Cuộc chiến chống giấy phép con còn đang tiếp diễn

 14:59 | Thứ năm, 08/12/2016  0

Khoan bàn đến những băn khoăn chưa dứt trong nội dung luật sửa đổi vừa được thông qua, những thảo luận kéo dài trong suốt thời gian qua cho thấy tính chất phức tạp của cuộc chiến loại bỏ các “giấy phép con” vô lý. Và dù một số giấy phép đã được bỏ, những vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết vẫn còn ở phía trước.

Ma trận điều kiện kinh doanh 

Cải cách thể chế kinh tế nhằm thúc đẩy sự phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước nói riêng và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nói chung được coi là trọng tâm hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Môi trường kinh doanh, trong đó nổi lên nạn“giấy phép con” bất hợp lý, cùng với rào cản quy hoạch ngành, và thanh kiểm tra chuyên ngành là những vấn đề khiến cho doanh nghiệp bức xúc nhiều nhất và được Chính phủ đưa vào ưu tiên giải quyết.

Tính đến năm 2014, thời điểm chuẩn bị cho việc sửa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, kết quả rà soát cho thấy có đến 400 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý của 16 bộ, ngành và được quy định tại 391 văn bản, bao gồm: 56 luật, 8 pháp lệnh, 115 nghị định, 8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 176 thông tư, 26 quyết định của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 2 văn bản của bộ.

Trong số các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, có 110 ngành, nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh với 170 loại giấy phép kinh doanh; 83 ngành, nghề yêu cầu phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với 62 loại giấy chứng nhận; 44 ngành cần chứng chỉ hành nghề với 52 loại chứng chỉ hành nghề; 11 ngành, nghề yêu cầu vốn pháp định với 11 loại xác nhận vốn pháp định; 345 ngành, nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đó thực sự là “ma trận” mà chỉ riêng việc rà soát, thống kê không thôi cũng đã không dễ dàng.

Đổi mới kinh tế ở Việt Nam, về bản chất là trở lại hệ thống kinh tế thị trường và gỡ bỏ các rào cản kinh doanh - tiến trình mà quyền kinh doanh từ chỗ tập trung vào tay Nhà nước từng bước được trao lại cho người dân. Điều kiện kinh doanh, dưới dạng các văn bản chấp nhận là hệ quả không tránh khỏi của một hệ thống pháp luật kinh doanh hình thành trong quá trình chuyển đổi, từ chỗ người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật cho phép - đến làm những gì pháp luật không cấm. Giấy phép, cấp phép chính là công cụ quản lý phổ biến trong tiến trình Nhà nước mở ra đến đâu thì người dân được làm đến đó (tư duy người dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm chỉ thực sự được khẳng định từ Hiến pháp 2013).

“Cuộc chiến” chống giấy phép con thực chất đã bắt đầu từ cuối những năm 1999, trong giai đoạn chuẩn bị cho việc ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2000. Các nỗ lực cắt bỏ “giấy phép” được tiến hành liên tục cho đến trước khi ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2005, thời điểm mà chỉ còn gần 300 loại giấy phép khác nhau còn tồn tại.

Đáng tiếc là kể từ đó, việc kiểm soát điều kiện kinh doanh và nỗ lực loại bỏ các loại điều kiện vô lý đã hầu như dừng lại. Để rồi trong mười năm tiếp theo, số lượng giấy phép con đã mọc lên nhanh chóng, đạt đến con số khoảng 7.000 loại khác nhau, như thống kê gần đây nhất- trong năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi

Nói thế để thấy, việc Chính phủ quyết liệt với vấn đề điều kiện kinh doanh là lựa chọn chính xác và cần thiết phải ủng hộ. Tuy nhiên, cách tiếp cận để xử lý vấn đề của Chính phủ vẫn còn nhiều điểm cần phải xem xét lại.

Nỗ lực đầu tiên được Chính phủ thực hiện trong nhiệm kỳ này là yêu cầu “nâng cấp” tính pháp lý của điều kiện kinh doanh, từ thông tư lên nghị định. Thực chất yêu cầu này là giúp Chính phủ tăng cường khả năng kiểm soát của mình, tránh tình trạng để bộ, ngành thoải mái ban hành giấy phép như suốt thời gian qua. Tuy nhiên, việc sửa đổi vừa được thực hiện, dù có thể giúp bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện (đồng thời cũng bổ sung một số ngành về khác), nhưng nó chưa thực hiện được công việc quan trọng nhất, đó là thiết lập và mô tả được những nguyên tắc rõ ràng cho việc ban hành điều kiện kinh doanh.

       

Chỉ khi người dân, doanh nghiệp được thực sự trao quyền khởi kiện các quyết định hành chính hay khởi kiện yêu cầu xem xét giá trị pháp lý của các loại “giấy phép”, đến lúc đó mới có thể hy vọng giải quyết tận gốc vấn đề giấy phép con.

Nguyên tắc là quan trọng, bởi vì bộ nguyên tắc đó đóng vai trò như một “thước ngắm” để từ đó soi vào xem các điều kiện kinh doanh hiện hành hoặc ban hành mới có đi ngược lại các tiêu chí hợp lệ về mặt nội dung hay không. Thêm nữa, khi có “thước ngắm” này, các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ dễ dàng tham gia và có tiếng nói lớn hơn trong tiến trình loại bỏ giấy phép con.

Về lâu dài, đây mới chính là yếu tố quyết định. Bởi không ai khác ngoài doanh nghiệp - những người có lợi ích trực tiếp bị tác động bởi các điều kiện kinh doanh, mới là những người có động cơ mạnh mẽ nhất để “đấu tranh” loại bỏ các can thiệp vô lý.

Nhưng xây dựng được bộ nguyên tắc rõ ràng và chi tiết cũng mới chỉ là điều kiện cần. Cần lưu ý rằng, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã đưa ra một rào cản kỹ thuật rất quan trọng: giấy phép kinh doanh chỉ coi là hợp pháp nếu ngành, nghề kinh doanh hay hoạt động kinh doanh đòi hỏi phải được quản lý bằng giấy phép. Điều kiện hay tiêu chí làm căn cứ cấp hay từ chối cấp giấy phép đó phải do luật, pháp lệnh, nghị định hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định. Nhưng bất kể “rào cản” đó, thời gian qua giấy phép các loại vẫn mọc như nấm sau mưa. Điều đó cho thấy, kiểm soát giấy phép con không thể chỉ phụ thuộc vào trách nhiệm của cơ quan nhà nước hay ý chí chính trị của một vài cá nhân lãnh đạo.

Mấu chốt của vấn đề là, nếu chủ thể chịu tác động là người dân và doanh nghiệp không được đặt vào vị trí trung tâm của “cuộc chiến” chống giấy phép con, thì “cuộc chiến” đó không thể thành công. Chỉ khi người dân, doanh nghiệp được thực sự trao quyền khởi kiện các quyết định hành chính hay khởi kiện yêu cầu xem xét giá trị pháp lý của các loại giấy phép, đến lúc đó mới có thể hy vọng giải quyết tận gốc vấn đề.

Chính vì lý do đó, những nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ và Quốc hội hiện tại mới chỉ là bước khởi đầu. Những thách thức lớn lao vẫn còn nằm phía trước: xác lập các nguyên tắc cho việc ban hành điều kiện kinh doanh và các cơ chế để đảm bảo thực thi các nguyên tắc này.

Nguyễn Quang Đồng (Chuyên gia độc lập về chính sách công)

» Doanh nghiệp đang phải sống và làm việc theo… thông tư

» Rút giấy phép công ty đưa “chui” khách Trung Quốc vào Việt Nam

» Giấy phép con “hạ gục” doanh nghiệp

» Loay hoay giữa 'ma trận' 7.000 giấy phép con

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.