Điều trị F0 ngay tại xã phường: Tỉ lệ tử vong được khống chế

 17:58 | Thứ bảy, 28/08/2021  0
Thực hiện hiệu quả chủ trương xã, phường, cơ sở là “pháo đài” phòng chống dịch, tỉnh Bình Dương đã có nhiều tín hiệu vui trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, với số ca công bố khỏi bệnh nhiều hơn số ca nhập viện, các bệnh viện tầng 2 đã được giảm tải, tỉ lệ tử vong bệnh nhân đã được khống chế…

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm hồi sức COVID-19 đặt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính hoạt động điều trị chung của Bệnh viện dã chiến qua hệ thống giám sát trung tâm. Ảnh: VGP


Một trong những thay đổi căn bản nhất trong chiến lược phòng chống dịch vừa qua là phương châm lấy xã phường, cơ sở làm “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”. Tại Công điện 1099/CĐ-TTg ngày 22.8.2021 của Thủ tướng về tăng cường giãn cách xã hội, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ yêu cầu: “Đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; phân loại F0 ngay tại xã, phường, thị trấn để bảo đảm hỗ trợ, chăm sóc, quản lý phù hợp, hiệu quả; bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, chuyển bệnh nhân diễn biến nặng lên điều trị tại các tuyến trên”.

Báo Điện tử Chính phủ phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm Giám đốc Trung tâm hồi sức COVID-19 đặt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex, về hiệu quả của chiến lược này.

Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là ngày 23.8, chúng ta đã có chiến lược phòng chống dịch mới là lấy xã, phường làm “pháo đài”, phải tăng cường y tế đến tận xã, phường để giảm tải cho các tuyến trên. Vậy với việc thực hiện điều trị bệnh nhân COVID-19 trong những ngày qua, ông đánh giá chủ trương này như thế nào và cả chủ trương triển khai xét nghiệm diện rộng để tìm và sàng lọc F0?

PGS. TS.Nguyễn Lân Hiếu: Theo tôi, chủ trương đưa y tế xuống tận xã, phường để điều trị sớm bệnh nhân COVID-19, quản lý sớm người bệnh là chủ trương hết sức đúng đắn. Chủ trương này xuất phát từ thực tiễn, từ những ngày chống dịch vừa qua, chúng tôi nhận thấy rất nhiều trường hợp bệnh nhân có bệnh nền, phụ nữ có thai, người béo phì, hoặc bệnh người già, xuất hiện diễn biến bệnh nặng, khi đưa lên các cơ sở y tế thì đã không kịp.

Đặc biệt hơn, trong điều trị COVID-19 thì việc dùng thuốc sớm, đúng thời điểm là rất quan trọng, sẽ ngăn chặn tình trạng bệnh tăng lên. Khi được điều trị sớm, COVID-19 sẽ không có điều kiện bùng phát trong cơ thể, không tạo nên kháng thể chống lại chính cơ thể chúng ta. Do đó, Bình Dương đã triển khai thành lập các trạm y tế tại chính các điểm thu dung, tại các khu cách ly, các bác sĩ, trang thiết bị, thuốc men được tăng cường.

Đặc biệt, chúng tôi có những xe cứu thương, có trạm điện thoại để người dân ở khu vực trạm y tế quản lý sẽ gọi điện đến. Chỉ có trạm y tế, chỉ có phường xã mới hiểu được đâu là những người dân cần thiết giúp đỡ nhất. Sau khi đã được cấp cứu, điều trị, chúng tôi có mối liên hệ chặt chẽ với các bệnh viện tầng 2 để các bệnh nhân vượt quá khả năng, tăng nặng lên thì sẽ được chuyển lên tầng 2, thậm chí lên tầng 3 là bệnh viện hồi sức tích cực.

Vậy kết quả của việc thực hiện chủ trương trên tại Bình Dương là như thế nào, thưa ông?

Kết quả thấy rõ nhất là các bệnh viện tầng 2 hiện nay đã được giảm tải. Trước đây thường xuyên các bệnh viện tầng 2 có mức độ nhập viện 200% số giường, thậm chí bệnh nhân còn không có giường để nằm. Khi chúng ta tăng cường năng lực của bệnh viện thu dung, cách ly, bệnh viện tầng 1 thì hiện nay các bệnh viện tầng 2 đã được giảm tải hơn. Một điều rất rõ là tỉ lệ tử vong bệnh nhân đã được khống chế, không như những ngày đầu chống dịch, khi quá tải y tế tầng 2 sẽ có những ca tử vong rất đáng tiếc.

Ông đánh giá là Bình Dương đã đạt đỉnh dịch, xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?

Bình Dương đang ở trong đỉnh dịch vì 3 lý do. Thứ nhất là chúng ta hiện nay đã tiến hành triển khai việc cách ly, đặc biệt là đông đặc các vùng dương tính, do đó khả năng dịch lây lan hạn chế hơn nhiều.

Lý do thứ 2 là hệ thống y tế 3 tầng (tầng 1,2,3) của chúng ta đã phối hợp nhuần nhuyễn.

Lý do thứ 3 là chúng ta đã tiêm được gần 1 triệu liều vaccine. Khi tiêm được hơn 70% số người được chỉ định tiêm vaccine thì sẽ bảo vệ được một lượng dân số lớn và chúng ta sẽ không bị tình trạng tăng dịch như những ngày đầu.

Chính 3 lý do này mà có thể nói là Bình Dương đang ở đỉnh dịch. Tuy nhiên với 3 lý do đó, chúng ta cũng có 3 khó khăn.

Thứ nhất là liệu chúng ta có cách ly mãi được không, nếu cách ly không nghiêm ngặt thì tiếp tục lây lan sang vùng xanh, vùng vàng. Lúc đó sẽ lại rơi vào tình trạng khó khăn hơn rất nhiều.

Thứ hai là chúng ta có đủ năng lực duy trì liên tục 3 tầng như vậy không? Về yếu tố con người, vật chất thì sao? Con người ngày càng thiếu, lực lượng ngày càng mỏng, nhân viên y tế hiện nay đã rất nhiều người là F0. Thuốc men, trang thiết bị, oxy, chúng ta có duy trì được không?

Cuối cùng là lý do khách quan, chúng ta có được phân đủ vaccine để tiêm càng nhanh càng tốt hay không? Nếu vượt qua 3 khó khăn đó, 1 ngày không xa Bình Dương sẽ sang bên kia của sườn dịch, có nghĩa là dịch sẽ giảm.

Đối với những F0 điều trị tại nhà cần có điều kiện gì, ông có khuyến cáo gì với việc điều trị các F0 tại nhà?

Bộ Y tế đã ra một khuyến cáo rất rõ ràng. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã soạn tờ rơi 6 trang khổ A4. Tất cả bệnh nhân cách ly tại nhà sẽ được phát tờ rơi đó và số điện thoại của trạm y tế lưu động dán trên tờ rơi, cùng với 1 gói thuốc có những thuốc thông thường để giảm sốt, bù nước điện giải, vitamin cho bệnh nhân. Với bệnh nhân có bệnh lý thì trên tờ rơi sẽ hướng dẫn đến đúng địa điểm và xử lý đúng tình huống.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Chính – Hoàng Giang thực hiện

Nguồn Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.