Những ngày tháng Tư này, Sài Gòn - TP.HCM đang hối hả khôi phục mọi mặt kinh tế - đời sống sau mấy năm dịch bệnh hoành hành mà Sài Gòn là nơi chịu tổn thất sinh mạng nặng nề nhất. Người dân bắt đầu trở lại với cuộc sống bình thường dù còn phải chống chèo cam go, xa cách và lo lắng.
Riêng chúng tôi đã có một cuộc hội ngộ thú vị và bất ngờ ở nhà bà Nguyễn Hạc Đạm Thư - nhà báo và nguyên Phó ban Quốc tế Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nó bất ngờ ngay với những người được mời đến vì họ không biết sẽ gặp ai ở đó. Đây không phải cuộc gặp bình thường bởi chủ và khách đều là những gương mặt của cuộc hành trình Việt Nam “đi qua chiến tranh đến với hòa bình”. Họ là những người bạn thân thiết tới mấy chục năm song vì nhiều điều kiện cả chủ quan lẫn khách quan, những tưởng khó có thể còn gặp được nhau.
Từ trái: bà Lady Borton, bà Ngọc Toản, tác giả, bà Đạm Thư.
Khách mời ngoài bạn bè của gia chủ, còn có nữ nhà văn Mỹ Lady Borton và mẹ con GS-TS. Nguyễn Thị Ngọc Toản. GS-TS. Ngọc Toản đã 93 tuổi, được vợ chồng con gái là PGS-TS. Cao Bảo Vân đưa đến. Hẳn bạn đọc còn nhớ Cao Bảo Vân chính là người đã bỏ ra 10 năm để viết cuốn sách về cha là tướng Cao Văn Khánh, góp một mảng lớn cho hiện thực lịch sử kháng chiến của Việt Nam và tình yêu, cuộc sống gia đình trong chiến tranh (xem bài viết Trò chuyện với PGS-TS. Cao Bảo Vân: Nhờ cha phù hộ viết được “theo cách nhà binh” trên Người Đô Thị số Xuân Nhâm Dần 2022).
Cô tiểu thư 15 tuổi theo kháng chiến
Nhìn bà Ngọc Toản không thể không nhớ tướng Cao Văn Khánh, người chỉ huy tham mưu chiến đấu hầu hết các trận đánh của kháng chiến Việt Nam mấy chục năm. Bà còn làm ta nhớ ra một loạt tên tuổi lớn trong một đại gia đình: trung tướng Cao Văn Khánh, GS-BS. Đặng Văn Ngữ, nhà nghiên cứu Ngọc Trai, GS. Tương Lai, GS. Hồng Phong, PGS-TS. Cao Bảo Vân, đạo diễn Đặng Nhật Minh…
Chỉ cần “đọc lý lịch” người phụ nữ trí thức này - người đã sống gần một thế kỷ - đủ thấy họ gắn bó với con đường của đất nước gian nan: là tiểu thư con quan đại thần triều Nguyễn, nữ sinh Đồng Khánh 15 tuổi đi theo kháng chiến, vào ban quân y qua các mặt trận Huế, Quảng Trị. Năm 1951 cùng anh rể là GS. Đặng Văn Ngữ lên chiến khu. Học Đại học Y khoa Việt Bắc, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, thành giáo sư đầu ngành sản phụ khoa của Bệnh viện Quân y 108. Kháng chiến khốc liệt vẫn nuôi nấng trưởng thành lứa trí thức có bằng cấp khoa học cao.
Bà nổi tiếng vì đã cùng những người thầy, người anh như GS. Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Lang, Lê Cao Đài… chú ý các hiện tượng dị tật bẩm sinh, sau này xác định do chất độc màu da cam và là một trong những người sáng lập Hội Nạn nhân chất độc da cam, kết nối nhiều nhà khoa học trên thế giới. Qua nhà văn hóa Hữu Ngọc, bà quen biết với Lady Borton từ lâu.
Lady Borton, người Mỹ nói tiếng Việt
Bà đã có mặt ở Quảng Ngãi với công việc từ thiện của tổ chức Quaker - giúp nạn nhân chiến tranh và sau này sống ở Hà Nội nhiều năm - trở thành người Mỹ hiểu rất rõ Việt Nam. Bà nói tiếng Việt rành rọt. Không có gia đình riêng, Lady dâng hiến toàn bộ cuộc sống của mình cho nghiên cứu văn hóa, trở thành nhà văn sáng tác nhiều tác phẩm, trong đó có After sorrow (Tiếp sau nỗi buồn) - nói về một người Mỹ giữa làng quê Việt Nam, giúp ích rất nhiều cho sự hiểu biết, bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ sau chiến tranh. Tác phẩm của bà thật gần gũi với người dân quê Việt và là tiếng nói của sự hòa giải, đổi mới.
Đây không phải cuộc gặp bình thường bởi chủ và khách đều là những gương mặt của cuộc hành trình Việt Nam “đi qua chiến tranh đến với hòa bình”.
Lady còn bỏ công tìm hiểu, viết sách về những người Việt trong trại tỵ nạn. Sau này bà dành công sức rất lớn cho các tác phẩm như Hồ Chí Minh - một cuộc hành trình (Ho Chi Minh a journey) và cùng tác giả David Thomas viết tác phẩm Hồ Chí Minh - một chân dung.
Lăn lộn sống ở Việt Nam, bà thành nhà văn và nhà nghiên cứu văn hóa, tận tụy đi khắp các bảo tàng, sứ quán, trung tâm lưu trữ nhiều quốc gia để giúp tìm tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ và cách mạng Việt Nam. Lady cũng là người không hề biết mệt mỏi khi dịch và giới thiệu nhiều tác phẩm của các tác giả Việt Nam cho văn học Mỹ. Bà nổi tiếng và thân thiết với các nhà văn hóa - xuất bản và giới văn chương Việt.
Bà đã rời Việt Nam về nước sống và giới văn hóa Hà Nội tưởng khó còn thấy bóng dáng người phụ nữ cao gầy, mái tóc quăn màu xám tươi cười trong các “cuộc tụ tập” bình dân bè bạn giữa phố phường ven hồ của thủ đô. Lần này Lady phải đổi vé tới 4 lần mới bay được sang Việt Nam trong đại dịch.
Nữ nhà báo với những cuộc “Gặp gỡ trên đường đời”
Là một nữ sinh Hà Nội tham gia kháng chiến, bị truy lùng gắt gao phải lánh đi du học Pháp rồi trở về - bà Đạm Thư là nhà báo, nhà nghiên cứu giáo dục và… “nổi tiếng với Tây hơn”. Đó là do bà từng du học và sau này nhiều năm làm ở Ban quốc tế Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thường tháp tùng lãnh đạo và nữ tướng Nguyễn Thị Định đi nhiều nước làm nhiệm vụ ngoại giao nhân dân, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc chiến đấu của Việt Nam. Bà cũng xuất thân trong gia đình trí thức lớn: mẹ là cháu nội của danh nhân Nguyễn Tư Giản - một trong những vị khoa bảng, đại thần triều Nguyễn.
Trong cuốn sách bà mới xuất bản Gặp gỡ trên đường đời kể lại nhiều mối quan hệ con người cảm động trong, ngoài nước. Sách được bạn bè quốc tế của bà yêu thích lắm và họ bỏ nhiều tâm sức để dịch, giới thiệu với thế giới.
Bà có mối quan hệ thân thiết với Lady tới mấy chục năm, là người đưa Lady đi thực tế, sống với làng quê Việt khắp hai miền Nam Bắc từ khi còn chưa đổi mới, mở cửa với bao khó khăn trở ngại. Đó là những năm tháng mà trẻ con thấy Lady còn xúm vào chỉ trỏ “Liên Xô, Liên Xô”. Năm nay bà đã ngoài 80, rất minh mẫn nhưng cũng đã yếu đi.
Những điều còn đọng lại…
Họ gặp nhau hôm nay tại Sài Gòn trong đại dịch, trò chuyện và ăn cơm thân mật. Cuộc hội ngộ ấm áp và cảm động của những người đã cùng nhau đi qua chiến tranh khốc liệt và làm được biết bao thành tựu. Thế nhưng lần này trong đại dịch, họ lại đứng ở thế yếu nhất. Tuổi cao, bệnh nền, xa cách con cháu, vật lộn với bao đe dọa của cuộc sống. Ngày mai Lady lại ra Hà Nội ít ngày để lo công việc dịch thuật giới thiệu văn hóa rồi trở về Mỹ. Đạm Thư kiên cường lạc quan vậy nhưng đã yếu, mệt tim, nhịp thở gấp gáp. Có lúc các bà phải ngả lưng trên ghế để trò chuyện. GS. Ngọc Toản được các con đưa về sớm vì không thể ngồi lâu.
Họ đã đi qua chiến tranh để đến với hòa bình và dựng xây đất nước, nhìn cuộc hội ngộ bất ngờ này như thấy được một chớp đèn flash, một lát cắt của lịch sử, của tình yêu và vẻ đẹp cao quý.
Nguyễn Thị Ngọc Hải