Phải thừa nhận chưa bao giờ việc dạy dỗ con cái, học trò khó khăn như hiện nay. Bởi ngoài những giá trị truyền thống, cần có những điều chỉnh phù hợp với cuộc sống đã có nhiều đổi thay về cách nhìn nhận và đánh giá các giá trị.
Chúng ta biết rằng, con trẻ đang lớn lên trong một môi trường tự nhiên và xã hội khác nhiều so với thế hệ trước. Thế nên các em rất cần sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ của người lớn. Đặc biệt, nhu cầu được tôn trọng thể hiện rất rõ ở con trẻ hiện nay. Bởi các em ý thức được cái tôi và vị thế của mình trong mô hình gia đình ít con lại có điều kiện kinh tế… Và thực tế người lớn khó hoá giải được vấn đề này. Nên đã có những việc đau lòng xảy ra mà dư âm khiến chúng ta ray rứt mãi, như chuyện người mẹ nỡ dùng dao chém con ruột của mình ở Vĩnh Phúc tháng sáu qua; hay trước đó, đầu năm 2014 là vụ thầy đánh trò dã man ở Bình Định… cùng những vụ bạo hành mà giới truyền thông đưa tin với mật độ ngày càng dày.
Đôi khi bản thân trẻ cũng cần biết một vài điều xấu để tránh - đó là cách “tiêm vắcxin” cho trẻ. một đứa trẻ chỉ biết toàn điều tốt thì thiếu kỹ năng phán đoán và bảo vệ chính mình
Vậy làm thế nào để người lớn “tìm thấy tiếng nói chung” với con trẻ trong giai đoạn hiện nay? Chúng ta biết rằng, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ là gia đình, nhà trường và xã hội. Trước đây, môi trường xã hội lành mạnh, ít phức tạp. Công nghệ thông tin chưa “tấn công” vào thói quen và sở thích của nhiều người trong đó có trẻ em, nên việc điều tiết hành vi con trẻ khá thuận lợi. Nhưng thời nay đã có nhiều khác biệt. Cái nếp của gia đình vẫn chưa điều tiết được, vẫn chưa xử lý được chuyện giáo dục con cái. Và cộng đồng xã hội cũng góp phần làm cho trẻ trở nên khó dạy hơn. Trước hết là yếu tố gia đình. Ngày nay, số đông cha mẹ dạy con theo tâm lý “bảo bọc trẻ” vì lo lắng trẻ sẽ sa ngã khi gặp phải môi trường xấu. Điều này cần phải được thay đổi. Bởi vì trong môi trường xấu vẫn có người tốt. Và đôi khi bản thân trẻ cũng cần biết một vài điều xấu để tránh - đó là cách “tiêm vắcxin” cho trẻ. Một đứa trẻ chỉ biết toàn điều tốt thì thiếu kỹ năng để phán đoán và bảo vệ chính mình. Tâm lý bảo bọc dẫn đến trẻ con rất dễ ngang bướng, ích kỷ và thực dụng…
Mặt khác, cha mẹ có tâm lý bù đắp cho con vì nhiều lý do. Thứ nhất là do trước đây sống nghèo khó nên họ thấm thía sự thiếu thốn, giờ có điều kiện muốn con được sung sướng. Thứ hai, do áp lực công việc làm nhiều hơn, đi công tác nhiều hơn… nên càng muốn bù đắp cho con được ăn sang, mặc đẹp, dùng vật dụng đắt tiền… Đặc biệt, những khiếm khuyết về tình cảm vì hoàn cảnh ly hôn hoặc mất người thân… càng khiến cha mẹ phục vụ con vô điều kiện để “bổ khuyết”… Đây là lý do khiến trẻ chỉ biết nhận mà không cho. Các em đã để tâm hồn lạc lối. Điều này có lỗi của chúng ta – những người làm cha làm mẹ.
Đối với nhà trường, tâm lý “lo cho học sinh” đã chi phối nhiều hoạt động thay thế vai trò chủ thể của các em. Nhưng việc “lo” ở đây chủ yếu phục vụ cho mục đích thi cử, bỏ qua các hoạt động nhằm rèn luyện và cung cấp các kỹ năng về đạo đức, thẩm mỹ, thể lực và trí tuệ cho học sinh. Đây lại là cơ sở giúp các em chung sống, hợp tác và sáng tạo trong xã hội hiện đại. Trong phức hợp hoạt động giáo dục, nhà trường không thể thay thế được cộng đồng sinh hoạt, các đoàn thể, các tổ chức văn học nghệ thuật, lễ hội, các phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động thể thao… Ở các nước phát triển, trẻ em không chỉ được giáo dục ở khắp mọi nơi, mà còn toàn diện. Để giáo dục thể lực, ở đâu cũng có sân vận động, trường đua, nhà thể thao, bể bơi. Nên thay vì suốt ngày chỉ biết làm toán, học văn… thì trẻ em chơi thể thao rất nhiều. Vì thế chúng được giải phóng năng lượng, không bị dồn nén nên bình tĩnh trước mọi tình huống, đặc biệt là trong cư xử với người lớn.
Về mặt xã hội, chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, những phương tiện truyền thông đã giúp ích rất nhiều cho thế hệ trẻ. Nhưng những mặt trái của các thành tựu khoa học, của những trào lưu, lối sống trong xã hội cũng ảnh hưởng đến trẻ. Nên khi chưa trang bị được những kỹ năng thích hợp để điều chỉnh hành vi và suy nghĩ, trẻ rất dễ bị nhiễm những căn bệnh của xã hội: nghiện internet, thói dối trá, vô cảm… cùng nhiều điều nguy hiểm khác. Đây là thử thách không nhỏ đối với mỗi gia đình và nhà trường. Thế nên, chỉ khi dung hoà giữa ba yếu tố gia đình, nhà trường và xã hội mới hóa giải được những thử thách trong việc giáo dục con trẻ.
Và trên hết, chúng ta - những người lớn phải nhớ: “Cần giáo dục con trẻ hướng về tương lai của chúng chứ không phải hướng về quá khứ của chúng ta” (Arthur Clake).
Dương Thu Trang, giáo viên trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM