Ngày 21.12, Khoa Báo chí và truyền thông trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tin tức – trường báo chí thuộc ĐH Stony Brook (Hoa Kỳ) vừa tổ chức buổi ra mắt, giới thiệu cuốn sách “Để trở thành độc giả thông minh”. Cuốn sách được thực hiện trong bốn năm, do 18 tác giả biên soạn và TS Nguyễn Thị Ngọc Huyền làm chủ biên.
Bìa cuốn sách “Để trở thành độc giả thông minh”
Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ, sự lớn mạnh của mạng xã hội đã tạo điều kiện cho mỗi người chúng ta tiếp cận tin tức một cách dễ dàng, nhanh chóng với một lượng thông tin khổng lồ. Cũng vì vậy mà việc phân biệt ranh giới mong manh giữa đúng –sai, thật-giả của thông tin trở thành một thách thức với nhiều độc giả, đặc biệt là giới trẻ. Đó là lý do mà cuốn “Để trở thành độc giả thông minh” ra đời.
Nội dung cuốn sách được soạn thảo dựa trên giáo trình giảng dạy của GS Richard Hornik (ĐH Stony Brook) và GS Nasato Kajimoto (ĐH Hong Kong) với ví dụ được trích dẫn từ báo chí Việt Nam. Với 10 chương, cuốn sách có ý nghĩa như một cẩm nang, đặt ra các vấn đề khá thiết thực và gần gũi, những tình huống mà chúng ta gặp hàng ngày trong đời sống.
Thông qua cuốn sách, nhóm tác giả mong muốn cung cấp cho người đọc những hiểu biết từ cơ bản đến sâu sắc khi tiếp nhận thông tin, nhận diện thông tin giá trị và có cách ứng xử phù hợp. Qua lăng kính của người trong nghề, bạn đọc sẽ tìm được phương pháp “kiểm duyệt”, trong tâm thế chủ động tiếp nhận thông tin chứ không thụ động và vô tình sập “bẫy” những thông tin vô bổ. Điểm thú vị ở đây là câu chuyện hậu trường của những bản tin, những đấu tranh của người làm báo để cho ra đời một bài báo được nói bởi chính những người trong cuộc.
Trong đó, cách thức phân biệt giữa tin tức, thông tin và các loại hình thông tin khác, quy trình sản xuất tin tức và nhận biết một số bản tin tốt thông qua các yếu tố, tiêu chuẩn của những người làm nghề... được giới thiệu ở hai chương đầu.
Chương ba sẽ là câu trả lời cho bạn đọc về vấn đề nhận diện, đánh giá nguồn tin, phối kiểm thông tin cũng như cung cấp một số kiến thức về dữ liệu mở. Ở chương bốn người đọc sẽ tìm được cách nhận diện thành kiến của người làm báo, của chính bản thân mình và việc thận trọng khi tiếp nhận các tác phẩm báo chí. Trong khi đó, ảnh báo chí, sức mạnh của nó và việc ngạy tạo những bức ảnh sẽ là vấn đề được đề cập trong chương năm.
Chương sáu đưa ra những quan điểm, luận giải về việc cẩn trọng trong tiếp nhận thông tin muôn hình vạn trạng trằng internet và các kênh truyền tin trên mạng xã hội. Trong khi đó, báo “lá cải” với những cách nhận diện và cách ứng xử trước xu hướng báo lá cải của tin tức là nội dung có thể gây nên sự tò mò và hứng thú cho người đọc ở chương bảy. Những lý giải vì sao báo “lá cải” lại bị ghét đến thế nhưng sự thật nó vẫn đang là lựa chọn của không ít công chúng, đặc biệt là nhiều người trẻ. Hai chương tám và chín đề cập cách nhận dạng bài báo kinh tế và các dạng bài tương tự, phân tích lỗi của các bài báo kinh tế; cách hiểu đúng về quan hệ công chúng (PR), PR đúng chuẩn và PR phạm chuẩn. Chương cuối cùng là những bổ sung, thâu tóm một cách trọn vẹn những nội dung cốt lõi trên...
Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, hướng dẫn những cách nhận biết cũng như kiểm chứng, cuốn sách còn gửi đến thông điệp về trách nhiệm của người làm báo, của độc giả và của tất cả mọi người về câu chuyện thông tin. Chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng thẩm định, đánh giá thông tin bằng tư duy phản biện là cách chúng ta bảo vệ cuộc sống của chính mình và những người xung quanh.
GS Richard Hornik nhận định: “Cuốn sách là một bước ngoặt lớn cho nỗ lực truyền tải thông điệp news literacy này ra khỏi trường học để đến với công chúng. Mục lục của cuốn sách cho thấy nó được thiết kế để đáp ứng những thách thức của thời đại kỹ thuật số và phát triển những kỹ năng cần thiết giúp người đọc thực sự trở thành một “độc giả thông minh” của thế kỷ 21”.
Gia Định báo - Tờ báo Việt ngữ đầu tiên
Đó là tên cuốn sách mới cũng được Khoa Báo chí và truyền thông trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM giới thiệu vào dịp này.
Ngoài lời bạt và phụ lục – mục lục, cuốn Gia Định báo - Tờ báo Việt ngữ đầu tiên gồm bốn phần chính. Cuốn sách là công trình tập thể của các nhà nghiên cứu và cán bộ giảng dạy của Khoa Báo chí và truyền thông, được xuất bản lần đầu trong dịp kỷ niệm 140 năm ra đời Gia Định báo (1865-2005).
Từ khi Khoa Báo chí và truyền thông thành lập (2007) đến nay, công việc nghiên cứu về Gia Định báo vẫn tiếp tục và đã có một số báo cáo được công bố trong hội thảo khoa học kỷ niệm 150 năm hình thành Gia Định báo (1865-2015). Trong lần xuất bản này, nhóm biên soạn có chỉnh sửa, hiệu đính và cập nhật thêm thông tin nhằm đưa lại cái nhìn đầu đủ về ccác vấn đề quan yếu xoay quanh tờ báo Việt ngữ đầu tiên này, như: quá trình hình thành và phát triển, nội dung các trang mục, đặc điểm hình thức – ngôn ngữ - thể loại và những bài học kinh nghiệm làm báo...
T.Văn