đi lẫn với người Việt xa xứ tìm về và trong dòng người rảo bước trầm trồ có không ít người từ khắp phương xa dùng tiếng Anh như đôi chân để du ngoạn thế giới.

Trà Sư chắc chắn là nơi thương nhớ khi đã một lần được trải. Trà Sư của Tịnh Biên, vùng biên được mong mỏi phải yên bình với nhau mãi mãi. Trà Sư vang vọng địa danh hoang sơ thời Gia Long - Minh Mạng cử tướng quân Nguyễn Văn Thoại vào trấn giữ để làm ra Vĩnh Tế thương hồ dài hơn 90km.

Bến tàu trung tâm của Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư


Trà Sư ôm trọn trong nó 850 hec-ta, không nơi nào ở Tây Nam bộ có đầm lầy ngần ấy (theo cách gọi quốc tế thông dụng). Cũng là nơi năm 1999 hai cơ quan Sinh thái và Tài nguyên sinh vật của riêng Việt Nam mạnh dạn khảo sát và tự giữ gìn. Tháng 5.2003, công ty Du lịch của tỉnh nhà An Giang dám thuê 160ha trong Trà Sư để con người được biết đến. Trước đại dịch, năm 2019, Trà Sư đón 200.000 lượt du khách.

Qua cầu Bưng Tiên rẽ trái, 4 cây số đường rợp bóng, bỗng thấy dịu lòng, tinh thần thư thái hẳn. Có thế chứ, mùi cây tràm đặc trưng, rất lợi hại với sức khỏe. Hay lắm An Giang ạ, không cổng chào hoa hòe hoa sói nhé, không rác thải tùm lum đâu nhé. Mỗi mái nhà đón khách, mỗi cây cầu để khách sung sướng với máy ảnh và kia, lũ bồ câu đặc trưng hoà bình chào đón. Sau đó thì vỏ lãi (tên gốc của nó là tắc ráng), xuồng chín lá và cầu tre cho đi bộ… phục vụ tận tình và yên tĩnh.

70 loài chim, ban đêm có cả dơi chó tai ngắn diện sách Đỏ, ếch nhái, bò sát, hàng chục loài cá quanh năm và 13 loài cá bỗng đâu ùa vào trong mùa lũ. Nếu ai chưa từng đi trong mùi cây tràm, chưa từng ngồi vỏ lãi tẹt ga trên lũ bèo, chưa từng biết thế nào là bông rau dừa bông lục bình, chưa từng nghe thấy mùi cá lóc nướng trui… thì Trà Sư xứng đáng cho những ai không chán ngao du. Cho năng lượng, cho cảm xúc, cho tâm hồn.

Nếu có băn khoăn thì vì sao lũ chim dời dần từ trong lõi ra ngoài, vì sao cây tràm nghiêng ngả. Câu trả lời là để có 160ha cho du lịch trầm thủy, người ta phải làm đê bao giữ nước, cây tràm không được hưởng mặt đất thiết yếu trong mùa khô nên chúng dễ đổ và sẽ gãy. Ấy là một bài toán hóc cho những người đang làm du lịch Trà Sư.

Xin nhớ, ấy là sinh quyển.

Dạ Ngân

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
bài viết cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.