Ví dụ: “Phần lớn các gia đình họ Quản vùng này đều khá giả, không hiểu sao một gia đình họ Quản lại phiêu bạt lạc đến vùng đất khỉ ho cò gáy này” (Nguyễn Huy Thiệp, Những ngọn gió Hua Tát). “Nếu không nghe theo anh mà cứ quyết định đến cái xứ khỉ ho cò gáy ấy thì tùy” (Võ Thị Xuân Hà, Chuyện của người con gái hát rong).
Với cách sử dụng như vậy, ta thấy thành ngữ này dùng để chỉ một vùng đất “xa xôi hẻo lánh, nơi rừng rú ít người qua lại”. Những nơi đó, ngay cả việc đi chơi bời cũng ít người thích chứ nói gì đến ở hay làm ăn sinh sống.
Nhưng tại sao dân gian lại kéo hai con vật (con khỉ và con cò) vào thành ngữ này nhỉ? Thành ngữ 4 âm tiết này có 2 vế: “khỉ (thì) ho” còn “cò (thì) gáy”. Hai vế thể hiện hai sự tình khá ngược đời phải không? Quả là lạ.
Ảnh minh hoạ AI
Khỉ thì có nhiều người biết. Đó là một loài linh trưởng sống ở vùng rừng núi, có khả năng leo trèo, hái lượm rất giỏi. Trong sách vở hay phim ảnh ta thường nhìn thấy khá nhiều chủ khỉ lớn nhỏ, mình đầy lông, tay chân khẳng khiu dài ngoẵng, đang nhảy nhót trên các cành cây.
Khỉ (và vượn) được coi là cùng nguồn gốc với loài người ta đấy. Quả thực, chúng có khuôn mặt, hình dáng hao hao giống người. Dù ta ít khi nghe thấy tiếng khỉ ho nhưng chắc là chúng cũng có lúc “ấm đầu sổ mũi” hắt hơi và ho như bao người chúng ta.
Với địa bàn sinh sống nơi rừng sâu núi thẳm nên hiển nhiên loài linh trưởng này là quá xa lạ với mọi người (Họa chăng đôi lần ta có thể bắt gặp những chú khỉ háu ăn trong các lồng sắt của vườn bách thú). Việc gặp khỉ đã hiếm còn việc nghe thấy tiếng khỉ ho càng hiếm hơn. Đây chính là cơ sở để hình thành nên ngữ nghĩa của thành ngữ này như đã nói.
Vấn đề nằm ở chữ “cò gáy”. Cò là “chim có chân cao, cổ dài, mỏ nhọn, lông thường màu trắng, sống thành bầy ở các vùng ao hồ, sông nước, ăn các loài tôm cá nhỏ". Là một loài chim nhưng cò không bao giờ “gáy” (phát ta những tiếng làm thành chuỗi âm thanh cao thấp, liên tiếp, nhịp nhàng để gọi nhau) như gà, chim bồ câu hay chim cu gáy. Lũ cò cặm cụi, âm thầm lặn lội kiếm ăn trên các cánh đồng ngập nước.
Rõ ràng so với khỉ, cò là con vật quen thuộc, dễ bắt gặp hơn đối với mọi người. Cái làm nên sự lạ lùng, đặc biệt ở đây là chuyện “cò gáy”. Chính ngữ nghĩa này kết hợp với “khỉ ho” làm nên cấu trúc riêng biệt của thành ngữ và tạo nên một biểu trưng mới về sự “xa xôi, hẻo lánh” ở những nơi “đèo heo hút gió”.
Cũng phải nói thêm, vì lý do thuận miệng, thuận tai mà “khỉ ho” kết hợp được với “cò gáy” (hiệp vần và hiệp âm). Thế là tự nhiên anh cò lang thang kia bị chộp để đưa vào một thành ngữ khá thú vị và độc đáo của tiếng Việt.
Trên đời nào có khỉ ho
Mà ta cũng chẳng thấy cò gáy đâu
Vậy mà không biết làm sao
Chạy vào thành ngữ lúc nào không hay...
PGS-TS. Phạm Văn Tình (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)