Một sáng tháng 10.1991, nhạc sĩ Vũ Thành An đặt chân xuống phi trường Los Angeles. Đây là lần thứ hai ông xuất ngoại. Lần đầu cách đó gần hai mươi năm khi ông sang Hà Lan tham gia khóa tu nghiệp 6 tháng về sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình để về nhận nhiệm sở mới tại Đài phát thanh Sài Gòn. Còn lần này, ông sang định cư tại Hoa Kỳ.
Đầu tiên, ông chọn sống ở Orange County, California, nơi ông có nhiều người thân và bạn bè. Nhiều Đêm nhạc tình Vũ Thành An nhanh chóng được tổ chức và luôn hết vé. Khán giả nồng nhiệt chào đón tác giả của Những bài không tên sau hơn 16 năm bặt tin. Ông đã gặp lại các nhạc sĩ thế hệ đàn anh như Phạm Duy, Hoàng Trọng, Nhật Bằng..., những nhạc sĩ cùng thế hệ như Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Nam Lộc…
Buổi hội ngộ của nhạc sĩ Vũ Thành An với những người bạn hồi trung học giữa thập niên 1950, được thi sĩ Du Tử Lê, người bạn thân của ông ghi lại: “Tiếng hát trượt trên vầng trán khắc khoải nếp nhăn. Tiếng hát mang theo định mệnh riêng nó, và, định mệnh một thời. Tiếng hát, không còn cạnh sắc lóng lánh của những miểng thủy tinh cứa trên từng tấc thịt da nhuận tươi rung động tuổi trẻ. Nhưng tiếng hát cho lại quá khứ. Tiếng hát mang lại núi cao và sông rộng. Tiếng hát mang lại quê hương. Mang lại tổ quốc nghìn trùng. Cho lại những mái nhà đã bỏ. Những con đường đã tối. Những ước mơ đã lòa”.
Nhạc sĩ Vũ Thành An.
Vài tháng sau, ông nối lại hoạt động nghệ thuật sau gần hai mươi năm đứt quãng. Những bài không tên tiếp nối của Vũ Thành An trở lại với người yêu nhạc qua giọng hát Khánh Hà, Tuấn Ngọc. Một thời gian sau, cần không gian tĩnh lặng để lắng nghe trái tim mình, theo sự giới thiệu của bạn bè, ông đã chọn đến sống tại Portland, thành phố hoa hồng, bang Oregon, giữa năm 1992. Nơi đây ông có những người hàng xóm tốt bụng và làm bạn láng giềng với nhạc sĩ Từ Công Phụng. Ông được vào làm trong văn phòng luật sư người Việt nhờ tấm bằng cử nhân luật khoa Sài Gòn năm 1972. Công việc ổn định, ông có thời gian trầm lặng để suy tưởng về bản nhạc đời người.
Đời đá vàng - bản nhạc đời người
Nhớ lại một sáng Chủ nhật, hè 1996, tôi đến chơi nhà bạn. Bạn tôi lúc đó là cây bút chuyên viết văn nghệ cho vài tờ báo trong thành phố, bạn mời tôi đến chơi để cùng nghe CD nhạc mới. Chúng tôi đã nghe Một mình của Lam Phương. Nghe thêm vài bài nữa thì bạn nói: “Anh nghe kỹ bài này, lạ lắm”. Đoạn nhạc dạo đầu với tiếng trống định âm (timpani) rộn ràng như mở toang cánh cửa nhìn ra khoảng trời cao rộng, giai điệu viết quãng rộng, từ âm thấp chợt vút lên cao, dứt khoát nghe như khúc ouverture - khúc nhạc mở đầu của vở nhạc kịch.
Khi tiếng nhạc lắng lại giọng ca sĩ Khánh Hà cất lên: Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu… Giai điệu u uẩn quá, tôi chợt lặng người.
Nghe hết bản nhạc, bạn mới cho tôi xem bìa album Đời đá vàng do Khanh Ha Production cho ra mắt đầu năm 1996. Thật bất ngờ tác giả là Vũ Thành An, tôi nói bạn mở lại cho tôi nghe lần nữa. Vẫn tiết điệu boston nhưng lần này khác hẳn những bài không tên boston mà tác giả đã viết trước đó. Đời đá vàng viết ở nhịp 3/4 với âm ở phách thứ hai ngân dài, tạo nét đong đưa. Ở đoạn đầu, ta nghe như tiếng bước chân đơn độc của người lữ khách đôi lúc chợt dừng lại, nhìn quanh, tìm lối, rồi tiếp bước. Sang đoạn nhạc phát triển, giai điệu chợt vút cao, chao đảo, thảng thốt với những câu tự hỏi của tác giả.
Ở đoạn cuối, chủ đề chính tái hiện với niềm thương cảm, các câu hỏi như có lời giải đáp, giai điệu về kết trong sự bình yên. Đời đá vàng qua giọng hát thổn thức của Khánh Hà nhanh chóng được yêu thích. Tiếp theo sau, nhiều danh ca đã chọn Đời đá vàng để biểu diễn, thu âm và xem đây là thử thách.
Lần về Việt Nam ra mắt bút ký Chuyện tình không tên tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) vào tháng 8.2017, tác giả, nhạc sĩ Vũ Thành An đã chia sẻ: “Vào một sáng cuối tháng 12.1974, An đến Văn phòng Bộ Thông tin (Việt Nam Cộng hòa) trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu). Hôm đó, An thấy mấy vị cấp trên nói chuyện nhỏ giọng với vài người khách lạ, nét mặt rất khẩn thiết. An nghĩ: chắc tình hình chiến sự căng thẳng, không biết rồi chuyện gì sẽ xảy đến. Khi đó, An đứng ngoài hành lang nhìn thấy hình ảnh con thạch sùng dừng trên vách tường đang cố bò thẳng đứng lên trần nhà cao vợi. An chợt nghĩ về thân phận mình, mai sau rồi sẽ về đâu? Và một câu hát chợt vang lên: Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu. Đó là ý nhạc đầu tiên để từ đó An viết bài Đời đá vàng”.
Trong một chuyến đi dài, tôi được nghe tác giả Đời đá vàng bộc bạch. Sau sự việc sáng hôm đó, ông suy nghĩ nhiều về phận người và ý nhạc Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu cứ quay cuồng trong tâm trí, đã thôi thúc ông viết tiếp đoạn đầu: Ta tìm một tiếng yêu thấy toàn là sầu đau. Ước vọng ngày thơ ấu chưa xin được chút nào. Suốt đời còn ước ao, khát vọng còn cấu cào.
Khi tình hình chiến sự ngày càng dồn dập, căng thẳng, trong tâm trạng bất an, ông đã viết đoạn hai: Ôi thôi đời ta phung phí trong cơn buồn phiền. Ta xin tháng ngày rồi bình yên. Ô hay tại sao ta sống chốn này. Quay cuồng mãi hoài có gì vui? Bài hát đã dừng lại ở đấy, ông không viết thêm được nữa.
Đời đá vàng được viết ra bằng những trải nghiệm của chính cuộc đời tác giả. Ông đã suy niệm về phận người trong suốt 21 năm để viết nên tác phẩm. Đời đá vàng là bản nhạc đời người của nhạc sĩ Vũ Thành An.
Rồi biến cố tháng 4.1975 xảy đến, cuộc đời ông rẽ sang hướng khác. Ông đã trải qua 10 năm luân lạc, chịu bao mất mát. Ông luôn tự hỏi những câu hỏi triết học: Ta là ai? Tại sao đến nơi này? Ta phải làm gì? Rồi thời gian trôi đi, trôi mãi cho đến khi ông sống ở thành phố Portland. Những ngày ông được cùng người vợ thứ hai ngắm những tia nắng sớm trong bình minh, tay trong tay những đêm lạnh nhìn tuyết rơi trắng xóa hiên nhà, ông đã giải đáp được câu tự hỏi của ông bấy lâu nay. Ông cảm thương người vợ thứ hai, một góa phụ khi tuổi còn đương xuân, đơn độc, xuôi ngược giữa dòng đời cố nuôi dạy hai con suốt hơn 15 năm cho đến ngày gặp ông.
Hai mảnh đời gãy đổ nương tựa nhau chung sống, có được những ngày yên vui cùng người vợ đảm đang, ông đã viết tiếp đoạn cuối, hoàn thành bài hát năm 1995: Có một lần mất mát mới thương người đơn độc. Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu. Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về. Có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng. Ông giải thích thêm: “Đời đá vàng nguyên là Bài không tên số 40. Câu kết, Có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng chính là thông điệp tôi muốn gửi đến mọi người. Khi gặp nguy nan bạn đừng vội nản chí, bạn cố gắng sẽ vượt qua được. Và khi phải gánh chịu những đau đớn đến tột cùng mà bạn đứng lên được, lúc đó bạn sẽ hiểu hết ý nghĩa của cuộc sống, biết yêu quý cuộc sống”.
Đời đá vàng được viết ra bằng những trải nghiệm của chính cuộc đời tác giả. Ông đã suy niệm về phận người trong suốt 21 năm để viết nên tác phẩm. Đời đá vàng là bản nhạc đời người của nhạc sĩ Vũ Thành An.
Sau Đời đá vàng, nhạc sĩ Vũ Thành An tiếp tục thực hiện album Tình ơi giã biệt với lời tâm tình tác giả do chính ông đọc: “Và cho đến bây giờ, ở phía cuối đoạn đường của cuộc đời, anh muốn mời em nghe lại dòng nhạc trong chuỗi dài âm thanh anh đã viết cho em, dòng âm thanh yêu dấu của chúng ta. Những bài hát này như thay lời cảm ơn chân thành gửi đến em, người con gái mà anh yêu quý”. Đại từ Em tác giả dùng ở đây muốn nói đến những người bạn gái đã mang lại nguồn cảm hứng để ông viết nhạc, những khán thính giả yêu thích những bản tình ca của ông. Và giờ đây, tác giả xin giã biệt.
Nhạc sĩ Vũ Thành An hoàn thành Đời đá vàng và thực hiện album Tình ơi giã biệt như để chia tay với quãng đời thế tục, dọn mình để chuẩn bị bước vào quãng đời mới - quãng đời tu đạo. Cuối năm 1996, ông tuyên bố sẽ không sáng tác và hát những bài tình ca đôi lứa nữa. Tuyên bố đã làm những người yêu nhạc bất ngờ và tiếc nuối.
Bước chân người tu sĩ
Thuở ấu thơ, Vũ Thành An cùng gia đình sống ở vùng quê Hải Hậu, Nam Định. Cuối thập niên 1940, gia đình ông tản cư sang vùng lân cận, xứ Bùi Chu, sống chung với các giáo dân Công giáo. Ở đây một thời gian, cậu bé Vũ Thành An lúc đó mới lên sáu quen dần với tiếng chuông lễ ngân vang buổi sáng và tiếng cầu kinh mỗi tối. Đến tuổi mới lớn, người bạn gái đầu tiên đã chép bài Kinh kính mừng đưa ông, bắt phải thuộc mới nhận lời làm quen. Và ông đã thuộc bài kinh.
Sau khi đậu tú tài toàn phần năm 1963, Vũ Thành An được linh mục Trần Đức Huynh, hiệu trưởng Trường Trung học tư thục Hưng Đạo (nay là Trường THCS Chu Văn An, quận 1, TP.HCM) nhận vào dạy môn Việt Văn bậc trung học đệ nhất cấp để ông tiếp tục theo học luật khoa. Cuộc đời ông như có duyên thường gặp những tín đồ Công giáo và được họ giúp đỡ. Một lần bệnh nặng, ông đã khấn nguyện, nếu ông qua khỏi, ông sẽ tin vào Thiên chúa. Lời khấn nguyện đã được đáp lại, ông khỏi bệnh và trở thành tín đồ Công giáo.
Một lần nọ, tôi được ông thổ lộ: Những lần suy niệm về cuộc đời, ông thường nghĩ: có lẽ Chúa đã cho ông bước lên nhiều nấc thang danh vọng rồi lại kéo ông xuống tận sâu thẳm đáy vực như là sự thử thách. Nhiều đêm giữa không gian cô tịch, ông nghe như tiếng Chúa nói nhỏ vào tai: “Hãy bỏ tất cả mà theo Thầy”. Cứ như thế, ý nghĩ trở thành tu sĩ lớn dần trong tâm trí ông.
Phó tế Vũ Thành An đến chào và thăm hỏi sức khỏe Hồng y Nguyễn Văn Nhơn (áo trắng) tại Tòa Tổng giám mục Hà Nội năm 2010. Ảnh: TLTG
Dịp hè năm 1995, ông ghi danh tham dự khóa học của Hội Giáo lý tân biên tại Chicago do các vị chức sắc trong Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ giảng bài. Sau khóa học, ông chia sẻ ước muốn được đi tu với vợ. Vợ ông, người phụ nữ trung hậu, hiểu được tâm tình chồng, đã bằng lòng cho ước nguyện của ông. Cuối năm 1995, nhân ngày Lễ Tạ ơn, ông cùng vợ đến Nhà thờ Đức Mẹ La Vang (Portland, Oregon) gặp linh mục Vincent Cao Đăng Minh và xin ngài giới thiệu cho ông được tu học lớp đào tạo phó tế. Vị linh mục hiền từ đã chấp thuận, giới thiệu ông theo học tại Giáo phận Portland, Oregon vào đầu năm 1997 và còn giúp ông xin được học bổng.
Sau hai năm tu học, ông được chọn và chịu chức Đọc sách và Giúp lễ. Tiếp tục ba năm đèn sách và tu tập, ông đã hoàn thành chương trình cao học thần học. Trong thời gian này, ông bắt đầu viết Thánh vịnh Đáp ca, cho ra mắt ba CD Thánh ca với các chủ đề Teresa ơi, Con nâng hồn mình lên tới Chúa và Mẹ rất Thánh. Năm 2001, Vũ Thành An mở lại Đời đá vàng, viết thêm lời thứ hai cho đoạn thứ ba với đức tin của người Công giáo:
Xuống tận cùng dưới đáy mới thấy mênh mông rộng cõi trời
Hãy mở lòng chúng ta đón nhận biển tình yêu
Có nghìn lần tha thứ cũng chưa là ái từ
Hãy cảm tạ biết ơn có được đời đá vàng
Cuối cùng, ước nguyện của người tu sĩ Vũ Thành An đã được đền đáp, ông chịu chức phó tế ngày 23.11.2002. Chịu chức phó tế khi sắp bước sang tuổi 60, ông cảm thấy như được tái sinh. Ông thành lập Quỹ Teresa Charities Inc. với ước muốn phục vụ cộng đồng, thực hiện các sứ vụ bác ái, giúp gạo cho các cụ già neo đơn. Ông đã viết Ngày mai rồi mình cũng già, Hạt giống tình, Cơn mưa gạo… hát trong những buổi hoạt động bác ái. Ca khúc Ngày mai rồi mình cũng già dần trở nên phổ biến, nhiều ca sĩ trẻ đã chọn thu âm.
Gần đây, vào đầu tháng 8.2021, khi Sài Gòn đang oằn mình giữa đại dịch Covid-19, trong nỗi nhớ thương người thân, bạn bè ở quê nhà, trái tim người tu sĩ, người nhạc sĩ Vũ Thành An đã ứa lệ. Chỉ vài ba hôm, ông đã hoàn thành ca khúc Sài Gòn buồn, phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của tác giả Đỗ Vẫn Trọn. Sài Gòn buồn có giai điệu da diết, xót xa. Tác giả cảm thương thành phố nơi ông đã lớn lên, đầy ắp những kỷ niệm vui buồn phải gánh chịu nhiều mất mát.
Nhưng ông vẫn tin sức sống mạnh mẽ của người Sài Gòn và Sài Gòn sẽ nhanh chóng vượt qua, sớm trở lại những ngày tháng bình yên:
Sài Gòn của tôi, Sài Gòn của em,
Mong ước một ngày trở lại bình yên.
Hoàng Phương Anh