Cuộc tri ngộ với Kim Thuý - nhà văn vào chung khảo giải thưởng thay thế Nobel Văn học 2018

 15:52 | Thứ sáu, 22/02/2019  0
LTS: Trong bài viết riêng cho giai phẩm Người Đô Thị Tết 2019 về nhà văn Kim Thúy, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai nhận định: "Cũng giống như nhiều nhà văn hải ngoại khác, nhà văn Kim Thúy đã để cho những trải nghiệm đau thương của chiến tranh cắt sâu vào con chữ của chị. Nhưng khác với họ, chị là một trong những người hiếm hoi lấy tình yêu nước Việt để rọi sáng bản sắc văn hóa Việt Nam...". Để bạn đọc ở xa chưa có điều kiện đọc báo in, có thể hiểu hơn nhận định này, Người Đô Thị online giới thiệu lại bài viết đặc sắc của Nguyễn Phan Quế Mai.

Ảnh: Mark Raynes Roberts

Kim Thúy: Mong được đón một cái Tết đúng nghĩa ở quê hương

Tôi không nhớ mình đã mua quyển sách Ru của nhà văn Kim Thúy từ nhiều năm trước ở nơi nào. Chắc hẳn là tại một cửa hàng sách ở Singapore, Thái Lan, Đức, hay một quốc gia nào đó tôi đã từng qua. Nhưng tôi nhớ rõ quyết định mua sách xuất phát từ bài viết trên một tờ báo tiếng Anh, về một tác giả người Canada gốc Việt. Điều kỳ lạ trong bài báo đó là tên tác giả ấy - nhà văn Kim Thúy - hiện lên với đầy đủ dấu. Không phải Kim Thuy - một cái tên bị bỏ mất dấu như trong hầu hết các trường hợp của các nhà văn hải ngoại gốc Việt - mà là Kim Thúy.

Cái dấu sắc nhỏ nhoi trên tên chị giữa trang báo tràn đầy những chữ tiếng Anh, và trên bìa quyển Ru in cùng bài báo, dường như là một bông hoa kiêu hãnh khẳng định chị là người Việt Nam, và là một phần không thể tách rời của dải đất hình chữ S. 

Đã từng đọc nhiều nhà văn hải ngoại gốc Việt (thế hệ thứ hai, lớn lên ở hải ngoại) như Nam Le, Viet Thanh Nguyen, Monique Truong, Ocean Vuong... tôi đã hy vọng rất nhiều khi cầm trên tay quyển Ru. Hy vọng là bởi tôi cảm thấy thế hệ thứ hai của những người Việt ở hải ngoại có một cái nhìn đa chiều về lịch sử. Họ đều viết về quê hương với một niềm đau đáu khôn nguôi. Và sự đau đáu ấy hiện rõ trên trang đầu tiên trong Ru

“Tôi đến với thế giới giữa cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, vào những ngày đầu tiên của Năm con Khỉ, khi những dải pháo dài buộc trước cửa những ngôi nhà nổ tung, hòa giọng vang rền với những tràng súng máy. 

Tôi mở mắt chào đời ở Sài Gòn, nơi xác pháo bị xé thành hàng ngàn mảnh, nhuộm rực mặt đất một màu đỏ tựa những cánh hoa đào, hay như máu của hai triệu người lính đang được dàn quân rải rác khắp những ngôi làng và thành phố trên đất nước Việt Nam đã bị xé toạc làm hai.

Tôi được sinh ra dưới bóng của bầu trời rực rỡ pháo Tết, được trang hoàng bằng những vòng hoa ánh sáng bị bắn xuyên bởi tên lửa và hỏa tiễn. Sự ra đời của tôi là để thay thế cho những cuộc đời đã mất. Sứ mệnh của cuộc đời tôi là tiếp nối cuộc đời của mẹ tôi” (*)

Cũng giống như nhiều nhà văn hải ngoại khác, nhà văn Kim Thúy đã để cho những trải nghiệm đau thương của chiến tranh cắt sâu vào con chữ của chị. Nhưng khác với họ, chị là một trong những người hiếm hoi lấy tình yêu nước Việt để rọi sáng bản sắc văn hóa Việt Nam. Chỉ có một người Việt đúng nghĩa mới hiểu được tầm quan trọng của dấu hỏi, dấu ngã, dấu huyền, dấu sắc, dấu nặng... trong tiếng Việt, chỉ ra tầm quan trọng đó trong các tác phẩm, để bạn đọc quốc tế không chỉ nhận ra được sự trù phú trong ngôn ngữ Việt Nam, mà còn là sự giàu có của văn hóa Việt Nam. Nếu trang 1 của quyển Ru biến người đọc thành một đứa trẻ, để họ oe oe cất tiếng khóc chào đời giữa một cái Tết vừa rực lên vẻ đẹp vừa bừng lên sự tàn khốc, thì trang 2 của quyển sách đặt họ vào chiếc nôi của văn hóa và lịch sử của dải đất hình chữ S: 

“Tôi là Nguyễn An Tịnh, mẹ tôi là Nguyễn An Tĩnh. Tên tôi chỉ là một sự biến hóa từ tên mẹ tôi, bởi dấu chấm dưới chữ “i” giúp tôi khác mẹ, phân biệt tôi với mẹ, tách rời tôi khỏi mẹ. Tôi là sự nối dài của mẹ tôi, ý nghĩa của tên tôi cũng nói lên điều đó. Trong tiếng Việt, tên mẹ tôi có nghĩa là “không gian tĩnh lặng”, trong khi tên tôi là “tâm hồn tĩnh lặng”. Qua những cái tên gần như có thể hoán đổi được, mẹ tôi khẳng định tôi là sự tiếp nối của mẹ, là người sẽ tiếp tục câu chuyện của mẹ.

Lịch sử Việt Nam (với chữ “L” viết hoa) đã cản trở những kế hoạch của mẹ tôi. Lịch sử đã quẳng dấu nặng dấu ngã trên tên của chúng tôi xuống nước khi nó đưa chúng tôi băng qua Vịnh Thái Lan ba mươi năm trước. Lịch sử cũng làm mất đi ý nghĩa tên của chúng tôi, lập tức làm cho âm thanh những cái tên ấy trở nên lạ lùng, và lạ lùng với cả tiếng Pháp. Đặc biệt, khi tôi mười tuổi, Lịch sử đã kết thúc vai trò của tôi trong việc tiếp nối cuộc đời của mẹ tôi”. 

Đọc Ru của nhà văn Kim Thúy, tôi chợt nhớ tới lời chia sẻ của một cựu binh Mỹ. Ông nói với tôi rằng, trên chuyến bay sang chiến trường Việt Nam vào năm 1963, ông đã rất lo lắng khi sẽ phải nã súng vào người Việt. Và một sĩ quan quân đội Mỹ đã nói với ông rằng: “Đừng lo. Người Việt Nam là một loại người ham chiến. Chúng đã đánh nhau suốt mấy nghìn năm với rất nhiều dân tộc khác. Chúng ham chiến và chúng không biết yêu thương gia đình như người Mỹ của chúng ta”. 

Những câu nói trên có thể hiểu là những lời kích động có tính chất tuyên truyền. Nhưng trong những năm gần đây, trên những chặng đường băng qua thế giới, tôi vẫn gặp nhiều người nước ngoài chỉ biết đến Việt Nam như một cuộc chiến tranh. Vì thế, những tác phẩm của nhà văn Kim Thúy thực sự cần thiết. Sau khi đặt người đọc vào chiếc nôi của đất nước chúng ta, chị đã ru họ bằng cả vẻ đẹp và sự thăng trầm của văn hóa và lịch sử Việt Nam. Và cũng như những lời hát ru của dân tộc Việt, Ru của Kim Thúy không dài dòng, kể lể mà nhẹ nhàng, tinh túy nhưng không kém phần đau đớn. Ngòi bút của chị tỏa ánh sáng nhân văn khi viết về bất cứ nhân vật nào, dù nhân vật đó ở bên nào của cuộc chiến.

Người Việt đã bị mất mát quá nhiều bởi loạn lạc và chiến tranh nên nhà văn Kim Thúy nỗ lực khôi phục những gì đã mất qua các tác phẩm của chị. Trong quyển sách thứ hai, Mãn - cũng một tác phẩm viết bằng tiếng Pháp - chị đã tôn vinh văn hóa của đất nước nơi mình sinh ra bằng việc bắt đầu từng chương trong chuyển sách bằng tiếng Việt: mẹ, dừa, thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6, thứ bảy, chủ nhật, ớt hiểm, chuối, chồng, thuyền nhân, văn hóa… 

Không chỉ bảo tồn ngôn ngữ Việt trong các tác phẩm bằng tiếng Pháp, nhà văn Kim Thúy còn rọi sáng vẻ đẹp của ngôn ngữ ấy qua thơ ca. Thơ ca ở trong chính các con chữ của chị, và trong từng hơi thở các nhân vật của chị. Trong tiểu thuyết Mãn, mẹ của nhân vật Mãn, khi còn là một cô bé, vẫn luôn ngân nga các đoạn Kiều để đưa người cha của mình trôi vào giấc ngủ giữa sự khốc liệt của chiến tranh. Không chỉ trích đoạn Truyện Kiều trong Mãn, nhà văn Kim Thúy còn giới thiệu Truyện Kiều một cách đầy ấn tượng đối với những người nước ngoài chưa từng biết tới văn học Việt Nam: “Người ta nói rằng khi Truyện Kiều, bài thơ dài hơn 3.000 câu, vẫn còn, không cuộc chiến nào có thể xóa sổ đất nước Việt Nam. Có lẽ đó là lý do tại sao, trong suốt hơn một thế kỷ, một người Việt mù chữ cũng có thể thuộc lòng cả những đoạn Kiều”.

Ông ngoại của Mãn đã yêu cầu tất cả những đứa con của mình học thuộc Truyện Kiều, “bởi vì, trong rất nhiều vẻ đẹp mà tác phẩm đại thi hào Nguyễn Du đã mô tả, sự thanh khiết và lòng vị tha là hai đức tính cơ bản trong tâm hồn người Việt”.

Sau này, khi trò chuyện với nhà văn Kim Thúy, tôi mới được biết rằng, Truyện Kiều đã thấm vào tâm hồn chị từ thời thơ bé bởi cha mẹ chị vẫn hay trích Kiều mỗi khi muốn khuyên nhủ chị và hai em trai của chị. Khi đặt chân đến Hà Nội, một trong những việc đầu tiên chị làm là tìm mua quyển Truyện Kiều dày cộp bằng tiếng Việt. Không hiểu hết nghĩa, chị đã đọc bản tiếng Việt song song với bản tiếng Pháp, và rồi đưa cả hai quyển sách đó về nhà cha mẹ, nhờ họ giải thích thêm ngữ nghĩa của Truyện Kiều. Say mê với tính triết lý của Kiều, chị đã học thuộc lòng nhiều đoạn dài trong tác phẩm đồ sộ ấy.

Giống như Truyện Kiều, các tác phẩm của nhà văn Kim Thúy cũng đầy chất thơ và cũng đầy tính triết lý. Dõi theo hàng chục giải thưởng văn chương danh giá mà chị từng giành được như giải thưởng của Toàn quyền Canada năm 2010, giải thưởng văn học Grand Prix RTL-Lire (Pháp), giải thưởng Mondello cho sự đa dạng về văn hóa (Ý), giải thưởng Canada Reads do bạn đọc Canada bình chọn cho quyển sách xuất sắc nhất với chủ đề “Cuốn sách phá vỡ các rào cản”…, tôi không quá bất ngờ khi vào tháng 9.2018, Viện Hàn lâm mới (Thụy Điển) công bố chị trở thành một trong bốn nhà văn trên toàn thế giới lọt vào vòng chung khảo giải thưởng Văn học mới. Giải này do Viện Hàn lâm mới gồm hơn 100 nhà văn, diễn viên, nhà báo và nhà văn hóa Thụy Điển thiết lập sau khi Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định không trao giải Nobel Văn học 2018 vì những bê bối liên quan đến một thành viên của Viện.

Điều đặc biệt là những người tham gia bầu chọn cho giải Văn học mới là những người am hiểu văn chương nhất - những thủ thư. Và nhà văn Kim Thúy đã xuất sắc vượt qua nhiều tác giả danh tiếng của thế giới để Việt Nam được xướng tên trên bản đồ văn học thế giới. “Những câu chuyện của Kim Thúy vẽ lên những sắc màu, hương thơm, mùi vị của đất nước Việt Nam, những hiểm họa khi phải sống xa xứ, cũng như hành trình tìm kiếm lại bản ngã” là nhận xét của ban giám khảo về lý do đề cử nhà văn Kim Thúy cho giải thưởng danh giá này.

Đã từng tưởng tượng rằng nhà văn Kim Thúy là một người phụ nữ Việt thuần túy, tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi có cơ duyên nói chuyện với chị vào tháng 9.2018, khi thực hiện bài phỏng vấn đầu tiên mà chị dành cho một tờ báo trong nước. Trò chuyện với tôi qua Skype, chị chào tôi với tiếng cười giòn tan và một giọng nói đậm chất miền Nam. Xa quê hương từ lúc 10 tuổi, học tập và làm việc bằng tiếng Pháp, nhưng chị nói tiếng Việt rất thông thạo, và hầu như chẳng gặp khó khăn nào khi chuyện trò với tôi về những thăng trầm của cuộc đời chị, về nghề viết, về biết bao chủ đề mà chúng tôi đã chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trên Skype dài kỷ lục (hơn bốn tiếng đồng hồ), và trong biết bao cuộc chuyện trò sau đó… 

Ảnh: Vũ Quang

Nhiều người Việt, khi rời bỏ quê hương, đã quyết định cắt đứt sợi dây nối mình với nguồn cội để có thể rảnh rang bắt tay vào xây dựng một ngôi nhà mới trên một mảnh đất mới. Vì thế tôi đã gặp rất nhiều gia đình người Việt ở hải ngoại không khuyến khích con họ học tiếng Việt. Cha mẹ của nhà văn Kim Thúy thì khác. Họ luôn thôi thúc ba đứa con của mình nói tiếng Việt mặc dù áp lực học tiếng Pháp, áp lực hòa nhập của các con là rất lớn.

Chị Kim Thúy nói rằng, những món ăn đẫm chất Việt Nam do mẹ chị (bà Lý Kim Thủy) nấu chính là sợi chỉ đỏ dẫn chị về với quê hương, để rồi gần đây chị đã viết một quyển sách về ẩm thực Việt. Quyển sách vừa được Måltidsakademin (một tổ chức chuyên nghiên cứu về văn hóa và ẩm thực) vinh danh với giải thưởng dành cho quyển sách nấu ăn xuất sắc nhất được chuyển ngữ sang tiếng Thụy Điển năm 2018. 

Nếu nhìn vào những tác phẩm xuất hiện liên tiếp trong thời gian gần đây của nhà văn Kim Thúy (ba tiểu thuyết Ru, Vi, Mãn, quyển sách nấu ăn Le secret des Vietnamiennes (Bí mật của những người phụ nữ Việt), và quyển À toi (Của bạn) viết cùng Pascal Janovjak), nhiều người sẽ nghĩ con đường đến với văn chương của chị thênh thang, rộng mở từ thuở ban đầu. Nhưng không. Khởi thủy của con đường ấy rất hẹp và gập ghềnh. Mê và thuộc lòng tiểu thuyết Người tình của Marguerite Duras từ lúc nhỏ, ngôn ngữ đẹp như thơ của tiểu thuyết ấy đã theo chị Kim Thúy vào từng miếng ăn, giấc ngủ. Khi học cấp hai, chị đoạt một giải thưởng văn học và ôm ấp giấc mộng văn chương. Nhưng cha mẹ chị, vì thương con gái, vì thấu hiểu những gian khổ và hiểm nguy của nghề cầm bút nên không ủng hộ quyết định của chị.

Do thế nhà văn Kim Thúy chọn học ngành phiên dịch (lý do chính - một lý do mà chị không hề tiết lộ với ba mẹ lúc đó - là bởi bộ môn của chị cùng khoa với khoa viết văn). Như để thử thách chị, số phận đưa đẩy chị sang ngành luật, để rồi chị trở thành luật sư, về làm việc ở Việt Nam từ năm 1994 - 1999.

Chị Kim Thúy khẳng định với tôi rằng, nếu không được sống và cống hiến ở quê hương, chị đã không thể viết Ru, Mãn và Vi. Những năm tháng ở Hà Nội và cả Sài Gòn cho chị những trải nghiệm rõ ràng nhất về những nét tinh túy trong văn hóa và cách sống của người Việt, để những quan sát ấy sau này sống động trong từng trang viết. Tại Hà Nội, là luật sư của một công ty luật Canada, chị và các đồng nghiệp đã làm việc với tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ trong một dự án liên quan đến chính sách cải cách pháp luật.

Một trong những người Việt trong tổ tư vấn mà chị trở nên thân thiết và vô cùng kính trọng không ai khác chính là nhà thơ Việt Phương. “Chú Việt Phương”, người chị gọi với cái tên trìu mến không chỉ thuyết phục chị với những vần thơ đầy trăn trở về vận mệnh của đất nước, mà còn bằng lối sống giản dị, không tư lợi của ông. Đã bao năm trôi qua, chị vẫn còn nhớ rõ dáng gầy hiền lành của nhà thơ Việt Phương khi ông hàng ngày đi xe đạp đến công sở. Mặc dù ông hoàn toàn có thể sử dụng ô tô của văn phòng để đi lại, ông đã từ chối đặc quyền xa xỉ đó giữa thời điểm đất nước còn bộn bề gian khó.

Nhà thơ Việt Phương giúp nhà văn Kim Thúy tin vào phẩm giá của người cầm bút, vì thế chị đã chọn những vần thơ Việt Phương, trích trong tập Cửa mở, để một người con trai trao cho một người con gái trong tiểu thuyết Mãn: “Anh tặng em/ Cuộc đời anh không sống/ Giấc mơ anh chỉ mơ/ Một tâm hồn để trống/ Những đêm trắng mong chờ/ Anh tặng em/ Bài thơ anh không viết/ Nỗi đau anh đi tìm/ Màu mây anh chưa biết/ Tha thiết của lặng im”.

Chia sẻ với tôi về những dự định sắp tới, nhà văn Kim Thúy cho biết chị đang viết một quyển sách về chủ đề những đứa trẻ bị đưa ra khỏi Việt Nam trong chiến dịch không vận cô nhi (Babylift). Một trong những nhân vật chính trong quyển sách là người phụ nữ đã dành trọn cuộc đời mình để cưu mang những đứa trẻ đó. Trong chiến tranh, mất mát và hy sinh lớn nhất thường xảy đến với những người phụ nữ, vì thế trong các tác phẩm của nhà văn Kim Thúy, nhân vật chính vẫn là những người được mệnh danh “chân yếu tay mềm”, nhưng gánh gồng cả gia đình và lịch sử trên vai.

Yêu Việt Nam và say đắm với văn hóa Việt Nam, nhưng nhà văn Kim Thúy thành tâm nói với tôi rằng, chị chưa từng có một cái Tết Nguyên đán cổ truyền đúng nghĩa. Những cái Tết đầu tiên của cuộc đời chị diễn ra giữa sự khốc liệt của chiến tranh vì thế chúng đầy ắp những kỷ niệm buồn. Khi sang Canada, vì gia đình chị phải vất vả kiếm sống, anh em họ hàng mỗi người một phương, và vì Tết thường rơi vào ngày làm việc nên không khí Tết không có cái ấm áp và rộn ràng chị mơ ước. Trong những năm sống ở Hà Nội và Sài Gòn (chị công tác tại Tổng lãnh sự quán Canada), chị đã nhìn thấy sự ấm áp và rộn ràng đó qua cánh cửa của những gia đình Việt ở xung quanh, nhưng không có cơ hội bước qua cánh cửa đó, để được hòa nhập, để thực sự là một phần của Tết.

Gần đây, khi chị Kim Thúy gọi Facetime cho tôi từ một công viên đầy nắng ở Paris, để tôi có thể ngắm vẻ đẹp diễm lệ của thành phố ấy, để cùng chị đi dạo dưới những hàng cây đang trút xuống mùa thu những cơn mưa vàng lấp lánh, tôi nói rằng tôi phải sớm gặp chị. Không phải ở Paris, hay ở Quebec nơi chị đang sống, mà là trên dải đất Việt Nam. Tôi hứa với chị tôi sẽ đưa chị về nhà bố mẹ tôi ở Sài Gòn, để chị có một trải nghiệm Tết đúng nghĩa của cả miền Nam và Bắc. Rồi sau đó chúng tôi sẽ đi dọc từ Bắc vào Nam, qua những chiến trường khốc liệt ngày xưa, chúng tôi sẽ cười cùng nhau để làm dịu đi những vết đau thương vẫn còn sâu hoắm trên cơ thể của dải đất hình chữ S. Chị đồng ý với tôi rằng, chúng tôi sẽ cùng nhau đến thăm gia đình nhà thơ Việt Phương, thắp hương cho ông, đặt lên bàn thờ của ông tác phẩm Mãn, nơi những câu thơ của ông xuất hiện kiêu hãnh bằng tiếng Việt. 

Hơn 40 năm đã qua kể từ khi kết thúc chiến tranh, nhưng Tết Nguyên đán của người Việt chưa hề trọn vẹn, bởi trong lòng người Việt trong nước và hải ngoại vẫn còn chia cắt. Có sớm quá chăng khi cả tôi và chị Kim Thúy cùng mơ về một cái Tết đoàn tụ, về một cái Tết đúng nghĩa. Điểm khởi đầu trong giấc mơ ấy là một cái Tết của văn chương khi tất cả những tác phẩm có giá trị của các nhà văn hải ngoại như Kim Thúy (Ru, Vi, Mãn), Viet Thanh Nguyen (The Sympathizer), Thi Bui (The Best We Could Do), ThanhHa Lại (Inside Out and Back Again), Ocean Vuong (Night Sky with Exit Wounds) được dịch và in, được trân trọng bởi giá trị nhân văn và lịch sử của chúng, chứ không bị phán xét qua cuộc đời hoặc suy nghĩ của các nhân vật.

Dẫu có nhiều khó khăn và gập ghềnh ở phía trước, nhưng tôi vẫn mơ, vẫn tin, vì như chị Kim Thúy đã viết về Truyện Kiều: sự thanh khiết và lòng vị tha là hai đức tính cơ bản trong tâm hồn người Việt. 

Nguyễn Phan Quế Mai 

____________________

(*) Trích đoạn nội dung tiếng Việt của các tác phẩm trong bài viết này do tác giả bài viết dịch từ bản tiếng Anh các quyển sách của Kim Thúy

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.