Hồi ức về Vũ Thành An: Nồi bánh chưng đầu tiên

 10:17 | Thứ ba, 16/02/2021  0
Căn nhà xưa vẫn còn đó, đợi chờ. Chúng tôi vẫn mơ về ngày Tết, tất cả anh chị em tôi lại cùng nhau sum họp đón giao thừa vui Xuân.

Một sáng tháng giêng năm 1985, có tiếng bước chân dồn dập từ đầu hẻm chạy vào và ngừng ngay trước nhà tôi. “Bà Bác ơi, chị Liễu ơi, anh An về rồi!”, tiếng chị hàng xóm gọi lớn. 

Tôi đang ở căn nhà đối diện vội mở cửa bước ra nhìn về phía đầu hẻm. Một người đàn ông cao dáng mảnh khảnh thong thả đi vào, tay phải xách chiếc túi simili nhỏ, trên vai khoác cây guitare gỗ lõm eo. Đúng là anh An rồi, anh Vũ Thành An. 

Mẹ tôi cũng vừa bước ra cửa, tay đang vòng quanh đuôi tóc cuộn thành búi ra phía sau. Anh bước nhanh tới cửa nhà, cúi người: “Thưa Mợ con mới về”. Mẹ tôi cười vui nói: “Con về sao không báo trước để em ra đón”. Anh cười đáp: “Dạ con muốn mọi người bất ngờ”. Mẹ tôi nói luôn: “Cậu con đang ở trên gác, con lên đi”. Anh “dạ” một tiếng rồi quay sang tôi hỏi: “Hoan khỏe không?”. “Dạ em khỏe ạ”. Tôi vừa đáp vừa đưa tay đỡ hành lý và cây đàn để anh lên thăm bố.

Bắt đầu một ngày, bố tôi tự pha cho mình ấm trà loãng đủ để át đi mùi thuốc khử trùng còn lẫn trong nước máy. Căn gác yên tĩnh, ăn chút quà sáng, uống trà, ông ngồi đọc những sách tiếng Việt, tiếng Pháp trong tủ sách riêng của ông. Hơn sáu năm nay khi phát hiện mắc căn bệnh hiểm nghèo, ông không dùng các loại thức uống có chất kích thích. Ở nhà, bố tôi bảo các con gọi là Cậu Mợ, giống như cách xưng hô của các nhân vật trong tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

Tôi bước lên gác mang cốc nước lọc cho anh. Tôi kịp thấy hình ảnh người đàn ông tóc điểm bạc đang quỳ phủ dài người lên đầu gối của người cha đã hao gầy, mái đầu bạc trắng. Chỉ nghe tiếng nấc nghẹn, đôi vai run run, không một lời. Hình như sự mong đợi đã quá lâu, chôn kín trong lòng và thời gian đủ để người nuôi giữ biết kiềm chế không lộ rõ, đúng như tính cách gia đình gốc Bắc, tình cảm giữ sâu, kín…

Nhạc sĩ Vũ Thành An tiếp tục sáng tác trong hạnh phúc được vui sống cùng gia đình, sau chuyến trở về từ Hà Tây năm 1985. Ảnh: TLTG


Thường ngày, đến 8 giờ là mẹ tôi đón xe buýt ra Ngã Bảy. Gần đó, mẹ có sạp nhỏ bán sandal, dép da, nhựa, em gái thứ chín của tôi đã ra từ lúc 6g dọn hàng sẵn chờ mẹ. Em gái út, thứ mười đang học lớp 12, các anh chị người đi dạy, người đi làm nên sau 8g ở nhà chỉ còn bố. Hôm nay, tôi làm ca chiều nên may mắn kịp gặp anh ngày trở về.

Một lúc sau, mẹ tôi bảo chở bà ra chợ mua thêm chút thức ăn. Sau khi đưa bà đi chợ, tôi đạp xe ra sạp hàng báo cho em gái biết anh An về. Rồi tiếp tục đến cơ quan báo cho các anh chị tranh thủ trưa về ăn cơm.

Đến 11g30 ba đứa con người chị thứ tư đi học về, biết chuyện chúng chạy ùa sang nhà ông ngoại để xem bác An có giống như mấy tấm ảnh chúng đã xem không. Khi bác đi xa, các cháu mới hai, ba tuổi nên chẳng ghi được gì trong ký ức. Các anh chị nghe tin, trưa là về ngay, riêng anh trai thứ bảy dạy thể dục bên Nhà Bè đến cuối tuần mới về. 

Bữa cơm thật ấm cúng. Chúng tôi phải xếp hai cái bàn mới đủ chỗ cho mười hai người. Mẹ tôi nấu những món đúng kiểu gia đình người Bắc. Thịt luộc, cà pháo, mắm tôm, canh cua rau đay (nhưng thật ra nấu bằng những chú cáy nhỏ xíu) và đĩa trứng cuộn. Mọi người vừa ăn vừa nghe anh kể chuyện: “Chuyến xe lửa Bắc-Nam anh về đến ga Hòa Hưng từ tinh mơ. Ra khỏi cổng sân ga có mấy anh mời đi xe ôm, anh cảm ơn và đi bộ tìm quán ven đường ngồi nhấm nháp cà phê. Anh thấy người người qua lại tất tả, mua bán nhộn nhịp. Anh bồi hồi nhớ tới không gian yên ả của La Pagode Café, đường Tự Do nơi anh thường đến ngày xưa. Đợi khi trời sáng hẳn, anh thả bộ, chỉ một quãng ngắn nữa thôi, 15 phút là về đến nhà”.

Đã rất lâu rồi, gia đình tôi mới có bữa trưa khá đủ người. Các cháu bảo nhau: hôm nay bà ngoại cho ăn đến bốn món! Thay vì mọi hôm chỉ có hai món, mặn và canh.

Di cư vào Nam năm 1954, sau khi di chuyển vài chỗ, đến năm 1960, gia đình tôi định cư trong hẻm nhỏ trên đường Trần Quý Cáp gần góc Lê Văn Duyệt (nay là Võ Văn Tần - Cách Mạng Tháng Tám). Ngôi nhà cấp bốn có gác gỗ. Sau đó vài năm, bố mẹ tôi mua thêm căn trệt đối diện để ba anh chị lớn ở. Khi anh An lập gia đình rồi ra riêng năm 1971, hai chị lớn cũng theo chồng, bố mẹ tôi quyết định để bốn cậu con trai liên tiếp sang ở từ đó. Giữa năm 1975, hai chị lớn, chồng phải đi xa nên dắt con về nhà ông bà ngoại.

Đến lúc này, đại gia đình tôi có mười bốn người chung sống trong hai căn nhà nhỏ. Ăn thì nhiều, ở có bao nhiêu. Cuối cùng, anh An xin Cậu cho ngủ trong căn nhà xưa. Căn nhà giờ đã khác rất nhiều, những tấm cách âm dán tường nay đã bong tróc, tường loang lổ, lưu dấu kỷ niệm xưa còn lại là tủ sách gia đình, trong đó vẫn còn vài quyển của anh.

Mấy ngày sau, ở nhà tìm mua được cho anh An chiếc xe đạp Hữu Nghị sơn màu xanh lá cây. Nhìn dáng cao lênh khênh của anh, đạp chiếc xe thấp bé trông rất ngộ nghĩnh, tôi nao nao nhớ lại những chiều Thứ bảy cách đây hơn mười năm. Anh về nhà bảo bốn em nhỏ thay quần áo đẹp rồi chở ra tiệm kem trên đường Lê Lợi bằng chiếc xe Ford cũng sơn màu xanh lá cây.

Họ hàng đến thăm, chúc mừng nói vui, Tết này Cậu Mợ phải tổ chức ăn khao thôi. Ngày xưa, đỗ đạt, lên chức là ăn khao. Nay sự trở về cũng đáng là dịp để ăn khao. Trong bữa cơm chiều, bố tôi nói với cả nhà: “Tết này không tổ chức ăn khao mà nhà ta sẽ tự nấu bánh chưng để biếu họ hàng và hàng xóm”. 

Từ ngày vào Nam, chưa bao giờ nhà tôi nấu bánh chưng. Tôi đã ăn nhiều món ngon quê Bắc do mẹ nấu nhưng chưa bao giờ nghe mẹ kể chuyện nấu bánh chưng ngày xưa. Thế là, mẹ tôi lấy giấy ngồi tính toán số lượng thực phẩm các loại cần mua, lá dong, lạt buộc... Bố thì bảo tôi lo chẻ củi đem phơi để chuẩn bị cho hôm nấu. Ông còn đưa tôi bản vẽ phác hình hộp đáy vuông 20cm, cao 10cm và nói: “Con xem và làm sớm hai chiếc bằng gỗ cho Cậu”. Tôi nhìn và đoán ngay đây là khuôn để gói bánh.

Sáng hôm sau, tôi vào xưởng làm ngay. Có khuôn rồi, ông cắt mấy miếng bìa mỏng giống hình lá dong rồi chỉ cho chị em tôi cách xếp lá đặt trong khuôn. Đến lúc này tôi mới hiểu tại sao ông quyết đoán tổ chức nấu bánh chưng. Trước khi đậu Thành chung, vào quân ngũ, khi còn ở quê nhà ông đã biết làm hết mọi công việc của nhà nông.

Ảnh: Minh Hoàng


Mọi việc chuẩn bị kỹ lưỡng. Đêm trước mẹ tôi phân việc mấy chị ngâm gạo, đãi đỗ, rửa lá, ướp thịt... Sáng cả nhà dậy sớm gói bánh, bố tôi đã hướng dẫn kỹ cách đặt lá, buộc dây lạt nên chỉ vài giờ là gói xong. Ngoài sân, anh em tôi kê gạch thẻ làm lò dã chiến. Nồi nấu mượn bạn bè, hẹn sáng mai trả sớm.

Mấy năm trước còn đi học, năm nào tôi cũng đến nhà bạn canh nồi bánh chưng Tết. Đêm khuya vắng lặng, ôm đàn hát: “Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại. Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về”(*) . Giờ anh tôi đã về, tôi ngồi nấu bánh ở nhà, cầm trên tay bản Một lần nào cho tôi gặp lại em, hôm trước anh mới viết tay tặng. Bài hát anh viết cuối năm 1974, ca sĩ Anh Khoa thu âm đầu tiên nhưng chưa kịp phát hành ấn bản in. Tôi lẩm nhẩm lời hát vừa nhớ về người bạn mới chia tay, không biết giờ này bạn đang lênh đênh nơi đâu, đã cập được bến bờ nào chưa! 

Trong niềm hạnh phúc được vui Tết cùng gia đình sau nhiều năm xa cách, anh An đã viết Mở cửa đón Xuân:

Mười năm chờ phút giây này
Thiên thu từ phút giây này
Hồn ta mở cửa đón xuân
Tình yêu đầy trái tim này

Mười hai tiếng, bánh đã đủ chín. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Bánh vớt ra treo lên giá sắt, bố mẹ tôi xem kỹ từng chiếc. May quá, không chiếc nào bị vỡ, lá xanh đẹp, nét mặt mọi người tràn đầy hạnh phúc. Mai anh em tôi đã có bánh mang đi biếu họ hàng theo danh sách bố ghi. Nhà chỉ giữ lại hai cặp bánh thắp hương cúng tổ tiên.

Giao thừa, mẹ tôi và mấy chị chuẩn bị bày mâm cúng. Mấy anh em trai ra trước cửa trò chuyện, mấy cháu nhỏ thập thò ở cửa nhìn mọi người, xa xa tiếng pháo lẹt đẹt nổ. Trong thời khắc trời đất giao hòa mọi người lắng lại, trầm tư với những niềm riêng. Tôi nhớ anh trai thứ sáu, tôi vẫn ngủ chung giường với anh lúc còn bé, anh mất đầu năm 1975 do tai nạn. Giá còn anh thì Tết này là Tết có tất cả anh chị em tôi cùng đón giao thừa.

Năm kế tiếp, anh trai thứ năm lấy vợ ra riêng, em gái thứ chín đi làm xa. Nhà tôi nấu bánh chưng thêm hai lần nữa rồi ngưng. Vài năm kế tiếp, ba anh chị tôi ra nước ngoài sinh sống. Giờ căn nhà xưa vẫn còn đó, đợi chờ. Chúng tôi vẫn mơ về ngày Tết, tất cả anh chị em tôi lại cùng nhau sum họp đón giao thừa vui Xuân. 

Hoàng Phương Anh

__________________

(*) Kỷ vật cho em, thơ Linh Phương, nhạc Phạm Duy.

** Bài viết đã đăng trên Giai phẩm Người Đô Thị Tết 2021

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.