CPI - Lấy số đo đô thị để chỉnh chính sách

 06:05 | Chủ nhật, 30/11/2014  0

Bên lề khuôn khổ hội thảo “Xây dựng chỉ số đô thị thịnh vượng” vừa diễn ra tại Hà Nội, TS. E.L. Monero đã dành cho phóng viên Người Đô Thị một cuộc trao đổi riêng.

UN-Habitat vừa ra mắt cuốn Hồ sơ các thành phố Việt Nam. Có mối liên hệ nào giữa hồ sơ này với CPI, thưa ông?

CPI - Lấy số đo đô thị để chỉnh chính sách

Tiến sĩ Eduardo Lopez Monero

Hồ sơ các thành phố Việt Nam mà UN - Habitat xây dựng đưa ra cái nhìn tổng quan với những thông tin về 78 thành phố và thị xã ở Việt Nam. Đây là những thông tin cơ bản để đánh giá thực trạng phát triển của từng đô thị. Nhưng để sử dụng cho việc đối thoại chính, chúng ta cần nhìn nhận rõ hơn sự phát triển năng động của một đô thị và hiểu rõ những mối tương tác trong sự phát triển đó, và khi ấy ta cần đi đến một mức độ cao hơn trong việc phân tích và xử lý dữ liệu.

CPI được xây dựng dựa trên nền móng cơ bản của những dữ liệu được thu thập để xây dựng Hồ sơ các thành phố Việt Nam, tuy nhiên những CPI cung cấp cho ta những phân tích toàn diện hơn và nó sẽ giúp kết nối tốt hơn với các chính sách, chiến lược. Như ta biết, một công cụ để đối thoại chính sách là rất quan trọng và cần thiết. Chính những chỉ số CPI cung cấp thông tin quan trọng về việc các đô thị cần làm gì để phát triển, những mục tiêu cần đạt được và những công cụ giám sát cho sự phát triển của tương lai.

Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, ông nói rằng đã có nhiều nước trên thế giới áp dụng CPI. Ông có thể cho biết cụ thể hơn?

Hiện tại, đã có 320 thành phố áp dụng CPI và chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều hơn nữa. Đang có 18 quốc gia áp dụng chỉ số này. CPI đang dần trở thành công cụ đánh giá chuẩn cho phạm vi toàn cầu với vai trò cốt lõi là so sánh giữa các đô thị trên toàn thế giới, xác định các đặc trưng và kết nối với những gì chúng ta nên và không nên làm. Chúng tôi ước tính trong năm tới sẽ có ít nhất 1.000 thành phố áp dụng bộ chỉ số này.

Đô thị thịnh vượng là đô thị đạt được sáu tiêu chí: tạo được công ăn việc làm cho mọi người; có sự phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật phù hợp; có cơ cấu quản lý điều hành phù hợp; tạo ra các điều kiện đảm bảo chất lượng cuộc sống; tạo ra các điều kiện để thịnh vượng được chia sẻ cho các cư dân trong đô thị; có chiến lược bền vững và thân thiện với môi trường.

Những thành phố như Hà Nội, TP.HCM được xem như những siêu đô thị trong tương lai. Ông cũng từng đề cập đến việc chúng ta không chỉ có một loại chỉ số CPI, chúng ta có cả chỉ số của vùng siêu đô thị nữa. Vậy ông có thể cho biết thêm về chỉ số vùng siêu đô thị?

Chỉ số cho những siêu đô thị là rất cần thiết bởi khi ta xây dựng CPI cho một thành phố chừng 300.000 dân, nó sẽ mô tả được sự phát triển của thành phố đó một cách rất rõ ràng. Nhưng với những siêu đô thị như Cairo có 10 triệu dân, thành phố Mexico 20 triệu dân, thì chỉ số cho toàn thành phố sẽ không hợp lý chút nào. Vì vậy chúng ta phải xây dựng chỉ số thịnh vượng cho siêu đô thị. Chỉ số này bao gồm chỉ số của cả vùng đô thị rộng lớn nhưng sau đó lại bao gồm các chỉ số của các phần khác nhau trong đô thị hay thành phố… Mỗi đô thị/thành phố có các cấp độ, vị trí khác nhau. Những gì chúng ta đang làm là cố gắng thu thập thông tin cấp độ tiểu đô thị, sau đó phân tích sự cân bằng giữa việc thay đổi tính hiệu lực của chỉ số đô thị và các chỉ số khác nhau để xác định khu vực nào trong thành phố đang làm tốt và khu vực nào trong thành phố cần các chính sách ứng phó cụ thể.

_________________ 

Thịnh vượng không có nghĩa là giàu có 

Theo PGS.TS Vũ Thị Vinh, tổng thư ký hiệp hội Các đô thị Việt Nam, hiện nay trên thế giới dùng phổ biến từ “thành phố đáng sống”, còn “thành phố thịnh vượng” mới dùng gần đây. Việt Nam chưa có thành phố nào được công nhận là “thành phố đáng sống” mà đang hướng tới, ví dụ như Đà Nẵng. Đối với thành phố Hà Nội, TP.HCM, bà Vinh cho rằng còn rất nhiều ý kiến vì hai thành phố này là hai thành phố lớn, có nhiều điều còn phải giải quyết như khoảng cách giàu nghèo giữa các đối tượng, môi trường sống của người dân. 

Bà Vinh chia sẻ, một đô thị thịnh vượng không nhất thiết là một đô thị giàu có vì “giàu có” mang nghĩa rộng lớn, không có tiêu chuẩn cụ thể nào. “Thịnh vượng là một cuộc sống đầy đủ, an toàn, người dân sống ở đô thị đó có công ăn việc làm, con người sống ở đô thị đó cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ trong cuộc sống của họ. Tôi cho rằng đây chính là chữ “thịnh vượng” mà ông cha ta thường suy nghĩ”, bà Vinh nói. Đơn cử, Bhutan được đánh giá là một trong 15 nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất, trong khi Bhutan không giàu. 

Theo bà Vinh, tuỳ từng mục đích, tuỳ từng quan điểm mà mỗi tổ chức như Liên hiệp quốc, ngân hàng Thế giới có bộ chỉ số riêng. Mỗi bộ chỉ số phục vụ cho mục tiêu khác nhau. Khi áp dụng các tiêu chí này vào Việt Nam, với điều kiện kinh tế, xã hội khác với các nước thì có những cách áp dụng riêng. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người chưa phải là yếu tố duy nhất để đánh giá. 

Hoa

____________________ 

Nguỵ Hà - Lệ Quyên

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
bảng giá đo đạc đo vẽ

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.