Nếu sử dụng dầu dừa thường xuyên trong ăn uống hàng ngày, loại dầu này có thể sản sinh ra các chất gây tăng mỡ máu, chuyển hóa lipid. Ảnh: TL
Tự làm dầu dừa để trị bệnh
Thành viên có tên Radar trên trang webtretho đã từng khoe rằng, “Uống dầu dừa mỗi ngày hai, ba muỗng sẽ chữa được rất nhiều bệnh. Cơ thể hồng hào, khoẻ mạnh, ổn định đường huyết. Một người dì của tôi đã dùng rồi, hiệu quả da dẻ căng bóng, hồng hào”.
Sau thông tin này, nhiều thành viên trong trang web đã hỏi thăm địa chỉ bán loại dầu dừa này để về trị bao tử, tim mạch, bị đái tháo đường, giảm cân, làm đẹp da. Có người còn xin cách làm dầu dừa tại nhà cho an toàn, tránh hàng nhái, hàng dỏm.
Học theo cách dạy trên mạng, nhiều người mua dừa khô từ chợ về, nạo vụn, vắt lấy nước cốt rồi đun sôi, cô đặc lại, cất dầu vào chai đậy nắp kín, uống ngày ba bữa, lại còn dùng dầu dừa đắp mặt, mát xa da toàn thân. Có trường hợp sau hai ngày dùng dầu dừa thoa lên mặt đã phải tức tốc tìm đến phòng khám da liễu vì mặt bị dị dứng, nổi mề đay, ngứa ngáy. Bác sĩ cho biết do dầu dừa bệnh nhân tự nấu tại nhà không đúng cách, bị chua, phản ứng trên da mặt.
Ngại nấu tại nhà, nhiều người đổ xô đến các khu chợ Kim Biên, đường Hải Thượng Lãn Ông với nhiều loại giá từ 150 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng một lít. Chúng tôi đã gọi điện thoại đến một đại lý bán dầu dừa trên đường ba tháng hai, quận 10, TP.HCM. Nhân viên của đại lý chia sẽ, “chị thấy đó, với một lít dầu dừa có giá 200 ngàn đồng, quá rẻ so với các loại thuốc đặc trị Tây y hiện nay.
Mỗi ngày một muỗng vào buổi sáng, “thuốc” thẩm thấu dần, ngấm ngầm trị bệnh trong cơ thể mà có khi chị không thấy được. Mà uống loại này phải kiên trì nghen, dùng mỗi ngày một muỗng đến khi hết hai lít thì hiệu quả sẽ rõ rệt. Dầu dừa còn trị nhiều bệnh lắm, ví như giúp tăng tuổi thọ. Hồi trước ở Bến Tre có ông đạo dừa đó, ổng chỉ ăn và uống dầu dừa thôi mà sống đến trăm tuổi. Mà khi dùng dầu dừa, chị phải kiêng cữ nhiều loại dầu mỡ khác, kẻo giảm tác dụng. Dầu dừa được chứng minh là có giá trị dinh dưỡng cao hơn các loại dầu mè, dầu phụng, dầu đậu nhành đó!”
Bên cạnh những lời ca tụng dầu dừa, đại lý này còn có thêm một mớ thông tin trên mạng. Dầu dừa có thể trị cho hơn năm mươi loại bệnh, từ viêm da, làm đẹp da, đến mụn rộp, đái tháo đường, viêm gan C, sars, thậm chí cả tiêu diệt virus AIDS và trị dứt ung thư. Có người tin tưởng tuyệt đối vào công dụng chữa bệnh của “siêu thần dược này”, họ lùng đến tận Bến Tre, đặt hàng chục lít dầu dừa về để dành trị bệnh, vừa uống, vừa thoa ngoài da, và dùng dầu để xào chiên thức ăn, gội đầu, tắm rửa mỗi ngày.
Chưa có nghiên cứu rõ ràng tác dụng của dầu dừa.
Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP.HCM, “dầu dừa từ xưa được dùng để làm đẹp cho mái tóc của người phụ nữ, chế xà phòng hoặc làm chất đốt. Trong Đông y, dầu dừa được dùng để điều trị các bệnh ngoài da, nhưng phải kết hợp với nhiều tá dược khác, chứ mỗi dầu dừa cũng không đủ khả năng trị bệnh.
Ngày trước, các sách Đông y của Hải Thượng Lãn Ông cũng ít đề cập đến tác dụng của loại dầu này. Nếu sử dụng dầu dừa thường xuyên trong ăn uống hàng ngày, loại dầu này có thể sản sinh ra các chất gây tăng mỡ máu, chuyển hóa lipid. Và hiện tại, vẫn chưa có những nghiên cứu rõ ràng nào về công dụng của loại dầu này. Người tiêu dùng nên thận trọng trong việc sử dụng”.
Cũng theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, Giảng viên Đại học Y dược TP.HCM, “cứ bất kỳ thông tin nào về thuốc trị bá bệnh thì đều không đúng sự thật. Vì đương nhiên, chẳng có thuốc nào có khả năng kì diệu như vậy. Thậm chí hiện giờ có rất nhiều người tin theo, nhai dầu dừa, dầu mè mỗi ngày.
Thông tin đó không có giá trị về mặt khoa học, không đáng tin cậy. Chưa kể đến những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ gây thêm bệnh cho người tiêu dùng.
Tốt hơn hết, có bệnh, bệnh nhân nên tìm bác sĩ, và tìm hiểu kĩ càng nguồn gốc của sản phẩm, các loại thuốc, thảo dược, xem chúng đã được cấp phép của Bộ Y tế, để tránh những hệ lụy không ngờ sau đó”.
Theo sự phân tích của PGS.TS.DS Nguyễn Phương Dung, Phó Chủ nhiệm Khoa Y học Cỗ truyền, Đại học TP.HCM, tỉ lệ trung bình acid béo trong các loại mỡ động vật từ 41 - 80%, tỉ lệ chất béo bão hòa trong dầu dừa còn cao hơn con số trên. Hơn nữa, vì chưa thể hiện hiệu quả rõ ràng, cũng như chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào, nên dầu dừa đã không được Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như các tổ chức về thực phẩm dinh dưỡng có uy tín liệt vào các thực phẩm an toàn cho sức khỏe con người. Ngay cả việc sử dụng dầu dừa trong chiên xào, đun nấu ở nhiệt độ cao cũng cần hạn chế. Người mắc chứng suy nhược, phụ nữ mang thai, bệnh nhân đái tháo đường, xơ mỡ động mạch cũng nên hạn chế dùng dầu dừa, tránh nguy cơ rối loạn mỡ máu. |
|
Trà My