Doanh nghiệp gặp khó cầu cứu: Hai câu chuyện từ Vinaxuki và Hoàng Anh Gia Lai

 17:54 | Thứ tư, 18/05/2016  0
Doanh nghiệp gặp khó cầu cứu: Hai câu chuyện từ Vinaxuki và Hoàng Anh Gia Lai

Ảnh minh họa.

Kêu cứu bao năm vẫn bị quay lưng

CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) là một minh chứng rõ ràng nhất cho việc: Không phải ai cũng được cứu.

Phải nói, về mặt lý tưởng, Vinaxuki là một trong số rất ít doanh nghiệp trong nước muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, hướng tới sản phẩm ô tô “Made in Vietnam”.  Doanh nghiệp từng mạnh dạn đầu tư vốn lớn vào những công đoạn sản xuất để nội địa hoá cho từng chiếc ô tô thay vì việc nhập khẩu.

Thế nhưng, kết quả hiện tại, doanh nghiệp trong tình trạng bết bát và nguy cơ cao dẫn đến phá sản.

Sự thất bại của doanh nghiệp này, một phần lớn không thể kể đến việc không được nhận hỗ trợ từ ngân hàng mặc dù Vinaxuki đã không ngớt kêu cứu trong suốt 4 năm qua.

Mặc dù thông tin nợ của Vinaxuki không được công bố cụ thể nhưng ở thời điểm 31/12/2012, dư nợ cả gốc và lãi của Vinaxuki tại các ngân hàng là khoảng 1.374 tỷ đồng. Trong đó, tại BIDV là 600 tỷ đồng, tại Vietinbank là 130 tỷ đồng, tại Vietcombank là 594 tỷ đồng. Số nợ đến cuối năm 2014 vừa qua tổng nợ của Vinaxuki lên đến hơn 1.600 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2013, Vinaxuki đã nhiều lần xin vay vốn ngân hàng, thậm chí đã cầu cứu lên Thủ tướng nhưng vẫn không vay được vốn.

Vinaxuki đã có văn bản đề nghị Thủ tướng và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho công ty vay gần 1.000 tỷ đồng để chuyển trả cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, kết quả vẫn là con số 0.

Vinaxuki từng được một số ngân hàng đánh giá cao hiệu quả hoạt động của công ty trong lĩnh vực sản xuất xe tải nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn 2003-2010. Tuy nhiên, lý do khiến hàng loạt ngân hàng từ chối “rót vốn” tiếp cho Vinaxuki là do doanh nghiệp này tiến hành đầu tư sang sản xuất xe tải nặng và khai thác mỏ - lĩnh vực yêu cầu vốn đầu tư lớn.

Thời điểm đó, đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, Vinaxuki là doanh nghiệp tư doanh, các cổ đông là thành viên của gia đình, phương án chiến lược phát triển không do Bộ Công thương phê duyệt do đó doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Các tổ chức tín dụng cho vay vốn tự thẩm định và tự chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định cho vay.

“Các ngân hàng thương mại đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinaxuki còn khó khăn, phương án sản xuất kinh doanh, trả nợ chưa khả thi nên việc tiếp tục cho Vinaxuki vay vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh khó thực hiện được”, NHNN cho biết.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Vinaxuki cho biết, năm 2013-2014, tài sản của Vinaxuki được kiểm toán định giá với giá trị gấp 2,5 lần vốn nhưng khi đề xuất vay ngân hàng không cho Vinaxuki vay.

“Đã 3 năm nay ngân hàng không cho Vinaxuki vay vì cho rằng đầu tư vào công nghệ hiện đại để cho vay không hợp với ngân hàng thương mại vì ngân hàng thương mại đi vay và cho vay ngắn hạn. Đề nghị Chính phủ cho Vinaxuki vay bằng tiền ngân hàng Phát triển nhưng ngân hàng phát triển lại phản hồi rằng Vinaxuki đã vay vốn ngân hàng thương mại cứ thế vay, với dự án nào mới ngân hàng phát triển sẽ xem xét cho vay sau. Ngân hàng thậm chí không nhận tài sản thế chấp vì cho rằng đây chỉ là điều kiện cần, không đủ và chỉ cho vay ngắn hạn”, ông Huyên nói.

Ưu ái đặc biệt hay cần phải "cứu"?

Trong khi nhiều doanh nghiệp trầy trật mãi với nợ ngân hàng, có khi còn bán hết tài sản trả nợ, lâm đến cảnh phá sản thì thông tin mới đây nhất cho biết NHNN đã có phương án xin ý kiến Chính phủ về việc tái cơ cấu các khoản nợ của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Theo một số nguồn tin của The Saigontimes, tờ trình này gồm có hai nội dung đáng chú ý. Thứ nhất, đề nghị giữ nguyên nhóm nợ đối với một số các khoản nợ quan trọng của HAGL đã được 11 ngân hàng thương mại cho vay đồng thời tái cơ cấu lãi suất cho các khoản nợ này. Thứ hai, đề nghị xem xét việc tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước đối với các ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho các khoản nợ trên.

Nếu Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc thì các ngân hàng chủ nợ và lãnh đạo NHNN sẽ họp lại tiếp theo để đưa ra các nội dung chi tiết và cụ thể về việc giãn nợ, tái cấp vốn và kế hoạch tái cơ cấu nợ cụ thể ở từng giai đoạn cho công ty.

Theo thông tin ban đầu, việc tái cơ cấu khoản nợ các ngân hàng đã cho vay được đề xuất theo hướng không chuyển nhóm nợ của HAG trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi suất. NHNN được đề nghị là đơn vị đầu mối cấp gói lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng chủ nợ của HAG. Lãi suất tái cấp vốn trong khoảng 6-6,5%/năm tùy thuộc vào lộ trình thu nợ của từng ngân hàng.

Nếu đề nghị này được thông qua, HAGL bớt áp lực về nợ, không những thế còn có thể tiếp tục được vay thêm tiền từ ngân hàng. Ngân hàng cũng không phải trích lập dự phòng cho nợ của HAGL.

Tuy nhiên cũng có ý kiến trái chiều cho rằng điều này tạo ra một tiền lệ xấu. Việc này được thông qua đồng nghĩa với việc dùng tiền ngân sách “hỗ trợ” doanh nghiệp và quan trọng hơn, không phải doanh nghiệp nào cũng được NHNN dang tay ra cứu như doanh nghiệp nhà “bầu” Đức.

Trên thực tế, số tiền mà HAGL đang nắm giữ của các ngân hàng đang ở mức rất cao, nợ phải trả tính đến cuối quý I/2016 ở mức 34.099 tỷ, trong đó nợ vay ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 9.620 tỷ và 18.486 tỷ.

Không chỉ "cứu" HAGL, các ngân hàng cũng đang tự cứu chính mình khi đưa ra kế sách này. “Nuôi nợ để thu hồi nợ” là cách các ngân hàng chọn lựa nhằm tìm kiếm sự thuận lợi trong việc thu hồi các khoản nợ cũ, tuy nhiên cũng phải nhìn vào khả năng hồi phục của doanh nghiệp mới có thể đưa ra lựa chọn này, vậy mới nói: Không phải ai cũng được cứu!

Theo Nguyên Minh - BizLive

» Ngân hàng Nhà nước chấp thuận 'cứu' bầu Đức

» Lợi nhuận Hoàng Anh Gia Lai giảm 77%, nợ vay vượt 28.000 tỷ

» HAGL: Tiền đâu trả nợ vay 3.198 tỷ đồng đến hạn năm 2016?

» Doanh nghiệp Việt quá yếu, và cần một “Chính phủ hành động”

» Doanh nghiệp có doanh thu dưới 500 tỷ/năm: Tiếp cận vốn rất khó, chi phí lại cao!

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.