![]() |
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, hội chứng rối loạn sinh tủy gặp trong rất nhiều trường hợp và có cả thể tiên phát và thứ phát.
Đây được coi là một bệnh về máu, những người mắc bệnh này nguy cơ tử vong rất cao do thiếu máu, xuất huyết, nhiễm trùng… Điều nguy hiểm ở chỗ bệnh nhân có thể chuyển thành lơ-xê-mi cấp (một nhóm bệnh ung thư hệ tạo máu) và lúc đó, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn rất nhiều.
“Bất cứ ai chuyển từ hội chứng rối loạn sinh tủy thành lơ-xơ-mi cấp thì bệnh đều rất ác tính và khó chữa. Bệnh này thường gặp ở người lớn tuổi, ngoài 50 - 55 tuổi, với tỷ lệ 60% số người mắc bệnh. Bản thân nền bệnh đã rất xấu nay lại chuyển qua một giai đoạn ác tính hơn khiến việc chữa trị vô cùng khó khăn và khả năng quay trở lại bình thường gần như không có”, Giáo sư Trí thông tin.
Cũng theo vị giáo sư này, với những trường hợp mắc bệnh ung thư máu, việc phát hiện sớm phải ngay từ thời điểm người bệnh có dấu hiệu của rối loạn sinh tủy, tức là giai đoạn tiền ung thư. Tuy nhiên, kể cả khi phát hiện được bệnh thì cũng không có biện pháp điều trị đặc hiệu để chữa khỏi bệnh mà chỉ có thể đẩy lùi quá trình bệnh tiến triển thành lơ-xê-mi cấp, chứ không thể đảo lộn quá trình có bệnh thành không bệnh.
Theo Giáo sư Trí, việc điều trị hiện nay có một số phương pháp: hóa trị liệu, ghép tế bào gốc và điều trị nhắm đích. Trong đó, hóa trị liệu là sử dụng các thuốc chống ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư nhằm đạt tình trạng lui bệnh cho bệnh nhân. Phương pháp ghép tế bào gốc cũng được chỉ định trong một số trường hợp, tuy nhiên, ghép tế bào gốc ở người lớn tuổi hầu như không có chỉ định vì khả năng sinh máu kém. Về cơ bản, các phương pháp điều trị căn bệnh ung thư máu của Việt Nam tương đương với thế giới.
|
Theo: Lê Quân (báo Thanh Niên)