Có một Huế ở trong tôi

 15:00 | Chủ nhật, 17/07/2022  0
Tôi đã đi qua Huế, dừng lại vài lần. Nhưng có lẽ những lần trước chưa đủ duyên nên tôi chẳng có cảm giác gì về Huế. Nói đúng hơn là một thứ cảm giác lơ mơ, nhạt nhòa. Phải đến lần này thì tôi cảm thấy mình đang chạm tới Huế. Huế vẫn đang ở đây, bên dưới những rêu phong của thời gian. Huế khiến tôi đôi khi run lên vì xúc động.

Thực ra chuyến đi của tôi là để tìm một ngôi nhà mà tôi đã có nó trong hình dung. Một ngôi nhà đựng trong nó câu chuyện của tôi, đầy những yếu tố hư cấu, với các nhân vật hư cấu. Nhưng riêng ngôi nhà phải có thật. Sở dĩ có chuyến đi này là bởi tôi mới viết xong kịch bản một bộ phim điện ảnh, với dự kiến bối cảnh là Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng sau đó, đơn vị sản xuất lại nói muốn quay ở Huế. Vậy là tôi phải vào Huế, làm một việc chưa từng làm, là đi tìm bối cảnh cho một kịch bản. 

Cái khó của một người sáng tác nhiều khi lạ lắm. Mọi thứ đều có thể hư cấu, tưởng tượng; nhân vật có thể được thể hiện bằng diễn viên này hoặc diễn viên khác, vẫn là nhân vật ấy vì nó đâu có thật. Nhưng ngôi nhà thì phải có thật. Kỹ xảo điện ảnh có hiện đại đến đâu, rốt cuộc, vẫn có những cái phải có thật. Tôi cần có một ngôi nhà để tôi hình dung các nhân vật hư cấu của tôi vui buồn, đau khổ và hạnh phúc khi sống trong đó như thế nào. Và trong một buổi chiều, thuê chiếc xe máy chạy vòng vòng, tôi nhìn thấy ngôi nhà ấy, ở đây, bên bờ Bắc của sông Hương. 

Một khúc sông Hương nhìn từ đồi Vọng Cảnh.


Tôi thốt lên: Ôi, đúng ngôi nhà ấy đây rồi. Một ngôi nhà xây kiểu biệt thự, giữa cây cối um tùm, có bậc tam cấp, có những ô cửa sổ mà nhân vật chính của tôi có thể ngồi trên đó mà mơ mộng...

Một người phụ nữ từ trong đi ra.

Chị ấy đi chợ, có lẽ vậy. Tôi nói, em có thể vào sân để ngắm ngôi nhà của chị không? Chị ấy gật đầu không hề đắn đo. Và thế là tôi đi vào sân. Khoảng sân nhỏ, đầy hoa. Những bông mai của mùa xuân vẫn còn sót lại trên cành, vàng rực. Những chậu cây nhỏ trên ban công nở ra hồng và trắng. Và bên cạnh ngôi biệt thự chắc mới xây chưa lâu còn có một ngôi nhà thấp và cũ. Đấy là cái lệ của nhiều gia đình Huế. Khi xây một ngôi nhà mới, họ giữ lại ngôi nhà truyền thống. Nếu như bố mẹ còn thì bố mẹ sẽ ở đó, nếu bố mẹ mất thì đó là nơi thờ cúng tổ tiên. Ngôi nhà được giữ lại, chăm sóc, tồn tại như một cách để người ta kết nối, níu giữ, giằng buộc với quá khứ. Một quá khứ hẳn là đầy những câu chuyện số phận.

Tôi đã đứng rất lâu trong khoảng sân ấy, và nhìn lên những mái nhà. Tôi đã từng phải từ bỏ nơi mình sinh ra, và chắc chắn một điều, suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời tôi sẽ luôn nhớ nhung tiếc nuối vì đã không thể nào giữ lại mảnh vườn ấy, nếp nhà ấy, con ngõ ấy, và những cái cây, cả dòng suối nhỏ ngày đêm tí tách chảy… Thế nên, tôi tin là những người sống trong khu nhà này, có thể hai, ba, bốn thế hệ, sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc vì trong hành trình đi qua hôm nay để tới ngày mai, họ luôn giữ được hôm qua ở bên cạnh, chứ không phải bỏ lại sau lưng rồi sẽ phải sống trong mất mát, tiếc nuối.

Thành phố Huế có sự phân chia rõ nét giữa hai bờ Bắc và Nam sông Hương. Người ta chỉ tập trung phát triển với một tốc độ khá nhanh chóng, thay đổi từng ngày ở bờ Nam - với những cao ốc, nhà hàng, khách sạn, khu thương mại, khu phố đi bộ sáng rực đông nghẹt người vào ban đêm. Một Huế như rất nhiều thành phố hiện đại khác trên đất nước này. Nhưng ở bờ Bắc thì Huế hầu như nguyên vẹn là Huế trong văn chương, thi ca, hội họa… suốt hàng thế kỷ qua. Một nửa Huế sống cùng di sản. Thành quách đền đài, lăng tẩm thấm đẫm những dấu vết lịch sử. Ở bên bờ Bắc thậm chí còn cảm thấy hơi thở của người xưa, tiếng nói của người xưa vẫn rì rầm mỗi ngày. Và thực sự tôi muốn nói lời cảm ơn những trái tim, tâm hồn nào đó vẫn yêu Huế, tha thiết với Huế và muốn gìn giữ Huế từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác.

...Ở bờ Bắc thì Huế hầu như nguyên vẹn là Huế trong văn chương, thi ca, hội họa… suốt hàng thế kỷ qua. Một nửa Huế sống cùng di sản.

Rời ngôi nhà với một cảm giác hạnh phúc ngập tràn, tôi lấy điện thoại ra để xem lại phần ghi chú. Tôi đã đánh dấu những điểm mình muốn đi nhất ở Huế chỉ trong có vài ngày. Trong phần ghi chú tôi có chép mấy câu thơ: Văn thánh trồng thông/ Võ thánh trồng bàng/ Ngó lên Xã Tắc hai hàng mù u.

Tôi chạy xe máy tìm Văn thánh. Nhưng Võ thánh lại nằm kề với Văn thánh và tôi bị cái cảnh đìu hiu, vắng lặng, u tịch lúc chiều tà của Võ thánh níu chân nên rốt cuộc lại lang thang trong đó đến tận tối mịt. 

Võ thánh (còn gọi là Võ miếu), theo tài liệu còn lưu lại được thì năm 1835, dưới thời Minh Mạng, theo kiến nghị của Bộ Lễ, vua chuẩn cho xây dựng Võ miếu nhằm thể hiện sự chú trọng đến giáo dục quân sự và đề cao nghiệp võ: “Điều cốt yếu trong việc trị nước phải gồm có cả văn lẫn võ, không thể thiên về một bên. Việc xây dựng Võ miếu là việc nên làm... Từ Đinh, Lê, Lý, Trần đời nào cũng có người tài giỏi binh cơ mưu lược, huống chi triều đình ta từ lúc khai quốc cho đến giai đoạn Trung hưng, nhiều người ra mưu giúp nước, công lao rực rỡ không kém gì người xưa, cần biểu dương để khuyến khích nhân tài...”.

Vua Minh Mạng còn dụ: “Những người được thờ ở Võ miếu tất phải là bậc có công liệt rõ ràng, giữ trọn trước sau, mới đủ để nêu rõ ý nghĩa thờ tự và làm gương lâu dài cho sau này... Nay chuẩn cho: Trong danh tướng các triều đại thì lựa lấy Trần Quốc Tuấn và Lê Khôi; trong danh tướng tiên triều ta thì lấy Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Tôn Thất Hội và Nguyễn Văn Trương, tất cả 6 người, liệt vào thờ phụ ở giải vũ tả hữu nhà Võ miếu. Lại cho mộ lấy 20 người dân ngoại tịch ở gần miếu, sung làm thủ hộ; hằng năm cứ mùa xuân và mùa thu làm lễ tế sau một ngày hôm tế miếu Lịch đại đế vương”.

Từ đấy, Võ miếu hiện diện ở Huế, để rồi gần hai thế kỷ sau, một người chẳng có liên quan gì đến Huế như tôi lại đứng ngẩn ngơ trong Võ miếu mà nghĩ về người xưa.

Bia đá trong Võ miếu đã gần hai thế kỷ, ghi danh công trạng các danh tướng và mười vị tiến sĩ võ của ba khoa thi dưới thời Tự Đức. Ảnh: T.A.T


Một vài ý kiến cho rằng Võ miếu đã và đang bị lãng quên. Võ miếu đang ngày càng suy tàn. Rồi một ngày nào đó ngôi miếu cũ kỹ kia sẽ chỉ còn là một đống gạch vụn, thậm chí gạch vụn có thể cũng không còn nữa. Tôi không nghĩ đến điều đó nhiều, có lẽ vì khi đặt chân lên những ngọn cỏ và nghe côn trùng bắt đầu cất tiếng, ngước lên mái ngói đã cũ, nhiều viên bị vỡ, kiễng chân nhìn qua khe cửa vào trong gian thờ mạng nhện phủ mờ, tôi chỉ cảm thấy là mình dường như đang được bước lùi về quá khứ gần hai thế kỷ. Nghe thấy tiếng vó ngựa, tiếng binh khí, tiếng áo giáp, tiếng rì rầm của những binh sĩ trẻ tuổi đang mộng mơ về cô gái bên nhà hàng xóm hay những người lính già chống kiếm giữa hai trận đánh, tự hỏi cậu con trai ngày nào tiễn cha ra trận giờ đã cao lớn đến đâu…

Dấu vết của lịch sử nằm ở trong trời đất, chứ không phải chỉ ở những ngôi miếu có thể sụp đổ vì thời gian, mưa nắng, giặc giã. Dấu vết của lịch sử cũng nằm ở tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường và khát vọng học tập, rèn luyện của hằng hà sa số thế hệ kế tiếp. Hậu thế không bao giờ quên ơn tổ tiên cho dù dấu tích của các chiến công lừng lẫy một ngày nào đó có khi chỉ còn trong vài bức ảnh, hoặc ít hiện vật trong bảo tàng.

Sáng sớm hôm sau, tôi dậy từ lúc 4 giờ. Mục đích là đi ra sông Hương để chứng kiến lễ dâng trà vào lúc 5 giờ cùng mấy trà nương ở Di Nhiên trà thất. Một không gian trà thực sự rất Huế khiến tôi mê mẩn không rời. 

Tôi phải cảm ơn Huế vì đã mở lòng mình ra đón nhận bước chân hồn nhiên của tôi, và cảm ơn Huế vì đã thể tất cho sự ngờ vực hồ nghi về những thành phố đầy di sản nhưng linh hồn thì đã phiêu dạt tận đâu đâu mà tôi vẫn thường mang trong tâm trí mình như một sự mặc định ấu trĩ. 

5 giờ. Cả dòng sông còn chìm trong bóng tối, thẫm màu. Trừ một vài chấm sáng ở tít phía xa, có lẽ là ánh đèn của một nhà hàng mở sớm nào đó phía trên bờ hắt xuống mặt nước, còn thì cả dòng nước uốn cong cong đều được bao phủ bằng một màu chì đen thẫm.

Dòng sông yên tĩnh. Chưa khi nào tôi bắt gặp một dòng sông nào yên tĩnh như sông Hương. Không biết ở những đoạn sông khác thì sao, nhưng ở đây, không ghềnh thác, không có cả tiếng sóng. Dòng sông phẳng lặng như không hề chảy, gần như một mặt hồ, mịn màng. Tôi đến sớm để chờ hai cô gái, hai trà nương. Họ sẽ thực hiện nghi lễ dâng trà cho dòng sông, một sự tiếp nối tục lệ tuyệt đẹp có trong truyền thuyết về việc người xưa ngày ngày dâng trà, hoa cho thần sông với nguyện ước dòng sông mãi thanh sạch, thơm ngát. Thật là một ước nguyện đẹp đẽ. Và nó đẹp đẽ hơn khi đến tận hôm nay vẫn có những người yêu dòng sông đến thế, và tự hào về nó, và ước ao được gìn giữ nó như vốn có từ thuở khai thiên lập địa.

Hai cô gái bày biện ấm, chén, tống, phích, trà… trên một khay làm từ gỗ lũa, lại đặt tất cả trên một tấm vải có họa tiết rất đẹp, mà sau thì tôi nhận ra đó là tấm khăn quàng của Quỳnh, tên một trong hai cô gái. Cô còn lại tên Trang. Quỳnh và Trang bắt đầu pha trà. Vừa pha họ vừa nói về nghệ thuật pha trà của người Huế. Cả hai đều còn rất trẻ. Mới tốt nghiệp đại học. Nhưng vì một chữ duyên nào đó, cuối cùng họ đã bị niềm say mê trà lôi cuốn.

Trong lúc Quỳnh chuẩn bị ấm chén thì Trang thận trọng bóc một bông sen. Bên trong bông sen ấy, lẫn với nhụy sen là một phần trà. Quỳnh pha trà một cách thuần thục và cẩn trọng. Không một giọt nước rớt ra ngoài. Tiếng nước rót vào tống, vào ấm, ra chén khi thanh, khi đậm. Bông sen mà Trang đang bóc để lấy trà ấy, nó được dùng để ướp trà từ khi còn ở trên đầm. Vào mỗi buổi sáng, tinh mơ, các cô gái sẽ mang theo trà ngon và chèo thuyền thúng ra đầm sen trong Thành nội. Họ bỏ trà vào những bông sen vừa nở, buộc túm lại. Rồi đến chiều họ lại quay ra để cắt những bông sen mang về. Tức là suốt một ngày hôm đó, trà ngấm hương sen, hơi sen, khi cuống sen vẫn còn cắm ở dưới bùn.

Từ trái: Quỳnh và Trang trong lễ dâng trà bên sông Hương vào ngày rằm


Mặt trời bắt đầu nhô lên ở phía đông, tức là từ phía cuối của dòng sông, thì trà được pha xong. Một mặt trời đỏ ối. Trong đời tôi mới chỉ nhìn thấy mặt trời nhô lên từ biển, hoặc từ sau những ngọn núi, chứ chưa bao giờ thấy mặt trời nhô lên từ sông. Trông như thể sông đang chảy thẳng về phía mặt trời. Thật là kỳ lạ. Trong ánh sáng màu hồng kỳ ảo ấy, Quỳnh dâng một chén trà lên ngang mặt, nhắm mắt cầu nguyện trước khi chậm rãi rót xuống mặt nước tĩnh lặng...

Chúng tôi ngồi thưởng trà bên sông sau nghi lễ mà Quỳnh thực hiện. Chỉ ít phút thôi, mặt trời đã biến mất. Sương mù từ đâu đó ùa tới một cách đột ngột khiến tất cả ngồi lặng đi, kinh ngạc. Quỳnh thốt lên: “Chị nhìn kìa, sương đang bò về phía mình”. Đúng như Quỳnh nói, sương như khói, lăn tăn cuộn tròn và đang lăn từ bờ Nam sang phía chúng tôi ngồi. Mặt sông biến mất trong phút chốc. Tất cả chỉ là một khối đặc quánh, mờ mịt, kỳ ảo như không thể nào có thật. 

Tôi không nhớ là khoảng bao lâu thì sương tan và mặt trời xuất hiện trở lại. Nhưng bây giờ ông ấy không đỏ rực nữa, mà trắng như một viên ngọc. Tôi nghĩ rằng cho dù trí tưởng tượng của mình có phong phú đến đâu đi nữa thì cũng không thể nào hình dung ra mặt trời có lúc lại trắng như một viên ngọc. Viên ngọc ấy đã nhô hẳn lên mặt nước theo sự xoay chuyển của địa cầu, còn tôi thì vẫn ngồi yên bên dòng sông và để cho hương trà sen vấn vít không thể nào đứng dậy nổi.

Tôi phải cảm ơn Huế vì đã mở lòng mình ra đón nhận bước chân hồn nhiên của tôi, và cảm ơn Huế vì đã thể tất cho sự ngờ vực hồ nghi về những thành phố đầy di sản nhưng linh hồn thì đã phiêu dạt tận đâu đâu mà tôi vẫn thường mang trong tâm trí mình như một sự mặc định ấu trĩ. 

Chỉ có vài ngày thôi, tôi bị ngợp ở Huế. Tôi bị Huế làm cho ngơ ngẩn và si mê. Rồi sẽ phải trở lại chứ, một ngày nào đó. Kiếm một nơi có thể tá túc ở bên bờ Bắc sông Hương và bắt đầu viết một cuốn sách mới. Có lẽ vậy. 

Bài và ảnh: Đỗ Bích Thúy

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.