Dấu xưa... trong lòng phố

 13:11 | Chủ nhật, 18/05/2014  0

Nắng vàng xuyên qua kẽ lá xanh, nhẹ nhàng đậu trên lưng chiếc ghế trống đối diện. Vài tiếng chim chíp chíp, thánh thót, khẽ khàng, khi thì góc này, khi thì ở góc kia. Mặt nước ao cá kiểng thi thoảng một bóng chim thoáng vụt ngang. Thời gian như ngưng đọng trong bức tranh tĩnh vật thiên nhiên trên mảnh sân nhỏ, nếu không có tiếng cót két của cánh cửa gỗ cũ, lúc đóng, lúc mở, khi có khách bước vào…

Ngồi giữa khung cảnh yên bình trong lòng một ngôi biệt thự cũ thời Pháp, thả mặc suy tư với tách cà phê trước mặt,…không còn là điều hiếm hoi giữa nhịp sống Sài Gòn rộn rã. Như là một sở thích, một niềm vui mới mẻ đối với những người trẻ đã quen với không gian vuông vức của bốn bức tường nhỏ hẹp. Như là một hoài niệm muốn tìm về của lớp người lớn tuổi mà tâm thức luôn nhớ về “ngày xưa …”.

Những căn biệt thự cổ thời Pháp là một phần văn hoá kiến trúc của Sài Gòn. Thường toạ lạc tại những vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố, có thể trong hẻm hoặc mặt tiền, những ngôi biệt thự này không những không phá vỡ nét kiến trúc mới mà chính bản thân nó, như là một giá trị thời gian bền vững, đại diện cho cả một quãng đời lịch sử dài. Hà Nội có 36 phố phường nằm trong khu phố cổ là nơi khách du lịch rất thích ghé đến để tìm hiểu văn hoá Hà Nội xưa. Sài Gòn không có một khu tập trung những kiến trúc cổ như thế, ngược lại thường nằm rải rác đây đó, mỗi căn mỗi kiểu, nhưng luôn có điểm chung là mang nét kiến trúc rất đặc trưng thời Đông Dương thuộc Pháp với trần cao, hành lang rộng, cửa vòm, mái ngói đỏ. Và người Sài Gòn khéo léo trưng bày nét đẹp ấy bằng một cách thức rất “Sài Gòn”: thương mại hoá.

Hầu hết các biệt thự cổ ngày nay đều được cải tạo thành quán cà phê, quán ăn, nơi tổ chức hội nghị, sự kiện, làm công ty hay trở thành bảo tàng. Phổ biến nhất là các quán cà phê, thường toạ lạc ở các quận trung tâm như Mon Père, Nostalgie Club hay Villa Blanca… Người Sài Gòn làm thương mại cũng rất “Sài Gòn”, loại bỏ những cái chưa đẹp và tôn tạo, giữ gìn những giá trị mà lịch sử đã công nhận. Những căn biệt thự cũ này được cố gắng phục hiện gần như nguyên trạng. Nhìn từ bên ngoài, kiến trúc luôn giữ được khoảng xanh mát với bụi tre nhỏ góc sân, mái ngói, gạch đỏ mang đậm chất hoài cổ (Mon Père café). Bên trong là kiến trúc không gian đối xứng với bốn chiếc cột và trần cao, tạo cảm giác rộng rãi, thoáng đãng thường thấy trong những ngôi nhà Pháp. Nội thất với phong cách cổ điển và kiểu bài trí theo trường phái Minimalist Indochine Vintage với tone màu nâu trầm, vàng, quý phái, sang trọng.
Đa số các biệt thự này được đầu tư để trở thành nhà hàng - biệt thự sân vườn, phù hợp với phong vị mới của người Sài Gòn: quay về với thiên nhiên. Khoảng sân rộng với nhiều tán cây rợp mát che nắng trên những bộ bàn ghế gỗ trắng xinh xắn, không gian ở đây dễ mang lại cảm giác thư thái và hoà hợp với cỏ cây, khí trời (Nostalgie Club café). Với phong cách Art – déco của những năm 20 thế kỷ trước đơn giản mà đẹp, không gian ở đây tràn ngập ánh sáng qua những khung cửa sổ màu xanh lá bằng gỗ, cao và rộng rãi. Bàn ghế gỗ hoặc salon hiện đại bài trí tuỳ khu vực, nhiều phòng nhỏ thông nhau như một nhà lớn, khiến người ta dễ có cảm giác thân thiện và riêng tư dù đang ở trong một không gian chung rộng lớn. Sàn lát gạch bông, ở góc phòng bày một cái máy đánh chữ cũ, bức bình phong, tràng kỷ đồng hồ… Thời gian như ngừng lại nơi đây dù ngoài kia, nhịp đời vẫn đang cuộn chảy…

Cũng nằm ở quận 1, một mô hình mới vừa gia nhập làng ẩm thực Sài thành, chuyên kinh doanh món ăn phổ biến nhất khi người nước ngoài nghĩ về Việt Nam: Phở. Đó là Ru. Phở Bar – một cái tên kết hợp Á Âu như chính tôn chỉ của quán: bán phở với hương vị “Phở Việt bên Mỹ”, món phở được cho là ngon nhất thế giới không chỉ vì vị đặc trưng mà còn ngon vì nỗi nhớ quê hương chưa bao giờ thôi thổn thức trong lòng người xa xứ.

Quán xinh xắn ngay từ cái nhìn đầu tiên với khoảnh sân xi măng nhỏ, chiếc ghế mộc màu đỏ, có vẻ cô đơn giữa không gian xanh mướt. Người ta có thể nhận ra ngay kiến trúc cũ của một căn biệt thự xưa với hàng rào bông sắt kỷ hà, cửa sổ gỗ nhiều cánh nhỏ và khu vườn rau trái đủ loại. Nội thất bên trong là sự pha trộn giữa truyền thống và cách điệu, dựa trên phong cách chủ đạo của những ngôi nhà tây cũ ở Sài Gòn trước 1975 với nhiều không gian thông thoáng. Quạt trần ba cánh nằm xen kẽ với những chùm đèn trang trí đắt tiền, sang trọng. Bàn ghế mô phỏng kiểu cũ với da bọc sờn màu đặt cạnh vài chiếc salon sặc sỡ, trẻ trung và vui mắt. Ở lối đi, bức tường graffiti mang hơi thở đương đại đối lập với bức bình phong làm từ những hoa văn gốm sứ kiểu xưa. Không gian phảng phất nhẹ nhàng, tuy mới mà cũ, tuy cũ mà lại mới, ký ức về một Sài Gòn xưa như thấp thoáng, như ẩn hiện… Không cần đặc quánh, không cần đào sâu hay quay quắt về một thời quá khứ, mà nói như Chị Đẹp, chỉ cần Ve vãn Sài Gòn(1) thôi, là đủ thấy nhớ, thấy tình cảm một thời hoa mộng tràn về ngập đầy!

Như khung cảnh quanh đây, giữa không gian cổ với tách cà phê phin “xưa hơn trái đất”, hàng chục bạn trẻ đang nhoay nhoáy tay trên màn hình iPad, số khác lại chăm chú vào chiếc smartphone. Người Sài Gòn có thể sống giữa những đối lập mà không cảm thấy phiền hà, không cần tìm tòi hay nghiên cứu về sự đối lập đó, người Sài Gòn chỉ cần tận hưởng những mặt tốt đẹp và hài hoà nhất. Đấy là nguyên do có rất nhiều công sở được đặt trong những biệt thự cũ, có thể vì, để tận hưởng khoảng không gian rộng rãi, thoáng đãng ở cả bên trong lẫn ngoài sân vườn.

Ai đó có dịp đi ngang con đường Lý Tự Trọng bình yên, nếu để ý sẽ thấy cạnh thư viện Quốc gia với bức tường màu gạch đỏ là cửa chính của một công ty nép mình dưới những tàng me. Cửa chính hình mái vòm với ba ô cửa sổ lớn bằng cửa chính và bốn cửa sổ to ở tầng trên, bảng hiệu nhỏ thôi, như sợ phá vỡ nét xưa của tổng thể ngôi nhà. Gạch ốp tường kiểu cũ với mái ngói xưa nguyên trạng. Nội thất bên trong được thiết kế lại bởi một công ty thiết kế nổi tiếng, đảm bảo cho hàng trăm con người làm việc 8 giờ/ngày không cảm thấy ngột ngạt hay chật chội. Vẫn tường gạch không sơn, vẫn cột xi măng, vẫn một trệt một lầu, không biết do tài nghệ của người kiến trúc sư ngày nay hay nhà thiết kế thời xưa mà không gian luôn thoáng dù đã cơi thêm một tầng lửng với hơn chục người ngồi.

Nói về phong cách kiến trúc thời Pháp, ngài Stéphane Dovert trong lời đề tựa cuốn sách viết nhân Sài Gòn 300 tuổi vào năm 1998 có nhận xét: “Sài Gòn đặc biệt mang dấu ấn Pháp, nhưng Sài Gòn chưa bao giờ là nước Pháp. Nếu nó mang dấu ấn của các nhà kiến trúc Pháp thì ngược lại chính các nhà kiến trúc cũng mang nặng dấu ấn của Sài Gòn”.

Một kiến trúc Pháp ở Sài Gòn thường có những nét đặc trưng khó nhầm lẫn, và thường pha trộn giữa nếp sống Sài Gòn và phong cách Tây Âu Pháp thuộc, điển hình là việc dùng những vật liệu địa phương để xây dựng nên tổng thể kiến trúc, khắc phục được yếu tố khí hậu và thời tiết, cũng như dung hoà được nếp sinh hoạt giữa Tây phương và Á Đông. Nhà hay biệt thự kiểu Pháp thường được thiết kế thêm hành lang rộng thoáng bao quanh, trần cao, cửa lá sách gỗ, sàn gạch ô vuông xen kẽ. Nhà thường phân khu chính, phụ, trên, dưới, có “terrasse”(2) trên lầu hóng gió, có “veranda”(3) dưới đất ngồi cà kê,… Một không gian sống thể hiện được tính phong lưu, tinh tế và vô cùng đặc trưng của người Sài Gòn xưa…

Một thiết kế nhà vẹn nguyên như thế hầu như khó tìm thấy lại giữa Sài Gòn, có chăng là tại một số bảo tàng, hoặc nơi mở cửa cho khách tham quan, vẫn cố níu kéo, duy trì vết cũ dấu xưa. Điển hình là biệt thự nhà họ Hứa, hay nhà chú Hoả, giờ là bảo tàng Mỹ thuật thành phố, luôn mở rộng cửa cho khách quan đến và cảm nhận.

Nhà chú Hoả nằm trong một khuôn viên rộng lớn, có hàng rào sắt bao bên ngoài; tuy là tư dinh nhưng có quy mô to như một lâu đài ở châu Âu thời Phục hưng. Tổng thể công trình là bốn dãy nhà khép kín, với bố cục đăng đối, tạo thành một khoảnh sân trong riêng biệt. Kiến trúc uy nghi, đồ sộ điểm xuyết những chi tiết trang trí duyên dáng, màu sắc rực rỡ, bắt mắt, kết hợp hài hoà Đông – Tây một cách độc đáo. Mái ngói lợp âm dương, chất men lam ở trụ sảnh, câu đối Hán tự ở hai bên cửa chính, kết hợp với ban công mái vòm, cầu thang với lan can sắt uốn cầu kỳ và cổng sau với hai bên trụ theo lối cổ điển phương Tây. Hiện nay không gian tầng hai được dành để trưng bày các hiện vật là các tác phẩm tranh tượng đương đại trong khi tầng ba chủ yếu giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Bảo tàng Mỹ thuật là một trong những điểm nhấn của Sài Gòn trong nền văn hoá kiến trúc, là điểm đến của nhiều khách du lịch và cũng là địa điểm thường được lựa chọn trong những bộ phim tái hiện thời Pháp xưa.

Đôi lúc, ngồi trong những quán cà phê giữa khuôn viên biệt thự như sáng hôm nay, thư thả với ly cà phê nhỏ từng giọt nhàn tản, tôi luôn tự hỏi: Sự thay đổi từ một kiến trúc cổ thành quán cà phê hiện đại, thành quán ăn, thành nơi tổ chức tiệc tùng,… có gì nuối tiếc? Thêm một nơi thưởng ngoạn phong vị cuộc sống, thêm một nơi để hoài niệm,… những cái “thêm” ấy có lẽ là “được” nhiều hơn “mất” chăng? Một khi chủ nhân những của công trình này luôn chủ ý bảo tồn không gian kiến trúc xưa cũ, luôn tôn tạo và trân trọng những giá trị thời gian, thì dấu xưa vẫn luôn là những nét văn hoá đặc trưng mang nặng giá trị tinh thần của một Sài Gòn hào hoa và phong nhã.

Thanh Nhàn

(1)Ve vãn Sài Gòn – tập tuỳ bút của tác giả Chị Đẹp do nhà xuất bản Trẻ và tủ sách Tuổi Trẻ ấn hành vào tháng 6.2013
(2)Terrasse: sân thượng, ban công
(3)Veranda: hàng ba, hàng hiên

Trang này thực hiện với sự phối hợp của công ty TTT Corporation

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.