Cũng có thể là do... hên thật, mà cũng có thể người đó mới là người bệnh đầu tiên nhưng đã tự khỏi mà không hay biết. Đến khi người khác bị lây, có triệu chứng, đi xét nghiệm hay tình cờ được xét nghiệm, mới phát hiện ra.
Các đợt dịch trước, chúng ta từng nghe đến chuyện F1 âm tính mà F2 dương tính, có 2 khả năng: một là F2 đó thật ra là F1 của chuỗi lây khác, hai là F1 đó mới là F0 thực sự, lây cho người tưởng là F0 và người tưởng là F2 nhưng bản thân họ bệnh trước và khỏi rồi. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, khả năng đó càng cao.
Để có thể biết chắc chắn, chỉ có cách duy nhất là đi đến cơ sở y tế để lấy máu xét nghiệm kháng thể kháng COVID-19 (IgM/IgG) nhưng với điều kiện là bạn chưa chích vắc-xin, bởi người chích vắc-xin rồi thì trong máu cũng có kháng thể, không thể phân biệt.
Nhân viên y tế thăm khám cho người dân trước khi tiêm vắc-xin. Ảnh: Huế Xuân
Nếu đúng bạn là F0 đã tự khỏi bệnh thì có thể an tâm hơn mọi người, bởi kháng thể ở F0 đã khỏi bệnh còn mạnh hơn người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Tiếp tục ở nhà nghỉ ngơi, hoặc bạn có thể đi tình nguyện chống dịch, ở mọi mặt trận.
Có nhiều điều cần bàn qua việc có thể có nhiều người trong cộng đồng đã bệnh mà hết, không hay biết.
Thứ nhất, là lời nhắc nhở rằng người nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không thành bệnh nhân, tức F0 không có triệu chứng, vẫn rất nhiều (chiếm khoảng 60%-70%). Không có cách gì nhận diện được những F0 này, trừ xét nghiệm. Vì thế, cho dù không có triệu chứng gì mà bạn vẫn là người phải đi làm, đi ra ngoài trong giai đoạn giãn cách, đừng quên 5K để bảo vệ cộng đồng và bảo vệ chính người thân của bạn. Bởi bạn có thể vô tình mang bệnh về cho họ mà không hay, mà có thể họ không may mắn như bạn, trở thành ca có triệu chứng, thậm chí là bệnh nặng.
Thứ hai, không phải vì cả nhà, cả xóm bệnh mà mình thoát thì chủ quan, nếu bạn chưa xét nghiệm kháng thể hoặc bạn là người đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 nên không xét nghiệm phân biệt được. Có khi bạn... hên thiệt nên đến giờ vẫn thoát, chứ không phải đã từng bệnh, nên vẫn có nguy cơ trở thành ca bệnh và có khi là ca bệnh nặng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM)